Chuyện Ronaldo và Coca mất 4 tỷ USD- Sự thật hay huyền thoại?

    Nguyễn Hoàng Linh, Theo Tiền Phong 

    Giữa tuần qua, chuyện ngôi sao Ronaldo dẹp 2 chai Coca-Cola đặt trước mặt trong một cuộc hop báo, và việc cổ phiếu hãng đồ uống này "bốc hơi" 4 tỷ USD trên thị trường chứng khoán ngày hôm đó đã được liên hệ với nhau và trở thành hot trend (chuyện nóng sốt). Nhưng sự thật cú "ra tay" của CR7 có sức nặng như vậy?

    Hành động của Cristiano Ronaldo bản thân có thể không được chú ý nhiều đến thế, nếu gần như đồng thời với nó, giá trị thị trường của Coca-Cola không giảm nhiều tỉ đô-la theo những nguồn tin ban đầu. Báo chí quốc tế thay nhau “giật tít” về việc này, khiến độc giả xôn xao. “Một cú ra tay của Cristiano Ronaldo, Coca-Cola mất 4 tỉ USD” là một trong những tiêu đề “giật gân” như vậy.

    Nhưng thực sự, có mối quan hệ nhân quả giữa 2 động thái này không, hay là việc giá cổ phiếu của Coca-Cola giảm từ 56,10 USD xuống còn 55,22 USD (tương đương với 1,6%) là có lý do khác? Cần phải nói là khó có lời đáp rõ ràng và xác quyết cho câu hỏi này, nhưng ký giả Marinov Iván của mạng Urbanlegends.hu đã thử tìm hiểu mọi sự.

    Trước hết, cần nhấn mạnh một điều là cổ phiếu Coca-Cola bắt đầu giảm ngay sau khi thị trường chứng khoán mở cửa ngày hôm đó, trước cuộc họp báo tại Budapest của CR7. Cụ thể, NBC News cho biết giá cổ phiếu của công ty đã giảm nhanh chóng từ 56,08 USD xuống còn 55,25 USD sau khi mở cửa lúc 9h30 sáng theo giờ New York, trước khi cuộc họp báo của Ronaldo bắt đầu. Hơn nữa, trong và sau họp báo, nó thậm chí còn tăng lên đôi chút.

     Chuyện Ronaldo và Coca mất 4 tỷ USD- Sự thật hay huyền thoại? - Ảnh 1.

    Ronaldo có một ngày thi đấu không tệ nhưng đội tuyển Bồ Đào Nha của anh vẫn thảm bại trước tuyển Đức


    Điểm bổ sung thứ hai cho câu chuyện đã được chỉ ra trong bài báo trên “New Statesman”, đó là việc tỷ giá thị trường giảm như vậy không nhất thiết là tổn thất đối với Coca-Cola, mà chủ yếu là đối với các nhà đầu tư. Tư liệu của “New Statesman” cũng cho hay rằng giá cổ phiếu của Coca-Cola đã tăng đều đặn kể từ tháng 1/2021 và vẫn gần với mức cao nhất trong 52 tuần kể cả sau khi đã giảm vào đầu tuần này.

    Tiếp cận trong thời kỳ 1 năm, có thể thấy mức giảm đầu tuần tưởng là rất lớn, nhưng không nổi bật chút nào so với các biến động tỷ giá hối đoái thông thường. Thậm chí, trong giai đoạn này, cổ phiếu có lúc đã sụt giảm mạnh hơn, ví dụ, vào đầu năm, do tin tức tiêu cực về Coronavirus.

    Nicholas Johnson, nhà phân tích cổ phiếu của Morningstar nhận định rằng rất có thể không có mối liên hệ nhân quả nào giữa hành động của Ronaldo và sự sụt giảm giá cổ phiếu. Theo một quan điểm được gửi tới “Business Investor”, ông cho rằng các ngôi sao có vai trò lớn trong việc định vị thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng (đó là lý do tại sao họ được thuê quảng cáo sản phẩm), nhưng mức độ này hạn chế hơn nhiều đối với một thương hiệu mang tính biểu tượng như Coca-Cola.

    Johnson cho rằng, những tin tức tiêu cực như vậy có thể làm thay đổi tỷ giá hối đoái trong một thời gian, nhưng có lẽ ngay cả những “fan” hâm mộ CR7 cuồng tín nhất cũng sẽ không ngừng uống Cola nếu họ thích loại nước giải khát này. Và về lâu dài, đó là điều quan trọng nhất đối với công ty và các nhà đầu tư, như nhận xét của Johnson.

     Chuyện Ronaldo và Coca mất 4 tỷ USD- Sự thật hay huyền thoại? - Ảnh 2.

    Tiếp sau hành động của Ronaldo, một số ngôi sao khác "học hỏi" ngôi sao người Bồ khi dẹp sản phẩm của các nhà tài trợ trong buổi họp báo


    Có thể có những lý do khác dẫn đến sự sụt giảm của cổ phiếu Cola hay không? Bài báo trên “Entrepreneur” có đưa ra một lời giải thích trên nguyên tắc, tuy rằng không nhất thiết đó là lý do cho sự suy giảm hôm 14/6 vừa rồi. Theo đó, 11/6 là thời hạn để đảm bảo việc tham gia trả cổ tức sắp tới - và việc giá cổ phiếu giảm tạm thời sau khi hết thời hạn đó là hiện tượng bình thường. Và hành động của CR7 có thể đã củng cố thêm điều này.

    Tác giả bài viết trên mạng “New Statesman” cho rằng câu chuyện “mất cả tỷ đô-la trong một tích tắc” có thể rất phổ biến vì gần đây, thế giới đã chứng kiến một số trường hợp, khi một vài nhân vật nổi tiếng có biểu hiện hoặc hành động gây ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu (chẳng hạn, tweet mang tính thao túng cổ phiếu của Elon Musk). Tuy nhiên, chưa đến lúc việc di dời 2 lon Cola có thể đánh bại nhà sản xuất đồ uống lớn nhất thế giới.

    Nhưng điều đó không có nghĩa là CR7 không thể khiến Coca-Cola phải đau đầu. Nếu từ Ronaldo và các ngôi sao khác làm nảy sinh một phong trào bền vững chống lại đồ uống có ga và đường, Coca-Cola - và bất kỳ công ty nào sản xuất các sản phẩm tương tự - có thể cảm nhận được điều đó.

    Nhưng cũng có thể các nhà sản xuất và ban tiếp thị của họ, khi nhận thấy phản ứng tiêu cực của các cầu thủ này, sẽ chỉnh lại một chút cách sắp xếp sản phẩm của họ trong các sự kiện lớn, thu hút sự chú ý, và giải quyết vấn đề này một cách khôn ngoan hơn trong tương lai.

    Trở lại hành động của CR7, Phát ngôn viên của kỳ EURO 2020 phát biểu rằng ngoài nước lọc, các cầu thủ tham dự họp báo có thể dùng Coca-Cola hay Coca-Cola Zero và đây là một phần của quan hệ hợp tác tài trợ trong việc tổ chức giải bóng, cũng như, trong sự phát triển nền bóng đá nam và nữ Châu Âu. UEFA cũng yêu cầu các cầu thủ không “bắt chước” Ronaldo, và mặc dù không phạt tiền các cầu thủ, nhưng có thể phạt đội tuyển quốc gia nếu có vi phạm.

    Theo một giai thoại trong làng bóng đá, Ronaldo có thể đã học được từ cựu danh thủ, HLV Ryan Giggs rằng Cola không phải là thứ đồ uống thật tốt cho một nhà thể thao ưu tú. Chuyện kể rằng, trong một bữa ăn sáng chung của CLB Manchester United (Anh), khi Ronaldo xuất hiện với một lon Cola trong tay, Giggs đã đẩy anh vào tường và nói “đừng làm điều này một lần nữa”.

    Ronaldo, hiện tại được coi như một tín đồ của việc giữ gìn sức khỏe, gần đây đã nói rằng nếu con anh - Cristiano Jr. Ronaldo - uống Cola và các loại nước ngọt khác thì không chắc chắn là cậu có thể trở thành một cầu thủ bóng đá lớn, mặc dù cậu bé mới 10 tuổi và còn có thể thay đổi nhiều. Tuy nhiên, cả Giggs lẫn Ronaldo dường như cũng “nói vậy mà không phải vậy”: cả hai từng xuất hiện trong các quảng cáo của Coca-Cola.

    Lúc đó, với họ không có vấn đề gì khi cần quảng cáo những sản phẩm mà họ không chỉ không sử dụng, mà còn cho là có hại cho sức khỏe...

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ