Chuyên gia công nghệ Việt làm cho Tesla, Amazon chỉ ra những yếu tố sẽ giúp NIC trở thành Silicon Valley của Việt Nam trong tương lai
Trở về Việt Nam nhân dịp Trung tâm Đổi mới sáng tạo (NIC) chuẩn bị khánh thành cơ sở mới ở Khu CNC Hòa Lạc, anh Phùng Kim Cương chia sẻ, Việt Nam hiện đang có những điều kiện tốt hơn rất nhiều về cơ sở hạ tầng so với Thung lũng Silicon những giai đoạn đầu.
Là một trong những người đầu tiên cùng với NIC đặt nền móng xây dựng mạng lưới kết nối các chuyên gia người Việt cũng như quốc tế ở Mỹ với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam, anh Cương tin rằng, với sự hỗ trợ của NIC, lĩnh vực đổi mới sáng tạo ở Việt Nam sẽ có cơ hội để phát triển trong tương lai.
Cơ duyên nào đã giúp anh trở thành kỹ sư công nghệ của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Tesla và ở thời điểm hiện tại là Amazon?
Chắc một phần là số phận đưa đẩy (Cười). Mình vốn tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành Khoa học Máy tính (Computer Science) ở Đại học quốc gia Singapore (NUS). Hồi đấy mình đang ở Singapore, và bạn gái, bây giờ là vợ của mình, lại tham gia một chương trình đào tạo thường xuyên phải di chuyển khắp thế giới.
Lúc này, mình mới nghĩ cần phải tìm một nơi để hai đứa có thể ổn định, phù hợp với công việc của cả hai và Mỹ trở thành điểm đến tiếp theo của bọn mình sau Singapore.
Những ngày đầu ở Mỹ, mình chưa xin vào các công ty lớn ngay đâu mà mình làm startup trước. Sau khi có dịp được đến Thung lũng Silicon thì mình thường xuyên nghe mọi người nhắc đến Elon Musk cũng như tầm nhìn của ông. Vì nghe nhiều nên cũng muốn tìm hiểu về Elon Musk. Càng tìm hiểu thì mình càng bị hấp dẫn bởi suy nghĩ và tầm nhìn của vị lãnh đạo Tesla, đó là làm thế nào để thúc đẩy năng lượng sạch của thế giới. Thế nên mình cứ thế nộp đơn ứng tuyển và được nhận với vai trò là kỹ sư thiết kế, thực hiện và điều hành một hệ thống công nghệ, gọi là Cloud Computing Platform dành cho các cái hoạt động tài chính của tập đoàn.
Đó là câu chuyện với Tesla, còn hiện tại mình đã chuyển sang vị trí quản lý công nghệ ở AWS (Amazon Web Services) - một phần của Tập đoàn Amazon, chuyên cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.
Môi trường làm việc ở những tập đoàn lớn như Tesla hay Amazon có gì khác biệt so với những công ty khác?
Dưới góc độ trải nghiệm của riêng bản thân mình, mình thấy ở mỗi tập đoàn lớn đều có một văn hóa đặc trưng riêng. Chính vì văn hóa khác biệt đã tạo ra sự khác biệt, và có lẽ là thành công cho Tesla hay Amazon.
Văn hóa làm việc ở Tesla vô cùng đồng nhất. Nghĩa là từ lãnh đạo đến nhân viên đều biết nhiệm vụ, mục tiêu tiên quyết của công ty là gì. Mọi người thường nghĩ mục tiêu của Tesla là sản xuất xe điện chạy nhanh nhất, rẻ nhất, trở thành công ty giá trị nhất về sản xuất ô tô điện.
Nhưng thực tế lại không phải vậy. Khi bạn bước vào cửa công ty đã có một dòng chữ rất to đập vào mắt ghi là: “Mục tiêu chúng ta là thúc đẩy quá trình thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng sạch”. Chính vì như vậy nên bất kỳ ai trong công ty cũng nhớ đến mục tiêu của họ khi làm việc. Không chỉ vậy, ngay cả bản thân Elon Musk cũng thường xuyên có những chia sẻ qua những buổi nói chuyện hoặc email để giúp cả công ty có thể làm việc hiệu quả.
Ví dụ, Elon Musk đã viết một email về việc làm thế nào để nâng cao năng suất lao động – How to improve our productivity. Nội dung email rất ngắn gọn với 3 đề xuất, nhưng mình chỉ trích dẫn một ý thôi vì có lẽ câu chuyện này trên Internet cũng đã được đề cập. Như những gì mình nhớ, một trong những yêu cầu của Elon Musk đó là khi bạn đi họp được 5 phút mà bạn thấy mình không có cống hiến gì hay không có lợi ích gì từ cuộc họp, các bạn hoàn toàn có thể rời cuộc họp.
Còn dưới góc độ của nhà quản lý công nghệ Amazon, điểm mạnh nhất ở trong văn hóa ở đây đó là tất cả các vị trí đều cần áp dụng các quy tắc lãnh đạo (Leadership Principles) trong mọi công việc hằng ngày, thậm chí còn áp dụng từng phút từng giây.
Chẳng hạn, điều đầu tiên trong văn hóa của Amazon là phải đặt khách hàng vào trung tâm (customer obsession). Nếu mình đề xuất một sản phẩm nào đó với lãnh đạo hay mọi người trong nhóm, câu hỏi đầu tiên mà mọi người sẽ hỏi nhau đó là: Khách hàng có lợi ích gì khi dùng sản phẩm này? Khách hàng có thích không? Khách sẽ dùng nó như thế nào?
Đối với mình, có lẽ đó là hai ví dụ điển hình tạo ra sự khác biệt trong môi trường làm việc của hai tập đoàn lớn.
Anh đánh giá thế nào về tiềm năng kỹ sư công nghệ tại Việt Nam so các nước trên thế giới?
Dựa trên trải nghiệm và theo đánh giá cá nhân của mình, mình thấy người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ hoàn toàn có khả năng, năng lực, thậm chí còn có ưu thế cạnh tranh hơn với những người cùng lĩnh vực đến từ các quốc gia khác. Tất nhiên, người Việt vẫn có những điểm yếu cần phải khắc phục, nhưng nhìn chung, các bạn trẻ Việt Nam đều là những người có năng lực.
Như mình thấy, người Việt mình có tư tưởng cầu tiến. Đây có lẽ là yếu tố mình đánh giá cao nhất, thậm chí là hơn so với các nơi khác. Bạn nào cũng muốn vươn lên, bạn nào cũng quyết tâm. Đối với mình, điều này là điểm mạnh vô cùng lớn, vì nó sẽ là động lực để có thể tiếp xúc được với tri thức quốc tế, dễ dàng.
Thứ hai, hiện giờ, các bạn trẻ ở Việt Nam giải quyết vấn đề rất chủ động và linh hoạt từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục của nước mình cũng ngày càng được nâng cao, cải tiến và tương đối toàn diện. Học sinh giờ không chỉ tập trung học Toán, Lý, Hóa mà còn học cả các môn học vận động, nghệ thuật…. Với mình, đó chính là ưu thế tạo nền tảng cho việc đổi mới sáng tạo sau này.
Khi tiếp xúc với các bạn trẻ Việt Nam, mình rất ấn tượng bởi tầm nhìn, độ chín chắn trong suy nghĩ, cũng như sự hiểu biết của các bạn. hơn . Hồi bằng tuổi các bạn, mình ham chơi nên chắc cũng không có nhiều sự chuẩn bị kỹ càng và tư duy chín chắn như các bạn trẻ bây giờ. (Cười)
Với tư cách là một chuyên gia sinh sống và làm việc tại nước ngoài, theo anh, Việt Nam cần làm gì để thu hút những tài năng còn "ẩn danh" đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở về để phát triển đất nước?
Đối với nhân lực giỏi, họ có rất nhiều cơ hội để lựa chọn nơi làm việc. Một trong những yếu tố đánh giá quan trọng nhất để những người giỏi quyết định cống hiến đó là môi trường làm việc. Họ phải thấy được họ có cơ hội để sử dụng tài năng của mình đúng vị trí, đúng chuyên môn, đúng lĩnh vực mà họ yêu thích và nhìn thấy được kết quả.
Chưa kể, thường những người giỏi sẽ làm việc với nhau. Họ cần phải nhìn thấy môi trường xung quanh của mình cũng có nhiều người cùng trình độ hoặc siêu hơn để họ có thể học hỏi.
Thật ra đây là vấn đề con gà và quả trứng. Khi chúng ta không đưa được người giỏi về thì sẽ khó mà thu hút được những người giỏi khác. Và vấn đề này cứ thế luẩn quẩn. Chính vì thế những tổ chức như NIC nên được thành lập để đứng ra kêu gọi, mời những tài năng như Tuấn Cao và Duyên Nguyễn (Genetica) hay Tâm Vũ (Earable ) về nước để tạo động lực cho các trí thức Việt ở nước ngoài.
Được biết, không chỉ là chuyên gia công nghệ tại những công ty có tên tuổi, anh còn là một trong những thế hệ đầu tiên cùng NIC thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ (VINSV). Anh có thể chia sẻ một chút về vai trò của mình trong VINSV?
Trong Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ, mình phần lớn hoạt động ở Mạng lưới sáng tạo ở bên Bờ Tây (West Coast) với tư cách là thành viên Ban Điều hành Mạng lưới.
Công việc của mình chủ yếu là cầu nối giữa các trí thức Việt Nam và tri thức ở trong khu vựcBờ Tây. Đồng thời, mình cũng tổ chức và tham gia các hoạt động của mạng lưới, chẳng hạn như Tech Summit, khi cần hỗ trợ kết nối chuyên gia mình sẽ có nhiệm vụ giúp đỡ, hoặc tham gia thuyết trình về một vài vấn đề liên quan đến lĩnh vực mình biết.
Đồng hành với NIC và VINSV từ những ngày đầu tiên thành lập, anh thấy Mạng lưới Đối mới Sáng tạo đã thay đổi ra sao sau 5 năm?
Mình thấy rất vui và tự hào khi được tận mắt nhìn thấy và đi cùng NIC từ những những ngày bắt đầu hoạt động và NIC càng ngày càng phát triển lớn mạnh 5 năm trước, khi mới thành lập, các thành viên trong Mạng lưới Đổi mới sáng tạo mới chỉ có 100 người và mọi người đều biết nhau cả.
Đến bây giờ số lượng thành viên tham gia nhiều hơn trước rất nhiều. Chưa kể, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo không chỉ hoạt động ở Mỹ mà còn có ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở Châu Âu có Đức, Pháp v..v. Có thể nói, NIC đã thành công trong việc mở rộng cộng đồng đổi mới sáng tạo của Việt Nam trên khắp thế giới.
Theo anh, sự kiện khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo ở Khu CNC Hòa Lạc tới đây sẽ tác động như thế nào đến các hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam?
Mình rất hào hứng và mong chờ để chứng kiến thành quả của tất cả mọi người trong suốt 5 năm xây dựng vừa qua. Không chỉ vậy, việc khánh thành cơ sở mới của NIC ở Khu CNC Hòa Lạc đã thể hiện quyết tâm từ lãnh đạo Chính phủ, Bộ ban ngành trong việc kiến tạo nền tảng để phong trào đổi mới sáng tạo ở Việt Nam lên một tầm cao hơn.
Nó giống với việc chúng ta đang xây kim tự tháp vậy. Mỗi một thế hệ sẽ xây dựng một nền tảng để cho thế hệ tiếp theo đứng lên trên. Ở nước ngoài, người ta gọi là “standing on the shoulders of giants” (PV: Đứng trên vai người khổng lồ).
Đầu tiên, thế hệ ông, cha ta đã xây dựng cho chúng ta một nền hòa bình độc lập. Đến thế hệ 8X đời đầu bọn mình sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng, bước đầu kết nối với thế giới, thành lập ra các tổ chức hỗ trợ như NIC chẳng hạn để tạo tiền đề, động lực, điều kiện cho các thế hệ các bạn 9X, 10X thể hiện khả năng của bản thân trong việc đóng góp và phát triển lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khám phá và áp dụng những công nghệ tân tiến nhất trên thế giới ở Việt Nam.
Thung lũng Silicon được biết đến là một điểm đến lý tưởng của dân công nghệ, là một chuyên gia làm việc tại đây, theo anh, NIC có thể học tập được gì mô hình của Thung lũng Silicon để trở thành động lực phát triển đổi mới sáng tạo ở Việt Nam?
Để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể phát triển, thông thường sẽ cần đầy đủ nguồn lực gồm nhân lực, nguồn vốn và hệ sinh thái. Nếu nhìn vào Thung lũng Silicon, chúng ta sẽ thấy rằng, không chỉ là đại bản doanh của các công ty khởi nghiệp, các công ty công nghệ hàng đầu, xung quanh Thung lũng Silicon còn tập trung các trường đại học nổi tiếng như Stanford, Berkeley, cùng với trụ sở của nhiều quỹ đầu tư VC…
Đấy là về nguồn lực, còn về khía cạnh pháp lý, mình nói đơn giản thế này, trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, Mỹ sẽ tạo ra hành lang, giới hạn phạm vi cho các doanh nghiệp. Còn các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo làm thế nào để đi từ điểm A đến B là tùy họ. Bạn có thể khám phá, đổi mới sáng tạo kiểu gì cũng được, không phải lo nghĩ, không sợ thất bại. Bởi vì sáng tạo sẽ đi cùng với khó khăn, thử thách, thậm chí là thất bại.
Chưa kể, môi trường khởi nghiệp ở Mỹ đã tạo ra văn hóa chấp nhận thất bại vì thất bại là một phần tất yếu của thành công. Như một câu Edison từng nói mà mình rất thích: “Tôi không thất bại 10.000 lần khi tôi tìm cách phát minh bóng đèn, mà tôi đã thành công trong việc tìm ra 10.000 cách để làm ra bóng đèn mà không sáng”.
NIC đã thành công xây dựng được mạng lưới kết nối chuyên gia trên thế giới, cũng như kết nối các trường học, quỹ đầu tư. Nếu có thể đẩy mạnh hơn nữa, kết hợp với việc khuyến khích doanh nghiệp ở Việt Nam liên tục sáng tạo, thử thách bất chấp khó khăn, thất bại, mình tin rằng, NIC nói riêng, cũng như lĩnh vực đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nói chung sẽ sớm thành công như Thung lũng Silicon.
Xin cảm ơn anh!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI