Chiến lược ‘Tại Trung Quốc, vì Trung Quốc’ của Volkswagen: Tuyển thêm gần 3.000 kỹ sư, nhà máy mới đặt mục tiêu làm 350.000 xe điện mỗi năm
Volkswagen đang tăng gấp đôi hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới và cũng là lớn nhất của Volkswagen.
Con robot màu cam nổi bật xuất hiện trên dây chuyền lắp ráp ô tô điện mới của Volkswagen tại miền trung Trung Quốc. Nó được nhập khẩu từ Đức, trong khi 1.074 con robot khác của nhà máy được sản xuất tại Thượng Hải.
Sau nhiều thập kỷ dựa vào các kỹ sư Đức, Volkswagen bắt đầu tuyển dụng đội ngũ gần 3.000 kỹ sư Trung Quốc tới làm việc cho khu phức hợp công nghiệp ở Hợp Phì, một thành phố ở miền trung. Chiến lược mới với tên gọi “Tại Trung Quốc, vì Trung Quốc” chính là chỉ báo cho thấy vị thế dẫn đầu thị trường xe điện của đại lục đã tác động lên Volkswagen như thế nào.
Volkswagen đang tăng gấp đôi hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới và cũng là lớn nhất của Volkswagen. Mục tiêu là bắt kịp tốc độ và hiệu suất của các nhà sản xuất ô tô điện ‘cây nhà lá vườn’ vốn đang chiếm thị phần ngày càng tăng trên thị trường.
Giới chức thành phố Trung Quốc đổ rất nhiều tiền vào các nhà sản xuất ô tô điện. Nhà máy mới cùng tốc độ tăng doanh số chóng mặt dẫn đến tình trạng dư thừa công suất, từ đó gián tiếp tạo ra cuộc chiến giá cả. Volkswagen muốn cắt giảm chi phí để đảm bảo xe điện của mình đủ sức cạnh tranh. Kế hoạch sản xuất mẫu xe thể thao đa dụng Tavascan mới tại Hợp Phì theo đó ra đời.
“Tất cả chúng ta đều biết việc kiếm tiền từ ô tô điện khó khăn như thế nào”, Ralf Brandstätter, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành VW tại Trung Quốc, nói và cho biết nhu cầu ‘thắt lưng buộc bụng’ lớn đến mức hãng phải cắt giảm một cách đau đớn hoạt động tại Đức – quốc gia nơi công ty từng là trụ cột của cả ngành công nghiệp từ những năm 1930.
Volkswagen đang tìm cách thu hẹp lực lượng lao động tốn kém cũng như cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất phụ tùng ô tô tại châu Âu. Theo giám đốc điều hành, động thái này nằm trong kế hoạch cắt giảm chi phí toàn cầu trị giá 10 tỷ euro, tương đương 10,9 tỷ USD của VW, bắt đầu vào đầu năm nay.
“Để tăng hiệu quả, chúng tôi phải giảm lực lượng lao động”, Oliver Blume, giám đốc điều hành của Volkswagen, nói và cho biết điều này có thể gây ra cú sốc kép cho Đức - nơi ngành công nghiệp ô tô vốn là trụ cột của nền kinh tế và tạo ra gần 800.000 việc làm. Các nhà phân tích trong ngành dự đoán việc chuyển sang sử dụng xe điện, loại xe lắp ráp đơn giản hơn so với ô tô chạy bằng xăng, sẽ khiến con số trên giảm 12%.
VW xây dựng các cơ sở sản xuất xe điện mới ở Trung Quốc thay vì chuyển đổi nhà máy hiện có. Các nhà máy của BYD, Nio và VW ở Hợp Phì được coi là một trong những nhà máy hiện đại và tự động hóa cao nhất thế giới.
Mùa hè năm ngoái, Volkswagen đã mua lại 4,9% cổ phần của Xiaopeng, một nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc chuyên về thiết bị điện tử trên bảng điều khiển. VW hiện cũng đang thay thế các nhà sản xuất phụ tùng châu Âu để phù hợp với chiến lược kinh doanh.
Theo Bill Russo, chuyên gia tư vấn ngành ô tô điện ở Thượng Hải, động thái của Volkswagen phản ánh một thực tế đau đớn rằng các hãng ô tô truyền thống đang quá choáng ngợp trước sự chuyển đổi nhanh chóng của Trung Quốc. Sự thành công của các nhà sản xuất ô tô đại lục khiến thương hiệu xe ngoại ‘sốt vó’.
Ô tô điện chiếm hơn 30% thị trường ô tô Trung Quốc, tăng từ mức 5% cách đây 3 năm. VW kỳ vọng đến năm 2025, một nửa số xe bán ra ở Trung Quốc sẽ là xe điện.
Volkswagen từ lâu đã dẫn đầu thị trường xe xăng ở Trung Quốc nhờ hai liên doanh lớn với các công ty nhà nước. Tuy nhiên nếu xét đến xe điện, hãng này chỉ bán được chưa đến 3%.
VW đang chạy đua để bắt kịp. Nhà máy mới của hãng ở Hợp Phì được thiết kế nhằm sản xuất 350.000 ô tô mỗi năm, nhiều hơn quy mô tiêu chuẩn của ngành là 250.000. Các tòa nhà đang nhanh chóng được xây dựng để có thể lắp đặt thêm thiết bị mới.
Xây dựng nhà máy mới thay vì chuyển đổi nhà máy hiện có mang lại lợi thế lớn cho Volkswagen. Bắt đầu từ những năm 1980 khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa cho đầu tư ô tô nước ngoài, Bắc Kinh đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô nước ngoài lắp ráp ô tô xăng thông qua liên doanh thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, với xe điện, mọi quy định được miễn trừ. Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài được phép sở hữu toàn bộ các nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô.
Theo Canalys, Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới với 5,9 triệu chiếc bán ra vào năm 2022, tức chiếm 59% lượng ô tô bán ra trên toàn cầu. Các thương hiệu nội địa chiếm 81%, trong đó dẫn đầu là BYD, Wuling, Chery, Changan và GAC.
“Các thương hiệu nội địa Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường trong việc phát triển và triển khai hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến, tận dụng lợi thế trong lĩnh vực xe điện”, đại diện Canalys nói. “Những thương hiệu này có lợi thế hơn so với các liên doanh khác trong việc lập kế hoạch triển khai hệ thống lái xe thông minh”.
Điều này đã thôi thúc VW hành động. Hãng này trước đó cam kết đầu tư 700 triệu USD vào Xpeng để đổi lấy 4,99% cổ phần. Ralf Brandstätter, thành viên hội đồng quản trị Volkswagen AG tại Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi hiện đang đẩy nhanh việc mở rộng danh mục đầu tư tại địa phương và chuẩn bị cho bước đổi mới tiếp theo”.
Được biết, Volkswagen và Xpeng sẽ đồng phát triển 2 mẫu xe điện mới tích hợp phần mềm hỗ trợ người lái tiên tiến. Chúng dự kiến ra mắt thị trường vào năm 2026.
“Tầm quan trọng của Trung Quốc là hoàn toàn khác biệt so với những thị trường khác trên thế giới”, CEO Oliver Blume của Volkswagen thừa nhận.
Theo: FT
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời