Chiếc iPhone 7 sẽ là nạn nhân của một truyền thống không mấy dễ chịu từ Apple
Kể cả trong trường hợp các thông tin về chiếc “iPhone 7” ra mắt với thân hình tái chế của iPhone 6s là SAI sự thật thì các iFan vẫn còn một mối lo khác. Bạn có biết cầm điện thoại... đúng cách hay không?
Phần lớn các tin đồn rò rỉ tại thời điểm này đều cho rằng mẫu iPhone của năm nay sẽ sử dụng lại thân hình gần như giống hệt iPhone 6 và iPhone 6s với thay đổi duy nhất là dải anten lượn theo viền máy thay vì đi ngang thân máy như trước. Nếu đúng sự thật, đây sẽ là một bước đi gây tranh cãi gay gắt của Apple, bởi thiết kế luôn luôn là một trong những điểm nhấn của iPhone và iFan cũng đã quen với mô hình xen kẽ “thiết kế mới, cấu hình mới” của Táo trong suốt 8 năm qua.
Thế nhưng, nếu như tin đồn nói trên là sai sự thật và mẫu iPhone 7 năm nay sẽ là... iPhone 7 thực thụ chứ không phải là “iPhone 6s II”, các iFan sẽ lại phải đối đầu với một vấn đề khác.
Hãy cùng điểm lại 3 thế hệ “iPhone không S” gần đây nhất của Táo.
Năm 2010, iPhone 4 ra đời và đánh dấu bước trưởng thành của iPhone về mặt thiết kế. Các đường nét tròn trịa thừa hưởng từ iPod đã bị loại bỏ gần như hoàn toàn để tạo ra một mẫu điện thoại phẳng phiu, mỏng manh (so với thời điểm đó) toát lên nét quý phái.
Bạn có biết cầm iPhone 4 đúng cách?
Trớ trêu là thiết kế quý phái này lại đi cùng với một lỗi không mấy dễ chịu: mất sóng di động vì... cầm sai cách! Trong năm đầu tiên chuyển lên thiết kế hai mặt kính, Steve Jobs, Jony Ive và đội ngũ phần cứng của Apple không hiểu vì lý do gì lại đặt anten thu sóng vào vị trí rất có thể bị người dùng cầm phải khi nghe điện thoại.
Kết quả là Apple phải vội vã tổ chức một chương trình chữa cháy trong đó 3 nhà lãnh đạo cao cấp Steve Jobs, Tim Cook và chuyên gia phần cứng Bob Mansfield chỉ cho người dùng thấy cách... cầm iPhone 4 hợp lý nhất. Ít lâu sau, lãnh đạo bộ phận phần cứng lúc đó của Mark Papermaster mất ghế vào tay Bob Mansfield và những chiếc iPhone 4 gây lỗi người dùng vẫn được bán ra trong vòng 2 tháng tiếp theo rồi mới được sửa đổi.
iPhone 5 thì sao? Vụ việc đình đám nhất liên quan tới iPhone 5 là “scuffgate” theo đó nhiều người dùng phàn nàn rằng chiếc iPhone của họ rất bị dễ xước vỏ và xước viền sau một thời gian sử dụng. Nhiều người cho rằng đây là lỗi của chất liệu nhôm, nhưng tại sao khi thiết kế ra mẫu smartphone vỏ nhôm đầu tiên của mình, Apple lại không dự tính trước sự thật hiển nhiên là lớp sơn trên bề mặt nhôm rất dễ bong tróc?
Ngoài lỗi nói trên, iPhone 5 còn một số lỗi nhỏ nhặt khác bao gồm ảnh chụp ngả tím hơi rõ và màn hình hở sáng (ảnh hưởng tới cả một số mẫu máy Mac). Nhưng trớ trêu là 2 vấn đề trầm trọng nhất của iPhone 5 không phát huy tác hại ngay trong những tháng đầu tiên từ ngày phát hành. Đến tận thời điểm cuối tháng 4/2014, Apple mới lên tiếng thừa nhận nhiều mẫu iPhone 5 sản xuất trước thời điểm tháng 3/2013 có thể đã bị liệt nút nguồn và mở chương trình thay thế miễn phí cho người dùng.
Chỉ vài tháng sau đó, Apple lại tiếp tục công bố pin iPhone 5 bị lỗi và mở chương trình thay pin cho các mẫu máy bán ra từ tháng 9/2012 đến tháng 1/2013. Nếu bạn đã từng phải sạc iPhone 5 quá nhiều lần thì lý do không chỉ là vì pin có dung lượng thấp mà đúng là vì... lỗi thật.
Thế hệ iPhone 6/6 Plus ra mắt vào năm 2014 mới thật là thảm họa về lỗi (dù rằng doanh số của chúng vẫn đủ để đưa Apple lên đỉnh cao về giá trị vốn hóa). Nổi đình nổi đám nhất là Bendgate, vụ scandal xung quanh hiện tượng iPhone 6 Plus (và ở một mức độ ít hơn là iPhone 6) rất dễ bị bẻ cong ngay cả trong những trường hợp sử dụng bình thường như... đặt điện thoại vào túi quần.
Không dừng lại ở đây, iPhone 6 Plus còn gặp lỗi camera nhòe, rung hình do đây là module đầu tiên tích hợp công nghệ chống rung quang học OIS. Đàn em iPhone 6 không bị lỗi tương tự (do không có OIS) nhưng lại dễ bị... lệch camera tự sướng theo lời phàn nàn của nhiều thành viên các diễn đàn Reddit, MacRumors và iFixit.
Không kém phần khó chịu là lỗi màn hình dễ bị xước dăm. Trong khi màn hình chắc chắn sẽ xước nếu người dùng không biết giữ gìn, hiện tượng màn hình xước dăm quá sớm, quá trầm trọng như của iPhone 6/6 Plus có vẻ là hệ quả của vụ lùm xùm giữa Apple và nhà cung ứng màn hình sapphire GT Advanced Technologies. Khi không còn sử dụng Gorilla của Corning và kế hoạch GT đã phá sản, Apple đã tự thiết kế ra một loại kính bảo vệ chất lượng kém để cung cấp cho iPhone 6 và 6 Plus. Theo phàn nàn của nhiều người dùng, phần tiếp xúc giữa lớp phủ màn với điện thoại cũng không tốt khiến nhiều người dùng bị... bứt tóc khi sử dụng 2 mẫu iPhone màn lớn đầu tiên.
Bạn nghĩ danh sách lỗi của iPhone 6/6 Plus đã kết thúc ư? Các model 64GB và 128GB của iPhone 6 bị than phiền là có hiệu năng kém hơn hẳn các bản bộ nhớ thấp hơn. Vấn đề sau đó được phát hiện là bởi loại chip NAND dùng trên model này sử dụng một công nghệ rẻ tiền (và do đó có chất lượng kém hơn hẳn các model dung lượng thấp).
Nói một cách công bằng, hiện tượng phát sinh nhiều lỗi khi mới ra mắt không phải là hiếm gặp ở cả những chiếc iPhone S lẫn những chiếc smartphone không mang thương hiệu Táo. Ví dụ, chiếc Nexus 6P và Galaxy S6 edge cũng có “Bendgate” riêng khi đều bị bẻ cong dễ dàng, hay iPhone 5s ra mắt được ít lâu đã bị lỗi loạn GPS dẫn đến không nhận đúng vị trí.
Song, sự thật ở đây là phần đông các lỗi phần cứng không thể giải quyết bằng cách nào khác ngoại trừ mang ra hàng sửa đều thuộc về các thế hệ iPhone tiên phong cho thiết kế mới. Rõ ràng là khi tạo ra một lớp vỏ mới cho iPhone 4 hoặc iPhone 6 Plus thì Apple cần phải sắp xếp lại kết cấu/vị trí của các linh kiện bên trong, và các lỗi ngớ ngẩn sẽ nảy sinh từ đây. Apple đã đặt sai vị trí cho anten của iPhone 4 và cũng đã không thể nghĩ ra rằng một mẫu smartphone bản to nhưng mỏng manh như iPhone 6 Plus rất dễ bị uốn cong.
Những lỗi này thường sẽ được giải quyết trong vòng vài tháng sau khi thiết kế mới ra đời và các thế hệ S ít nhất sẽ không mắc phải những sai sót tầm cỡ Antennagate hay Bendgate nữa. Rất, rất nhiều lỗi trên iPhone S có thể được giải quyết bằng cập nhật phần mềm, bao gồm lỗi GPS của iPhone 5s được chúng tôi đề cập phía trên.
Quy luật lặp đi lặp lại này cho thấy một sự thật rằng trong năm nay, hoặc là iFan sẽ phải đón nhận một mẫu iPhone nhàm chán hoặc là sẽ phải đối mặt với một (vài) lỗi phần cứng trầm trọng.
Quả là một sự thật không mấy dễ chịu cho năm xuống dốc đầu tiên của iPhone.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"