Việc các nguồn đầu tư liên tục đổ vào nghiên cứu kháng sinh là một tín hiệu rất tốt.
Một thế kỷ trước, nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho con người. Hơn một nửa số người chết ở Mỹ liên quan đến những con vi khuẩn. Sau năm 1943, penicillin ra đời mở ra thời đại vàng của kháng sinh. Nó giảm con số tử vong do vi khuẩn từ 50 xuống còn vài phần trăm.
Hơn 70 năm nay, nhân loại đã nợ Alexander Fleming, người đã khám phá ra penicillin, một đặc ân lớn. Tuy nhiên, có vẻ chúng ta lại không biết trân trọng món quà đó. Việc lạm dụng kháng sinh đã gây ra một cơn ác mộng cho nhân loại với hơn 700.000 ca tử vong mỗi năm, được dự đoán sẽ lên đến 10 triệu vào năm 2050. Trong cuộc chiến khó khăn này, chúng ta đang thua cuộc nhưng không phải là không có những hi vọng mới.
Chúng ta đang thua trong cuộc chiến với vi khuẩn nhưng vẫn luôn có hi vọng
Nguyên nhân của việc vi khuẩn kháng thuốc tập trung vào việc lạm dụng kháng sinh của chính con người. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy vấn đề xuất phát từ phía chúng ta, những người đang coi thuốc kháng sinh là một phép màu.
Trong một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi Tổ chức Y tế thế giới, gần 2 phần 3 số người được hỏi đến từ nhiều quốc gia tin rằng thuốc kháng sinh có thể sử dụng để điều trị cảm cúm. Mà cảm cúm thì được gây ra bởi virus. Thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn chứ không diệt virus.
Rất nhiều người đã có nhận thức rằng kháng kháng sinh là một vấn đề toàn cầu và ảnh hưởng đến bản thân mỗi người. Nhưng dường như nhận thức này vẫn không thể ngăn cản họ lạm dụng các loại thuốc.
Cứ mỗi lần sử dụng kháng sinh, chúng ta cũng đang tăng cơ hội cho các chủng vi khuẩn kháng thuốc phát triển. Vi khuẩn thể hiện rất tốt trong cuộc chơi của sự tiến hóa. Các chủng nhạy cảm với kháng sinh bị tiêu diệt, mở ra cơ hội nhiều hơn cho các vi khuẩn kháng thuốc phát triển để thế chỗ chúng.
Vi khuẩn cũng có một sự “thông minh” trong các chiến lược chống lại kháng sinh. Chúng hoàn thành không thể tốt hơn khả năng di truyền gen kháng thuốc cho thế hệ sau, thông qua nhiều cơ chế.
Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là một nguyên nhân khiến vi khuẩn chiến thắng con người
Nguyên nhân tiếp theo dẫn đến cơn ác mộng kháng kháng sinh đến từ ngành chăn nuôi, nơi kháng sinh đang bị lạm dụng rộng rãi. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ(FDA) ước tính số lượng kháng sinh được bán ra để sản xuất thức ăn chăn nuôi còn lớn hơn sản xuất thuốc cho con người.
Trong số đó, phải kể đến việc sử dụng rộng rãi colistin, loại kháng sinh hiếm hoi còn tác dụng điều trị E coli ở động vật. Colistin là một loại thuốc cũ và giá thành rất rẻ. Nó được thêm vào thức ăn gia súc ở một số nước như Trung Quốc, để sản xuất thịt lợn giá rẻ hơn. Tuy nhiên, càng lạm dụng nó, vi khuẩn càng trở nên kháng thuốc.
Trong một báo cáo gần đây đăng tải trên tạp chí Lancet Infectious Diseases, các nhà khoa học phát hiện ra 21% thịt lợn giết mổ tại Trung Quốc tồn tại vi khuẩn E coli kháng colistin. Chủng này cũng xuất hiện ở 15% thịt được bán từ các nhà bán lẻ. E coli kháng thuốc phải chịu trách nhiệm cho khoảng 1% bệnh nhân nhập viện.
Kinh hãi hơn, với cơ chế di truyền của vi khuẩn, các gen kháng thuốc không chỉ được truyền trong cùng 1 chủng loại. Một số vi khuẩn cũng có thể nhận được gen kháng thuốc từ các chủng khác. Các nhà khoa học báo cáo cũng phát hiện ra gen kháng colistin trong trực khuẩn Klebsiella gây viêm phổi.
Lịch sử phát triển của các loại thuốc kháng sinh
Trong khi mối quan tâm về kháng kháng sinh gần đây đạt đến một cơn sốt, bạn nên biết rằng nó không phải vấn đề mới. Chúng ta nhận phần lớn trách nhiệm về phía mình vì việc lạm dụng thuốc, nhưng ngay cả khi sử dụng đúng cách, vi khuẩn kháng thuốc cũng sẽ xuất hiện.
Năm 1943, penicillin được phát hành chính thức, nhưng từ trước đó 3 năm, quan sát kháng penicillin đầu tiên đã được ghi nhận trong phòng thí nghiệm. Tetracyline được giới thiệu vào năm 1950, vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện trong cùng thập kỷ đó.
Erthromycin cũng ra mắt năm 1953 và theo sau là vi khuẩn kháng nó năm 1968. Các khoảng thời gian tương tự với gentamicin là năm 1967 và 1979. Với vancomycin là năm 1972 và 1988. Imipenem phát hành năm 1985 thì kháng imipenem xuất hiện năm 1998. Và một trong những loại kháng sinh mới nhất của nhân loại, daptomycin ra đời năm 2003 thì chỉ 1 năm sau xuất hiện vi khuẩn kháng nó.
Rõ ràng chúng ta đang chơi một trò đuổi bắt với vi khuẩn và thất bại ban đầu khiến không ít người nản chí. 15 trong số 18 công ty dược phẩm lớn nhất thế giới đang muốn bỏ rơi hẳn thị trường thuốc kháng sinh. Nguồn tài trợ đổ vào lĩnh vực này bị cắt giảm đáng kể.
Số lượng thuốc kháng sinh ra đời có xu hướng giảm dần. Giai đoạn 1980-1984, có 19 loại kháng sinh được phê chuẩn bởi FDA. Con số chỉ là 13 suốt những năm 2000-1014.
Con số chính xác để phát triển một loại thuốc có thể lên đến vài tỷ USD. Và các công ty dược chỉ chịu khó bỏ tiền khi loại thuốc nào đó được bán rộng rãi hoặc với mức giá sẽ đem về cho họ lợi nhuận. Thuốc kháng sinh thì không phải mặt hàng như vậy. Khi một loại thuốc mới ra đời, nó nằm trong thị trường chung, cạnh tranh với những loại thuốc cũ giá rẻ hơn.
Kể như có một loại thuốc mới đột phá được ra đời, nó nhiều khả năng chỉ được lưu trữ trong các khu điều trị đặc trưng, dành cho những bệnh nhân kháng thuốc nhất. Rõ ràng, chẳng ai chịu bỏ ra vài tỷ USD vì điều này. Thuốc kháng sinh mới không có một thị trường lớn.
Tiếp tục phát triển các loại thuốc mới là một biện pháp hiện nay
Tuy nhiên, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Trong đó, đáng khích lệ nhất là sự chung tay phối hợp của nhiều nhóm quốc gia và tổ chức như các nước thuộc nhóm G7, G20 và cả Tổ chức Y tế thế giới. Bên cạnh đó, ngành dược phẩm cũng thể hiện quyết tâm của mình. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới đầu năm 2016 tại Davos, Thụy Sĩ, chúng ta đã được chứng kiến thỏa thuận giữa 85 công ty công nghệ sinh học, dược phẩm và y tế trong cuộc chiến với kháng kháng sinh.
Những tia sáng khác được lóe lên ở Hoa Kỳ. Thỏa thuận ngân sách liên bang thông qua vào năm ngoái quyết định tăng chi tiêu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thuốc kháng sinh thêm 375 triệu USD. Gần một nửa trong số này hiện đã được đầu tư cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh để chuẩn bị cho cuộc chiến.
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cũng nhận thêm 100 triệu USD để nghiên cứu thuốc kháng sinh. 96 triệu USD cũng được đầu tư cho Cơ quan nghiên cứu và phát triển sinh học tiên tiến để khám phá các loại thuốc mới. Cuối năm nay, họ sẽ ngay lập tức bước vào một nghiên cứu thuốc kháng sinh. Kế hoạch sau đó sẽ là chi tiêu 30 triệu USD mỗi năm cho lĩnh vực này.
Việc các nguồn đầu tư liên tục đổ vào nghiên cứu kháng sinh là một tín hiệu rất tốt. Trong nhiều năm nay, chi tiêu trong lĩnh vực này hầu như rất nghèo nàn và không có đột phá. Ở Hoa Kỳ, cả Tổng thống và quốc hội đều nhìn nhận ra rằng thuốc kháng sinh cần nhận được sự quan tâm từ phía nhà nước và thúc đẩy việc tài trợ nhiều hơn.
Các công ty tư nhân đã mất dần sự quan tâm của họ đến lĩnh vực này. Trong khi đó, thuốc kháng sinh là một yếu tố quan trọng phục vụ toàn bộ cộng đồng. Sẽ là rất cần thiết với sự vào cuộc của nhà nước để chống lại mối đe dọa về kháng kháng sinh ngày càng tăng.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý một điều rằng các loại kháng sinh mới ra đời cũng giống như chúng ta tiếp tục chơi trò rượt bắt với vi khuẩn. Vì lí do này, nhiều nguồn tài trợ đang đi về hướng phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm và quản lý việc sử dụng kháng sinh. Đây cũng là một dấu hiệu tích cực bởi ngăn ngừa nhiễm trùng thông qua các biện pháp y tế công cộng vừa giúp cải thiện sức khỏe con người mà không tiếp tay cho vi khuẩn tiến hóa đến sự đề kháng với kháng sinh.
Tham khảo Nytimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời