Chuyện gì đây: Warren Buffett 'xả' cổ phiếu BYD, giảm tỷ lệ nắm giữ từ đỉnh 40% xuống chỉ còn dưới 5%
Vì sao kể từ năm 2022, tập đoàn Berkshire Hathaway lại bán hàng chục % cổ phần tại nhà sản xuất xe điện Trung Quốc?
Huyền thoại đầu tư Warren Buffett nổi tiếng với câu nói đối với những cổ phiếu mình yêu, ông muốn nắm giữ chúng cả đời. BYD có lẽ cũng từng được liệt vào danh sách đó khi cả Buffett và “cánh tay phải” đắc lực là cố Phó Chủ tịch Charlie Munger đều dành lời khen ngợi hết mực.
Tuy nhiên, kể từ năm 2022, tập đoàn Berkshire Hathaway của các cây đa cây đề Phố Wall đã bán hàng chục % cổ phần tại nhà sản xuất xe điện Trung Quốc. Tỷ lệ sở hữu hiện đã giảm xuống chỉ còn dưới 5%, theo tờ WSJ vừa đưa tin.
Cụ thể, công ty đầu tư có trụ sở tại Omaha, Nebraska gần đây đã hạ tỷ lệ sở hữu tại BYD xuống 4,94% từ mức 5,06%; bán 1,4 triệu cổ phiếu với giá trung bình 246,96 đô la Hồng Kông (31,64 USD) mỗi cổ phiếu. Giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới ngưỡng 5% đồng nghĩa với việc Berkshire sẽ không còn phải công bố giá trị cổ phiếu BYD bán ra trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông nữa.
Cổ phiếu BYD trong phiên giao dịch gần đây đã giảm 3,9% ở cả Hồng Kông và Thâm Quyến.
Các nhà phân tích cho rằng việc bán cổ phần không có gì đáng ngạc nhiên vì Berkshire thường xuyên có những động thái tương tự đối với BYD kể từ tháng 8 năm 2022, ngay sau khi cổ phiếu này đạt mức cao kỷ lục. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2008, Berkshire nắm giữ gần 40% cổ phần.
Angus Chan, nhà phân tích lĩnh vực ô tô tại Bocom International cho biết: “Đó là một khoản đầu tư sinh lãi, nhưng cuối cùng Berkshire sẽ bán toàn bộ cổ phiếu BYD thôi”.
Trong khi đó, nhà phân tích Joel Ying của Nomura cho rằng căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung là một trong những lý do có thể dẫn đến quyết định này. Ông cũng cho rằng sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường xe điện Trung Quốc là một trong nguyên do khiến Huyền thoại đầu tư Warren Buffett bán cổ phần.
Buffett cho biết vào tháng 5 rằng bạn thân Charlie Munger chính là người ban đầu thúc đẩy ông mua BYD. Tuy nhiên trong tương lai, Berkshire sẽ chỉ tập trung đầu tư chính vào thị trường Mỹ.
“Một ngày nọ, Charlie gọi cho tôi và nói, ‘Chúng ta phải mua BYD thôi”, Buffett nói với CNBC vào năm 2018.
Trước đó, Berkshire hồi đầu năm 2023 cũng đã bán toàn bộ cổ phần nắm giữ tại Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, một phần do lo ngại căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Có thể nói BYD là một trong những thương vụ đầu tư thành công nhất của tập đoàn Berkshire Hathaway. Trước khi mọi người kịp nhận ra tiềm năng của hãng xe này, tỷ phú Warren Buffett hồi năm 2008 đã để Berkshire Hathaway chi 230 triệu USD đổi lấy gần 10% cổ phần. Thời điểm Berkshire giảm tỷ lệ nắm giữ vào năm 2022, cổ phiếu BYD giao dịch gần mức cao nhất mọi thời đại.
Cựu Phó chủ tịch Berkshire, Charlie Munger, coi BYD là ‘quân bài’ tất yếu trong cuộc chạy đua về pin. Tháng 5 năm 2009, ông cho biết công ty đang nghiên cứu “một trong những vấn đề quan trọng nhất trong tương lai công nghệ”.
“BYD là một điều kỳ diệu”, ông Munger nói và gọi chủ tịch BYD là thiên tài. “Ông ấy giỏi tạo ra mọi thứ hơn Elon. Ông ấy là sự kết hợp giữa Thomas Edison và Jack Welch, giống Edison trong việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật và giống Welch trong việc hoàn thành những gì ông ấy cần làm. Tôi chưa bao giờ gặp một người như vậy”.
Chủ tịch Wang khi đó muốn có sự hậu thuẫn của nhà đầu tư huyền thoại vì ông biết điều này sẽ “làm đẹp” hơn hồ sơ của hãng xe điện Trung Quốc, đồng thời giúp BYD tiến sâu vào thị trường Mỹ.
“BYD thiết kế, chế tạo và sản xuất những phương tiện có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Điều đó sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô nước ngoài sợ hãi vì không ai có thể bán một chiếc xe điện trị giá 15.000 hoặc 18.000 USD mà vẫn có lãi. Không ai cả, kể cả Tesla”, Tú Lê, người sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights, cho biết.
Trước đó, vào năm 2008, David Sokol, cấp dưới của Warren Buffett, đã tới Thâm Quyến tìm hiểu về BYD. Tại đây, Sokol được bà Li giới thiệu loạt tính năng cạnh tranh của BYD cũng như một danh mục các sản phẩm đa dạng, trong đó có nguyên mẫu một chiếc plug-in hybrid.
Ông Wang đích thân dẫn khách quý đi tham quan nhà máy, sau đó mô tả quy trình sản xuất và thử nghiệm của BYD. Để gây ấn tượng với David Sokol về mức độ thân thiện của pin BYD, ông Wang thậm chí còn tự mình uống một loại dung dịch điện phân dùng trong quá trình tạo pin. Ông muốn chứng minh rằng pin của mình có thể giải quyết các vấn đề môi trường thay vì làm ô nhiễm bầu khí quyển.
Theo: WSJ, CNBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android