Chuyên gia: COVID-19 là "3 cú đấm liên hoàn" vào cơ thể, nếu chặn được đòn đánh cuối cùng, bệnh nhân sẽ thoát khỏi cửa tử
Nếu đã bị viêm trước khi virus corona đi vào cơ thể, bạn sẽ phải bắt đầu chiến đấu với lá phổi chỉ còn rỗng một nửa.
Tuần trước, Bệnh viện George Washington đã phát hành một video cho thấy những tổn thương trong phổi của một bệnh nhân 59 tuổi với các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng. Video cho thấy những "tổn thương nhanh chóng và lũy tiến" tấn công vào phổi của người đàn ông này, bác sĩ Keith Mortman, trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực của bệnh viện, cho biết.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, ho, khó thở. Ngoài tiền sử bệnh huyết áp cao, trước đó ông ấy vẫn khỏe mạnh. Nhưng tình hình đã xấu đi nhanh chóng. Người đàn ông 59 tuổi đã đi từ chỗ phải thở máy, tới mức thở máy cao hơn rồi cao nhất.
Cuối cùng, các bác sĩ phải tìm đến Mortman để đặt máy trao đổi oxy ngoài lồng ngực ECMO, như một biện pháp cuối cùng để duy trì sự sống cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Bên trong lá phổi bị tổn thương của một bệnh nhân COVID-19
Trong video 360 độ mô phỏng lại từ phim chụp cắt lớp CT của bệnh nhân phía trên, bạn có thể nhìn thấy những vùng đã bị tổn thương màu xanh lá cây và màu vàng.
"Có một sự tương phản rõ rệt giữa phần phổi bất thường bị nhiễm virus, và những mô phổi lân cận khỏe mạnh hơn", bác sĩ Mortman nói. "Thật là một sự tương phản mạnh đến nỗi, bạn không cần phải là một bác sĩ để hiểu những hình ảnh này.
Đây là điều mà bất cứ ai cũng có thể nhìn vào để thực sự hiểu mức độ thiệt hại nghiêm trọng mà virus gây ra cho mô phổi".
COVID-19 là 3 cú đấm liên hoàn
Mặc dù khó có thể dự đoán ai sẽ mắc các triệu chứng nghiêm trọng sau khi nhiễm COVID-19 và ai chỉ bị triệu chứng nhẹ, nhưng có "một số người, đặc biệt là những người có tiền sử bệnh về phổi sẽ dễ bị tổn thương hơn", bác sĩ Mortman nói.
Tiến sĩ Osita Onugha, một bác sĩ phẫu thuật lồng ngực tại Viện Ung thư John Wayne đồng ý với điều đó. Để hiểu được cách COVID-19 tàn phá hai lá phổi của bệnh nhân, chúng ta phải bắt đầu từ khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể họ.
"Virus biết cách gắn bản thân nó vào một thụ thể trên các tế bào phổi gọi là thụ thể ACE2. Có thể ví các thụ thể ACE2 như một ổ khóa và virus corona SARS-CoV-2 có một chìa khóa cho phép nó mở ổ khóa này ra để đi vào mô phổi", tiến sĩ Onugha giải thích.
Chiếc chìa khóa mà ông ấy nói đến, không gì khác, chính là những gai protein nhô ra bên ngoài màng lipid của SARS-CoV-2. Nó đặc trưng cho các chủng virus corona, và virus SARS trước đây cũng có các gai protein tấn công vào thụ thể ACE2 của phổi.
Một khi virus vào được bên trong tế bào phổi, cơ thể chúng ta sẽ tìm cách chống lại nó.
"Chúng tôi bắt đầu nghĩ về căn bệnh này như 3 cú đấm liên hoàn", bác sĩ Mortman nói. "Sự kiện kích động bạo lực đầu tiên là bản thân virus, và bước thứ hai là cách cơ thể đối phó với virus trong phổi, nó tạo ra một quá trình viêm để chặn virus, nhưng lại làm ngập phổi với các tế bào viêm".
Sự kết hợp giữa nhiễm virus và tình trạng viêm ở phổi là nguyên nhân gây ra chứng khó thở khi bệnh nhân tiến triển nặng dần lên. "Khó thở có thể khiến nồng độ oxy [trong máu] giảm xuống. Điều này lại có thể dẫn đến việc bệnh nhân cần máy thở. Và tiến triển bệnh từ đây vẫn còn tiếp tục", bác sĩ Mortman nói.
Cú đấm thứ ba, có thể xảy ra trong những trường hợp COVID-19 nghiêm trọng nhất, là sự giải phóng các cytokine trong máu có thể phá hủy các cơ quan, nội tạng quan trọng. Cytokine là các protein hay glycoprotein không phải kháng thể được sản xuất và phóng thích bởi các tế bào bạch cầu viêm và một số tế bào khác không phải bạch cầu.
Ở nồng độ thấp, chúng có khả năng kích hoạt các cuộc tấn công miễn dịch vào virus. Tuy nhiên, quá nhiều cytokine có thể tạo ra một hiệu ứng được gọi là "bão cytokine", trong đó, hệ miễn dịch tấn công cả các tế bào khỏe mạnh bên trong các cơ quan, nội tạng của của cơ thể.
"Hầu hết những bệnh nhân này thực sự chết vì suy cơ quan, nội tạng - ảnh hưởng đầu tiên là sự căng thẳng của tim, sau đó thận có thể bắt đầu suy rồi đến gan cũng có thể bị hỏng", bác sĩ Mortman nói.
Lý do máy thở đang trở thành thiết bị đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị COVID-19 là vì chúng hỗ trợ chức năng phổi, ngăn chặn sự sụt giảm nồng độ oxy có thể dẫn đến hiệu ứng domino làm hỏng các cơ quan nội tạng khác.
Máy thở là đòn đánh chặn cú đấm cuối cùng của COVID-19. Nhưng ngay cả khi một bệnh nhân được đặt nội khí quản và thở máy, điều trị này cũng vẫn gây ra những tổn thất lâu dài trên cơ thể bệnh nhân.
"Nếu bạn trẻ hơn và khỏe mạnh hơn, bạn có khả năng sống sót sau khi mắc COVID-19, nhưng bạn vẫn có thể phải thở máy trong một khoảng thời gian và khi điều đó xảy ra, cơ bắp của bạn bắt đầu teo đi", tiến sĩ Onugha nói.
Chỉ một vài ngày phải thở máy có thể tương ứng với 6 tháng phục hồi, trước khi bạn lấy lại được sức khỏe ban đầu.
Bác sĩ Mortman đồng ý: "Khi tình trạng viêm không giảm theo thời gian, thì về cơ bản nó sẽ trở thành sẹo trong phổi, tạo ra tổn thương lâu dài. Nó có thể ảnh hưởng đến khả năng thở của người bệnh suốt một thời gian dài".
Ai là những người có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng?
Các bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản, tắc nghẽn phổi mạn tính hoặc COPD sẽ làm tăng nguy cơ COVID-19 tiến triển nặng, bác sĩ Mortman nói. Lý do vì phổi của những bệnh nhân này đã yếu sẵn từ trước.
Ngoài ra, tình trạng viêm cũng làm tăng nguy cơ của nhóm bệnh nhân có tiền sử bệnh hen suyễn, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
Và trong khi vẫn còn ít dữ liệu và bằng chứng, những người dị ứng với bụi, phấn hoa và các hạt trong không khí khác có thể nhạy cảm hơn với phản ứng viêm của COVID-19, tiến sĩ Onugha nói. Ông khuyến cáo thêm rằng "bất kỳ ai bị hen suyễn hoặc dị ứng nên cố gắng kiểm soát tình trạng của mình bằng thuốc".
Thuốc lá tất nhiên là một yếu tố nguy cơ khác làm tăng khả năng bạn bị bệnh nặng khi nhiễm COVID-19. Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ cho biết những người hút thuốc hoặc thuốc lá điện tử nên từ bỏ thói quen gây hại của mình. Họ cho biết cả thuốc lá và thuốc lá điện tử đều có thể làm giảm chức năng phổi và chức năng miễn dịch, khiến COVID-19 biểu hiện với triệu chứng nặng hơn.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đăng trên tạp chí Chinese Medical Journal cho thấy: Trong nhóm bệnh nhân nhiễm Covid-19 có tiền sử hút thuốc lá, tỷ lệ những ca bệnh có triệu chứng nghiêm trọng và cực kỳ nghiêm trọng dẫn đến tử vong cao hơn tới 14 lần so với những bệnh nhân không hút thuốc.
"Có dữ liệu cho thấy thuốc lá điện tử gây ra những thay đổi rất giống nhau trong các tế bào phổi, so với việc hút thuốc lá thông thường", bác sĩ Mortman nói. Bất kỳ các chất kích thích nào khác như cần sa hoặc ma túy đá cũng có thể khiến COVID-19 dễ trở nặng.
"Nếu bạn nghĩ về đại dịch COVID-19 như một cuộc đua marathon, hút thuốc lá điện tử hay bất cứ thứ gì là bạn đang tự làm tổn thương các cơ bắp của bản thân mình trong cuộc đua đó", tiến sĩ Onugha nói. "Nếu bạn đã bị viêm trước khi virus corona đi vào phổi, bạn sẽ bắt đầu với hai lá phổi chỉ còn rỗng một nửa".
Tham khảo Businessinsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"