Chuyên gia nhận định từ giờ trở đi, con người sẽ không bao giờ sống vượt quá 115 tuổi
Liệu có một rào cản tự nhiên trong tuổi thọ của con người?
Ngày 04 tháng Tám năm 1997, một bà cụ qua đời trong viện dưỡng lão tại thành phố Arles nước Pháp. Jeanne Calment sinh năm 1875, rời bỏ cuộc sống khi đã ở tuổi 122. Bà trở thành người có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử từng được chứng thực.
Kể từ đó tới nay, chúng ta chưa ghi nhận được thêm một người nào có thể phá vỡ kỷ lục của bà Calment. Bạn có thể coi rằng đó là một điều bình thường. Nhưng khi nhìn vào thực tế rằng chúng ta ngày một sống thọ hơn, việc chưa một ai vượt qua nổi tuổi thọ của Calment đặt ra cho các nhà khoa học một mối nghi ngờ lớn:
Trong hơn một thế kỷ qua, con người đã tiến những bước tiến quan trọng để kéo dài tuổi thọ. “Nhưng rất có thể chúng ta đã đạt đến một giới hạn”, Tiến sĩ Jan Vijg, một chuyên gia lão hóa tại Trường Dược Albert Einstein, New York nói. “Từ bây giờ trở đi, con người sẽ không bao giờ sống vượt quá được 115 tuổi”.
Không phải là một dự đoán cảm tính, Tiến sĩ Vijg cùng hai sinh viên của mình là Xiao Dong và Brandon Miholland đã công bố những bằng chứng khoa học cho kết luận của họ: Một bài báo trên tạp chí Nature hồi giữa tuần đã trở thành tâm điểm mới nhất cho cuộc tranh luận dai dẳng giữa các nhà khoa học. Liệu có một rào cản tự nhiên trong tuổi thọ của con người, một độ tuổi nào đó chúng ta nhất định không thể vượt qua nổi?
Từ bây giờ trở đi, con người sẽ không bao giờ sống vượt quá được 115 tuổi
Những bằng chứng bi quan
Để trả lời cho câu hỏi mấu chốt, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu nhân khẩu học của 41 quốc gia trên thế giới. Phải nói rằng trong suốt chiều dài lịch sử hình thành, tuổi thọ của loài người mới chỉ tăng mạnh trong vài trăm năm trở lại đây.
Điều này có được nhờ phần lớn vào những tiến bộ của y học. Sự ra đời của thuốc kháng sinh, các chiến dịch tiêm chủng và các biện pháp giảm tử vong khi sinh đã mở ra rất nhiều cơ hội mới. Y học phát triển giúp chúng ta ngăn chặn được nhiều ca tử vong sớm và đảm bảo rằng mọi người luôn có cơ hội trải nghiệm những năm tháng tuổi già.
Trong nhiều năm sau đó, mặc dù những tiến bộ y học và gia tăng tuổi thọ đã chậm lại, chúng ta vẫn thành công trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở người già. Điều đó có nghĩa là ngày sẽ càng có nhiều người sống thọ hơn và thọ lâu hơn.
Tuy nhiên, các nhà khoc học nói rằng: Cho tới năm 1980, chúng ta đã đối mặt với một thứ gì đó, có vẻ như là một giới hạn trong tuổi thọ.
Cụ bà Jeanne Calment trong bữa tiệc sinh nhật cuối cùng
Tiến sĩ Vijg đã điều tra kỹ 534 báo cáo về những trường hợp sống siêu thọ từ những năm 1960. Ông nhận thấy rằng vào thời điểm kết thúc thập niên ấy, độ tuổi cao nhất mà con người đạt tới là 111. Đến năm 1990, con số này tăng lên 115. Nhưng sau đó thì không có sự gia tăng nào nữa. Không một ai sống vượt quá mốc 115 tuổi, ngoại trừ trường hợp ngoại lệ của cụ bà Calment.
Bà Calment là một ngoại lệ, Tiến sĩ Vijg cho biết. “Khi bạn nhìn vào người sống thọ ở vị trí thứ nhì, thứ ba cho đến thứ tư và thứ năm, xu hướng luôn luôn giống nhau”. Trên một đồ thị, vị trí của bà Calment chỉ là một điểm dị biệt.
Bởi vậy, ông cũng muốn tính toán rằng liệu có một trong số chúng ta sẽ may mắn trở thành một điểm dị biệt khác. Câu trả lời là cơ hội đó gần như bằng không với bạn. Cả thế giới có 7 tỷ người và bạn phải cần đến 10.000 thế giới khác như vậy mới có thể tìm ra một người sống thọ tới 125 tuổi.
Nếu điểm giới hạn tồn tại, liệu chúng ta có thể vượt qua nó?
Nghiên cứu đã dự đoán ra một tương lai ảm đạm. “Chúng tôi kì vọng rằng những người cao tuổi nhất sẽ đạt được độ tuổi 115”, Milholland nói. Theo cách nói ấy thì dường như sẽ chẳng còn một hi vọng nào.
Từ lâu, các nhà khoa học đã tranh luận kịch liệt trên một vấn đề rằng liệu có một giới hạn tuổi thọ, không chỉ với con người mà cho bất kể một loại sinh vật nào khác. Tiến sĩ Vijg nói rằng nhờ vào sự tăng tuổi thọ trung bình, bây giờ con người đã sống đủ lâu để chạm đến “mức trần” của họ.
Từ thế kỷ 19, tuổi thọ trung bình của con người bắt đầu tăng, khi chúng ta kiểm soát được số ca tử vong. Trong những năm tiếp theo chúng ta đã thực hiện tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe. Chúng ta có thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tim, tiểu đường, béo phì. Và ngay cả bệnh nhân ung thư hôm nay cũng đã có thể sống lâu hơn trước đó.
Chưa hết, chúng ta đã tạo ra được những văn hóa tinh chỉnh lối sống như bỏ thuốc lá, tập thể dục, chế độ ăn uống. Tất cả đang góp phần nâng cao tuổi thọ trung bình. Thế nhưng, dường như chúng ta đang bỏ sót một phần cơ bản của vấn đề là quá trình lão hóa.
Con người đã sống đủ lâu để chạm đến “mức trần” của họ.
Ngay cả khi chúng ta có thể khiến 100% những ca sinh không tử vong, chữa được bách bệnh trong cuộc đời, chúng ta vẫn sẽ phải chết vì lão hóa. Tiến sĩ Vijg mô tả lão hóa là một sự tích lũy thiệt hại trên DNA và các phân tử khác.
Mặc dù chúng ta có thể sử dụng nhiều biện pháp để làm chậm quá trình này, nó cuối cùng cũng tiến tới một mức thiệt hại không thể sửa chữa. “Tại một điểm nào đó, tất cả mọi thứ đều bị lỗi thì bạn sẽ chết”, Tiến sĩ Vijg nói.
Bảo vệ ý kiến của mình trong bài báo, Tiến sĩ Vijg khá bi quan về việc con người có thể vượt qua mốc giới hạn 115 tuổi. Khi chúng ta biết rằng chúng ta chắc chắn sẽ chết ở độ tuổi đó, điều mà y học có thể làm được chỉ là kéo dài thêm số năm chúng ta sống khỏe mạnh.
Bây giờ, một lối sống lành mạnh hơn có thể giúp bạn. Trong tương lai đó có thể là một vài loại thuốc sửa chữa một phần thiệt hại gây ra bởi lão hóa. Cho dù chỉ sống được tới 115 tuổi, tiến sĩ Vijg nói: “vẫn còn một cơ hội tốt để chúng ta nâng cao số năm sống khỏe, đó mới là điều quan trọng nhất”.
Tham khảo Nytimes, Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập