Chuyên gia phần mềm Pháp rời Paris tới sống ở Hà Nội: Một số người đùa rằng có lẽ kiếp trước tôi là người Việt Nam
Lần đầu đặt chân tới Nội Bài năm 2011, David Lapetina có cảm giác như được trở về nhà. Đó là lý do khiến chàng chuyên gia phần mềm người Pháp chọn gắn bó với Việt Nam.
Là một người Pháp, vì sao anh lại chọn sống và làm việc ở Việt Nam?
Trước hết, tôi nghĩ đó là vì công việc. Trong ngành công nghiệp phần mềm của chúng tôi, Testing (Kiểm thử) đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm giao cho khách hàng không có sai sót. Tuy nhiên, tại Pháp, không dễ tìm được nguồn nhân lực hội đủ kỹ năng cũng như chuyên môn trong lĩnh vực này.
Trong bối cảnh đó, hai đồng sáng lập công ty chúng tôi có những mối liên hệ với Việt Nam, đặc biệt là với một số trường đại học. Vì vậy, sau một thời gian thăm dò, chúng tôi quyết định bắt tay hợp tác với một công ty chuyên về kiểm thử phần mềm tại Việt Nam vào năm 2011. Tôi bắt đầu hoạt động này cùng với một trong những người đồng sáng lập. Sau chưa đầy một năm, chúng tôi đã mở rộng quan hệ đối tác trong phát triển phần mềm.
Năm 2017, công ty chúng tôi mở công ty con tại Hà Nội trước khi trở thành một phần của TIBCO Software kể từ cuối năm 2018. Tôi phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội.
Thời gian đầu, tôi thường đến Việt Nam khoảng 2-3 tuần trong mỗi hai tháng. Quãng thời gian đó cũng đủ khiến tôi thực sự thích làm việc và phát triển các hoạt động ở đây. Chính vì thế, ngay khi có cơ hội, tôi gần như đã chuyển hẳn đến sống và làm việc tại Việt Nam vào năm 2017.
Ngoài ra, tôi thực sự thích làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam bởi tôi có thể học hỏi nhiều điều ở họ. Tôi đặc biệt yêu cuộc sống ở Hà Nội, thành phố với rất nhiều bảo tàng đẹp và thú vị như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng dân tộc học Việt Nam…. Văn Miếu cũng là một trong những nơi mà tôi yêu thích.
Hà Nội là một thành phố rất đặc biệt đối với tôi bởi sự pha trộn giữa cả nét cổ kính và hiện đại. Thành phố có cả những ngôi chùa rất xưa cũ và cả những cao ốc hiện đại. Hà Nội cho tôi cảm giác khám phá bất tận bởi ở những khu dân cư rất mới bất chợt lại có cả những ngôi nhà cũ duyên dáng hay một ngôi miếu nhỏ.
Trên đường phố, những chiếc xe đạp bán bánh mỳ hay bánh bao; mùi hương trầm mà mọi người hay đốt vào ngày mùng 1 và ngày rằm; những dòng chảy bất tận của xe cộ, thức ăn đường phố… tất cả đánh thức giác quan của con người. Với tôi, điều này giống như một bài thơ sống động được viết ngay trước mắt tôi, đầy mùi vị, màu sắc và âm thanh.
Anh từng chia sẻ rằng bước xuống sân bay Quốc tế Nội Bài lần đầu tiên, anh đã có cảm giác như thể đang ở nhà. Điều gì khiến anh có cảm giác như vậy?
Mỗi ngôi nhà đều có thứ mùi vị hay bầu không khí rất riêng của nó. Đó là điều không dễ để mô tả. Nhưng bạn có thể hình dung ra cảm giác ấy giống như khi bạn trở về nhà sau một hành trình dài xa cách. Đó cũng là thứ cảm giác tôi có được khi lần đầu tiên bước ra khỏi chiếc máy bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào tháng 6 năm 2011.
Điều anh chia sẻ nghe có vẻ giống như một thứ tình yêu sét đánh. Liệu có quá khi nói rằng tình cảm với Việt Nam có phải mối tình sét đánh của anh?
Tôi tin rằng đó là một tình yêu sâu sắc hơn thế. Tôi yêu Việt Nam bằng cả trái tim và lý trí. Một vài người nói vui rằng có lẽ kiếp trước tôi là người Việt Nam.
Anh có gặp khó khăn gì khi sống tại Việt Nam hay không?
Cuộc sống vốn dĩ luôn đầy khó khăn và thách thức bất kể bạn ở đâu. Một vài khó khăn gắn với thực tế tôi là người nước ngoài và mọi người nước ngoài khác đều có thể gặp phải dù Việt Nam rất hiếu khách. Ví dụ như đó là khoảng cách về văn hóa dẫn đến những hiểu lầm hay khả năng hiểu ngôn ngữ (đặc biệt là với người lớn tuổi).
Tôi cũng sống ở khu dân cư có khá ít người nước ngoài. Vì vậy, đôi khi không dễ để tìm những gia vị đặc biệt khi tôi muốn vào bếp nấu nướng. Nhưng mọi thứ khác tôi đều có thể thu xếp được.
Anh thấy ấn tượng điều gì nhất với Việt Nam?
Đó là khả năng vượt lên của con người khi đối mặt với nghịch cảnh. Đất nước này luôn tiến lên và không dừng lại.
Ở Việt Nam, tôi có cảm giác rằng, thay đổi là một phần của cuộc sống và tôi cũng tin như vậy. Bởi lẽ, không phải những thứ làm nên thành công cho ta trong quá khứ sẽ là những điều làm nên thành công trong tương lai. Chúng ta có thể thấy tinh thần này trong hệ sinh thái rất năng động của các startup tại Việt Nam. Có rất ít các quốc gia trên thế giới có thể thấy được điều tương tự. Tư duy kinh doanh này thực sự là một tài sản lớn.
Anh chia sẻ anh đang học tiếng Việt nhưng cảm thấy nó rất khó, nhất là trong đề tài ăn uống. Làm bạn với nhiều người Việt có giúp anh cảm thấy học ngôn ngữ này dễ dàng hơn?
Chắc chắn rằng nói và nghe là cách tốt nhất khi bạn học một ngôn ngữ. Về phía tôi, tôi học tiếng Việt bởi tư duy ngôn ngữ phản ánh cách mọi người suy nghĩ. Và do vậy, ngôn ngữ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa. Và ở chiều ngược lại, văn hóa ảnh hưởng ngược trở lại với ngôn ngữ.
Ví dụ, với tiếng Việt, thì quá khứ, hiện tại và tương lai được thêm bằng thành tố đơn giản như (đã, đang, sẽ). Điều này khá khác với tiếng Pháp - ngôn ngữ vốn kế thừa ngữ pháp từ tiếng Hy Lạp cổ với nhiều thì quá khứ, hiện tại và tương lai khác nhau.
Điều này đã giải thích cho tôi rất nhiều về cách người dân của hai quốc gia nắm bắt thế giới và các sự kiện xảy ra trong cuộc sống của họ và tại sao họ lại làm như vậy. Học những điều này giúp tôi lấp đầy khoảng trống khác biệt về văn hóa đó.
Tương tự, chúng ta có thể thấy một số ảnh hưởng của tiếng Pháp trong tiếng Việt đối với một số từ kỹ thuật như: bu lông, bê tông, v.v ....Vì vậy, học ngôn ngữ giúp tôi hiểu được suy nghĩ của người Việt. Ngôn ngữ giống như cây cầu nối văn hóa giữa các dân tộc với nhau.
Anh đã bao giờ đón Tết ở Việt Nam hay chưa? Anh cảm thấy như thế nào về những món ăn đặc trưng của người Việt thường có trong bữa cơm ngày Tết?
Vâng, tôi đã từng đón Tết ở Việt Nam vài lần. Đôi khi chỉ có một mình. Sẽ khá là khó để tìm được cửa hàng hay quán ăn trong những ngày Tết vì họ đều đóng cả. Dù vậy, đây là khoảng thời gian tuyệt vời để tận hưởng trong năm. Nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng, tôi không thể ăn được bánh chưng.
Điều mà tôi thực sự thích đối với Tết là thực tế đây dường như là thời điểm kết thúc mùa Đông. Tết với tôi giống như biểu trưng cho sự bắt đầu của một năm, và bắt đầu một cuộc sống mới. Khi đó mùa Đông đã đi qua và mọi người cùng đón mùa Xuân tới. Chúng ta có thể cảm nhận không khí này cả ở ngoài xã hội lẫn nơi làm việc: Tết đánh dấu một khởi đầu mới.
Điều này khá là khác biệt so với ở Pháp nơi mà Năm Mới bắt đầu vào đầu mùa Đông. Vì vậy, ngay cả khi ngày đã trở nên dài hơn sau thời điểm 21/12 hàng năm, chúng tôi vẫn còn phải chịu đựng ít nhất 3 tháng lạnh giá nữa trước khi mùa Xuân tới.
Quay trở lại với chủ đề Tết, việc người già và trẻ nhỏ được đặt ở vị trí trung tâm của những ngày này cũng giống như biểu tượng đẹp về vòng tuần hoàn của cuộc sống. Rằng sau mùa Đông (cái chết), sẽ đến mùa Xuân (sự sống). Nó cũng dạy cho chúng ta rằng, sự sống là thứ có sức phát triển mạnh mẽ nhất trên trái đất này.
Một số người Việt Nam nói rằng nên bỏ Tết cổ truyền đi để có cơ hội theo kịp sự phát triển của các nước phương Tây. Là một người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, anh nghĩ như thế nào về quan điểm này?
Như tôi biết thì hầu hết các nước phương Tây đều có những kỳ nghỉ trong suốt một năm - nơi mà các hoạt động kinh tế diễn ra rất sôi động ngay trước thềm của kỳ nghỉ và hầu hết không diễn ra trong suốt kỳ nghỉ. Ở Châu Âu, suốt tuần lễ từ giữa Giáng Sinh đến 1/1, nền kinh tế cũng chậm lại một chút.
Tại Pháp chẳng hạn, chúng tôi cũng có những kỳ nghỉ hè và trong suốt những dịp này, hầu hết các công ty (trừ trong ngành du lịch) đều đối diện với sự giảm tốc.
Có khoảng thời gian nghỉ trong năm là một điều khá phổ biến. Và tôi tin rằng, việc Tết không diễn ra cùng lúc với kỳ nghỉ lễ cuối năm của các nước phương Tây góp phần mang lại những quan điểm hay định kiến như vậy, đặc biệt là kể từ khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa với thế giới.
Theo cá nhân tôi, mọi người cần chấp nhận sự khác biệt về văn hóa. Và nếu xét thực tế rằng, nhiều gia đình nằm rải rác trên khắp mọi miền đất nước, vì kế sinh nhai, họ phải đi xa để làm ăn. Sẽ thật tuyệt nếu họ có cơ hội gặp lại nhau vài ngày, ít nhất mỗi năm một lần. Tôi tin rằng, điều này sẽ vun đắp cho sự gắn kết của gia đình và sự vững mạnh của đất nước.
Ở Việt Nam hiện nay, đi du học hay làm việc ở nước ngoài vẫn là mong ước của rất nhiều người. Tuy nhiên, không thể thừa nhận một thực tế rằng có rất nhiều người nước ngoài đang đến Việt Nam làm việc. Theo góc nhìn của anh, Việt Nam hấp dẫn người nước ngoài tới sống và làm việc ở điểm nào?
Tôi không thể đại diện cho những người nước ngoài khác và suy nghĩ của tôi với một vài dữ liệu cũng chỉ là ý kiến đơn lẻ. Nhưng với tôi, lí do khiến tôi muốn làm việc tại Việt Nam là bởi tôi có cảm giác trong tương lai gần, xét về kinh tế cũng như phong cách sống, nơi đây sẽ sớm phát triển, tương tự như ở Pháp hay các quốc gia phát triển khác.
Tôi cũng nhìn thấy nhiều cơ hội để xây dựng được điều gì đó ở đây. Khi thảo luận với những người khác về điều này, tôi có thêm hy vọng rằng mọi người sẽ tiến bộ cùng nhau và cùng tạo nên những thứ lớn lao. Ở Việt Nam, chúng tôi cảm nhận được sự năng động và tăng trưởng.
Ngoài vai trò một chuyên gia phần mềm, anh còn được đông đảo người Việt Nam biết tới trong vai trò HLV Ju Jitsu, một môn võ có nguồn gốc từ Brazil. Tại sao anh lại chọn tập luyện môn thể thao này và nỗ lực truyền bá nó ở Việt Nam?
Brazilian Jiu Jitsu (BJJ) ra đời vào những năm đầu thế kỷ 20 thông qua một bậc thầy môn Judo là Mitsuyo Maeda. Điều này phần nào lý giải những đòn thế có phần giống nhau giữa hai môn võ. Tuy nhiên, Judo chú trọng vào đòn quật trong khi BJJ sử dụng những chiêu thức chủ yếu khi nằm trên mặt đất.
Tại Brazil, Maeda đã quen với một doanh nhân địa phương tên là Gastao Gracie. Đáp lại sự giúp đỡ trong công việc làm ăn, Maeda nhận lời dạy võ cho con của Gastao là Carlos. Sau khi học hỏi từ Maeda, Carlos đã truyền dạy lại cho người thân của mình và BJJ dần hình thành thông qua sự phát triển của gia đình Gracie. Do đó môn võ này còn được gọi là "Nhu Thuật Gracie".
Khi tôi đến Việt Nam năm 2011, môn võ này còn chưa phổ biến. Vì vậy, tôi đã tham gia với những người tâm huyết với BJJ và cố gắng để thúc đẩy môn võ này. Lí do là bởi tôi thực sự tin rằng BJJ rất hữu ích trong cuộc sống và nhiều người có thể tập luyện, không kể già, trẻ hay nam, nữ.
Mỗi môn võ thuật đều có những triết lý sâu xa của mình. Triết lý trong môn Ju Jitsu là gì?
Jiu Jitsu có nghĩa là "nghệ thuật của sự linh hoạt" và "nghệ thuật của sự nhẹ nhàng". Với tôi, câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về cây đại thụ chế giễu sự yếu ớt của cây cỏ lau nhưng lại bị gió quật đổ còn cỏ lau thì không là minh họa hoàn hảo cho điều này. Triết lý của BJJ là với những kỹ thuật mà bạn luyện tập, ngay cả một người nhỏ hơn cũng có thể đánh bại đối thủ lớn hơn.
Luyện tập võ thuật giúp anh đối mặt với những khó khăn, thách thức trong cuộc sống như thế nào?
Trong rất nhiều môn võ thuật với những bộ quy tắc và kỹ thuật khác nhau, có một bài học phổ biến nhưng rất hữu ích trong cuộc sống mà chúng tôi học được đó là: Ngay cả khi bạn rất chăm chỉ, bạn có thể vẫn không chiến thắng. Nhưng nếu bạn thực sự chăm chỉ, bạn sẽ không thể lúc nào cũng thua.
BJJ dạy cho bạn về sự khiêm tốn và lòng kiên trì. BJJ cũng cho bạn thấy nhiều điều về bản thân mình, đặc biệt là cách bạn phản ứng khi phải đối diện với áp lực hay nghịch cảnh.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất không phải là bạn thắng hay thua mà là cách bạn cư xử: Bạn bỏ cuộc hay bạn tiếp tục chiến đấu, bạn có tìm ra lý do khi bạn thua hay bạn đang tìm cách cải thiện bản thân mình và trở nên tốt hơn?
Cảm giác đối kháng khi tập luyện BJJ giống như cuộc sống thu nhỏ: bạn sẽ phải đối mặt với nghịch cảnh và trong khoảng thời gian hữu hạn. Vậy làm sao để sử dụng quỹ thời gian này? Bạn sẽ cư xử thế nào khi đối diện với những áp lực từ đầu đến cuối?
Sự khác biệt duy nhất ở Jiu Jitsu là sau mỗi trận đấu, bạn có cơ hội sửa chữa những sai lầm và tận dụng những điều bạn đã làm tốt.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời