Chuyện gì đang xảy ra với TikTok: Bị tố truy cập dữ liệu quá mức 1 lần/giờ, rủi ro ‘bay’ khỏi các kho ứng dụng, nhiều giám đốc đồng loạt bỏ đi

    Vũ Anh, Theo Nhịp sống Kinh tế 

    (Tổ Quốc) - TikTok đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình mở rộng quy mô hoạt động ra sao?

    TikTok, ứng dụng video ngắn phổ biến toàn cầu thuộc sở hữu của ByteDance với hơn 1 tỷ người dùng toàn cầu, đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình mở rộng quy mô hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự ra đi của các giám đốc điều hành chính cũng như “gọng kìm’’ siết chặt giám sát của giới chức đối với việc thu thập dữ liệu.

    David Ortiz, người đứng đầu mảng kinh doanh của TikTok có trụ sở tại New York, đã chia sẻ trên LinkedIn rằng, vai trò của ông “bị loại bỏ trong một nỗ lực tái tổ chức”. Được biết Ortiz, cựu nhân viên công ty phần mềm đám mây Salesforce và truyền thông xã hội Snap, đã gia nhập TikTok vào năm 2020 với tư cách là một trong những lãnh đạo đầu tiên giúp xây dựng đội ngũ kỹ thuật và quản lý sản phẩm quốc tế.

    Trước đó, TikTok cũng đưa ra cảnh báo rằng một số nhân sự tại Anh và Mỹ có thể bị ảnh hưởng trong đợt cắt giảm quy mô lớn sắp tới. Trong khi đó, các nhân viên tại thị trường châu Âu đang mong chờ cuộc gặp gỡ với nhóm lãnh đạo để giải đáp một số thắc mắc nội bộ, theo SCMP. 

    Hiện tại, những thay đổi về mặt nhân sự đang diễn ra, thậm chí ở cả cấp lãnh đạo. Hồi tuần trước, Giám đốc an ninh toàn cầu Roland Cloutier của TikTok cũng tuyên bố từ chức và chuyển sang vai trò cố vấn chiến lược vào tháng 9.

    Chuyện gì đang xảy ra với TikTok: Bị tố truy cập dữ liệu quá mức 1 lần/giờ, rủi ro ‘bay’ khỏi các kho ứng dụng, nhiều giám đốc đồng loạt bỏ đi - Ảnh 1.

    TikTok bị tố truy cập dữ liệu quá mức 1 lần/giờ

    TikTok hiện chưa đưa ra bình luận cụ thể, song phát ngôn viên Anna Sopel cho biết công ty thường xuyên có những đợt điều chỉnh nhân sự như vậy cho phù hợp với mục tiêu chiến lược.

     “Một số lãnh đạo trong các nhóm hoạt động và tiếp thị đã được thay đổi vai trò. Điều này không thể gọi là tái cấu trúc toàn công ty”, phát ngôn viên Anna Sopel chia sẻ.

    Động thái trên diễn ra trong bối cảnh TikTok đang phải đối mặt với những lo ngại xoay quanh hoạt động bảo mật dữ liệu tại các thị trường nước ngoài quan trọng.

    Tuần trước, cơ quan bảo vệ dữ liệu Italy cho biết ứng dụng này có thể đã vi phạm các nguyên tắc của Liên minh châu Âu khi cung cấp quảng cáo được nhắm mục tiêu mà không có sự đồng ý của người dùng. Đáp lại, TikTok cho biết công ty chỉ đang “cố gắng xây dựng những trải nghiệm được cá nhân hóa” và “cam kết tôn trọng quyền riêng tư’’. 

    Đến tuần này, công ty an ninh mạng Internet 2.0 của Australia lại cáo buộc TikTok thu thập quá mức số lượng lớn dữ liệu. Cụ thể, ứng dụng kiểm tra vị trí thiết bị ít nhất 1 lần/giờ và liên tục tìm kiếm quyền truy cập danh bạ ngay cả khi người dùng đã từ chối các yêu cầu trước đó. Đáp lại, TikTok cho biết mình “không phải là đơn vị duy nhất thu thập thông tin người dùng, thậm chí còn thu thập ít hơn nhiều so với các ứng dụng phổ biến khác”.

    Chuyện gì đang xảy ra với TikTok: Bị tố truy cập dữ liệu quá mức 1 lần/giờ, rủi ro ‘bay’ khỏi các kho ứng dụng, nhiều giám đốc đồng loạt bỏ đi - Ảnh 2.

    TikTok rủi ro bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng

    Hiện giới chức Australia đang đặt ra câu hỏi về vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng nước ngoài của TikTok sau khi giám đốc điều hành Chew Shou Zi thừa nhận nhân viên của mình đã xóa các giao thức bảo mật nội bộ có thể truy cập thông tin người dùng tại Mỹ, bao gồm cả video và nhận xét công khai. Tại Mỹ, người đứng đầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Brendan Carr cũng đã công khai yêu cầu Apple và Google xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng do lo ngại rủi ro an ninh quốc gia. 

    Để giải quyết những lo ngại này, TikTok đã thành lập một bộ phận mới có tên là Bảo mật dữ liệu Mỹ với mục đích “giảm thiểu quyền truy cập của nhân viên Trung Quốc đối với dữ liệu người dùng’’. Việc chuyển dữ liệu giữa các khu vực cũng sẽ bị giới hạn, theo Michael Beckerman, một lãnh đạo TikTok tại châu Mỹ.

    Theo SCMP, điều này đánh dấu một làn sóng giám sát mới đối với TikTok - thứ vốn đã bắt đầu vào năm 2020, khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đe dọa sẽ cấm ứng dụng này. 

    Để trấn an các nhà chức trách và người dùng, TikTok trước đây đã thành lập một bộ phận mang tên “trung tâm minh bạch’’ ở Los Angeles, Washington và Dublin để giải thích mã nguồn của ứng dụng và cách thức hoạt động của thuật toán.

    Theo: SCMP

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ