Chuyện về camera Huawei P30 Pro: 4 camera, điểm DxOMark số 1 thế giới, chụp liệu có đẹp nhất?
Tiếp nối dòng P series đánh mạnh vào khả năng chụp ảnh, P30 Pro lần này có những gì nổi bật và có thật sự hữu ích cho người dùng?
Cuộc đua về chất lượng camera trên smartphone có lẽ chưa bao giờ nóng lên như hiện nay, lần lượt các sản phẩm đỉnh ra mắt 3 tháng đầu năm đều muốn tranh hạng liên tục trên DxOMark. Và đến hẹn lại lên, chiếc flagship P30 Pro đến từ Huawei lại tiếp tục làm "giang hồ dậy sóng" khi trang DxOMark tổng kết điểm số 112, vượt 3 điểm và soán chiếc ghế vốn đang của người anh Mate 20 Pro, P20 Pro, thậm chí là cả đối thủ S10 mới ra mắt cách đây 1 tháng.
Có lẽ thứ hạng này cũng là điều dễ đoán, bởi các smartphone đầu bảng của Huawei từ trước đến nay đều tập trung rất mạnh vào khả năng chụp ảnh, tối ưu hóa từ phần cứng cho đến phần mềm, khiến đối thủ khác đều phải "toát mồ hôi".
Qua những gì mà Huawei trình diễn trên sân khấu, chính cả bản thân tôi cũng đã choáng ngợp khi họ lần lượt giới thiệu những bức ảnh được chụp bằng P30 Pro, nhưng cũng không ít những hoài nghi bởi hãng này từng dính phải một số scandal liên quan đến việc sử dụng hình ảnh từ máy DSLR để quảng bá cho sản phẩm điện thoại. Vậy camera của P30 Pro có thật sự tốt như những gì Huawei quảng cáo? Sau vài ngày sử dụng, đây là câu trả lời của tôi:
Nâng cấp lớn nhất của Huawei P30 Pro chính là cụm camera sau, không chỉ trông "hoành" hơn mà còn đem đến khả năng zoom quang học 5x, biến nó trở thành chiếc smartphone đầu tiên có tiêu cự dài mà vẫn gói gọn trong thân hình nhỏ nhắn.
Một sản phẩm chụp ảnh muốn có tiêu cự dài phải trang bị ống kính có kích thước không hề nhỏ và đây chính là vấn đề nan giải bao năm của các nhà sản xuất điện thoại di động nếu muốn đem đến chất lượng zoom quang học mà vẫn giữ thiết kế máy nhỏ gọn.
Tuy nhiên Huawei năm nay đã đem đến một cuộc cách mạng mới, theo đó sử dụng thiết kế kính tiềm vọng: đặt một lăng kính ở rìa ngoài để nhận và sau đó bẻ cong, đưa ánh sáng vào bên trong cảm biến thông qua hệ thấu kính được đặt theo phương ngang.
Sử dụng cảm biến 8 MP cùng khẩu độ f/3.4 OIS (chống rung quang học) có thể khiến nhiều người ngại ngùng khi vừa nghe đến. Thế nhưng qua trải nghiệm thực tế, chiếc điện thoại này cho chất lượng ảnh zoom 5x quang học (tương đương tiêu cự 125 mm) rất ổn ở điều kiện đủ sáng, thậm chí là thiếu sáng đôi chút cũng không khiến ảnh sụt giảm đáng kể. Để có được chất lượng này, P30 Pro đã tận dụng cả hình ảnh zoom từ camera chính để tăng chi tiết và độ phân giải, thế nên dù lên zoom 10x vẫn không phải là vấn đề quá nan giải.
Trải nghiệm nhanh một tấm ảnh 1x và zoom 10x:
Một điểm đáng khen là dù cố gắng gói gọn ống kính tiêu cự dài vào thân máy nhỏ nhưng Huawei vẫn không quên trang bị khả năng chống rung quang học cho ống kính này. Phải nói rằng, nếu zoom xa mà không có chống rung thì việc chụp ảnh bằng tay sẽ là một thảm họa, dù đó là smartphone hay máy ảnh đi chăng nữa.
Những ống kính còn lại ra sao? Huawei P30 Pro cũng chứng tỏ mình không đua con số ống kính cho vui, mà còn sở hữu cả những thông số khiến đối thủ phải dè chừng: 40 MP f/1.6 OIS cho camera chính (thu được lượng sáng nhiều hơn 25% so với ống f/1.8 ở người anh P20 Pro) và 20 MP f/2.2 cho camera góc rộng "thửa" ý tưởng từ Mate 20 Pro năm ngoái.
Camera thứ 4 mang tên ToF (Time-of-Flight) được bổ sung vào thực tế không phải là camera chụp ảnh, nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc đo độ sâu trường ảnh theo thời gian thực, không chỉ sử dụng cho các ứng dụng AR trong tương lai mà còn giúp ảnh được xóa phông mượt mà hơn.
Vậy camera Đơn Sắc (Monochrome) đã đi đâu? Đây không phải lần đầu Huawei loại bỏ camera này ra khỏi chiếc điện thoại flagship của mình, bởi với chiếc Mate 20 Pro năm ngoái chúng ta đã thấy ý đồ "khai tử" đã được nhen nhóm lên và lần này nữa là đã quá rõ.
Cũng giống như Mate 20 Pro, giao diện của chiếc P mới này cũng giấu hẳn tính năng chụp Đơn Sắc ở phần More, và tất nhiên đó cũng chỉ là filter áp vào bởi ống kính Đơn Sắc nào có còn đâu…
May rằng sau khi trải nghiệm qua nhiều bức ảnh Monochrome, P30 Pro cho tôi cảm giác chất ảnh đã trong trẻo hơn, không còn bị đục và xám như ở Mate 20 Pro nữa. Có vẻ như đội ngũ Huawei và Leica đã tinh chỉnh lại phần filter cho ổn định hơn nhằm làm hài lòng những tín đồ yêu Đơn Sắc.
Chụp thiếu sáng cũng là một trong những điểm mạnh khác khiến chiếc điện thoại này nổi bật hơn các sản phẩm khác trên thị trường. Sau lần ra mắt tại Paris cũng như ở Việt Nam, đã có một số người cho rằng Huawei chỉ dùng các chiêu trò để bịp người dùng và tôi cũng đã từng nghĩ thế cho đến khi thực sự thử cầm trên tay.
Một tấm chụp bằng chế độ Night, tốc độ màn trập 6 giây và tôi hoàn toàn chụp tấm này bằng tay mà không cần hỗ trợ bất kỳ tripod.
Trong chuyến đi tôi chụp không ít ảnh đêm, nhưng thực sự chưa thấy nhiều sự khác biệt cho đến khi ngồi trong khoang máy bay. Lúc đấy điều kiện ánh sáng gần như tối mịt và thậm chí tôi cũng không thể thấy được đôi giày của mình bằng mắt thường, thế nhưng Huawei P30 Pro lại thấy rất rõ:
Đây là đoạn video ghi lại quá trình chụp bức ảnh trên, lưu ý là tôi không hề bật flash và máy đang ở chế độ chụp Auto.
Sau lần hợp tác thành công từ P9, mối quan hệ giữa Huawei và Leica được tiếp tục ở các sản phẩm đầu bảng, và P30 Pro vẫn thế.
Thực tế trước đây Huawei khá mập mờ khi đề cập đến chuyện hợp tác, thậm chí khi tôi được dịp đến thăm đại bản doanh Huawei tại Trung Quốc và đặt câu hỏi về chuyện Leica đã tham gia vào những phần nào của quá trình sản xuất camera, họ vẫn chỉ nói rằng hãng máy ảnh nức danh đến từ Đức chỉ lo phần tinh chỉnh - về mặt phần mềm là chủ yếu.
Tuy nhiên ở lần ra mắt P30 Pro, Huawei có vẻ đã cởi mở hơn ở vấn đề này, và hơn hết, cả Leica tại buổi họp báo chí ở Wetzlar (Đức) cũng xác nhận họ tham gia vào quá trình thiết kế ống kính cho Huawei P30 Pro, tinh chỉnh sao cho camera mang lại chất lượng tốt nhất ở mọi điều kiện khác nhau.
Như vậy, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Leica không còn tham gia vào mảng Đơn Sắc như trước, mà họ đã mở rộng hơn, mong muốn mang đến chất lượng toàn diện cho tất cả camera trên P30 Pro.
Mạnh mẽ ở phần cứng, thông minh ở phần mềm, có lẽ như P30 Pro không có gì đáng phải chê trách với đa số người dùng. Ấy vậy mà chiếc flagship này lại có vài điểm khiến cá nhân tôi hơi khó chịu, một trong số đó là giao diện điều khiển còn khá rối rắm.
Do có quá nhiều tính năng chụp ảnh, Huawei dường như không thoát khỏi vết bánh xe đã từng gặp phải ở Mate 20 Pro: nhồi nhét nhiều đến mức người dùng mới cầm vào cảm thấy hơi ngộp thở.
Bạn có thể tìm thấy 6 chế độ chụp khác nhau ở giao diện chính, để rồi khi bấm vào More thì lại có thêm cả tá chế độ khác đang nằm ẩn ở đó. Nếu là người mê tìm tòi, bạn sẽ rất hào hứng với chúng. Nhưng ngược lại nếu là người mới bắt đầu, chắc chắn bạn phải khổ sở không ít đấy. Lời khuyên chân thành của tôi là hãy cứ để ở tính năng chụp mặc định vì AI của Huawei P30 Pro đã làm tốt rồi, đừng cố vuốt tới vuốt lui làm gì nữa.
Độ trễ là vấn đề thứ 2 mà Huawei P30 Pro vẫn còn mắc phải và đây căn bệnh cố hữu từ các phiên bản trước. Nhiều người nói với tôi rằng họ cầm các dòng P và Mate của Huawei đều thấy máy chụp rất nhanh, nhưng riêng bản thân mình, là một người có thói quen giơ máy bấm nhanh các khoảnh khắc tích tắc trong cuộc sống thì Huawei P30 Pro vẫn chưa đáp ứng được.
Mỗi khi gặp phải tình huống nhanh, tôi thường sẽ rút smartphone ra, bật camera nhanh và bấm nút chụp. Nhưng Huawei P30 Pro có 2 vấn đề khiến tôi lỡ mất khoảnh khắc: khởi động nhanh bằng 2 lần phím Vol - đôi khi không hoạt động (thà vuốt icon chụp từ góc phải màn hình khóa có khi còn hiệu quả hơn…); và thời gian từ lúc ra lệnh chụp cho đến khi "bắt" ảnh thường hay bị trễ.
Hầu hết các ảnh chụp của P30 Pro trong điều kiện lý tưởng đều gặp phải vấn đề dư sáng, và theo ước lượng của tôi thì nó rơi vào khoảng 0.5 EV. Bên cạnh đó, mỗi bức ảnh khi bạn nhận được đều bị tăng độ nét lên quá mức, đây không phải là lần đầu mà Huawei áp dụng phương pháp này và có vẻ đó là "gout" của hãng mà chúng ta không thể tắt đi được dù có khó chịu đến đâu. Đây chỉ là những vấn đề phần mềm và hy vọng rằng Huawei sẽ cải thiện hơn ở các bản update tiếp theo.
Quay lại vấn đề ban đầu mà tôi đặt ra và nhìn nhận một cách tổng quan, P30 Pro thật sự xứng đáng trở thành một trong những chiếc smartphone có hệ thống camera ấn tượng nhất từ đầu năm đến nay. Việc đưa vào thêm nhiều giải pháp tiêu cự chụp ảnh khác nhau đã phần nào cho thấy hãng này đang cố gắng đem đến sự tiện lợi cho người dùng hơn trong nhiều bối cảnh khác nhau, tuy nhiên cũng cần thừa nhận một điều rằng Huawei quá chú tâm vào phần cứng và bỏ quên trải nghiệm giao diện của người dùng khiến cán cân sức mạnh - trải nghiệm bị lệch đôi chút.
Không chỉ chiến thắng về mặt số lượng, P30 Pro cũng khiến người dùng có tâm lý "cầm lên là thấy Pro" khi ống kính có sự tham gia hợp tác với ông lớn Leica khét tiếng. Dẫu rằng camera Đơn Sắc không còn, nhưng với việc Leica nhúng tay "trọn gói" vào tất cả camera khác của Huawei P30 Pro lại là một tín hiệu đáng mừng và người dùng yêu thích nhiếp ảnh trên smartphone sẽ có cơ hội hy vọng một tương lai rộng mở hơn nữa dưới sự hợp tác của 2 ông lớn này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming