Chuyện chưa ai kể về một trong những phát minh vĩ đại nhất lịch sử loài người
Được xem như một trong những vật dụng nhỏ bé nhưng vĩ đại trong lịch sử nhân loại, đáng buồn thay đến nay vẫn chưa ai biết nguồn gốc ra đời của người trợ thủ thầm lặng này.
Hàng ngày, chiếc kẹp giấy bằng kim loại này vẫn âm thầm giúp chúng ta có được các tập hồ sơ gọn gàng không bị lẫn lộn với nhau, nhưng trong lịch sử, nó từng có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều. Trong thời kỳ thế chiến thứ hai, khi chế độ Quốc xã chiếm đóng Nauy, chúng đã ra lệnh cấm các phù hiệu có lá cờ quốc gia hay biểu tượng H7 của vua Haakon VII lúc đó đang phải đi lưu vong. Để phản kháng lại mệnh lệnh này, lực lượng kháng chiến Nauy đã lựa chọn một chiếc kẹp giấy trên ve áo để làm biểu tượng cho mình.
Chiếc kẹp giấy khổng lồ ở thị trấn Sandvika.
Vật khiêm tốn này trở thành đại diện cho sức mạnh và sự đoàn kết của lực lượng phản kháng chống lại những kẻ xâm lược. Ngoài ra, chiếc kẹp giấy này còn làm tăng thêm niềm tự hào yêu nước khi nó vốn là một phát minh của người Nauy. Ngày nay, tại thị trấn Sandvika, một chiếc kẹp giấy khổng lồ cao 7 mét đã được dựng lên để kỷ niệm biểu tượng của quốc gia và tưởng nhớ đến người phát minh ra nó, Johan Vaaler.
Đó đúng là một câu chuyện xúc động và rất phổ biến về lịch sử của chiếc kẹp giấy này, nhưng trên thực tế, nó không hoàn toàn chính xác như vậy. Đúng là quân kháng chiến Nauy đã sử dụng những vật dụng này như một cách phản đối sự chiếm đóng của quân đội Quốc xã, tuy nhiên biểu tượng này cũng được sử dụng bởi lực lượng kháng chiến Pháp.
Thiết kế chiếc kẹp giấy được cấp bằng sáng chế của ông Johan Vaaler.
Và dù tác phẩm nghệ thuật ở Sandvika cho dù rất giống một vật hiện được sử dụng phổ biến trên các văn phòng và ngôi nhà trên toàn thế giới, nó lại hoàn toàn khác với mô hình được trao bằng sáng chế về thiết kế cho ông Vaaler. Ông Johan Vaaler đã phát minh ra một loại kẹp giấy khác, không phải loại này.
Chỉ một vài người biết rằng loại kẹp giấy đang được sử dụng phổ biến ngày nay có một cái tên riêng: “Gem”, và đó là một mô hình thuôn dài với các cạnh song song và hai vòng dây hở cuộn vào nhau. Thật kỳ lạ là đến nay, người ta vẫn chưa biết ai đã phát minh ra nó, giáo sư về kỹ thuật tại Đại học Duke và cũng là một nhà sử học, ông Henry Petrovski cho biết.
Thiết kế chiếc kẹp của Samuel B. Fay được cấp bằng sáng chế vào năm 1867.
“Bằng sáng chế được cấp cho Samuel B. Fay vào năm 1867 thường được cho là bằng sáng chế đầu tiên của chiếc kẹp giấy, nhưng thiết kế của nó không được dùng chủ yếu cho giấy tờ.” Ông Petrovski chỉ ra. Phát minh của Fay dự định để thay thế cho chiếc đinh ghim để gắn các mảnh giấy vào quần áo, đặc biệt với các loại vải mềm như “lụa, ren và tất cả loại hàng hóa có đằng cấp cao hơn, mà không làm hư hại hay để lại dấu vết nhỏ nhất trên các sản phẩm khi gỡ ra.” Chiếc kẹp do Fay thiết kế là cái chúng ta thường thấy trên những chiếc áo sơ mi gập sẵn bán trong cửa hàng.
Còn đối với chiếc kẹp giấy Gem, người phát minh ra nó vẫn là một ẩn số, có lẽ là mãi mãi. “Bằng chứng cổ nhất về nó là các quảng cáo từ cuối thế kỷ 19.” Ông Petroski cho biết.
Theo website www.officemuseum.com , bằng chứng đầu tiên xác nhận sự xuất hiện bằng hình ảnh của vật dụng này là trong một quảng cáo được đăng tải bởi công ty cung cấp đồ văn phòng Cushman & Denison ở New York, Mỹ vào tháng Chín năm 1894, trên tạp chí Luật Sư Mỹ.
Tờ quảng cáo đầu tiên cho chiếc kẹp giấy Gem vào năm 1894.
“Đừng làm hư hỏng các tài liệu của bạn với đinh ghim hay ốc vít.” Đó là lời giới thiệu của Cushman & Denison trên quảng cáo của họ. Sản phẩm này của công ty được bán với giá 25 cent một hộp, được công ty đăng ký thương hiệu Gem vào năm 1904, nhưng có bằng chứng cho thấy trước đó, nó đã trở thành một vật dụng phổ biến.
Một bằng sáng chế được cấp năm 1899 cho người Mỹ, ông William Middlebrook về một chiếc “máy chế tạo kẹp giấy bằng giây.” Theo các hình vẽ mô tả của bằng sáng chế, những chiếc kẹp giấy này rõ ràng là loại Gem.
Bằng sáng chế được cấp cho thiết kế máy chế tạo kẹp giấy Gem của ông William Middlebrook.
Đến cuối thế kỷ 19, người ta chứng kiến một trận lụt về các bằng sáng chế cho các loại kẹp giấy khác nhau, tuy nhiên chỉ một vài trong số chúng còn sống sót, nhưng tất cả đều là thiểu số nếu so với chiếc Gem ngày nay. “Có những bằng sáng chế về các biến thể khác nhau Gem, nhưng bản thân chiếc Gem vẫn không có bằng sáng chế.” Ông Petroski nhấn mạnh điều này.
Giữa hàng loạt các biến thể này, là sáng chế của ông Johan Vaaler (1866-1910), nhà sáng chế người Nauy, người đã mở một văn phòng đăng ký bằng sáng chế tại Oslo, sau đó là Christiania. Tuy nhiên, ông cũng không có dự định giới thiệu các cải tiến của mình, chỉ đơn giản vì ông không biết rằng phát minh của ông vốn đã có từ trước.
Không những thế, chiếc kẹp giấy của ông bị thiếu mất vòng uốn cuối cùng so với chiếc Gem, vì vậy làm cho nó ít hữu dụng và ít chức năng hơn. Vaaler được cấp bằng sáng chế cho thiết kế của mình vào tháng Sáu năm 1901 tại Đức và Mỹ. Nhưng có thể sau đó, ông mới biết đến sự tồn tại của Gem, và bằng sáng chế của ông sau đó bị hết hạn mà không được khai thác.
Một con tem in hình chiếc kẹp giấy ở Nauy để tưởng nhớ nhà phát minh Johan Vaaler.
Tuy nhiên, từ phát minh của Vaaler dẫn đến câu chuyện về chiếc kẹp giấy huyền thoại là phát minh của người Nauy lại nhờ công của Halvard Foss, một kỹ sư tại Văn phòng Sở hữu công nghiệp Nauy. Những năm 1920, khi tìm thấy bằng sáng chế bị lãng quên của người đồng hương trong phòng đăng ký của Đức, có lẽ ông cũng không nhận ra rằng thiết kế đó khác so với chiếc kẹp giấy Gem nên đã công bố với đất nước mình. Và sau Thế chiến thứ Hai, chiếc kẹp giấy của Vaaler đã được liên kết với sự tưởng nhớ về biểu tượng của lực lượng kháng chiến chống Quốc xã.
Đó cũng là lý do ra đời câu chuyện về biểu tượng của lòng yêu nước cho một trong những phát minh nhỏ bé nhưng vĩ đại nhất của nhân loại. Một phát minh mà theo ông Petroski, “đã được lắp ráp hoàn chỉnh và hoàn toàn không đòi hỏi pin để hoạt động.” Không ai muốn một hộp kẹp giấy lại phải đi kèm với một tờ hướng dẫn sử dụng, và họ cũng không có xu hướng nghĩ quá nhiều về việc chúng được sản xuất ra và sử dụng như thế nào.”
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín