Chuyện đời thăng trầm như phim của "cha đẻ" máy hát Karaoke: Có lúc giàu sang nhưng trầm cảm, mất tiền khủng bản quyền song bất ngờ sánh ngang các huyền thoại thế kỷ 20
Phát minh mà ông đem đến giúp con người thư giãn bằng âm nhạc, nhưng đồng thời cũng là “nỗi kinh hoàng” của nhiều nhà hàng xóm xung quanh.
Chỉ tính riêng trong năm ngoái, Daisuke Inoue - cha đẻ của karaoke - nhẽ ra có thể kiếm được tới 100 triệu USD tiền bản quyền. Thế nhưng, ông chỉ nhún vai khi được hỏi liệu có bao giờ cảm thấy tiếc nuối vì đã không đăng ký bản quyền sáng chế nổi tiếng thế giới này.
“Khi ấy, tôi tưởng rằng bằng sáng chế chỉ dành cho những phát minh vĩ đại biến điều không thể thành có thể”, ông trả lời tờ Post trước thềm kỷ niệm 50 năm ngày karaoke ra đời.
“Chiếc máy karaoke của tôi chỉ là tập hợp một số linh kiện điện tử sẵn có với nhau. Vì thế, tôi chưa bao giờ nghĩ đó là một ‘phát minh’ thực sự.”
Theo Inoue, karaoke chưa chắc đã phổ biến như hiện tại nếu chiếc máy Juke 8 của ông được cấp bằng sáng chế. “Ca hát là đam mê của phần lớn mọi người. Tôi tin rằng karaoke đã cho họ cơ hội được tự mình trở thành ngôi sao. Đó là những gì tôi nghĩ khi thấy mọi người ca hát”, ông chia sẻ.
Giờ đây, người đàn ông 80 tuổi này đang sống tại Nishinomiya, phía đông thành phố Osaka (Nhật Bản) cùng vợ, con gái, 3 đứa cháu ngoại và 7 chú chó. Ông có rất nhiều thời gian để hoài niệm về phát minh sáng tạo đã làm thay đổi cả nền âm nhạc thế giới.
(Ảnh minh họa)
Người đàn ông quyết tâm dành cả đời theo đuổi niềm vui âm nhạc
Inoue sinh năm 1940 tại Juso, Osaka (Nhật Bản). Cha của ông sở hữu một quán bi-a - nơi ông đã ngã từ tầng hai xuống và nằm bất tỉnh hơn 2 tuần. Bác sĩ nói với cha mẹ Inoue rằng kể cả khi sống được thì ông cũng sẽ bị tổn thương não.
Gia đình Inoue đã mời một nhà sư đến để làm lễ cầu nguyện, đổi tên cúng cơm từ Yusuke sang Daisuke - với ý nghĩa là “to lớn” và “giúp đỡ”. Rốt cuộc, Inoue đã chiến thắng tử thần, thậm chí còn không phải chịu bất cứ di chứng nào.
Sau đó, Osaka trở thành mục tiêu đánh bom của quân đội Mỹ trong Thế chiến II nên cả gia đình phải chạy về vùng thôn quê Ikoma lánh nạn. Khi quay trở lại Osaka vào năm 1946, Inoue phải chật vật kiếm sống bằng cách trải chiếu bán kẹo ngoài đường, bởi quán bi-a do bố ông quản lý đã bị phá hủy. Chỉ trong vài năm này, ông đã tiết kiệm đủ tiền để mở một quán bán bánh xèo Nhật.
Dù vậy, Inoue không mặn mà lắm với việc kinh doanh, mà sớm phát triển đam mê âm nhạc. Tại trường cấp 3, ông xin làm tay trống trong một ban nhạc dù không hiểu rõ về nhạc lý. Inoue thừa nhận rằng đến giờ ông vẫn không biết đọc bản nhạc và chỉ học giai điệu thông qua việc lặp đi lặp lại.
Inoue còn tự học một vài điệu nhảy, nhờ đó được nhận vào chơi cho một ban nhạc hay biểu diễn tại các vũ trường địa phương. Vì học sinh tại Nhật Bản bị cấm làm thêm, ông phải giữ bí mật về nghề nghiệp của mình. Inoue có thể ngủ quên trong lớp, nhưng ông chưa bao giờ nghỉ học và vẫn tốt nghiệp đúng hạn.
Sau 8 tháng làm công việc văn phòng nhàm chán, Inoue quyết định rời nhà, đi lưu diễn khắp nơi cùng ban nhạc. Tuy nhiên, niềm vui đó cũng chỉ kéo dài vỏn vẹn 9 năm. Ông chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, đồng thời biết rằng mình không thể trở nên vĩ đại nếu cứ tiếp tục theo nghiệp trống.
Vì vậy, Inoue đã trở về nhà vào năm 28 tuổi và kiếm sống nhờ việc biểu diễn tại các địa phương trong vùng.
Daisuke Inoue từng chơi trống trong ban nhạc khi còn trẻ. (Ảnh: Daisuke Inoue Young)
Chiếc máy karaoke đầu tiên ra đời vì khách hàng sợ… bị mời lên hát
Bước ngoặt cuộc đời đến với Inoue vào năm 2006, khi chủ tịch một công ty nhỏ đến gặp ông. Người này sắp phải tiếp khách hàng tại câu lạc bộ, nhưng sợ bị mời lên hát. Vị giám đốc muốn Inoue thu âm sẵn một vài ca khúc yêu thích để luyện hát tại nhà. Ý tưởng này không chỉ giúp buổi gặp gỡ của doanh nhân kia thành công tốt đẹp, mà còn là nguồn cảm hứng để Inoue sáng chế máy karaoke sau này.
Nguyên lý hoạt động của máy rất đơn giản: Người dùng bỏ đồng xu vào một chiếc máy được kết nối với microphone, loa và bộ khuếch đại, sau đó chọn bài hát mà mình mong muốn. Ông dễ dàng tìm kiếm đủ các linh kiện cần thiết tại cửa hàng điện tử của một người bạn, và chỉ 2 tháng sau đó, chiếc máy Juke 8 đầu tiên đã ra đời với giá 425 USD (~9 triệu VNĐ).
Chiếc máy karaoke đầu tiên có tên Juke 8. (Ảnh: Daisuke Inoue Young)
Ban nhạc của Inoue đã thu nhiều ca khúc để phát trên thiết bị và tập hợp được một danh sách gồm 300 bài hát.
“Tôi hát karaoke lần đầu tiên vào năm 1969”, Inoue nói. “Khi ấy, tôi chưa từng nghĩ mọi người sẽ thích nó đến vậy. Thế nhưng, chiếc máy đã ra mắt thị trường vào năm 1971.”
“Nếu tôi không ở Kobe, có lẽ chiếc máy đó đã chẳng bao giờ phổ biến đến vậy. Người dân Tokyo và Osaka thường đi nghe nhạc sống hoặc nghe từ cái máy hát tự động của Mỹ. Tuy nhiên, người dân Kobe thích vừa nhậu vừa hát hò theo nhạc; có đủ cả ban nhạc, guitar và keyboard.”
Tự tin về sản phẩm, Inoue thuyết phục được 10 quán bar lắp đặt máy karaoke, nhưng có rất ít khách hàng sử dụng. Không bỏ cuộc, ông cử một nữ nhân viên xinh đẹp tới quán bar và hát thử vài bài trên chiếc máy Juke 8. Dần dần, phát minh này được mọi người yêu thích và ai nấy đều muốn thử trải nghiệm được một lần được hát theo máy.
“Không ai muốn rời tay khỏi mic.”, Inoue nhớ lại. Đến cuối năm đó, hơn 200 cơ sở giải trí trên khắp Kobe đã trang bị máy hát karaoke thế hệ đầu tiên này.
Phát minh này càng được biết đến nhiều hơn nữa khi chủ của 2 quán bar tại Kobe quyết định mở chi nhánh mới tại Osaka. Chỉ trong vòng 1 năm, Juke 8 xuất hiện ở khắp các địa phương trên toàn quốc. Cũng trong 1 năm đó, công ty của Inoue đã sản xuất được 25.000 chiếc máy và cả Nhật Bản bị cuốn theo “cơn sốt” mang tên karaoke.
Daisuke Inoue chưa từng hối hận vì không đăng ký bản quyền máy hát karaoke, vì ông không coi đó là một phát minh. (Ảnh: Getty Images)
Cuộc sống giàu có nhưng trầm cảm, sẵn sàng bỏ cả sản nghiệp để trả ơn
Inoue cho biết, cái tên “karaoke” không phải là do ông đặt ra. Năm 1952, một đoàn kịch nổi tiếng của Osaka là Takarazuka Kageki rơi vào khủng hoảng do dàn nhạc đình công. Người chủ vẫn muốn biểu diễn, nhưng lại không chịu nhượng bộ yêu cầu của dàn nhạc công. Vì thế, công ty của Inoue đã ủy quyền cho một doanh nghiệp điện tử để tạo ra một thiết bị có thể phát nhạc theo mong muốn của diễn viên.
Theo mọi người kể lại, một kỹ sư từ doanh nghiệp điện tử trên đã tới xem rạp hát và nhận xét: “Tiếng nhạc vẫn cất lên, nhưng lại thiếu vắng dàn nhạc”. Cụm từ “thiếu vắng dàn nhạc” trong tiếng Nhật là kara “kara okesutura” - và sau này được gọi tắt là karaoke.
Inoue thuyết phục các hãng thu âm lớn nhất Nhật Bản rằng họ cần tham gia vào cuộc “cách mạng âm nhạc” này. Họ đã nhanh chóng gật đầu khi nhận ra mình có thể kiếm được khoản lợi nhuận lớn từ tiền bản quyền mỗi lần khách hàng hát karaoke.
Theo cha đẻ của phát minh này, giờ đây hãng thu âm nào cũng muốn nghệ sĩ của mình xuất hiện trên các máy karaoke.
Một người đàn ông đang hát karaoke qua máy tại Tokyo (Nhật Bản). (Ảnh: Getty Images)
Chỉ trong vòng 2 năm, công ty của Inoue đã sở hữu doanh thu hàng năm lên tới 100 triệu USD. Ông chỉ việc ngồi một chỗ và nhìn số dư tài khoản của mình tăng dần lên mỗi ngày. Tuy nhiên, thay vì hạnh phúc với sự giàu có này, Inoue ngày càng buồn bã và chán nản vì không còn được ra ngoài và gặp gỡ mọi người. Vì thế, ông đã trao quyền điều hành công ty cho anh trai rồi rời đi.
Nhờ có chú chó Donbei, Inoue mới có thể vượt qua cơn trầm cảm kéo dài suốt 2 năm. Đến giờ phút này, ông vẫn luôn hy vọng rằng phát minh của mình sẽ đem niềm vui đến cho những người mắc bệnh trầm cảm. Cha đẻ của karaoke nghĩ rằng việc cầm mic lên và hát bất kể tài năng ra sao sẽ là một cách tuyệt vời để trốn chạy guồng quay thực tại.
Một trong những việc đầu tiên Inoue làm khi khỏi bệnh là mua lại một sân golf cũ ở tỉnh Hyogo, rồi xây viện dưỡng lão đầu tiên dành cho những chú chó già, cùng với một trung tâm huấn luyện chó.
“Đây là cách mà tôi trả ơn Donbei vì đã giúp mình thoát khỏi trầm cảm”, ông nói.
Năm 1999, Inoue được tạp chí Time vinh danh trong “Top 20 nhân vật châu Á của thế kỷ 20”, sánh ngang với các huyền thoại khác như Mahatma Gandhi. Điều này khiến Inoue vô cùng bất ngờ.
5 năm sau, cha đẻ của karaoke còn được mời tới Đại học Harvard để nhận giải Ig Nobel nhờ “phát minh ra karaoke và tạo ra một phương pháp mới giúp con người học cách bao dung với nhau”.
Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các thành tựu “khiến cho con người phải bật cười rồi suy nghĩ”.
Khi lên phát biểu tại lễ trao giải, Inoue đột nhiên ngây người ra khi đang định trích dẫn một bài hát. Vì thế, ông đã rút từ trong túi ra một chiếc máy ghi âm nhỏ, lắng nghe vài giây đầu tiên rồi nhắc lại từng từ một.
“Tôi muốn dạy thế giới cách hát, với một sự hòa âm hoàn hảo…”, ông nói và toàn bộ khán giả ngồi bên dưới đã cùng hát theo ông. Nhờ đó, Inoue trở thành người nhận được tràng vỗ tay lâu nhất trong lịch sử các buổi lễ trao giải Ig Nobel.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?