Chống dịch Covid-19: Chuyện ít người biết về chiến dịch xây dựng hạ tầng thần tốc của những kỹ sư Viettel
Những ngày làm việc gấp rút, căng thẳng qua đi nhưng đây cũng vẫn chưa phải là giai đoạn nghỉ ngơi của hàng trăm, hàng nghìn kỹ sư Viettel. Họ vẫn đang túc trực và sẵn sàng chiến đấu với dịch bằng thứ "vũ khí" công nghệ để góp phần to lớn vào công tác phòng, chống đại dịch.
Mất 1,5 ngày để thành lập cầu truyền hình tại 22 bệnh viện lớn, ít hơn 1 ngày để thiết lập gần 280 điểm cầu trên toàn quốc, 3 ngày để tạo dựng hệ thống khai báo y tế mà thời gian bình thường phải mất cả tháng... Hàng trăm, nghìn người Viettel đã lao vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 với tâm thế "phải làm được".
Tấm biển cách li và và tinh thần phải làm xong bằng mọi giá
Anh Nguyễn Mạnh Sơn – Trung tâm Kỹ thuật, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions), thành viên Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đến giờ vẫn nhớ như in những cuộc điện thoại gần 1 tháng trước. Ngày mùng 4 Tết được các sếp gọi với lời nhắn ngắn gọn: "Nhiệm vụ gấp!". "Chúng tôi sẽ đi lắp đặt 22 điểm cầu truyền hình tại 22 bệnh viện lớn trên cả nước để Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao ban điều hành dịch", anh nói.
10h sáng hôm đó, lãnh đạo Viettel đã được thông tin về khai nhiệm vụ này. "Nhưng lúc đó chỉ là tinh thần sẽ làm thôi, còn chưa có danh sách triển khai ở địa điểm nào, trong khi ngày mùng 6, là Phó Thủ tướng họp rồi. Bên Viettel ngay lúc đó gọi sang Bộ Y tế để hỏi thì thông tin lại là: Bên này cũng đang chờ", anh nói.
Phải đến chiều muộn ngày 4 mới có thông tin chính xác về các điểm cầu cần phải lắp đặt. "Nhưng danh sách này về sau cũng liên tục thay đổi".
Kể từ giờ phút đó, hàng trăm kỹ sư của Viettel Solutions, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Network), Tổng Công ty Công trình Viettel bước vào một chiến dịch thiết lập mạng lưới siêu thần tốc.
Anh Sơn cho biết: Đang trong ngày nghỉ Tết nên quân số không đủ mà chỉ có khoảng 1,5 ngày để thực hiện việc lắp đặt ở các bệnh viện lớn nên "anh em Viettel phải thay phiên nhau làm ngày đêm". Không chỉ các kỹ sư mà ngay cả lãnh đạo cấp trung, cấp cao cũng cùng lăn xả với anh em từ việc kéo cáp, rồi chỉnh sửa, kiểm tra kết nối…
Nhưng thứ khiến các kỹ sư Viettel "ớn" nhất khi làm nhiệm vụ là những tấm biển cách li. "Lúc chui vào Bệnh viện Nhiệt đới, thứ ‘phang’ vào mặt là tấm biển cách li – cấm đi vào", anh cười giòn tan.
"Giờ hỏi sợ không? Sợ chứ, sao không sợ được. Dịch lúc đó đang bùng phát ở Trung Quốc, mà hồi đó chưa nhiều thông tin, khuyến cáo, anh em sao không run được. Nhưng quan điểm là phải làm bằng được. Đây là nhiệm vụ của quốc gia được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao phó và Viettel không bao giờ nói không".
Và cái khu cách li ấy các kỹ sư Viettel không chỉ là đi qua "một lần, một tích tắc", mà là "lên xuống liên tục, triền miên".
"Bọn tôi kéo cáp thông đến 4h sáng ngày mùng 6, không nghỉ tí nào. Sáng đó tôi tạt về nhà, vợ chuẩn bị cho bộ quần áo, thay vội rồi lên đường, 6h đã có mặt cơ quan. Cảm giác đúng là đặt lưng xuống cũng không đủ cái chợp mắt. Các sếp cũng hỏi: Sao tầm này còn đến? Nhưng việc đã xong đâu", anh chia sẻ.
Việc ở đây chính là công tác bàn giao. "Phía Bộ Y tế khi thấy Viettel bàn giao công việc thì ‘sốc’ lắm vì không ngờ nhanh thế", anh Sơn cười khi kể lại.
Trong cuộc họp hôm đó, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thay mặt cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế cảm ơn sự hỗ trợ của Viettel. Theo ông, đây là bước đi thiết thực và quan trọng khi ứng dụng CNTT, công nghệ cao vào phòng chống dịch và cần lan toả.
Kết thúc nhiệm vụ giai đoạn 1, Viettel lại được giao một vấn đề mới với quy mô lớn và thời gian thực hiện còn ngắn hơn nữa. Đó là đảm bảo việc kết nối cho hàng trăm điểm cầu của Bộ Quốc phòng trên cả nước để chống dịch.
"Chiều thứ 7 bọn tôi nhận lệnh, yêu cầu đến 17h30 ngày Chủ nhật là phải thông kênh để Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia họp với hàng trăm điểm cầu", anh Sơn nói.
Xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, cách thức triển khai có tính đặc thù và không giống với các nhiệm vụ trước. Chúng tôi phải phân nhỏ theo từng vùng, dùng người Viettel ở chính địa phương đó theo dõi, ứng trực.
"Có những cuộc họp chúng tôi chỉ đảm bảo kết nối và không được vào bên trong. Anh em cũng không được thông tin gì, chỉ có tâm thế sẵn sàng là chiến đấu, lúc nào cũng kè kè điện thoại, túc trực trong bán kính cuộc họp từ 10 – 15 phút chạy để có sự cố gì xử lý ngay", anh Sơn cho biết. Công việc này của người Viettel kéo dài thêm trong 3 ngày cuộc họp diễn ra.
Những người làm cầu truyền hình ở Viettel luôn ý thức được công việc của mình đang làm vô cùng đặc thù, đòi hỏi tính chính xác cao bởi "Cầu truyền hình nếu thông suốt thì chẳng ai biết, nhưng nếu xảy ra lỗi thì cả thế giới đều biết". Những sai sót dù là nhỏ nhất cũng không được phép diễn ra, bởi công việc các anh làm chính là uy tín, hình ảnh, bộ mặt của Viettel đối với Chính phủ và khách hàng.
Và những ngày làm việc gấp, việc khó đó của các kỹ sư Viettel cũng qua đi và họ thở phào, mỉm cười, bắt tay nhau sau những buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia diễn ra suôn sẻ, kịp thời; thông tin được truyền đi đến địa phương một cách nhanh chóng nhất.
Đi theo tiếng gọi chống dịch của chỉ huy!
Anh Lê Quang Tấn – Phó phòng phụ trách phòng vận hành của Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel thì có những kỷ niệm thần tốc kiểu khác khi dựng hạ tầng công nghệ cho việc chống dịch. Nhóm của anh được giao vận hành hệ thống khai báo y tế phục vụ cho dịch Covid-19.
Hệ thống này được xây dựng triển khai trong thời gian 2 ngày. Đây là một con số rất khó tin vì với những hệ thống tương tự, thông thường phải làm mất gần 1 tháng.
"Nhận nhiệm vụ cấp bách, toàn Tập đoàn Viettel phải chạy. Khối lượng công việc rất kinh khủng, ngay trong chiều nhận nhiệm vụ, bọn mình đã huy động cả bộ máy để xây dựng kế hoạch triển khai những hạ tầng này", anh Tấn nói.
Viettel đã sử dụng tất cả những tài nguyên mà tập đoàn đang có với 3 nhóm được phân công: giải pháp, triển khai và quy hoạch.
Lúc đó, theo tính toán của các kỹ sư Viettel, khi chính thức công bố hệ thống, người dùng sẽ đồng loạt truy cập, điều này tương tự như hệ thống xem điểm Trung học phổ thông quốc gia. Từ đó, Viettel đã cắt cử người liên tục theo dõi, nâng cấp hệ thống để hạ tầng có thể chạy ổn định nhất trong điều kiện người dùng đồng loạt vào.
"Những quy trình phối hợp này bình thường yêu cầu nhanh cũng mất hàng tuần, còn không thì cả tháng, nay chỉ làm trong mấy ngày", anh Tấn nói. Mấy ngày đó, hầu như những người Viettel tham gia chiến dịch đều thức trắng.
Khi được hỏi cách thức làm thế nào để Viettel có thể rút ngắn thời gian một cách khủng khiếp như vậy, anh Tấn nói ngắn gọn: "Theo tiếng gọi chống dịch của chỉ huy", "Rồi cứ thế là chạy, cùng thức, cùng dồn tất cả sức lực, tài nguyên để chống dịch".
Khi hạ tầng được triển khai, phía Viettel nhận được tin báo từ Bộ Y tế có sự thay đổi trong việc sử dụng hạ tầng. Viettel được phân nhiệm vụ đảm bảo phần dự phòng cho hệ thống khai báo.
"Bọn mình cắt cử nhân sự 24/7 để trực với hệ thống, theo đó thường xuyên xem số liệu người dùng, tối ưu các cảnh báo nếu có", anh Tấn chia sẻ.
Chia sẻ về công việc chuẩn bị hạ tầng công nghệ cho các biện pháp chống dịch Covid-19, những kỹ sư của Viettel đều nói về niềm tự hào khi được thực hiện, "một vinh dự mà chúng tôi không cần phải tính đến những việc khác", anh Tấn nói.
Những ngày làm việc gấp rút, căng thẳng qua đi nhưng đây cũng vẫn chưa phải là giai đoạn nghỉ ngơi của hàng trăm, hàng nghìn kỹ sư Viettel. Họ vẫn đang túc trực và sẵn sàng chiến đấu với dịch bằng thứ "vũ khí" công nghệ để góp phần to lớn vào công tác phòng, chống đại dịch.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI