Danh tiếng của Harvard không chỉ đến từ bề dày lịch sử của nó, nó còn đến từ thành công của những người đã từng theo học tại đây.
Harvard là ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới, và đó cũng là nơi mà nhiều nhân vật tầm cơ trong làng công nghệ như Bill Gates hay Mark Zuckerberg theo học (dù cả 2 người này cùng... bỏ học trước khi ra trường). Tất nhiên, không phải chỉ đến khi những nhân vật như thế xuất hiện thì ngôi trường này mới có những người tài giỏi. Câu chuyện về một dự án của sinh viên theo học tại đây giờ đã trở thành một startup trị giá vài tỷ USD chứng minh điều đó.
Mọi chuyện bắt đầu khi 2 nhà sáng lập của CloudFlare là Matthew Prince và Michelle Zatlyn lên ý tưởng cho một dự án ở trường. Đây là một yêu cầu bắt buộc với các sinh viên để có được tín chỉ tương ứng. Thế nhưng CloudFlare - một dịch vụ quản lý và bảo vệ website mà họ nghĩ ra còn làm được nhiều hơn thế. Nó chiến thắng trong cuộc thi ở trường Harvard vào năm 2009, và giờ đây các nhà đầu tư đang phải... xếp hàng để được đầu tư vào nó.
Vậy chính xác thì có gì đặc biệt ở CloudFlare?
Một dịch vụ an toàn cho website
Về cơ bản, bạn có thể hiểu CloudFlare chính là một "giáp kỹ thuật số" dành cho các website. Nó sẽ bảo vệ website của khách hàng, lọc tất cả các lưu lượng kết nối Internet trước khi chúng đến được với website. Bằng cách này, nó sẽ đánh giá và loại bỏ các kết nối độc hại và nguy hiểm (như tấn công chẳng hạn) và giúp cho việc kết nối website trở nên hiệu quả nhất.
Xét trên quy mô mạng lưới, CloudFlare giống như một người phân phối đường truyền vậy. Các máy chủ sẽ chỉ nhận kết nối thông qua CloudFlare thay vì chấp nhận mọi kết nối như trước đây, và nó giúp loại bỏ nguy cơ bị nghẽn đường truyền, quá tải đối với máy chủ. Để làm được điều tương tự, trước đây người ta phải bỏ ra những khoản tiền rất lớn cho các doanh nghiệp công nghệ lớn. Nhưng giờ đây thì ngay cả các công ty vừa và nhỏ cũng có thể tiếp cận dịch vụ của CloudFlare một cách dễ dàng, và tất nhiên là rẻ hơn rồi.
Ban đầu, mục đích của Prince và Zatlyn chỉ là xây dựng dịch vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thế nhưng giờ đây nó đã lớn đến mức khoảng 5% lưu lượng truy cập Internet toàn cầu hiện nay đều phải đi qua mạng CloudFlare, và họ có hơn 4 triệu người tại khắp 30 quốc gia trên thế giới đang sử dụng dịch vụ. Giờ đây, đến một nửa khách hàng của CloudFlare là những doanh nghiệp lớn như Goldman Sachs, Salesforce và thậm chí là cả Bộ ngoại giao Hoa Kỳ.
Bạn có tài, người ta sẽ đầu tư tiền cho bạn
CEO Prince kể lại đã từng email cho Zatlyn để nói rằng: "Tôi đã tính toán các con số, và tôi cho rằng chỉ sau hơn 2 năm nữa Google sẽ mua lại CloudFlare với giá 500 triệu USD". Thế nhưng Zatlyn còn táo bạo hơn thế khi cho rằng sau 7 năm, CloudFlare sẽ đạt tới giá trị 4 tỷ USD.
Matthew Prince - CEO CloudFlare
Giờ đây, sau 6 năm được thành lập, CloudFlare đã đạt tới giá trị hàng tỷ USD (Matthew Prince chỉ nói như vậy khi được hỏi về giá trị của CloudFlare). Đó có thể coi là một sự phát triển thần kỳ khi mà hồi tháng 12 năm 2013, giá trị công bố của CloudFlare chỉ mới là 50 triệu USD.
Hôm thứ 3 tuần trước, giá trị của CloudFlare lại tiếp tục tăng lên khi nhận được thêm 110 triệu USD tiền đầu tư từ Google Capital, Microsoft, Baidu, và Qualcomm Ventures. Số tiền này đạt được sau một vòng kêu gọi vốn được tổ chức bởi Fidelity .
Trao đổi với Business Insider, CEO Prince nói: "Tôi cho rằng hầu hết các founder đều có sự tự tin từ rất sớm. Đó là thứ giúp bạn bước đi vững chắc trên con đường phía trước. Thông thường, người ta sẽ nói đó là ảo tưởng, và rõ ràng chúng tôi cũng đã "ảo tưởng" như vậy. Chỉ có điều chúng tôi may mắn khi xây dựng được một đội ngũ lớn mạnh, thứ đã biến sự ảo tưởng của chúng tôi thành một doanh nghiệp lớn mạnh như ngày hôm nay".
Tham khảo: Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"