Chuyện thật 100%: Từng tồn tại một chuẩn chân cắm CPU lắp được cả chip Intel lẫn AMD
It ai biết rằng đã từng có thời kỳ cả hai “ở chung một nhà” - cùng chia sẻ một socket, một hệ sinh thái, và thậm chí cùng chạy trên một bo mạch chủ chỉ bằng vài tinh chỉnh đơn giản.
Ngày nay, Intel và AMD là hai đối thủ 'không đội trời chung' trong thế giới CPU - mỗi bên sở hữu socket (chuẩn chân cắm giữa CPU và bo mạch chủ, quyết định một CPU có thể gắn vào mainboard nào) riêng, chipset riêng, hệ sinh thái phần cứng riêng. Cuộc cạnh tranh giữa 2 hãng đã kéo dài hàng thập kỷ và ngày càng quyết liệt hơn, nhất là trong kỷ nguyên của vi xử lý đa nhân, kiến trúc tùy chỉnh và nền tảng khép kín.
Thế nhưng, ít ai biết rằng đã từng có thời kỳ cả hai “ở chung một nhà” - cùng chia sẻ một socket, một hệ sinh thái, và thậm chí cùng chạy trên một bo mạch chủ chỉ bằng vài tinh chỉnh đơn giản.

Đây chính là socket CPU có thể gắn được cả chip của Intel lẫn AMD - điều không tưởng ở thời điểm năm 2025
Vào tháng 3 năm 1994, Intel ra mắt Socket 5 - socket chủ yếu dành cho dòng CPU Pentium thế hệ thứ hai (kiến trúc P5). Tuy nhiên, điều bất ngờ là Socket 5 cũng tương thích với CPU K5 của AMD, cùng với các dòng Cyrix 6x86 (đôi khi còn được đồng thương hiệu với IBM) và WinChip của IDT. Điều này khiến Socket 5 trở thành một trong số rất ít socket trong lịch sử có thể chạy được CPU từ nhiều hãng khác nhau, điều mà ngày nay gần như không tưởng.
Đến mùa hè năm 1995, Socket 7 ra đời, kế nhiệm Socket 5 (trong khi Socket 6 gần như bị bỏ qua). Socket 7 tiếp tục mở rộng khả năng tương thích: không chỉ hỗ trợ các dòng Pentium của Intel, mà còn tiếp tục hỗ trợ AMD, Cyrix/IBM và IDT. Nhờ độ linh hoạt cao, Socket 7 nhanh chóng trở thành chuẩn phổ biến trong giới lắp ráp máy tính, đặc biệt là với những người dùng DIY và các nhà sản xuất hệ thống nhỏ.
Một số bộ vi xử lý Socket 7 còn có thể hoạt động trên bo mạch chủ Socket 5 thông qua adapter chuyển đổi. Dĩ nhiên, với những người dùng liều lĩnh hơn, việc chế lại pin bằng tay cũng không phải là chuyện hiếm. Sự khác biệt kỹ thuật chính giữa hai socket nằm ở việc Socket 7 bổ sung thêm một chân (pin) hỗ trợ dual split-rail voltage - tức là tách riêng điện áp cho nhân xử lý và I/O - trong khi Socket 5 chỉ hỗ trợ một đường điện áp duy nhất.
Đến năm 1998, chuẩn Super Socket 7 xuất hiện, như một bản nâng cấp cho Socket 7, chủ yếu để hỗ trợ các dòng vi xử lý AMD K6-2 và K6-III. Super Socket 7 thêm vào khả năng chạy front-side bus 100 MHz và hỗ trợ đồ họa AGP, nâng cao hiệu năng trong khi vẫn giữ nguyên bố cục chân cắm quen thuộc. Đây được xem là một nước đi chiến lược của AMD, giúp công ty kéo dài thời gian trước khi chính thức tách khỏi nền tảng socket dùng chung với Intel.
Cũng trong giai đoạn này, các hãng như Cyrix và IDT tranh thủ tận dụng socket chung để tung ra những CPU giá rẻ, đánh vào phân khúc phổ thông. Dù sau đó cả hai dần rút lui khỏi thị trường, giai đoạn Socket 5/7 vẫn được xem là thời kỳ “đa đảng” hiếm hoi của thị trường vi xử lý x86.
Bên cạnh đó, Super Socket 7 cũng gắn liền với một “nền văn hóa overclock” sôi động. Người dùng thời đó có thể ép xung CPU từ 350 MHz lên 450 MHz chỉ bằng cách chỉnh jumper trên mainboard và thay tản nhiệt - điều gần như không còn tồn tại trên CPU hiện đại vốn đã bị khóa hệ số nhân hoặc điều chỉnh bằng BIOS phức tạp hơn.
Về sau, khi Intel chuyển sang nền tảng Slot 1 vào năm 1997 và chấm dứt cấp phép socket cho các bên thứ ba, AMD buộc phải tự phát triển nền tảng riêng - và thế là Slot A ra đời, đánh dấu lần đầu tiên AMD thực sự độc lập khỏi kiến trúc của Intel. Không lâu sau đó, dòng Athlon đầu tiên đã vượt qua Pentium III về hiệu năng, và cuộc đua CPU giữa hai ông lớn chính thức bước sang chương mới - khốc liệt hơn, rõ ràng hơn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Thế giới kỳ lạ của ‘ảo giác AI’: Khi máy tự tin bịa chuyện như thật, còn người dùng Việt vẫn gật gù tin theo
VTV.vn - AI ngày càng thông minh – và cũng ngày càng bịa chuyện khéo léo hơn. Nếu bạn từng tin ngay những gì nó nói, có thể bạn cũng đã rơi vào “ảo giác AI” mà không nhận ra.
Báo cáo tiết lộ lý do Tổng thống Trump miễn thuế cho iPhone, laptop từ Trung Quốc - Tất cả là nhờ CEO Tim Cook?