Chuyện gì đang xảy ra với Cốc Cốc?

    Quang Vũ, Trí thức Trẻ  

    Từng được kỳ vọng sẽ thay thế cho các trình duyệt ngoại, Cốc Cốc dần trở nên im hơi lặng tiếng. Gần đây, người dùng một lần nữa lại được nhen nhóm niềm tin vào một sản phẩm công nghệ make in Việt Nam, "bắt trend" ChatGPT từ đơn vị này.

    Nổi lên tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2014 nhờ sự tương đồng với Google Chrome đi kèm với những tính năng sát với nhu cầu thực của người dùng Việt, Cốc Cốc (khi đó là Cờ Rôm+) được đánh giá mang nhiều tiềm năng để trở thành trình duyệt web hàng đầu thị trường nội địa.

    Trình duyệt "phản anh hùng"

    Cụ thể, thành công khi đó của Cốc Cốc đến từ tính năng gây nhiều tranh cãi là tải video từ bất kỳ trang web, nền tảng nào. Đây là tính năng tiện lợi cho người dùng và gần như chưa có trình duyệt web nào tích hợp mặc định khả năng tải video tại thời điểm những năm 2013-2014.

    Chuyện gì đang xảy ra với Cốc Cốc? - Ảnh 1.

    Tải Video là tính năng mang lại danh tiếng cho Cốc Cốc.

    Nhiều người dùng Việt chia sẻ đã biết đến và sử dụng thường xuyên Cốc Cốc chỉ vì tính năng tải video, đặc biệt là từ những nguồn vốn không cho phép tải về như YouTube hay các nền tảng chia sẻ video khác. Dù được người dùng đón nhận rất tích cực, tính năng này lại làm dấy lên dấu hỏi về bảo vệ tác quyền.

    Một tính năng khác của Cốc Cốc cũng thể hiện trình duyệt này hợp với vai anti-hero (phản anh hùng) ra sao, đó là việc tích hợp tải torrent trực tiếp. Thay vì phải cài đặt một phần mềm riêng để tải các tập tin dạng torrent, người dùng Việt có thể trực tiếp sử dụng Cốc Cốc. Đây lại là một tính năng theo sát nhu cầu của người dùng nhưng chắc chắn không được nhóm đề cao bảo vệ tác quyền ủng hộ bởi torrent nổi tiếng là kênh chia sẻ tập tin lậu, không bản quyền.

    Chuyện gì đang xảy ra với Cốc Cốc? - Ảnh 2.

    Tính năng Chặn quảng cáo trên Trình duyệt Cốc Cốc phiên bản di động

    Tương tự, Cốc Cốc còn có thêm tính năng chặn quảng cáo, mang đến trải nghiệm xem YouTube như người dùng sử dụng gói Premium. Ngoài chặn quảng cáo, trình duyệt này còn cho phép người dùng xem video YouTube dưới dạng hình-trong-hình (PiP), hiển thị trong một khung hình nhỏ hoặc chỉ chạy âm thanh dưới nền khi đã khoá màn hình.

    Gây được tiếng vang nhờ những tính năng ưu tiên tối đa sự tiện lợi cho người dùng, Cốc Cốc cũng xây dựng được thị phần đáng kể cho riêng mình cùng tệp khách hàng trung thành. Theo thống kê, Cốc Cốc hiện đứng thứ 2 tại Việt Nam về thị phần trình duyệt và công cụ tìm kiếm, với hơn 29 triệu người dùng trên nền tảng máy tính và di động. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng thể, sau 10 năm bước vào thị trường, Cốc Cốc gần như vẫn "giậm chân tại chỗ" với một số tính năng cơ bản theo lối "bẻ khóa - vượt rào" và có rất ít động thái đột phá trong cải tiến sản phẩm.

    ChatGPT cho người Việt có phải lời hứa lèo?

    Sau thời gian dài im hơi lặng tiếng, không có nhiều đột phá về công nghệ cũng như thị phần, tới tháng 4/2023, Cốc Cốc cuối cùng cũng có một động thái mới. Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, Cốc Cốc đang làm việc để tạo ra một công cụ ChatGPT được "huấn luyện" đặc biệt nhằm xử lý ngôn ngữ tiếng Việt.

    Được biết, đây sẽ là một AI chatbot mạnh mẽ như ChatGPT nổi tiếng của OpenAI nhưng được thiết kế dành riêng cho người dùng Việt. Công cụ được kỳ vọng sẽ xử lý mềm mại, tự nhiên hơn với ngôn ngữ Việt Nam cùng cơ sở dữ liệu sát với người Việt hơn ChatGPT, được cập nhật liên tục hơn và tích hợp trực tiếp vào Cốc Cốc.

    Chuyện gì đang xảy ra với Cốc Cốc? - Ảnh 3.

    CEO Cốc Cốc cho rằng AI là cơ hội cho công nghệ Việt

    Theo CEO Cốc Cốc - ông Nguyễn Vũ Anh - AI chắc chắn là cơ hội cho công nghệ Việt. Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ Chuyển đổi số và phát triển Công nghệ số, vì thế AI có thể là đích đến tiếp theo.

    Doanh nghiệp cũng kỳ vọng việc phát triển được công cụ AI tương tự ChatGPT sẽ giúp Cốc Cốc có bước nhảy vọt mới về thị phần và hiệu quả kinh doanh, tương tự những gì mà Bing AI đang làm được cho Edge, khiến Google phải nhanh chóng ra mắt AI mang tên Bard nhằm giúp Chrome không bị bỏ lại trong cuộc đua.

    Tuy nhiên trên nhiều diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về công nghệ thông tin, phần lớn tranh luận về công cụ AI của Cốc Cốc nói riêng và việc phát triển AI tại Việt Nam nói chung đều thiên về hướng nghi ngờ và không nhiều kỳ vọng. Nhiều bình luận cho rằng các dự án AI tại Việt Nam nếu không phải là "làm màu", bánh vẽ thì cũng thiếu nền tảng công nghệ thực chất, thiếu ứng dụng thực tiễn và dần rơi vào quên lãng.

    Việc một trình duyệt Việt Nam tạo nên công cụ mạnh tương đương ChatGPT, cạnh tranh sòng phẳng với Bing AI và Bard cũng khiến cộng đồng công nghệ thông tin tại Việt Nam hoài nghi.

    Nếu AI chatbot của Cốc Cốc tiếp tục theo sát nhu cầu của người dùng Việt Nam, có những ứng dụng mang tính đột phá, anti-hero Cốc Cốc sẽ một lần nữa ghi điểm như đã từng làm những năm 2013-2014. Nhưng nếu không thể làm được như tuyên bố, đây sẽ lại là một dự án dạng "đầu voi đuôi chuột", một lời hứa lèo với người dùng Việt.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ