Chính Hyundai và Hàn Quốc đang giết chết những startup xe tiềm năng của mình

    quang phong, theo trí thức trẻ 

    Khi Choi Ba-da chào mời Hyundai mua lại ứng dụng đi nhờ xe Luxi của mình vào năm ngoái, ông đã thẳng thắn chia sẻ với đại gia Hàn Quốc này rằng họ cũng như các hãng xe hàng đầu khác sẽ không thể thành công nếu không biết tiếp cận các công nghệ hiện đại mới.

    Sau đó, Hyundai đã đồng ý bỏ ra 5 triệu USD mua lại 12% cổ phần của Luxi – khoản đầu tư đầu tiên của họ vào một ứng dụng đi nhờ xe. Động thái này có phần khá muộn màng khi xét tới việc những ứng dụng kiểu này đã trở nên phổ biến từ khá lâu về trước.

    Tuy nhiên, chỉ đúng nửa năm sau, Hyundai lại bán đi số cổ phần nói trên sau khi hàng ngàn tài xế taxi tổ chức biểu tình tại Hàn Quốc và đe dọa tẩy chay xe Hyundai. Về phần mình, thương hiệu Hàn Quốc biện bạch rằng họ "mệt mỏi" vì những luật lệ giới hạn liên quan tới mảng đi nhờ xe này.

    Chính Hyundai và Hàn Quốc đang giết chết những startup xe tiềm năng của mình - Ảnh 1.

    Những cuộc biểu tình của tài xế taxi truyền thống ở Hàn Quốc đã lên tới đỉnh điểm.

    Cuộc chia tay giữa Hyundai và Luxi cho thấy một điều: luật lệ hà khắc, các công đoàn giàu quyền lực và văn hóa "ngại rủi ro" của các đại gia chaebol Hàn Quốc chính là trở ngại lớn nhất cho các startup mong muốn tìm chỗ đứng tại nền kinh tế xếp thứ 4 châu Á.

    Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng cho rằng mô hình kinh doanh đã tồn tại hàng thập kỷ qua với ví dụ rõ ràng nhất là các đại gia xuất khẩu như Hyundai hay Samsung đã tới ngưỡng cực hạn của mình và bắt đầu thể hiện khuyết điểm trước sự cạnh tranh gắt gao của người Trung Quốc lẫn chi phí nhân công ngày càng đắt đỏ.

    Một bộ riêng chuyên trách hỗ trợ các startup công nghệ ở những lĩnh vực ô tô, tàu thuyền và điện tử đã được Hàn Quốc thành lập trong năm ngoái để thúc đẩy hướng đi mới. Tuy nhiên, chính quyền nước này vẫn chậm chân trong việc gỡ bỏ những hàng rào luật pháp ngăn cản các đối tượng trên mà nguyên nhân không đâu khác là sợ làm mất lòng các chaebol quyền lực (và phần nào đó là làm đảo lộn trật tự nền kinh tế hiện giờ).

    Chính Hyundai và Hàn Quốc đang giết chết những startup xe tiềm năng của mình - Ảnh 2.

    Kết quả là dù sở hữu hình ảnh tân tiến thuộc dạng nhất nhì châu Á, Hàn Quốc lại khiến các công nghệ mới rất khó tìm được đường sống ở khu vực này.

    Chia sẻ với Reuters, phía Hyundai trần tình rằng mô hình của Luxi không phù hợp với đường lối công ty, đồng thời luật lệ Hàn Quốc cấm các xe kinh doanh dịch vụ đi nhờ vận hành ở các khung giờ cao điểm cũng là một nguyên nhân khác. Thay vào đó, họ quyết định thử vận may ở bên ngoài khi đầu tư 275 triệu USD vào Grab trong năm nay.

    Thực chất, chia sẻ của Hyundai không hề sai. Theo ước tính của Reuters dựa theo nghiên cứu của Google Campus Seoul và quỹ Asan Nanum, 70 trong số 100 startup hàng đầu toàn cầu không có cửa thâm nhập thị trường Hàn Quốc vì luật lệ cổ hủ của đất nước này trong đó bao gồm những tên tuổi thuộc top đầu như Uber hay Airbnb.

    Hồi tháng 2 năm nay, Luxi được công ty ứng dụng nhắn tin hàng đầu Hàn Quốc là Kakao Corp mua lại với giá 25 triệu USD nhưng đã 10 tháng trôi qua và họ vẫn chưa thể triển khai hoạt động vì chưa được dỡ bỏ hàng rào luật lệ, chưa kể sự phản đối tới từ cánh taxi truyền thống. Trong khi đó, Bộ Giao thông Hàn Quốc từ chối bình luận về vấn đề này – thể hiện thái độ làm ngơ trước sự cầu khẩn từ Luxi.

    Chính Hyundai và Hàn Quốc đang giết chết những startup xe tiềm năng của mình - Ảnh 3.

    Các startup của Hàn Quốc nên tìm cách vùng vẫy ngoài biển lớn thay vì cố gắng tìm chỗ đứng ở sân nhà.

    Cũng chính vì luật lệ giới hạn mà các quỹ đầu tư lớn không thể tham gia vào các lĩnh vực tài chính, bất động sản, dịch vụ nhà ở và nhà hàng tại Hàn Quốc. Đây là một vấn đề "đã được tính tới" bởi chính quyền Hàn Quốc nhưng chính họ thừa nhận rằng không thể giải quyết dễ dàng và nhanh chóng.

    Giải pháp cho các startup, theo Reuters, có 2 cách. Cách đầu tiên và gần như bất khả thi là IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên tới công chúng). Nói như vậy là bởi khác với các startup tới từ thung lũng Silicon, startup Hàn Quốc mất trung bình 12 năm mới có thể IPO – gần gấp đôi số thời gian cần thiết của đối thủ ở bên kia bờ đại dương.

    Cách còn lại và cũng được khuyến cáo hơn cả là rút lui khỏi Hàn Quốc và tìm cơ hội ở những thị trường khác – giải pháp nghe có vẻ tiêu cực nhưng thực tế lại có hiệu quả nhất. Như Seo Seung-woo, giáo sư và nhà kinh doanh đã chuyển startup xe tự lái của mình từ Hàn Quốc sang Mỹ vào năm ngoái chia sẻ, "đừng bận tâm nghĩ tới việc khởi nghiệp tại Hàn Quốc mà hãy nghĩ xa hơn".

    Theo: Reuters

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ