Chung nhưng lại thành riêng: iPhone 15 Series sẽ sử dụng USB Type-C nhưng phải có chuẩn MFi

    M.Đức, Trí Thức Trẻ 

    Chịu áp lực từ Liên Minh Châu Âu cũng như người dùng trong việc dùng chuẩn sạc chung, nhưng Apple vẫn có cách để “lách luật”!

    Những ai quan tâm đến công nghệ chắc chắn cũng đã nghe tới việc Liên Minh Châu Âu chính thức phê chuẩn việc sử dụng một chuẩn chung duy nhất (USB Type-C) cho các thiết bị di động tại châu Âu từ 2024.

    Điều này giống như "gió thổi qua tai" những nhà sản xuất điện thoại Android như Samsung, OPPO, Sony… vì họ đã sử dụng chuẩn Type-C trên các thiết bị của mình từ rất lâu rồi. Chiếc smartphone đầu tiên có chuẩn này được ra mắt từ tận đầu 2015 mang tên Le 1. Ngược lại thì đây là tin dữ với Apple, vì từ lâu hãng đã giữ chuẩn Lightning trên iPhone, kể cả khi những sản phẩm khác như iPad, MacBook đã chuyển hẳn sang sử dụng chuẩn mới.

    iPhone 15 được cho sẽ trở thành dòng iPhone đầu tiên có USB Type-C, chính thức mở ra một kỷ nguyên mới mà mọi người có thể sử dụng 1 dây duy nhất cho tất cả thiết bị của mình. "Ngày vui ngắn chẳng tày gang" khi mới đây lại rộ thêm thông tin về việc những sợi dây Type-C muốn sử dụng với iPhone 15 vẫn phải được sản xuất theo tiêu chuẩn MFi của "Táo" - một tiêu chuẩn đã gắn liền với cổng Lightning trước đây.

    Chuẩn MFi - Lợi ích và những hệ lụy

    MFi là viết tắt của "Made for iPhone/iPad/iPod", tức là làm ra cho các sản phẩm của di động của Apple, bao gồm những tiêu chuẩn về phần cứng để các món phụ kiện có thể hoạt động tốt với thiết bị. Được biết trong số phụ kiện được gửi tới Apple kiểm tra thì chỉ 2% trong số đó nhận được chứng chỉ MFi, để thấy được rằng việc nhận chứng chỉ MFi không phải là dễ, đảm bảo rằng các sản phẩm có nó phải bền bỉ về kết cấu bền ngoài, hoạt động trơn tru với máy cũng như đảm bảo an toàn cho người dùng.

    Chung nhưng lại thành riêng: iPhone 15 Series sẽ sử dụng USB Type-C nhưng phải có chuẩn MFi - Ảnh 1.

    Nhưng đây cũng thành "con gà đẻ trứng vàng" cho Apple, khi mỗi sản phẩm có chứng chỉ MFi được sản xuất Apple sẽ thu về 4 USD (khoảng 95.000 Đồng). Số tiền này chắc chắn sẽ được "đổ" cho người dùng, muốn có 1 món phụ kiện đạt MFi thì họ sẽ phải trả thêm ít nhất 95.000 Đồng.

    Ngược lại món lợi thu về của Apple chắc chắn là không hề nhỏ! Hãng không công bố chính xác nhưng số phụ kiện dành cho Apple của chính hãng và những đối tác bán ra là nhiều nên số tiền thông qua chương trình MFi chắc chắn là một con số khổng lồ.

    MFi cho các phụ kiện USB Type-C?

    Theo những tin đồn mới nhất, Apple sẽ áp dụng tiêu chuẩn MFi của mình vào các phụ kiện (dây sạc, tai nghe, loa có dây…) sử dụng USB Type-C. Nói không đâu xa, những sợi dây sạc muốn hoạt động với iPhone 15 cũng phải là dây USB Type-C "Made for iPhone", nếu không đạt chứng chỉ này thì máy sẽ không sạc và hiện ra bảng thông báo cảnh báo. Vậy "tiêu chuẩn chung" dường như đã thành một "tiêu chuẩn riêng" của Apple.

    Thực chất, USB Type-C cũng chỉ là đầu kết nối còn mỗi hãng sẽ có một chuẩn sạc của riêng mình. Xiaomi thường xuyên ra mắt những tiêu chuẩn sạc 67W, 120W cho riêng mình, OPPO và các hãng con đều sử dụng SuperVOOC - khi dùng chung smartphone của hãng với đúng củ, dây sạc thì mới đạt được tốc độ này.

    Điểm khác biệt nằm ở việc những củ sạc, sợi dây này khi sử dụng với các smartphone khác thì vẫn sẽ sạc ở một tốc độ chậm hơn, chứ không "từ chối sạc" như những sợi dây không đạt chuẩn MFi với iPhone. Việc Apple áp dụng một chuẩn riêng cho USB Type-C sẽ tạo hiệu ứng "dây chuyền", những nhà sản xuất phụ kiện sẽ phải thêm chuẩn này vào tất cả món đồ của mình, tăng giá bán tới người dùng cuối. Lần này sẽ ảnh hưởng tới cả người dùng Android vì sẽ chả ai bán 2 loại phụ kiện dùng chung cổng cắm cho 2 loại sản phẩm cả!

    Chung nhưng lại thành riêng: iPhone 15 Series sẽ sử dụng USB Type-C nhưng phải có chuẩn MFi - Ảnh 2.

    Việc Apple "nhượng bộ" trong việc dùng chung chuẩn với phần còn lại của thế giới không đồng nghĩa với việc người dùng có thể thoải mái sử dụng bất cứ dây sạc C nào cho iPhone.

    "Đối với người dùng phổ thông, để đạt được sự yên tâm trên thì phải bỏ ra nhiều chi phí hơn so với các mẫu sạc cáp USB-C khác đang có trên thị trường, vì phụ kiện chuẩn MFi của Apple lúc nào cũng mắc hơn. Đồng thời hạn chế việc tận dụng các phụ kiện USB-C khác (không đạt chuẩn) có sẵn hoặc dùng chung với bạn bè khi cần thiết. Việc iPhone 15 đổi qua cổng USB-C cũng sẽ khiến người dùng cũ dư thừa ra cáp Lighting cũ, rác thải ra môi trường nhiều hơn", anh Bùi Nhật Trường, quản trị trang công nghệ Sforum cho biết.

    Phản ứng của người dùng

    Anh Quang Vũ (Long Biên, Hà Nội), người dùng iPhone lâu năm cho biết nếu Apple chuyển sang sử dụng cổng USB-C cho iPhone thì đây sẽ là tin vui với đại đa số người dùng iPhone. "Mình dùng hệ sinh thái của Apple khá nhiều, từ iPhone, iPad, MacBook cho tới Apple Watch và AirPods. Chuyển sang dùng cổng USB-C mình có thể dùng một sợi cáp duy nhất để sạc chung cho tất cả các thiết bị. Đây rõ ràng là một tin vui đối với người dùng iPhone", anh Vũ chia sẻ.

    Đồng quan điểm với anh Vũ, chị Ngọc Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng ủng hộ việc iPhone nên dùng cổng USB-C. "Công việc của mình hay phải chuyển ảnh và video từ máy tính Windows vào iPhone và ngược lại, dùng chuẩn Lightning cho tốc độ khá hạn chế. Nếu Apple chuyển sang sử dụng cổng USB-C và nâng cấp sạc nhanh, tốc độ truyền dữ liệu thì mình hoàn toàn ủng hộ", chị Mai cho biết.

    Chung nhưng lại thành riêng: iPhone 15 Series sẽ sử dụng USB Type-C nhưng phải có chuẩn MFi - Ảnh 3.

    Anh Lê Vũ, nhà sáng lập thương hiệu velasboost Việt Nam nhận định: "MFi là miếng bánh ra tiền của Apple. Họ không dễ dàng từ bỏ tiêu chuẩn này kể cả khi bị Liên minh Châu Âu ép buộc chuyển sang sử dụng USB-C trên iPhone. Điều này hoàn toàn dễ hiểu và Apple sẽ lại tiếp tục kinh doanh dựa trên các món phụ kiện dành cho iPhone như hãng đã làm đối với chuẩn Lightning trước đây".

    Quả thật, việc chuyển từ Lightning sang USB-C trên iPhone giúp người dùng tiện lợi hơn trong quá trình sử dụng, điển hình như việc dùng chung một sợi cáp duy nhất cho đa số các thiết bị di động, tiết kiệm một khoản chi phí không hề nhỏ.

    "Việc Apple chuyển đổi qua cổng USB-C để phù hợp với yêu cầu của liên minh Châu Âu EU có thể xem là một điểm tốt khi trong trường hợp bất khả kháng, người dùng có thể sử dụng tạm các dây sạc C đang có trên Android, cũng như những ai đang dùng hệ sinh thái Apple bao gồm iPad và MacBook sẽ không cần mang thêm 1 sợi dây sạc thứ 2 đi kèm", anh Công Hậu, reviewer kênh công nghệ The Pixel nhận định.

    Trên thực tế, việc người dùng sử dụng cáp sạc không đạt chuẩn Apple không hề hiếm. Tuy vậy, MFi vẫn là một giải pháp giúp bảo vệ người tiêu dùng trước các nguy cơ về an toàn khi sử dụng. Nếu sử dụng phụ kiện được chứng nhận MFi, có nghĩa là các phụ kiện này đáp ứng theo yêu cầu của Apple, an tâm hơn khi sử dụng mặc dù có giá cao hơn, nhưng đáng để đánh đổi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ