Chuẩn bị lên đời laptop, đây là những điều bạn không nên bỏ qua về thế hệ CPU mới ra mắt của Intel

    Minh Ty,  

    Thế hệ vi xử lý thế hệ thứ 8 của Intel hứa hẹn mang lại hiệu năng cho laptop gần với desktop hơn bao giờ hết.

    Những điểm mới ở các vi xử lý Core i thế hệ thứ 8

    Khác với các CPU dòng U thế hệ thứ 8 (như Core-i5 8250U, Core-i7 8550U) được sản xuất dựa trên kiến trúc Kaby Lake Refresh, dòng sản phẩm mới được tạo ra với nền tảng Coffee Lake đã được Intel giới thiệu vào tháng 10 năm ngoái và xuất hiện trên các CPU dành cho desktop sau đó. Một tin vui là vì sinh sau đẻ muộn, các lỗ hổng bảo mật như Meldown và Spectre đã được khắc phục hoàn toàn. Theo Intel các vi xử lý mới sẽ được chia thành ba loại với các mục đích khác nhau: doanh nghiệp, hiệu năng cao và tiêu thụ năng lượng thấp.

    Bắt đầu với dòng U mới, đây là bản nâng cấp cho thế hệ chip hiện tại. Chúng có mức TDP cao hơn, 28 W so với 15 W khiến đây không hẳn là sản phẩm lý tưởng để đưa vào những chiếc laptop siêu mỏng nhẹ hiện nay. Intel vẫn chưa công bố cụ thể những sản phẩm nào được trang bị vi xử lý mới, tuy nhiên nhiều khả năng người dùng vẫn sẽ có sự lựa chọn các mẫu laptop cao cấp như Dell XPS 13 hay Apple Macbook Pro 13 với hệ thống tản nhiệt được cải tiến và đương nhiên là hiệu năng sẽ tốt hơn nhiều so với thế hệ cũ.

     Danh sách các CPU dòng U TDP 28W mới của Intel

    Danh sách các CPU dòng U TDP 28W mới của Intel

    Với các vi xử lý hiệu năng cao, Intel đưa tới người dùng hai loại sản phẩm với dòng H cho Core-i và M dành cho các vi xử lý Xeon. Chúng tất nhiên là sẽ có mức TDP cao hơn nhiều so với người anh em dòng U của mình, 45 W so với 28 W. Với Core i7, Core i9 và Xeon lần đầu tiên được trang bị tới 6 nhân 12 luồng xử lý. Với Core i5, người dùng cũng sẽ tận hưởng được khả năng đa nhiệm tốt hơn với 4 nhân 8 luồng tương đương dòng Core i7 trở về trước.

     Các vi xử lý dòng hiệu năng cao của Intel trên nền kiến trúc Coffee Lake

    Các vi xử lý dòng hiệu năng cao của Intel trên nền kiến trúc Coffee Lake

    Các CPU dòng H được thiết kế để phù hợp với trào lưu các mẫu laptop mỏng nhẹ nhưng vẫn có hiệu năng xử lý mạnh mẽ hiện nay. Gigabyte Aero 15, MSI GS65, Asus ROG Zephyrus là những sản phẩm đầu tiên được trang bị thế hệ vi xử lý mới trong thân hình mỏng gọn.

     Asus ROG Zephyrus, chiếc laptop gaming tiên phong cho xu hướng thiết kế mỏng nhẹ

    Asus ROG Zephyrus, chiếc laptop gaming tiên phong cho xu hướng thiết kế mỏng nhẹ

    Intel đều trang bị công nghệ vPro cho cả hai dòng H và M giúp tối ưu cho việc quản lý thiết bị trong doanh nghiệp. Điều này vô cùng cần thiết đối với các mẫu laptop dành cho môi trường kinh doanh như Dell Precision, Latitude, Lenovo Thinkpad hay HP Zbook, Elitebook.

    Cũng trong dịp này Intel còn ra mắt thêm các bộ vi xử lý dành cho desktop trên nền Coffee Lake. Với dòng tiêu chuẩn, các CPU sẽ có mức TDP đạt 65 W trong khi dòng T sẽ sở hữu TDP ở mức 35 W. Các vi xử lý tiết kiệm điện mới sẽ là lựa chọn tối ưu cho các hệ thống giải trí tại gia hay các thiết bị nhúng.

     Intel giới thiệu thêm các CPU mới dành cho desktop

    Intel giới thiệu thêm các CPU mới dành cho desktop

    TDP trên CPU có ý nghĩa gì?

    TDP (thermal design power) là công suất thoát nhiệt tối đa của một vi xử lý. Mọi CPU hay GPU đều có TDP của riêng mình nhưng con số này dường như trở nên quan trọng chủ yếu đối với laptop, thiết bị mang tính di động cao và ngày càng trở nên mỏng nhẹ (một số trường hợp vẫn quan trọng với desktop). TDP trên vi xử lý quyết định loại thiết bị sử dụng vì số càng cao chứng tỏ CPU càng ăn điện và cần có giải pháp tản nhiệt hiệu quả. Ví dụ như Core i9-8950HK có TDP 45 W không thể nào sử dụng trong một chiếc ultrabook mỏng nhẹ vốn chỉ được thiết kế cho vi xử lý 15 W.

     Dell XPS 15 9570 tuy mỏng nhẹ nhưng được hãng tối ưu cho các vi xử lý có TDP 45W

    Dell XPS 15 9570 tuy mỏng nhẹ nhưng được hãng tối ưu cho các vi xử lý có TDP 45W

    Đó là lý do tại sao các mẫu laptop mới không được trang bị ngay những CPU mới được công bố. Với thế hệ Core i thế hệ thứ 8 đầu tiên (là các CPU Core-i5 8250U, Core-i7 8550U phổ biến hiện nay) đều có mức TDP 15 W. Vì thế những sản phẩm mới dòng U có TDP 28 W sẽ phải mất một thời gian nữa để các nhà sản xuất cải tiến lại thiết kế, từ đó có thể cung cấp nguồn và tản nhiệt tốt hơn trên các mẫu laptop.

    Giải mã số hiệu những dòng vi xử lý mới của Intel

    Với người dùng bình thường, ma trận các CPU dòng U, H, M hay mới nhất là T của Intel thực sự gây rối rắm, đặc biệt khi Intel không đưa ra một nguyên tắc cụ thể nào về việc sử dụng chúng. Tuy nhiên ít nhất với cách đặt tên hiện tại của "đội xanh dương" ta có thể biết được CPU có thể ép xung hay không, mức TDP là bao nhiêu và nó dành cho laptop hay desktop.

    Với hậu tố K nằm sau cùng, như Core i9-8950HK, Core i7-8700K,… chỉ những CPU có thể ép xung (overclock). Việc ép xung đơn giản là người dùng có thể ép các CPU hoạt động ở mức xung nhịp cao hơn mặc định của nhà sản xuất, từ đó cho hiệu năng tốt hơn nữa. Các CPU chỉ có chữ K trong tên gọi như Core i7-8700K dành cho desktop, còn có chữ HK là sản phẩm sử dụng trên laptop. Vẫn có một số ngoại lệ có thể ép xung được như CPU Core i7-8809G mới ra mắt không lâu cũng có thể ép xung được (Intel thật biết làm rối người dùng).

    Hậu tố U dành cho những vi xử lý có mức TDP 15 W và 28 W, thường sử dụng trên những mẫu laptop mỏng nhẹ, thời lượng pin dài. Dòng U là các CPU phổ biến nhất chúng ta thường gặp trên các mẫu laptop từ phổ thông cho tới cao cấp hiện nay.

    Dòng T là vi xử lý mới dành cho máy tính để bàn với mức TDP 35 W, phù hợp những hệ thống giải trí nhẹ nhàng và tiết kiệm điện năng.

    Dòng H khá quen thuộc với những người hay chơi game hay đa nhiệm trên laptop. Đại diện nổi trội nhất trong suốt gần 2 năm qua là Core i7-7700HQ hay mới đây là Core i7-8750H. Chúng có mức TDP đạt 45 W và thường đòi hỏi laptop được trang bị khả năng tản nhiệt tốt để hoạt động hết công suất không bị nghẽn cổ chai.

    Dòng G là sản phẩm hợp tác giữa Intel và AMD khi được trang bị thêm nhân đồ họa Vega. Đại diện tiêu biểu là các vi xử lý Core i7-8705G, Core i7-8809G với mức TDP ở ngưỡng 65W và 100W. Đây là con số hết sức đáng ngưỡng mộ dành cho một vi xử lý 2 trong 1 có sức mạnh đồ họa ngang ngửa card đồ họa rời của Nvidia GTX 1050 và GTX 1060. Dell XPS 15 2-in-1 là một trong những mẫu laptop đầu tiên trang bị Core i7-8705G mà người dùng có thể tìm mua hiện tại.

    Những vi xử lý mới nhanh tới mức nào?

    Mặc dù vẫn dựa trên tiến trình 14 nm nhưng từ thế hệ Kaby Lake lên Coffee Lake là một bước tiến dài với nhiều nhân xử lý hơn. Tính riêng cho laptop, người dùng giờ đây có thể sở hữu vi xử lý Core i3, i5 4 nhân hay Core i7 6 nhân, đánh dấu bước chuyển mới trong năng lực tính toán của loại thiết bị này.

     Thế hệ Core i mới hứa hẹn cải thiện hiệu năng khá nhiều so với người tiền nhiệm, đặc biệt trong các tác vụ nặng

    Thế hệ Core i mới hứa hẹn cải thiện hiệu năng khá nhiều so với người tiền nhiệm, đặc biệt trong các tác vụ nặng

    Theo đánh giá, trung bình các vi xử lý mới nhanh hơn người tiền nhiệm 20% ở cùng mức TDP. Tất cả CPU trong đợt ra mắt này của Intel đều hỗ trợ công nghệ Optane Memory giúp cải thiện đáng kể thời gian đọc ghi dữ liệu. Intel đã so sánh sản phẩm dòng H mới với CPU đã 3 năm tuổi của mình và khẳng định vi xử lý mới nhanh hơn 88%. Trong trường hợp của sản phẩm cho desktop, hãng cho biết chúng nhanh hơn 2,5 lần so với hệ thống được lắp ráp cách đây 5 năm.

    Intel chưa công bố mức hiệu năng cụ thể của những CPU dòng U có TDP 28 W mới. Nhiều khả năng người dùng vẫn sẽ chỉ thấy các laptop dùng CPU 15 W của hiện tại khi chi phí nghiên cứu thiết kế mới khá tốn kém đối với nhà sản xuất PC trong khi hiệu năng CPU dù có cải thiện (chưa rõ GPU tích hợp cải thiện ra sao) chưa chắc hút người dùng nâng cấp lên. Với những ai cần hiệu năng tốt hơn với card đồ họa rời, Core i5, i7 mới được tích hợp trong các laptop mỏng nhẹ như Dell XPS 15, MSI GS65, Gigabyte Aero 15, … hay Core i7 dòng G là một lựa chọn lý tưởng hơn.

    Người dùng có nên nâng cấp lên vi xử lý mới?

    Rất nhiều mẫu laptop được trang bị CPU thế hệ thứ 8 trên kiến trúc Coffee Lake sẽ bắt đầu được bán ra từ giữa tháng 4 này và nở rộ vào dịp hè sắp tới. Câu hỏi đặt ra với người dùng hiện nay là "tôi có cần nâng cấp?".

    Trang Gizmodo và nhiều chuyên trang đánh giá khác đã có bài kiểm nghiệm hiệu năng của những vi xử lý dòng H mới, ví dụ ở đây là chiếc MSI GS65 mới với CPU Core i7-8750H cùng VGA Nvidia GTX 1070 Max-Q .

    Trong game Civilization VI, sản phẩm của MSI chỉ nhanh hơn người tiền nhiệm GS63 với CPU Core i7-7700HQ và GTX 1070 đúng một khung hình. Tuy nhiên trong tựa game Rise Of The Tomb Raider, sản phẩm mới cho kết quả tốt hơn đến 13 fps. Như vậy tùy vào từng game được tối ưu cho nhiều nhân xử lý hay không (hiện chưa nhiều game tận dụng nhiều hơn 4 nhân xử lý) mà các CPU mới có thể phát huy ưu thế của mình. Đến với các ứng dụng benchmark CPU chuyên dụng như Geekbench 4, kết quả hết sức khả quan cho i7-8750H trước 7700HQ khi cả điểm đơn nhân (5.041 điểm so với 4.250) và đa nhân (18.031 so với 12.850) đều tốt hơn đáng kể.

     MSI GS65 cho hiệu năng đa nhân mạnh tới hơn 50% so với thế hệ cũ

    MSI GS65 cho hiệu năng đa nhân mạnh tới hơn 50% so với thế hệ cũ

    Đây là một bước tiến mới cho sức mạnh tính toán của laptop giúp chúng tiệm cận dần tới khả năng xử lý của desktop. Những ai sẽ thực sự hưởng lợi nhiều nhất từ CPU mới: những người làm việc chuyên nghiệp với các tác vụ nặng tận dụng nhiều nhân xử lý như biên tập phim, render, encode, … Các streamer giờ đây đã có thể cơ động hơn với sức mạnh từ 6 nhân xử lý trên laptop. Với game thủ, về lâu dài họ vẫn hưởng lợi khi ngày càng nhiều tựa game tận dụng tốt hơn khả năng xử lý nhiều nhân của CPU. Tuy nhiên những gamer đang sở hữu laptop trang bị Core i7-6700HQ hay 7700HQ thì chúng vẫn có thể đáp ứng nhu cầu chơi game từ 2-3 năm nữa.

    Đây là thời điểm chuyển giao gây bối rối cho nhiều người, CPU mới với năng lực tính toán mạnh mẽ hơn khá nhiều của Intel đã ra mắt nhưng VGA thế hệ mới của Nvidia hay AMD vẫn còn lấp lửng ngày chào sân. Vì thế nếu yêu cầu nhiều về năng lực xử lý của CPU, người dùng có thể tiến hành nâng cấp thay thế thiết bị già cỗi của mình. Nếu cần xử lý đồ họa nhiều, đặc biệt là game thủ, kiên nhẫn thêm vài tháng để có thể có được cỗ máy với sức mạnh mới toàn diện sẽ là lựa chọn tối ưu hơn.

    Theo Gizmodo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ