Chuyện gì đã thực sự xảy ra trong sáng ngày 23/3 định mệnh khiến một cơn gió thổi bay dòng hàng gần 10 tỷ USD mỗi ngày trên kênh Suez?
Bất chấp bão cát, tàu EverGiven vẫn tăng tốc vượt mức cho phép để "lướt gió" mà không cần trợ giúp kéo tàu như những thuyền khác.
Vào ngày 23/3/2021, khi chiếc tàu chở hàng EverGiven của hãng Evergreen đi qua kênh đào Suez, một cơn bão cát với vận tốc gió hơn 60km/h đã quét qua đây rồi đẩy con tàu trật hướng vào bờ cát, gây ách tắc tuyến đường huyết mạch của thương mại thế giới.
Trên thực tế tại Ai Cập, thời tiết bão cát là hoàn toàn bình thường và trước đây cũng đã có trường hợp đâm vào bờ cát kênh Suez nhưng được giải cứu thành công. Trường hợp của tàu EverGiven do quá nặng và thủy triều cạn nên các chuyên gia đang vất vả tìm phương án giải cứu.
Quay trở lại câu chuyện ngày 23/3, các tàu chở hàng neo đậu xếp hàng để đi qua kênh đào như mọi ngày. Một trong những con tàu chở hàng lớn nhất thế giới là EverGiven cũng tương tự.
Titanic trên kênh Suez
Lúc 7h40 sáng theo giờ địa phương, con tàu chở đầy container này mắc kẹt sau trận bão cát. Kích thước quá lớn của con tàu vốn thường được so sánh với tháp Eiffel này đã làm đình trệ hoàn toàn tuyến đường huyết mạch cũng như ảnh hưởng đến giao thương toàn cầu.
Xin được nhắc là kênh đào Suez chiếm tới 13% tổng số hàng hóa vận chuyển giao thương trên toàn thế giới với khoảng 19.000 tàu chở hàng đi qua đây năm 2019.
Vào thời điểm bão cát, một con tàu trước chuyến của Ever Given 1 ngày đã quyết định tạm hoãn do gió quá lớn nhưng chiếc tàu khổng lồ của hãng Evergreen thì lại vẫn mạo hiểm.
Ngoài ra, trong khi tàu hàng nhỏ hơn đi trước đó sử dụng thuyền kéo 2 bên để cố định hướng chạy trong bão cát thì tàu EverGiven lại không dùng. Nguyên nhân hiện chưa được làm rõ nhưng có lẽ việc chủ quan cho rằng con tàu đủ lớn và nặng để không bị ảnh hưởng bởi bão cát đã góp phần đưa ra quyết định trên.
Điều đáng ngạc nhiên là khi con tàu bắt đầu bị chệch hướng đâm vào bờ cát, lái tàu đã quyết định tăng tốc để cố gắng điều chỉnh lại hướng đi nhưng quá muộn. Đây chính là lý do tàu EverGiven cắm chắc vào bờ cát của kênh Suez và gây khó khăn cho việc giải cứu.
Câu chuyện này gợi nhớ lại trường hợp tàu khổng lồ Titanic khi kích thước của con tàu khiến mọi người nghĩ nó chẳng thể chìm. Thế rồi con tàu đã va vào băng trôi trong chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên khiến 1.500 người tử nạn.
Quay trở lại kênh đào Suez, đây được coi là một trong những vùng nước rất khó khăn cho các thuyền viên lái tàu vì diện tích hẹp.
"Đó là một con kênh khá nhỏ và gió thì rất lớn, bởi vậy hậu quả sẽ rất lớn nếu chỉ một sai sót nhỏ xảy ra", Cựu thuyền viên và hiện là chuyên gia tư vấn an toàn hàng hải Andrew Kinsey của Allianz Global Corporate nhấn mạnh.
Rất nhiều tàu hàng kẹt lại 2 đầu kênh Suez chờ được thông quan
Tai nạn vì quá to
Trên thực tế, do thời tiết bão cát thường xuyên nên việc băng qua kênh Suez trong gió lớn là điều thường diễn ra bởi rất nhiều tàu hàng chờ tới lượt. Đây là tuyến đường huyết mạch đông đúc nên nhiều tàu hàng đã sử dụng dây kéo 2 bên hoặc những biện pháp hỗ trợ để vượt kênh trong gió. Một số trường hợp thậm chí không dùng hỗ trợ gì để tăng tốc đi qua kênh.
Trước 1 ngày khi tai nạn diễn ra, con tàu Rasheeda chờ khí đốt từ Qatar đã quyết định hoãn đi qua kênh dù xếp hàng trước EverGiven. Dù bị chậm tiến độ giao hàng nhưng thuyền trưởng của Rasheeda vẫn đưa ra quyết định này sau khi thảo luận với các nhân viên và chuyên gia.
Trong khi đó, các nhân viên của kênh Suez cho biết tình trạng bão cát không chỉ có gió to mà còn làm giảm tầm nhìn, khiến lái tàu bị mất kiểm soát và chệch hướng. Hiện chiến dịch giải cứu đang được tiến hành nhưng các nguồn tin cho thấy ít nhất đến thứ 4 tuần sau, con tàu EverGiven sẽ chưa thể ra khỏi kênh Suez.
Bình quân mỗi ngày kênh Suez đón khoảng 50 tàu hàng qua lại và mỗi tàu tốn bình quân 12h để đi qua tùy tình hình thời tiết. Việc EverGiven bị tắc sẽ khiến số lượng tàu kẹt lại 2 đầu kênh ngày một nhiều, qua đó khiến việc lưu thông hàng hóa bình thường trở lại càng lâu hơn kể cả khi đã khai thông kênh đào.
Số tàu chờ hiện đã tăng từ hơn 180 vào ngày 24/3 lên hơn 300 tàu tại 2 đầu kênh Suez, qua đó chặn đứng dòng hàng gần 10 tỷ USD mỗi ngày chạy qua đây.
Dữ liệu ghi lại cho thấy EverGiven đã chạy với vận tốc 13,5 Knots vào lúc 7h28 sáng ngày 23/3, chỉ 12 phút trước khi tai nạn diễn ra. Vận tốc này nhanh hơn mức trần 7,6 Knots, tương đương 13,8km/h mà kênh đào Suez cho phép các tàu hàng được vận hành qua đây.
Những thuyền trưởng lái tàu khi được hỏi cho biết họ có thể tăng tốc trong bão cát để điều chỉnh hưởng đi tốt hơn thay vì đi chậm. Tuy nhiên trong trường hợp này nó lại khiến tai nạn trầm trọng hơn.
Một con tàu chở hàng to chẳng kém khác là Maersk Denver đi đằng sau EverGiven cũng chỉ dám để tốc độ 10,6 Knots vào 7h28 sáng ngày 23/3.
Đằng trước EverGiven là tàu Cosco Galaxy nhỏ hơn. Con tàu này cũng chạy với vận tốc nhanh tương đương EverGiven nhưng có dây kéo hỗ trợ 2 bên để định hướng trong bão cát.
Việc hỗ trợ này là không bắt buộc khi các tàu hàng vượt bão cát trên kênh Suez, nhưng phía nhân viên kênh có thể cung cấp nếu thuyền trưởng yêu cầu.
Theo các thuyền trưởng từng chở hàng qua kênh Suez, việc lái một con tàu to và nặng như EverGiven là rất khó.
"Bạn sẽ thấy có những trường hợp bẻ lái 1 bên nhưng tàu lại chạy 1 bên. Khoảng cách giữa giữ tốc độ đủ nhanh để lướt đi trong bão cát và quá nhanh để gây tai nạn là rất mong manh. Bất kỳ quyết định sai lầm nào sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng tai hại và nhanh chóng bởi con kênh khá bé so với kích thước tàu", Cựu thuyền trưởng Kinsey của Allianz cho hay.
Ngày càng khó cứu
Khoảng 20 phút sau khi tai nạn xảy ra, một chiếc tàu kéo trong số 2 chiếc tàu hỗ trợ cho thuyền hàng đằng trước đã quay lại để cố kéo EverGiven khỏi bờ nhưng bất thành. Sau đó 8 chiếc thuyền hỗ trợ cũng đã được huy động nhưng thủy triều quá thấp và tàu cắm vào bờ quá chắc khiến mọi chuyện trở nên vô ích.
Theo chuyên gia Kinsey, việc chậm cứu tàu sẽ khiến việc khai thông kênh đào càng khó bởi lớp trầm tích theo dòng chảy sẽ vây quanh đáy tàu dưới mặt nước và làm việc dỡ tàu khỏi bờ cát trở nên đầy thách thức hơn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nếu ký ức tồn tại trong trái tim: Liệu một phần người hiến tim vẫn còn sống, bên trong cơ thể người nhận tạng ghép?
Điều này có thể làm thay đổi định nghĩa về cái chết não và thời điểm nội tạng được mang đi hiến tặng.
Video: Robot Optimus tương tác với khách đến tham dự sự kiện của Elon Musk