Chỉ trong 2 tuần, Intel liên tiếp đón nhận 2 tin xấu
Cùng lúc họ bị tấn công trên cả hai mặt trận chính của mình, chip cho máy tính cá nhân và chip cho máy chủ.
Chỉ trong vòng 2 tuần ngắn ngủi gần đây, Intel đã liên tiếp nhận được 2 tin dữ. Đầu tiên là sự kiện ra mắt chip Ryzen 7 1800X của AMD, với mức giá chỉ bằng một nửa so với chip “nghìn đô” Intel Core i7-6900K, nhưng lại có hiệu năng cao hơn hẳn.
Im hơi bặt tiếng trên thị trường vi xử lý cho máy tính cá nhân nhiều năm nay, nhưng sự trở lại quá ấn tượng của AMD đã khiến Intel thực sự lo lắng. Thậm chí bộ phận PR của Intel đã gửi email đề nghị các phóng viên công nghệ gọi cho mình trước khi viết bài đánh giá về thế hệ bộ xử lý mới này của AMD.
Tin xấu từ thị trường PC
Rõ ràng, sự xuất hiện của AMD Ryzen 7 1800X với hiệu năng và mức giá ưu việt hơn hẳn Intel sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bộ vi xử lý của hãng, mà còn cả tên tuổi của đại gia công nghệ này. Việc người dùng cảm thấy mình như bị Intel móc túi trong nhiều năm qua khi phải mua các con chip với hiệu suất không tương xứng với mức giá ngất ngưởng của hãng, sẽ khiến họ gặp không ít khó khăn trong thời gian tới đây.
Sự xuất hiện của AMD Ryzen càng chồng chất thêm khó khăn cho mảng kinh doanh bộ vi xử lý cho máy tính cá nhân của Intel, khi trong suốt một thời gian dài vừa qua, thị trường PC toàn cầu vẫn hầu như dậm chân tại chỗ. Trong khi đó, mảng kinh doanh chip cho máy chủ, nơi đội tiếp thị của Intel vẫn tự hào tuyên bố về thị phần 98% của hãng, cũng đang bị lung lay nghiêm trọng với tuyên bố mới đây từ Microsoft.
Tin xấu từ thị trường chip cho máy chủ
Theo Microsoft, hệ điều hành máy chủ Windows Server giờ đã có thể chạy trên các chip ARM. Từ trước đến nay, hệ điều hành vốn là độc quyền của các chip x86, nhưng giờ ngày càng nhiều khách hàng mới đang cân nhắc các chip ARM cho việc chạy Windows Server.
Thông báo của người khổng lồ về phần mềm được đưa ra tại ngày mở màn của Hội nghị Open Compute Project ở Santa Clara, California. Tại hội nghị này, Qualcomm đã trình diễn con chip ARM Centriq 2400 của họ chạy trên một máy chủ 1U 48 lõi. Máy chủ này dựa trên thiết kế máy chủ thuộc dự án Project Olympus của Microsoft và chạy hệ điều hành Windows Server. Máy chủ này được thiết kế cho nền tảng đám mây Azure của Microsoft.
Bên cạnh đó, một liên minh hợp tác giữa Cavium và nhà sản xuất máy chủ Inventec cũng đã trình diễn một giá máy chủ dùng các chip máy chủ ThunderX2 ARMv8-A chạy được Windows Server. Bo mạch máy chủ của Cavium được thiết kế để có thể sử dụng trong các thiết kế máy chủ Project Olympus của Microsoft.
Các máy chủ không dùng chip x86 có thể sẽ rẻ hơn các hệ thống dùng chip Intel đắt đỏ và cho người mua quyền lực đáng kể để thương lượng về giá. Không những vậy, các chip máy chủ ARM từ Qualcomm và Cavium có độ tùy chỉnh cao với các mức độ khác nhau về I/O, băng thông và giao thức hỗ trợ. Hơn nữa, so với các chip x86 của Intel, các chip máy chủ ARM có mức tiêu thụ năng lượng thấp.
Thiết kế bo mạch trong Project Olympus.
Dù vậy, với đại đa số phần mềm được viết cho các chip máy chủ Intel, các công ty vẫn ngần ngại khi đầu tư hàng triệu USD để chuyển đổi từ hạ tầng đáng tin cậy với chip x86 của Intel sang kiến trúc ARM vẫn chưa được kiểm chứng về độ hiệu quả. Nhưng thiết kế máy chủ Project Olympus của Microsoft có thể giải quyết vấn đề này khi nó cho phép sử dụng và chuyển đổi dễ dàng giữa hai loại vi xử lý này.
Không những vậy, Microsoft cũng cho biết họ đang nỗ lực để port hoàn toàn một phiên bản Windows Server sang ARM. “Chúng tôi đã port được các hệ thống runtime và các thành phần trung gian, ngoài ra chúng tôi cũng đã port và đánh giá các ứng dụng, thường chạy trên các tải công việc này bên cạnh tải công việc năng suất.” Leendert van Doorn, một kỹ sư của Microsoft cho biết trên blog.
Không chỉ có Qualcomm và Cavium, nhiều nhà sản xuất chip ARM khác cũng quan tâm đến thị trường máy chủ màu mỡ này khi họ có mặt tại Hội nghị Open Compute vào thứ Tư này. Macom cũng giới thiệu chip X-Gene 3 cho các máy chủ, lưu trữ và thiết bị mạng lưới.
Thông số kỹ thuật của con chip này rất ấn tượng. Nó có 32 lõi, hỗ trợ cho bộ nhớ DDR4, và 42 luồng PCI-Express 3.0 cho phép trao đổi dữ liệu tốc độ cao. Nó cũng có bộ nhớ đệm L3 32MB cho tất cả các lõi và 256 KB bộ nhớ đệm cho mỗi 2 lõi với nhau. Con chip mới này của Macom sẽ bắt đầu đưa tới cho các nhà thử nghiệm trong tháng này, tuy nhiên công ty chưa công bố ngày xuất xưởng chính thức.
Trong quá khứ, các công ty khác như Dell hay Lenovo đã từng thảo luận về các máy chủ ARM nhưng họ đều thất bại trong việc đưa các hệ thống ổn định. Phần lớn các máy chủ web chạy Linux và ARM đã thất bại trong việc đột phá vào thị trường này khi thiếu phần mềm và vấp phải các nghi ngờ về hiệu suất. Đối với những máy chủ Linux, hiện chip Intel Xeon hiện vẫn đang giữ ngôi đầu về tốc độ.
Hơn nữa, các chip ARM và Windows Server mới chỉ là những người chơi nhỏ trên thị trường máy chủ. Do vậy, có thể Intel sẽ tạm yên tâm trong một thời gian nữa để tìm cách phản công. Năm 2011, khi chip máy chủ ARM lần đầu xuất hiện trên thị trường, Intel sau đó đã tung ra các chip Atom năng lượng thấp cho các microserver để đối đầu với mối đe dọa mới.
Tham khảo PCWorld
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI