Chợ, cửa hàng điện máy ở Sài Gòn trước cuộc chiến sinh tồn với các "ông kẹ" siêu thị điện máy

    PV,  

    Trước sức ép ngày càng lớn từ Điện máy Xanh, Vinpro và Vinpro+ , Nguyễn Kim… các chợ, cửa hàng điện máy truyền thống ở khu Huỳnh Thúc Kháng - Hồ Tùng Mậu, Dân Sinh (quận 1), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Nhật Tảo (quận 10), Hồng Bàng (quận 5) … đang sống sao để giữ 50% thị phần ít ỏi còn lại?

     Khu điện máy đường Hồng Bàng quận 5.

    Khu điện máy đường Hồng Bàng quận 5.

    Từ bán giá “tại kho”

    Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua tivi Led 3D Samsung màn hình cong dịp cuối năm, tôi tìm đến khu bán điện máy trên đường Hồ Tùng Mậu (quận 1) để tham khảo giá. Sau khi tiếp nhận thông tin về chủng loại tivi mà tôi đã dò trước trên website một chuỗi siêu thị điện máy lớn nhất nhì Sài Gòn hiện nay, anh chủ cửa hàng H.C ở khu này báo "chắc giá" thấp hơn đến 10 triệu đồng/chiếc.

    Tương tự, khi đến các cửa hàng điện máy ở đường Hồng Bàng (quận 5), mức giá cũng thấp hơn so với giá niêm yết ở siêu thị điện máy. Ngoài ra, qua tìm hiểu thì hiện nay có một số website bán hàng điện máy trực tuyến cũng chào giá rẻ hơn giá bán tại các siêu thị khoảng 5-20%, cá biệt có sản phẩm chênh lệch tới 30-40%.

     So sánh giá sản phẩm tivi Led 3D Samsung màn hình cong trên webiste bán hàng tại kho với các siêu thị điện máy.

    So sánh giá sản phẩm tivi Led 3D Samsung màn hình cong trên webiste bán hàng tại kho với các siêu thị điện máy.

    Theo giải thích của các chủ cửa hàng và website bán hàng điện máy này thì lý do giúp giá bán của họ rẻ hơn siêu thị lớn là nhờ bán hàng theo kiểu “tại kho”. Với cách bán hàng này, họ có thể giảm giá xuống mức thấp nhất khi cắt bỏ các chi phí thuê nhân viên tư vấn bán hàng, thuê mặt bằng, trang trí gian hàng, quảng cáo… Người tiêu dùng sẽ được lợi do giá bán được giảm xuống mức thấp mà vẫn được mua hàng chính hãng, có giấy bảo hành nghiêm túc.

    Ở các siêu thị, giá bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng sẽ bao gồm giá vốn chi phí quản lý chi phí bán hàng, trong đó chi phí bán hàng (thuê mặt bằng, nhân viên bán hàng…) chiếm khoảng 15-20%, thậm chí hơn. Vì thế, giá bán ở các siêu thị điện máy lớn thường sẽ cao hơn các cửa hàng điện máy truyền thống, web kinh doanh trực tuyến bán hàng “tại kho”.

    Tuy nhiên, theo những người có kinh nghiệm thì nhược điểm khi mua hàng điện máy “tại kho” là khi cần bảo hành phải trực tiếp mang sản phẩm đến trung tâm bảo hành của nhà sản xuất chứ không đươc nhà bán lẻ đến tận nhà bảo hành như khi mua ở siêu thị điện máy lớn.

    Một nhược điểm nữa là không phải lúc nào cũng tìm được sản phẩm ưng ý. Cũng có trường hợp khách hàng mua sản phẩm giá rẻ nhưng về nhà lại phát hiện mua phải hàng trưng bày hoặc hàng đã qua sử dụng một thời gian ngắn. Hoặc mua hàng giá rẻ thì cũng phải cam chịu từ bỏ các món quà tặng khuyến mãi của nhà sản xuất.

    Đến buôn “rác điện tử”

    Bên cạnh nhu cầu mua hàng mới “khui thùng” thì nhiều người Sài Gòn cũng có nhu cầu mua hàng điện máy cũ. Đó có thể là các chủ nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, trường học…  cần mua giá rẻ để giảm chi phí đầu tư hay đơn giản là những người yêu thích sản phẩm được sản xuất tại nhà máy ở Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… chứ không phải hàng lắp ráp Made in Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia đang chiếm lĩnh thị trường.

    Từ nhu cầu này đã hình thành thị trường buôn “rác điện tử” cũng khá sôi động, ở Sài Gòn có thể kể đến khu chợ Dân Sinh (quận 1), chợ Nhật Tảo (quận 10), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) và hàng trăm website bán hàng điện máy cũ đang mọc lên “như nấm sau mưa”.

    Nguồn hàng điện máy cũ thường là do các đầu nậu thu gom từ nước ngoài, đóng container và chuyển tàu về cảng hoặc theo đường bộ qua biên giới Campuchia. Tất nhiên hàng cũ thì không có hóa đơn chứng từ, không được nhà sản xuất bảo hành và chất lượng cũng “thượng vàng hạ cám”.

     Hàng điện máy cũ nhập lậu.

    Hàng điện máy cũ nhập lậu.

    Đơn cử ngày 6/1 vừa qua, Đội quản lý thị trường 2A thuộc Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra một kho hàng trên đường Phạm Hùng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), bắt giữ hàng trăm mặt hàng điện máy các loại đã qua sử dụng không có chứng từ.

    Kho hàng có diện tích 222 m² chứa hơn 700 mặt hàng điện máy gồm máy giặt, máy lạnh của các nhãn hiệu lớn Nhật Bản như Sanyo, Hitachi, Panasonic, Sharp... Chủ hàng đã không xuất trình được giấy phép kinh doanh cũng như các hóa đơn chứng từ chứng minh số hàng hóa nói trên. Ông Đinh Minh Tân, Đội trưởng Đội quản lý thị trường 2A, cho biết, những mặt hàng này nằm trong danh mục cấm nhập khẩu. Sau khi nhập về Việt Nam, chúng sẽ được tân trang lại và đưa ra thị trường.

    Ông Hùng - một người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề sửa chữa đồ điện tử - điện lạnh ở chợ Nhật Tảo, cho biết: “Thực tế đồ điện máy dù cũ hay mới cũng có rủi ro trong quá trình sử dụng mà không ai biết trước được. Nếu biết về đồ điện máy và có kinh nghiệm mua đồ cũ thì sẽ lựa được những món đồ còn “zin”, linh kiện tốt.

    Do đó, khi có ý định đi mua đồ cũ, tốt nhất nên nhờ người nào đó biết sơ về đồ điện máy, mua ở các cửa hàng có địa chỉ rõ ràng, giao kèo với người bán về chế độ bảo hành, vì những mặt hàng đã qua sử dụng hiếm khi có giấy bảo hành”.

    Theo Duy Khánh/Cafebiz/Trí Thưc Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ