Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến: Làm phần mềm cần 10-14h/ngày, anh chị nào quen làm 5 - 6h ở những nơi khác thì đừng về Fsoft!

    Vượng Lê, Theo Trí Thức Trẻ 

    Đặt mục tiêu tỷ USD vào năm 2020, Chủ tịch Fsoft cho rằng “Chúng tôi thiếu đúng duy nhất là con người, còn mục tiêu 1 tỷ USD thì không xa xôi gì cả”.

    Ngày 20/4, ‘bữa tiệc hàng năm’ của Bộ Công Thương mang tên Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2017, quy tụ các tên tuổi doanh nghiệp Việt làm xuất khẩu, đã diễn ra. FPT, với đại diện FPT Software (tên thường gọi là Fsoft) đến tham dự Diễn đàn với tư cách một đại diện trong ngành xuất khẩu và gia công phần mềm.

    Trong phần tọa đàm, Chủ tịch đương nhiệm của Fsoft Hoàng Nam Tiến đã ‘hiến kế’ cho rằng làm phần mềm chính là con đường mà xuất khẩu Việt Nam có thể xem xét đến. Đồng thời, muốn làm được tốt, nhân lực Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho mình 2 chữ “trẻ” và “khỏe”.

    Xuất khẩu Việt hãy làm gia công phần mềm!

    “Từ những sự thay đổi công nghệ trên thế giới, tôi cho rằng việc tập trung vào làm phần mềm, nghiên cứu phần mềm là một hướng đi hoàn toàn có thể lựa chọn” – ông Tiến nhấn mạnh.

    Lý giải về nhận định của mình, ông Tiến cho rằng thị trường mà Fsoft đang tham gia được xem là “unlimited” trên thế giới (không có giới hạn về dung lượng thị trường)

    “Thống kê 2016, thị trường phần mềm mà FPT có thể làm được lên đến 994 tỷ USD. Đây là thị trường mà chúng tôi hay gọi là “unlimited” (không có giới hạn). Vấn đề giới hạn là năng lực của chúng ta mà thôi”.

    Theo lời mô tả của Chủ tịch bộ phận ‘đẻ trứng vàng’ cho FPT, thị trường gia công phần mềm này sẽ còn phình to ra trong tương lai. Ngay lúc này, không chỉ riêng tại Việt Nam mà nếu tính cả hàng triệu kỹ sư phần mềm tại Ấn Độ, Trung Quốc hay ở nhiều nước trên thế giới thì cũng không đáp ứng đủ nhu cầu thế giới.

    Ông nói: “Đây là một trong số những ngành mà từ 10 -15 năm nữa sẽ luôn luôn thiếu nhân lực”. Đồng thời, “những khách hàng trong thị trường là những nước giàu nhất thế giới, như các nước Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức… đều cần”

    So sánh với tất cả các ngành xuất khẩu chủ lực khác, như lúa gạo, da giày… ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh rằng việc có tên trên bản đồ một ngành có sức tăng trưởng dồi dào như gia công phần mềm chính là một điều hiếm có và may mắn với xuất khẩu Việt Nam.

    Nhân lực cần “khỏe”: “Anh chị nào ở một số nơi mà quen làm có 5 - 6 tiếng/ngày thì đừng làm”

    Ông Hoàng Nam Tiến cũng nói về yêu cầu của nguồn nhân lực nếu muốn ‘lên đỉnh’ thế giới trong ngành gia công phần mềm này:

    “Việt Nam chúng ta có làm được không? Tôi xin trả lời là đến ngày hôm nay, với một trình độ đào tạo không được cao lắm nhưng chúng ta vẫn cho ra được những kỹ sư đáp ứng đủ nhu cầu thế giới”.

    Để làm được điều này, nguồn nhân lực của Việt Nam cần đến 2 chữ là “trẻ” và “khỏe”.

    Ở điểm "trẻ" thì theo ông Tiến, “ở độ tuổi như tôi ở công ty (48 tuổi – PV) đã được xem là già để làm phần mềm. Nhân sự trong ngành này nói chung là phải trẻ”.

    Còn chia sẻ về yếu tố “khỏe”, vị Chủ tịch cũng chia sẻ về yêu cầu khắc nghiệt của nghề làm phần mềm là một ngày cần làm việc từ 10 -14 tiếng thì mới đảm đương được khối lượng công việc.

    “Tôi rất xin lỗi nhưng không có ai mà làm 5 - 6 tiếng/ngày mà làm được phần mềm được đâu ạ. Anh chị nào ở môt số nơi mà quen làm 5 – 6 tiếng/ngày thì đừng về làm phần mềm ở Fsoft” – ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ thẳng thắn.

    Nói thêm về câu chuyện của Fsoft, ông Tiến thể hiện tham vọng to lớn của mình cũng như của Tập đoàn FPT trong ngành gia công phần mềm. Cụ thể, ông chia sẻ năm 2016 vừa qua, Fsoft chỉ làm được có 230 triệu USD trên tổng số gần 1000 USD dung lượng thị trường. Thế nhưng đến năm 2020, công ty này đã đạt mục tiêu đạt được tới mức rất cao là 1 tỷ USD.

    Tuy nhiên theo ông, mục tiêu này là hoàn toàn khả thi. “Chúng tôi thiếu đúng duy nhất là con người, còn mục tiêu 1 tỷ USD thì không xa xôi gì cả” – ông Tiến nói.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ