Chuyên gia cho rằng Huawei không đủ trình độ để thay thế "công nghệ Mỹ" bằng "công nghệ nhà"
Mục tiêu "tự lực tự cường" của Huawei nghe thì có vẻ dễ nhưng rất khó để trở thành hiện thực.
Các chuyên gia về chip đang tỏ ra không tin tưởng vào tuyên bố Huawei rằng họ có thể đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động ổn định mà không cần sự trợ giúp của các đối tác Mỹ. Hầu hết chuyên gia đều cho rằng các công nghệ mà hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc mua từ các công ty Mỹ đều khó có thể thay thế được.
Thứ 5 tuần trước, chính quyền ông Trump đã chính thức đưa Huawei vào danh sách những công ty không được mua công nghệ từ các hãng công nghệ Mỹ. Đây là động thái của các quan chức Mỹ, nhắm vào những công ty mà họ cho rằng là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Tuân thủ quy định mới, nhiều công ty công nghệ Mỹ gồm Google, Qualcomm, Intel... đã quyết định ngừng quan hệ kinh doanh với Huawei trên một số lĩnh vực.
Tuy nhiên, thứ 6 tuần trước, ông He Tingbo, người đứng đầu hãng sản xuất chip HiSilicon thuộc Huawei, đã lên tiếng. Ông He gạt bỏ những lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung ứng linh kiện, công nghệ bởi Huawei đã chuẩn bị cho điều này từ rất lâu rồi.
Huawei sẽ hướng tới mục tiêu tự cung tự cấp công nghệ trong tương lai, ông He viết trong một lá thư gửi cho các nhân viên.
Nhưng theo các chuyên gia trong ngành, mục tiêu của Huawei nói thì dễ, làm mới khó.
"Tôi sẽ cực kỳ ngạc nhiên nếu HiSilicon làm được điều ấy mà không cần sự trợ giúp từ bất kỳ nhà cung cấp nào của Mỹ", Linda Sui, một chuyên gia phân tích tại hãng Strategy Analytics nói.
Trước đó, một nguồn tin nội bộ tiết lộ với Reuters rằng trong ít nhất vài năm tới không một nhà cung cấp Trung Quốc nào có thể thay thế được các đối tác hiện tại của Huawei.
Một chuyên gia cho rằng việc Huawei dùng phần mềm thiết kế chip từ hai hãng hàng đầu thế giới là Cadence Design System Inc và Synopsys Inc chính là ví dụ cho sự phụ thuộc của Huawei vào các công ty Mỹ.
Huawei thiết kế các vi xử lý và các con chip khác cho những thiết bị của mình, bao gồm cả những dòng smartphone cao cấp như Huawei P và Huawei Mate.
Phần mềm của hai công ty Mỹ là Cadence và Synopsys được coi là tiêu chuẩn vàng trong ngành, được các nhà sản xuất trên toàn cầu sử dụng để hoàn thiện bản thiết kế chip và thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất. Chỉ một lỗi nhỏ trong quá trình thiết kế cũng có thể khiến lịch trình ra mắt chip bị lùi lại vài tháng.
"Rất khó để thay thế", Mike Demler, một nhà phân tích cấp cao của Linley Group tuyên bố. "Phải nói rằng Cadence và Synopsys là nền tảng cho mọi thứ mà bạn cần".
"Tôi nghĩ rằng đã có một số công ty Trung Quốc cung cấp giải pháp tương đương, thay thế vai trò của Cadence và Synopsys nhưng chưa đủ trình độ để vượt ra khỏi thị trường quê nhà", Demler nói thêm.
Cadence và Synopsys không đưa ra bất cứ bình luận nào về vấn đề này.
Laser và các con chip đặc biệt
Huawei cũng đang hợp tác với các nhà cung cấp laser và mô-đun đặc biệt của Mỹ như NeoPhotonics, Lumentum và Finisar.
Chip laser rất quan trọng với mảng kinh doanh thiết bị viễn thông của Huawei. Nó được dùng để gửi thông tin dưới dạng tín hiệu ánh sáng thông qua cáp quang. Hiện tại, Huawei vẫn là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới.
Theo Philip Gadd, một giám đốc chuyên về chip đã nghỉ hưu, chia sẻ rằng các hãng như Finisar, đã được mua lại bởi II-VI, và Lumentum đã dành hàng thập kỷ phát triển để có thể sản xuất số lượng lớn chip laser. Gadd từng điều hành bộ phận quang tử silicon của Intel.
"Ngay cả khi người Trung Quốc có thể làm điều ấy, tôi cũng không nghĩ rằng họ có thể cung cấp với quy mô lớn", Gadd nói.
Theo một nguồn tin nội bộ, Finisar đang cố gắng xác định tác động của lệnh cấm nhắm vào Huawei mà chính phủ Mỹ vừa ban hành.
Finisar và Lumentum không đưa ra bất cứ bình luận nào. Trong khi đó, NeoPhotonics, công ty có doanh thu chủ yếu tới từ 4 hãng lớn trong đó có Huawei, cũng từ chối bình luận.
Huawei đã tìm cách tự cung tự cấp linh kiện, công nghệ trong lĩnh vực viễn thông từ nhiều năm trước. Năm 2012, Huawei đã thâu tóm một trung tâm nghiên cứu viễn thông từng thuộc về British Telecom và startup Caliopa.
"Người Trung Quốc đang muốn đi theo con đường thâu tóm", một giám đốc trong ngành quang tử silicon tuyên bố. "Họ đã mua mọi công nghệ, tại bất cứ đâu mà họ có thể. Rất nhiều quy định, giới hạn của chính phủ Mỹ đã được ban hành quá chậm".
Nhưng Huawei vẫn phụ thuộc vào dây chuyền đúc chip của TSMC. Huawei thiết kế ra các con chip và thuê TSMC sản xuất. Đây là điều không hề lạ trong ngành công nghiệp chip và chính Apple cũng đang làm tương tự như Huawei.
Ngược lại, nhiều hãng quang tử silicon như Finisar vẫn tự sản xuất chip.
Bước tiến dài tới tương lai tự lực tự cường
Trong một thập kỷ qua, Huawei luôn phải chịu áp lực từ những cáo buộc của Mỹ. Các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng các thiết bị của Huawei bị chính phủ Trung Quốc lợi dụng cho mục đích gián điệp. Huawei nhiều lần lên tiếng bác bỏ tất cả mọi cáo buộc và cho rằng chúng là những lời buộc tội vô căn cứ.
Trong thời gian gần đây, Mỹ liên tục gia tăng sức ép và thậm chí kêu gọi các đồng minh tẩy chay thiết bị mạng di động 5G của Huawei. Cùng lúc đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng trở nên căng thẳng hơn.
Giữa bối cảnh đó, Huawei trở thành một phần quan trọng trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm tự phát triển năng lực sản xuất chip và giảm sự phụ thuộc vào các công ty như Qualcomm, Intel và Samsung.
Theo chủ tịch Eric Xu, HiSilicon đã sản xuất được số chip trị giá 7,5 tỷ USD trong năm vừa rồi. Con số này vẫn còn kém quá xa so với khoảng 21 tỷ USD mà Huawei bỏ ra để mua chip từ các đối tác bên ngoài.
Một phát ngôn viên của Huawei cho biết nếu có thể công ty sẵn sàng sử dụng các sản phẩm của HiSilion để thay thế các linh kiện bị cấm mua từ đối tác Mỹ. Tuy nhiên, ông này từ chối chia sẻ kế hoạch chi tiết của Huawei.
Ông He của HiSilicon mô tả nỗ lực tự cung tự cấp của Huawei là một bước tiến dài trong lịch sử ngành công nghiệp công nghệ và sẽ được đền đáp sau quyết định điên rồ của phía Mỹ. "Chúng tôi đã chuẩn bị đủ phương án dự phòng và bây giờ là thời gian để sử dụng chúng", He Tingbo tuyên bố.
Theo Reuters
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4