Chuyện về 3 người phụ nữ giúp NASA lần đầu chinh phục không gian thành công nhưng lại bị chính nước Mỹ lãng quên
Đóng góp rất nhiều cho thành tựu khoa học kỹ thuật của đất nước nhưng những người phụ nữ này lại không được công nhận mà ngược lại còn bị cả nước Mỹ lãng quên.
Hidden Figures là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh thế giới năm 2016. Bộ phim xoay quanh 3 người phụ nữ Katherine Johnson, Mary Jackson và Dorothy Vaughan có công lớn nhất trong hành trình giúp nước Mỹ đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng lần đầu tiên. Để đạt được thành tích này, họ đã phải trải qua cuộc chiến khắc nghiệt bao gồm phân biệt giới tính và chủng tộc. Bộ phim dựa trên cuộc đời thật của 3 người phụ nữ được xem là khối óc sáng tạo của NASA nhưng lại bị lịch sử bỏ quên chỉ bởi họ là phái yếu và không phải người da trắng.
Thời điểm đó, máy tính chưa phổ biến, hầu hết mọi tính toán đều được thực hiện thủ công, phụ thuộc hoàn toàn vào trí óc của con người. Katharine, Mary và Dorothy là ba nhà toán học người Mỹ gốc Phi làm việc tại bộ phận Máy tính khu vực phía Tây của Trung tâm nghiên cứu Langley. Ở nơi đây, họ đảm nhận công việc tính toán số liệu nhận được từ cấp trên, hầu hết đều là những người da trắng.
Sau Thế chiến II, Mỹ và Liên Xô tiếp tục lao vào cuộc chạy đua lên không gian xem ai có thể đưa con người đi chinh phục không gian bên ngoài Trái đất trước nhất. Lúc này, NASA đảm nhận trọng trách nghiên cứu chế tạo tàu vũ trụ có thể chịu được sức ép ngoài không gian để bay ra ngoài vũ trụ và trở về an toàn. Vậy nhưng, suốt thời gian dài thử nghiệm, họ vẫn loay hoay chưa tìm được giải pháp tối ưu, cho đến khi Katharine, Mary và Dorothy xuất hiện.
Sinh năm 1918 ở tiểu bang West Virginia, Katherine từ nhỏ đã được nhận định là đứa trẻ thông minh với đầu óc đặc biệt nhạy với các con số và hình dạng. Bằng chứng là bà được nhận vào học trường cấp 3 khi chỉ mới 10 tuổi trước khi tốt nghiệp đại học ở tuổi 18. Vài năm sau đó, bà trở thành giáo viên đồng thời dành nhiều thời gian chăm lo gia đình và các con.
Khi đó, Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Hàng không tổ chức tuyển dụng phụ nữ gốc Phi sau khi lệnh hành pháp ngăn chặn phân biệt chủng tộc trong ngành công nghiệp quốc phòng được áp dụng. Katherine nộp đơn và được nhận vào làm. Với khối óc thông minh vượt trội, Katherine nhận trách nhiệm kiểm tra các thuật toán phức tạp trước khi chúng được triển khai lên tàu vũ trụ.
Về phía Mary, bà là nữ kỹ sư da đen đầu tiên của NASA sau khi trải qua 1 số công việc bao gồm giáo viên, thư ký quân đội… Để được bước vào phòng nghiên cứu, Mary buộc phải ghi danh khóa đào tạo vốn chỉ dành cho đàn ông da trắng. Khi đó, bà không chỉ khác biệt về màu da mà còn nhận về những ánh mắt ngờ vực của tất cả mọi người khi dám làm công việc vốn chỉ dành cho đàn ông.
Cùng với Katherine, Dorothy là trưởng bộ phận Máy tính khu vực phía Tây. Khi biết hệ thống máy tính sắp sửa được vận hành và chuẩn bị thay thế con người, bà đã nhanh nhạy nắm bắt thời, bắt đầu nghiên cứu về cách vận hành máy tính trước khi trở thành quản lý nhóm người da màu đầu tiên của NASA.
Là những người phụ nữ tài giỏi nhưng Katherine, Mary và Dorothy ban đầu lại không được công nhận. Những năm 1950, khi nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn rất gay gắt ở Mỹ thì những người da màu làm việc ở NASA cũng chịu thiệt thòi không ít. Họ làm việc ở khu vực cách xa trung tâm chính của cơ quan, bấy nhiêu con người nhồi nhét vào căn phòng làm việc chật hẹp và xuống cấp. Thậm chí sau này, Katherine được chuyển sang làm việc ở trụ sở chính, bà vẫn phải mất rất nhiều thời gian để chạy về bộ phận cũ chỉ có thể vào đúng nhà vệ sinh dành cho mình, cho người da màu.
Ngoài ra, Katherine, Mary và Dorothy còn chịu nhiều thiệt thòi tiền lương chỉ bởi họ không phải nam giới. Dù đảm nhận viết báo cáo nhưng Katherine không được phép ghi tên của mình phía dưới lời đề tựa chỉ bởi vì bà là phụ nữ.
Phụ nữ, nhất là người da màu, luôn chịu thiệt thòi trong xã hội Mỹ cách đây vài chục năm.
Bắt đầu từ năm 1961, Katherine, Mary và Dorothy bắt đầu được công nhận khi họ được phép tham gia hầu hết các dự án không gian của NASA. Katherine có đóng góp lớn nhất trong việc đưa người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ. Đỉnh điểm là vào năm 1962, sự đóng góp của 3 người phụ nữ da màu đã giúp phi hành gia John Glenn lần đầu tiên bay vòng quanh Trái đất 3 lần trước khi bình an vô sự trở về. Khi đó, John Glenn không tin tưởng số liệu của máy tính mà chọn đặt tất cả niềm tin vào Katherine. Chỉ khi nào bà tính toán và xác nhận thông số trên, ông mới chấp nhận bước vào tàu vũ trụ bay vào không gian.
Vậy nhưng, những thành tích và đóng góp của 3 người phụ nữ da màu lại bị lịch sử bỏ quên dù năm 2015, Katherine được cựu Tổng thống Obama trao Huân chương Tự do, 1 trong 2 giải thưởng dân sự cao quý nhất ở Mỹ, kèm lời tán dương: "Bà là người tiên phong phá tan ranh giới của chủng tộc và giới tính, và cho lớp trẻ thấy rằng ai cũng có thể có thành tích đỉnh cao trong khoa học tự nhiên và vươn tới các vì sao".
Năm 2016, cuốn tiểu thuyết Hidden figures của tác giả Margot Lee Shetterly ra đời, mọi người mới có thể hiểu rõ hơn về công lao của những người phụ nữ Mỹ gốc Phi đóng góp để làm nên thành tựu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật của xứ sở cờ hoa. Từ đó, bộ phim cùng tên mới ra đời và lay động cả thế giới khi tái hiện chân thật những gì mà Katherine, Mary và Dorothy phải trải qua trong suốt thời gian làm việc ở NASA.
Bộ phim Hidden figures đã tái hiện chân thật về cuộc đời của 3 người phụ nữ da màu bị chèn ép tại NASA trước khi bị cả nước Mỹ lãng quên.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập