Chiếc điện thoại đã khiến tình yêu game PC của tôi nguội lạnh như thế nào
Cuộc sống thay đổi đã khiến tôi phải nhận ra rằng, chiếc smartphone mà tôi từng coi rẻ lại có thể là chìa khóa để tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê game.
Với tôi, đi kèm mỗi bước tiến trong sự nghiệp là một sự thật không mấy dễ chịu: thời gian dành cho đam mê sẽ ngày một ít dần. Tôi vẫn còn nhớ ngày trước, tiền đi làm thêm bao giờ cũng dành dụm để nâng cấp cấu hình PC, để mua game... Thời gian cuối tuần là thời gian để say mê đi theo từng chương trong cốt truyện ở ngay góc nhìn của người thứ nhất.
Thú vui biến mất
Đến giờ tôi hiếm khi nào có nổi 1 giờ đồng hồ dành cho mình. Có những tối vội vã chuẩn bị file PPT để mai họp với sếp, có những ngày sau khi đóng dự án thành công về nhà chỉ muốn nghe nhạc thư giãn. Những kỳ nghỉ lễ, chỉ muốn rủ bạn bè lên hồ ngồi... thở mà thôi.
Thế rồi, đến kỳ nghỉ cuối năm vừa rồi, khi "quyết tâm" bắt đầu chơi mấy game "đỉnh" mới mua trong kỳ Winter Sale, tôi lại phát hiện ra một sự thật không kém phần quan trọng: tình yêu PC gaming của mình có lẽ đã chết thật rồi!
Ôi, thú vui mà không biết bao giờ tôi mới có thể theo đuổi trở lại...
Vì sao ư? Bao nhiêu lâu nay, tôi đã có lựa chọn thay thế để vẫn có thể yêu game mà không cần chơi game "nghiêm túc": chiếc smartphone.
Xem thay vì chơi
Theo nhiều cách, chiếc smartphone là cách duy nhất để tôi "chạm" vào game. Không có thời gian để chơi, mỗi lúc rảnh tôi lại bật YouTube Gaming hay Twitch để xem các vlogger đình đám vừa chơi game vừa chọc cười (hay... bàn thế sự).
Đến khi thực sự vào chơi game, tôi mới nhận ra rằng trải nghiệm tự chơi game trên laptop của mình... tệ hơn trải nghiệm xem stream game trên điện thoại. Các game thủ/vlogger chuyên nghiệp thì có máy tính nghìn đô, tôi thì chỉ có thể chơi bằng laptop. Stream thì có thể tắt bất cứ lúc nào, còn tự mình chơi game đa người chơi (multiplayer) thì tắt sẽ bị trừ điểm, chơi game đơn thì phải cố đi đến chỗ save mới tắt game.
Di động: cách để "sống" trong game mà không cần phải... chơi game.
Quan trọng nhất, làm gì có laptop nào có màn hình AMOLED? Làm sao mà laptop của tôi có thể đạt đến độ phân giải QHD khi chỉ phần cứng PC có thể chạm ngưỡng 60fps trên 1080p cũng đã đắt đỏ lắm rồi?
Quả thật, từ màu sắc rực rỡ trên màn hình điện thoại chuyển sang tấm màn IPS kém cỏi của chiếc laptop này là cả một sự khó chịu. Tôi cảm thấy như bao nhiêu sức sống, bao nhiêu cảm giác "đắm chìm" trong thế giới game bỗng dưng biến mất.
Sự thay thế vừa đủ
Khi đã buộc phải chấp nhận sự thật rằng chiếc điện thoại sẽ là cách duy nhất để tôi có thể chạm tay vào thế giới game, tôi lại đặt ra câu hỏi: liệu game di động đã đủ phát triển để thay thế cho game PC – ít nhất là với một kẻ không đủ đam mê (và kinh phí) dành cho PC như tôi?
Một lần nữa, sự thật lại khiến tôi bất ngờ.
Đồ họa di động không thể bằng PC, nhưng cũng không còn quá tệ hại nữa.
Bất ngờ đầu tiên: sau 10 năm phát triển, hiệu năng di động đã không còn gắn liền với hai chữ "chậm giật". Nếu so sánh về số nhân, xung nhịp hay dung lượng RAM, những chiếc smartphone Android đầu bảng như Galaxy Note9 hay Mate 20 Pro không hề thua kém các mẫu PC phổ biến trên thị trường. iPhone thậm chí còn mạnh hơn thế. Đồ họa game di động trên các game "đỉnh" như Fortnite hay Vainglory đã đạt đến mức độ ấn tượng không kém gì game PC (và console) cách đây 5 năm, khi tôi vẫn còn là sinh viên và vẫn còn đang mải mê hóng từng "mùa" game đến gần.
Bất ngờ tiếp theo nằm ở mức độ thoải mái khi chơi game. Game di động có lợi thế đặc biệt là thường ngắn và dễ chơi dễ dừng hơn game trên PC/console. Đây là sự khác biệt quan trọng nhất, bởi đơn giản là nó phù hợp với "nhịp sống" của tôi lúc này.
Không đòi hỏi đầu tư
Dĩ nhiên, nếu có điều kiện, tôi sẽ bỏ ra hàng chục triệu đồng để sắm cho mình một cỗ máy PC thật "xịn" để tận hưởng game cho đã. Nhưng sự thật là tôi chưa dư dả đến mức vậy - và kể cả nếu có dư dả đến mấy, tôi cũng sẽ không bỏ ra hàng chục triệu đồng cho một thú vui chỉ có thể tận hưởng trong vài phút ít ỏi mỗi ngày.
Một giấc mơ đắt đỏ và... không bắt buộc.
Trớ trêu thay, smartphone lại là khoản đầu tư hợp lý hơn. Trong cuộc sống ngày nay, smartphone đã trở thành vật dụng không thể thiếu cho cả cuộc sống, cả công việc và các mối quan hệ. Tận dụng thứ đồ bắt buộc phải mua này để thỏa mãn (phần nào) cơn nghiền game vẫn hơn là bỏ ra cả đống tiền cho một thú vui mà tôi không thể nào theo đuổi được nữa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI