Chuyên gia Phạm Chi Lan: Sinh viên phải phát huy trí tuệ của mình, chứ không phải ra trường bí bách quá đi làm công việc chân tay

    Vương Diệu Quân, Theo Trí Thức Trẻ 

    Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, “giai tầng sáng tạo” sẽ quyết định sự giàu có của quốc gia thay vì lực lượng lao động đông đảo giá rẻ hay tài nguyên phong phú.

    Chuyên gia Phạm Chi Lan: Sinh viên phải phát huy trí tuệ của mình, chứ không phải ra trường bí bách quá đi làm công việc chân tay - Ảnh 1.

    Trong cuốn sách “Sự suy tàn của quyền lực”, tác giả Moises Naim đã nhận định, quyền lực đang trải qua sự chuyển đổi mang tính lịch sử và có thể làm thay đổi thế giới: từ cơ bắp sang trí não, từ Tây sang Đông, từ những tập đoàn khổng lồ sang những công ty khởi nghiệp... Bởi thế, quyền lực đang trải rộng, ngày càng bị thách thức bởi những tay chơi mới và nhỏ hơn. Đây cũng là cuốn sách từng được Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook chọn để mở đầu chiến dịch “Một năm đọc sách”.

    Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, những lập luận từ cuốn sách trên chính là điều khiến bà đặt niềm tin vào những người trẻ năng động, chịu khó học hỏi, biết cách thích nghi với cuộc sống mới và có tư duy sáng tạo. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), lao động đông đảo giá rẻ và tài nguyên phong phú không quyết định sự giàu có của quốc gia. Thay vào đó, những người có trí tuệ mới là lực lượng chính yếu. Đây được coi là “giai tầng sáng tạo”.

    “Sinh viên cũng là những người trong giai tầng đó. Trong tương lai, sinh viên phải hết sức quan tâm tới điều này. Sinh viên là người có trọng trách và có khả năng tham gia vào sự phát triển, phải phát huy bằng trí tuệ của mình, chứ không phải ra trường bí bách quá đi làm công việc chân tay bất kể cái gì, rồi quên dần đi việc học hành. Khi xao nhãng việc học để tự nâng cấp mình lên, việc đóng góp sẽ không liên tục được” – Bà Phạm Chi Lan nói.

    Bà Phạm Chi Lan cho rằng, một số lĩnh vực có thể bứt phá để nhảy vọt, dù xét về tổng quan nền kinh tế Việt Nam mới chỉ đang chuyển đổi từ giai đoạn 1 (Nền kinh tế dựa trên yếu tố đầu vào) sang giai đoạn 2 (Nền kinh tế dựa trên hiệu quả đầu tư). Điều này đòi hỏi giai tầng sáng tạo phải phát triển mạnh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển.

    Chuyên gia Phạm Chi Lan: Sinh viên phải phát huy trí tuệ của mình, chứ không phải ra trường bí bách quá đi làm công việc chân tay - Ảnh 2.

    Uber chịu thua trước DiDi Chunxing tại thị trường Trung Quốc

    Thực tế chứng minh rằng, các nước đang phát triển hoàn toàn có thể bắt kịp và vượt các quốc gia phát triển trong cuộc CMCN 4.0. Trong khi đại đa số người dân ở châu Âu và Bắc Mỹ chưa có thói quen sử dụng thanh toán qua di động, thì đây lại là phương thức được sử dụng thường xuyên của 90% dân số trưởng thành ở Kenya. Uber, công ty thường được nhắc tới như ví dụ tiêu biểu trong CMCN 4.0, đã chịu thua tại thị trường Trung Quốc trước một đối thủ địa phương có tên Didi Chuxing. Tại Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á, Uber cũng đồng thời bị cạnh tranh gay gắt bởi Grab.

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng nhận định, cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng về phát hiện nhu cầu hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Do đó, một quốc gia đang phát triển với nhiều nhu cầu hơn, nhiều vấn đề hơn lại là một lợi thế để tạo ra nhiều hơn sự phát triển.

    Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để người lao động có thể thích ứng và có năng lực đổi mới sáng tạo trong CMCN 4.0. Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới. Hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ vẫn chưa tìm được việc làm do thiếu kỹ năng. Nhiều giải pháp khắc phục đang được thực hiện, nhưng nhân tố người lao động vẫn đóng vai trò quyết định.

    “Tôi từng hỏi các nhà đầu tư: Tại sao năng suất lao động của Việt Nam thấp nhưng vẫn vào đây đầu tư? Họ nói rằng, còn có những yếu tố khác, người Việt Nam dễ nói chuyện và thay đổi rất nhanh” – bà Phạm Chi Lan chia sẻ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ