Chủ tịch TP Hà Nội: "Có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 phải gọi ngay hotline, trung tâm cấp cứu chịu trách nhiệm chở người bệnh đến bệnh viện"
Nếu có các dấu hiệu bệnh tật liên quan Covid-19, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh người dân cần gọi điện ngay đến đường dây nóng của Bộ Y tế, trung tâm cấp cứu 115 chịu trách nhiệm chở người bệnh đến bệnh viện, tránh trường hợp như bệnh nhân 17.
21h30 ngày 7/3, Hà Nội xác nhận trường hợp thứ 17 tại Việt Nam, đồng thời ca nhiễm đầu tiên trên địa bàn, dương tính với Covid-19. Đến nay, sau một tuần, số ca nhiễm trên cả nước tăng 33, nâng tổng số lên 49, trong đó 16 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện.
Đáng chú ý, bệnh nhân 17 N.H.N. (26 tuổi, trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) đã làm sai quy trình y tế khi nghi ngờ bản thân nhiễm virus. Mặc dù đã chủ động đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần, không ra ngoài nhiều trong thời gian ủ bệnh, nhưng khi đến bệnh viện, chị N. đi cùng lái xe riêng và một bác gái, khiến 2 người này không lâu sau cũng được xác định dương tính Covid-19.
Vậy, trong trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19, do trở về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với các ca bệnh, chúng ta phải tuân thủ quy trình như thế nào, để hạn chế thấp nhất lây nhiễm chéo trong cộng đồng?
Nếu nghi ngờ nhiễm Covid-19, người bệnh nên làm gì?
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, khi nghi ngờ nhiễm Covid-19 trước khi đến các cơ sở y tế thăm khám, cá nhân nên tự cách ly với người thân, người xung quanh.
Người đang cách ly cần hạn chế đến mức thấp nhất việc đi ra ngoài cộng đồng, ít nhất 14 ngày, không tự động rời khỏi nơi cách ly. Hạn chế ra khỏi phòng riêng và tiếp xúc trực tiếp với người khác.
Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân: bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt…
Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng để xử lý theo quy định. Không ăn chung, không ngủ chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú. Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ.
Phải có phòng riêng tự cách ly, đảm bảo thông thoáng, thường xuyên vệ sinh. Hạn chế các đồ đạc, vật dụng trong phòng, nơi cách ly. Nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly cần cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét.
Nếu phát hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực,... phải lập tức đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, cách ly, điều trị kịp thời để tránh lây lan virus ra cộng đồng; đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế;
Trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, tất cả trường hợp có dấu hiệu bệnh tật phải điện ngay đến đường dây nóng của Bộ Y tế (19009095 hoặc 19003228) cung cấp tình hình sức khỏe, lịch sự dịch tễ. Sau đó, Sở y tế tại các tỉnh/thành/sẽ gọi 115, yêu cầu xe cấp cứu đến tận nơi vận chuyển ca bệnh nghi ngờ đến các cơ sở y tế gần nhất, tránh trường hợp như bệnh nhân số 17.
"Sự tham gia của người dân là rất quan trọng, tự họ ý thức được, nhận biết được các dấu hiệu của bệnh và phải biết chăm sóc sức khoẻ cho mình, có trách nhiệm với chính mình, gia đình, và chính cộng đồng", ông Chung nói.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã cập nhật các đường dây nóng liên tục tiếp nhận các thông tin, ý kiến về tình hình dịch bệnh trên toàn quốc và nhận tư vấn cách phòng chống dịch bệnh cho nhân dân.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đối với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính, các cơ sở y tế phải tiến hành phân luồng và bố trí buồng khám riêng. Đặc biệt lưu ý khi có yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ các vùng dịch trong vòng 14 ngày.
Tại cơ sở y tế, cá nhân đó sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm (dịch ngoáy họng, mẫu máu) để gửi xét nghiệm. Hiện nay trên cả nước đã có khoảng 30 phòng xét nghiệm có thể xét nghiệm Covid-19 trong thời gian tới bao gồm:
1. Các Viện: Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng Trung ương.
2. Các Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Lào Cai.
3. Các Bệnh viện: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Nhi TƯ; Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện TƯ Huế.
4. Một số đơn vị khác: Viện Thú Y; Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội; Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga; Trung tâm chẩn đoán Thú Y trung ương, 6 Chi cục thú Y vùng;
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, người bệnh có thể tiếp tục cách ly cho đến khi hết thời gian ủ bệnh. Nếu không có dấu hiệu bất thường, người dân có thể trở về sinh hoạt tại cộng đồng.
Trường hợp có diễn biến nặng hoặc được xác định dương tính với Covid-19, người bệnh sẽ được chuyển tới các cơ sở y tế theo phân tuyến điều trị của Bộ Y tế.
Sau đó, bệnh nhân dương tính cần thông báo lịch sử dịch tễ, số người tiếp xúc, để cơ quan chức năng tiến hành rà soát, theo dõi và cách ly các trường hợp F1, 2, 3, 4.
Quy trình tiếp nhận bệnh nhân nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19
Mỗi cơ sở y tế cần có các khu vực sàng lọc bệnh nhân ngay từ khu vực phòng khám (như khu vực cổng bảo vệ, nơi tiếp nhận bệnh nhân), có ít nhất một phòng khám cách ly các trường hợp ho sốt chưa rõ nguyên nhân đến khám bệnh. Người làm nhiệm vụ phân loại người bệnh phải hướng dẫn cho họ các biện pháp phòng ngừa cách ly khi vào khám bệnh.
Thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám, cách ly và điều trị bệnh nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm đối với cán bộ y tế, người chăm sóc người bệnh và các người bệnh khác tại các cơ sở điều trị người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Khi có những triệu chứng và tiền sử đi từ vùng dịch, người bệnh cần được đưa vào khu vực cách ly, cách ly các người bệnh khác càng sớm càng tốt. Không xếp chung người đã được khẳng định mắc Covid-19 với người thuộc diện nghi ngờ. Tất cả đều phải đeo khẩu trang. Việc chụp X-quang, làm các xét nghiệm, khám chuyên khoa... nên được tiến hành tại giường, nếu di chuyển bệnh nhân, phải có đầy đủ các phương tiện phòng hộ. Người bệnh khạc nhổ vào khăn giấy mềm dùng một lần và cho ngay vào thùng rác y tế.
Trong thời gian có dịch, cần treo các bảng hướng dẫn ngay khu vực ra vào (cổng bảo vệ) và phòng khám để hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh có dấu hiệu sốt, ho đến ngay khu vực khám sàng lọc, tránh đi đến các khu vực khác.
Khu vực buồng đợi, buồng khám, buồng làm thủ thuật cho người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 phải đảm bảo thông khí tốt, ít nhất nên có trên 12 luồng khí trao đổi mỗi giờ. Có thể mở toàn bộ cửa sổ, cửa ra vào cùng một hướng trong trờng hợp sử dụng thông khí tự nhiên.
Người nhà đi kèm với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 cần phải được xem như là có phơi nhiễm với Covid-19 và cũng phải được tầm soát cho đến hết thời gian theo dõi theo quy định để giúp chẩn đoán sớm và phòng ngừa Covid-19 có khả năng gây dịch.
Hạn chế vận chuyển người bệnh, trừ những trường hợp nặng, vượt quá khả năng điều trị của cơ sở. Nhân viên vận chuyển phải mang đầy đủ phương tiện phòng hộ. Làm sạch và khử khuẩn xe cứu thương sau mỗi lần vận chuyển. Các vật dụng bị ô nhiễm phương tiện vận chuyển, đồ thải bỏ và chất thải của người bệnh cần phải thu gom và xử lý theo quy định.
Người trực tiếp chăm sóc cho người bệnh phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, như tuân thủ mang đồ phòng hộ, rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch khử khuân khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh.
Lập danh sách những người tiếp xúc gần và theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày, kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Tư vấn cho người tiếp xúc về các dấu hiệu bệnh và các biện pháp phòng, chống để tự phòng bệnh, tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm. Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh, cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Các mặt bằng, bàn ghế ở khu vực buồng bệnh và khu vực cách ly phải được lau tối thiểu 2 lần/ngày bằng các hóa chất sát khuẩn. Nhân viên làm vệ sinh phải sử dụng các phương tiện phòng hộ như nhân viên y tế. Mọi chất thải rắn tại khu vực cách ly đặc biệt phải được thu gom để đem đi tiêu hủy theo quy định của Bộ Y tế.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4