Chúc mừng năm mới, cơ mà bạn gõ "Tết" như thế nào? "Teets" hay "Te16t"?
Vẫn luôn tồn tại 2 cách gõ Tiếng Việt phổ thông, mỗi người có một thói quen gõ riêng.
"Nhân dịp đầu năm mới, đầu tiên tôi muốn gửi tới độc giả cùng gia đình lời chúc sức khỏe và gặp nhiều may mắn!". Lời chúc này ngốn của tôi mất 2 phút đồng hồ để hoàn thành với kiểu gõ VNI, bởi tôi là một người quen sử dụng cách gõ Telex.
Trước hết, đối với những ai còn mơ hồ về 2 khái niệm "VNI" và Telex, chúng ta cần làm rõ định nghĩa và nguồn gốc 2 kiểu gõ này.
1. Thông tin về 2 kiểu gõ Tiếng Việt phổ biến.
Đầu tiên, Telex, là kiểu gõ mà tôi đoán rằng hầu hết các bạn đang sử dụng. Nói như vậy nghĩa là chưa có một thống kế nào về việc người dùng máy tính gõ Telex hay VNI nhiều hơn, nhưng kiểu gõ Telex đã được công nhận là Quốc Ngữ Điện Tín đồng thời được đưa vào giảng dạy trong chương trình tin học tại nhiều trường trên cả nước.
Với những ai chưa biết, Telex chính là kiểu gõ aa = â, as = á, Teets = Tết. Một số quy ước gõ khác của Telex:
aa | â |
aw | ă |
dd | đ |
ee | ê |
oo | ô |
ow | ơ |
uw | ư |
Với các dấu:
f | dấu huyền |
s | dấu sắc |
j | dấu nặng |
r | dấu hỏi |
x | dấu ngã |
Nguồn gốc của Telex thể hiện hay từ tên gọi của nó, "máy điện tín". Quy ước gõ của nó giống với việc gõ văn bản trên các máy điện tín, và được gọi là Quốc ngữ Điện tín. Quy ước gõ này ra đời được gần 100 năm, trong khoảng 1920-1930 khi nhu cầu chuyển điện tín qua bưu điện của người dân Việt Nam hình thành. Khi đó, các máy đánh chữ chỉ có thể gõ được chữ cái latin cơ bản, nên người ta cần tới một giải pháp gõ Tiếng Việt, và được quy ước là Telex.
Người ta cho rằng Nguyễn Văn Vĩnh là người nghĩ ra cách gõ này. (Tham khảo một bài báo về Nguyễn Văn Vĩnh của báo Tuổi Trẻ).
Khoảng 60 năm sau đó, khi công nghệ máy tính phát triển, mà cụ thể là hệ điều hành DOS của Microsoft phổ biến hơn tại Việt Nam, chúng ta có các phần mềm gõ Tiếng Việt Telex đầu tiên trên máy tính là Vietstar, sau đó còn có BKED, Vietkey, Vietres với một số nâng cấp về tính năng như gõ [ thành ư, ] thành ơ, ...
Về kiểu gõ thứ 2 là VNI, quy ước gõ có khá nhiều khác biệt so với Telex, và khiến những ai lần đầu tiếp xúc cảm thấy phần nào bỡ ngỡ. Dưới đây là quy ước gõ kiểu của gõ này.
a8 | ă |
a6 | â |
d8 | đ |
e6 | ê |
o6 | ô |
o7 | ơ |
u7 | ư |
1 | dấu sắc |
2 | dấu huyền |
3 | dấu hỏi |
4 | dấu ngã |
5 | dấu nặng |
Như vậy, thay vì dùng các chữ cái để bỏ dấu và gõ các ký tự Tiếng Việt như Telex, kiểu gõ VNI dùng tới dãy số để làm điều tương tự.
Nguồn gốc của kiểu gõ này tất nhiên cũng khác với kiểu gõ điện tín, VNI ra đời muộn hơn Telex rất nhiều. Cho tới năm 1987, kiểu gõ VNI mới chính thức xuất hiện, trên các máy điện toán sử dụng Microsoft DOS. Người tạo ra kiểu gõ này là Kỹ sư Hồ Thành Việt.
Kiểu gõ VNI sau đó đã được Microsoft chính thức đưa vào hệ điều hành Windows 95 và nhiều hệ điều hành sau này, cho tới Windows 10 và Windows 10 Mobile, kiểu gõ VNI vẫn là kiểu gõ Tiếng Việt mặc định trên các hệ điều hành của Microsoft.
2. Tại sao có người dùng VNI, người khác lại dùng Telex
Như đã nêu ở phần đầu tiên, VNI và Telex là 2 kiểu gõ khác nhau và có nguồn gốc khác nhau. Telex sử dụng cách kiểu dấu do Nguyễn Văn Vĩnh tạo ra, ông là một nhà văn, nhà báo cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tại Hà Đông, nay là Hà Nội.
Còn phía bên kia, VNI được Hồ Thành Việt tạo ra, ông là một người Mỹ gốc Việt, còn được gọi là John Ho. John Ho đã thành lập công ty cùng tên với kiểu gõ của mình là VNI (Vietnam - International). Từ đây chúng ta cũng có các font chữ Tiếng Việt sử dụng kiểu gõ VNI của ông.
Nguyễn Văn Vĩnh - Người tạo ra kiểu gõ Telex.
Nguyên do của sự phân hóa kiểu gõ trong cộng đồng Việt Ngữ có lẽ tới từ nguồn gốc của 2 kiểu gõ này. Kiểu gõ Telex hình thành sớm và được đưa vào giảng dạy ở nhiều trường học. VNI xuất hiện muộn hơn và chỉ được một số người đón nhận, tuy nhiên khi được Microsoft đưa vào trở thành kiểu gõ chính trên hệ điều hành Windows của họ, đã có thêm nhiều người sử dụng kiểu gõ này.
3. Kiểu gõ nào tiện lợi hơn?
Với tôi, một người gõ Telex từ nhỏ thì không có lý do nào để tôi lựa chọn VNI là kiểu gõ thuận tiện hơn. Và ngược lại, ai gõ quen VNI sẽ rất khó làm quen với Telex.
Tuy nhiên, xét tới một góc độ khác, là hành trình của ngón tay (đặt tay ở vị trí gõ 10 ngón), Telex có vẻ tiện lợi hơn một chút, khi việc bỏ dấu theo kiểu Telex không yêu cầu bạn di chuyển ngón tay nhiều như VNI.
Dù vậy, điều này khó có thể tạo ra sự khác biệt tốc độ gõ phím giữa 2 kiểu gõ. Như vậy, thói quen vẫn quyết định tốc độ gõ phím nhiều hơn là kiểu gõ bạn lựa chọn.
Dưới đây là cách bạn gõ từ "Tết" với 2 kiểu gõ khác nhau.
4. Các ứng dụng gõ Tiếng Việt hỗ trợ cả VNI và Telex
Sau gần 30 năm song hành, Telex và VNI là 2 kiểu gõ được người dùng Việt ngữ ưa chuộng nhất, bởi vậy mà hầu hết các ứng dụng gõ Tiếng Việt đều hỗ trợ 2 kiểu gõ này.
Đối với máy tính, hệ điều hành Windows trước giờ vẫn hỗ trợ kiểu gõ VNI, bạn chỉ cần truy cập phần "Cài đặt ngôn ngữ" để chọn thêm ngôn ngữ Tiếng Việt.
Kiểu gõ VNI được hỗ trợ trên Windows.
Đối với người dùng quen với kiểu gõ Telex, bạn sẽ phải tìm tới sự giúp đỡ của ứng dụng bên thứ 3 mà phổ biến nhất là Unikey và GoTiengViet.
Người dùng Macintosh OS X thì thuận tiện hơn khi bộ gõ của hệ điều hành này hỗ trợ nhiều kiểu gõ Tiếng Việt khác nhau bao gồm cả Telex và VNI cho người dùng lựa chọn.
Trên di động, iOS hiện chỉ hỗ trợ mặc định kiểu gõ Telex, với kiểu gõ VNI bạn sẽ cần tới một bộ gõ của bên thứ 3. Hầu hết các bộ gõ trên Android cũng vậy, luôn ưu tiên Telex hơn bởi bộ gõ này giúp tiết kiệm kiệm một phần màn hình khi không yêu cầu hàng phím số.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng bộ gõ Tiếng Việt ngay trên trình duyệt với tiện ích AVIM trên Chrome, có thể tham khảo thêm qua bài viết AVIM - Add-on gõ tiếng Việt nền Web.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao cây cối gãy đổ ngổn ngang sau bão Yagi, chỉ riêng cây cau là đứng vững?
Cau có thể tồn tại ở các quốc gia giáp Thái Bình Dương, từ kỷ Phấn trắng cho tới ngày nay, bởi tiến hóa đã trang bị cho loài cây này những đặc tính để đứng kiên cường trong gió bão.
Loài cá 50 triệu năm tuổi này đã khiến các nhà khoa học bối rối trong suốt 200 năm!