Chuyện những kỹ sư trẻ làm việc đến chết và quy tắc 9-9-6 "đáng sợ" tại các công ty Trung Quốc
Hiện nay rất nhiều kỹ sư trẻ Trung Quốc coi mình là “Little Tramp phiên bản thế kỷ 21” khi phải tuân thủ lịch trình làm việc đáng sợ “9-9-6” – từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và 6 ngày một tuần.
Trong bộ phim không thoại mang tên “Modern Times”, Charlie Chaplin thủ vai Little Tramp - một công nhân nhà máy làm việc với tốc độ điên cuồng đến mức ông bị suy nhược thần kinh.
Hiện nay rất nhiều kỹ sư trẻ Trung Quốc coi mình là “Little Tramp phiên bản thế kỷ 21” khi phải tuân thủ lịch trình làm việc đáng sợ “9-9-6” – từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và 6 ngày một tuần.
Galvin Guo – cựu lập trình viên 33 tuổi sống tại Bắc Kinh cho biết, trong 10 năm sự nghiệp, anh đã làm việc tại 4 công ty viễn thông & internet với lịch làm việc 9-9-6. Lịch làm việc kéo dài liên tục khiến anh bị cảm và viêm mũi thường xuyên; nhưng sang đến công ty khác, vẫn lịch làm việc kéo dài như vậy, anh bị đau dạ dày và trầm cảm. Việc đến văn phòng vào mỗi sáng luôn khiến Galvin lo lắng và áp lực.
Đến nay, khi đã trở thành ông chủ quản lý công ty do chính mình sáng lập, Galvin cho biết, anh vẫn phải áp dụng thời khóa biểu 9-9-6 để thúc đẩy nhân viên của mình. “9-9-6 là một luật bất thành văn ở các công ty công nghệ cao tại Bắc Kinh. Các ông chủ đều coi đó là mất mát lớn nếu không áp dụng luật này”, Galvin chia sẻ.
Có thể nói, đằng sau sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới là đội ngũ lập trình viên, các nhà quản lý dự án và các giám đốc điều hành làm việc nhiều giờ kéo dài liên tục trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Theo Luật lao động Trung Quốc, giờ làm việc cơ bản chỉ kéo dài 40 giờ/tuần và người lao động sẽ được trả thêm nếu làm quá giờ. Nhưng rất nhiều công ty đã phá vỡ quy tắc này bằng cách yêu cầu nhân viên vào làm việc phải ký một bản hợp đồng trong đó ghi “thời gian làm việc linh hoạt”.
Với rất nhiều công nhân, 9-9-6 đã trở thành một thói quen. Tuy nhiên, gần đây một vài trường hợp tử vong ở độ tuổi 30-40 tại các công ty công nghệ do thời gian làm việc quá dài đã dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc về môi trường làm việc khắc nghiệt ở quốc gia này.
Điều đáng nói là, không ai trong số những trường hợp trên tử vong tại nơi làm việc, và cũng không có bằng chứng nào kết luận mối liên hệ giữa tỷ lệ tử vong với công việc. Nhà sáng lập của một công ty cung cấp ứng dụng chăm sóc sắc đẹp gần đây đã tử vong do áp lực công việc, tuy nhiên báo cáo của công ty này cũng cho biết, anh ta là người nghiện thuốc lá.
Số kỹ sư công nghệ tử vong từ giữa năm 2015 đã tăng đến mức báo động về môi trường làm việc khắc nghiệt trong ngành này. Theo số liệu khảo sát của mạng lưới tuyển dụng trực tuyến Zhaopin.com, trong số 13.000 nhân viên văn phòng có đến 81% là việc quá giờ và 11% làm việc trên 60 tiếng một tuần. Người lao động trong các ngành công nghệ thông tin và công ty internet có thời gian làm việc dài nhất.
Trên thực tế, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đánh giá cao và yêu cầu cam kết về thời gian làm việc. CEO Yahoo Marissa Mayer – một trong những nhân viên đầu tiên của Google từng chia sẻ lý do cô rời khỏi Google là vì thời gian làm việc quá căng thẳng. Mặc dù vậy, các công ty công nghệ cao của Trung Quốc yêu cầu nhân viên làm việc chăm chỉ ở một cấp độ mới.
Huawei Technologies yêu cầu nhân viên đi làm vào các ngày thứ 7 cuối cùng của mỗi tháng và họ sẽ được thanh toán thêm 12 ngày công vào cuối năm hoặc bù cho các ngày nghỉ không lương trong năm đó. Một năm sau đó, các nhân viên của Huawei ở Trung Quốc sẽ phải ký một “thỏa thuận nhân viên tận tụy” và tình nguyện không nhận lương ngày nghỉ hoặc làm việc quá giờ.
“Nếu công việc yêu cầu phải hoàn tất, nhân viên đó phải ở lại để hoàn thành công việc thôi” – phát ngôn viên của Huawei cho biết.
Một quản lý điều hành cấp trung của Huawei chia sẻ anh thường làm việc 12 tiếng một ngày vì anh muốn trở thành một nhân viên xuất sắc và được sếp đánh giá cao. Tuy nhiên, trong 3 năm tới, khi 35 tuổi, anh sẽ xem xét có nên tiếp tục duy trì tốc độ làm việc này không.
Alibaba cũng là một công ty công nghệ với giờ làm việc kéo dài, thậm chí nhiều người cho rằng chính công ty này đi tiên phong trong việc thực hiện lịch trình 9-9-6. Trong khi phát ngôn viên của Alibaba từ chối bình luận về ý kiến này thì nhà sáng lập Jack Ma cho biết, Alibaba đòi hỏi cao hơn nhưng cũng trả lương xứng đáng hơn.
“Chúng tôi yêu cầu 3 người hoàn thành công việc của 5 người và trả lương cho 4” – Jack Ma phát biểu trong cuộc họp cổ đông năm ngoái.
Tuy vậy, các công ty Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với làn sóng phản đối từ phía nhân viên khi họ quá kiệt sức vì công việc. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên trẻ còn muốn hưởng thụ cuộc sống ngoài công việc.
“Chúng tôi dành hầu hết các ngày cuối tuần ở văn phòng. Chúng tôi rơi vào tình trạng quá tải trong suốt một thời gian dài” – một nhân viên của Tencent Holdings chia sẻ trong bức thư gửi Giám đốc điều hành cấp cao sau khi một đồng nghiệp trẻ đột ngột qua đời.
Trong khi trước đó, Giám đốc điều hành Tencent chia sẻ rằng công ty không khuyến khích người lao động làm ngoài giờ, cấm làm thêm giờ vào các ngày trong tuần và không được thảo luận các nội dung liên quan đến công việc trên WeChat sau 8 giờ tối.
Ở chiều ngược lại, một số startup công nghệ tại Trung Quốc đang lo lắng về tác dụng phụ của lịch trình 9-9-6. Zhang Huan – nhà sáng lập của mạng xã hội Fmsecret dựa trên nền tảng WeChat cho biết, công ty của anh đã cố gắng thực hiện 9-9-6 vì lo sợ cạnh tranh, nhưng đã phải từ bỏ ngay sau 3 tháng thử nghiệm.
“5 trong số 32 nhân viên đã nghỉ việc vì họ cảm thấy công ty không tin tưởng mình. Hiện nay mục tiêu chính của tôi là khuyến khích nhân viên và cho họ thấy tôi đặt niềm tin ở họ. Các nhân viên đã làm việc chăm chỉ hơn rất nhiều so với thời kỳ áp dụng quy tắc 9-9-6”, nhà sáng lập này chia sẻ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"