Chúng ta không thể bóp méo không gian và thời gian nhưng hoàn toàn có thể sử dụng hai liệu trình tâm lý dưới đây để làm chậm lại cảm quan của bạn về thời gian.
Cuộc sống bận rộn có lẽ sẽ khiến nhiều người luôn tự hỏi “Thời gian chạy đâu mất rồi?”. Cuộc đời trung bình của con người hiện nay kéo dài khoảng 70-80 năm, thế nhưng vẫn luôn có những người sống lâu hơn thế, không phải về mặt sinh học mà là về tâm tưởng.
Thật ngạc nhiên là thời gian luôn có vẻ trôi đi nhanh hơn khi bạn đang vui chơi hết mình, và nó cũng có vẻ như sẽ tiến chậm lại khi chúng ta rơi vào những thời khắc cực điểm của cảm xúc. Một điều thường thấy trong các bộ phim là những cảnh sống-chết chỉ cách nhau trong đường tơ kẽ tóc luôn được quay chậm lại bằng slow motion, thế nhưng đó không hẳn chỉ là một hiệu ứng thị giác. Tay chơi quần vợt nổi tiếng John McEnroe từng mô tả hiện tượng này là “Mọi thứ chợt chậm lại, quả banh tennis cũng có vẻ lớn hơn bình thường, còn bạn thì cảm thấy chính mình có nhiều thời gian hơn.”
Nếu trải nghiệm của bạn về dòng thời gian trôi luôn chính xác thì có lẽ chúng ta đã chẳng cần phải liên tục kiểm tra giờ giấc trên đồng hồ. Chính vì cảm nhận về thời gian thường rất chủ quan và cảm tính mà chúng ta hoàn toàn có thể điều khiển nó theo cách chúng ta mong muốn. Và hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cảm nhận của chúng ta về thời gian mà các nhà nghiên cứu đã chỉ ra là sự chú ý và sự khơi dậy của cảm xúc.
Chú tâm nhiều hơn
Nói một cách đơn giản thì bạn sẽ có cảm giác thời gian trôi chậm lại khi để tâm chú ý đến nhiều thứ hơn. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng sự chú ý của chúng ta sẽ dồn về những thứ mới lạ bạn trải qua. Hãy nhớ về lần đầu tiên bạn đặt chân đến một nơi nào đó. Mọi thứ đều thật mới mẻ, và bạn thì có lẽ vẫn đang bận chú ý và suy tưởng về những thứ xung quanh mình. Thế rồi sau đó, mọi thứ có vẻ như trôi đi nhanh hơn rất nhiều.
Trong trường hợp này, sự chú ý của bạn dồn về những thứ mới lạ bạn đang chứng kiến và chịu ảnh hưởng của vạn vật khách quan xung quanh. Rõ ràng là bạn chỉ có thể trải nghiệm lần đầu tiên đặt chân đến đâu đó MỘT lần duy nhất trong đời.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những cách khác để kiểm soát sự chú ý của mình: Chúng ta có thể chú ý nhiều hơn đến những gì xảy ra xung quanh, vào bất cứ thời điểm nào, chỉ bằng việc lưu tâm hơn đến mọi thứ. Sự lưu tâm suy tưởng này có thể khiến con người ta nhìn nhận kỹ hơn về nhiều khía cạnh khác nhau của thực tại, đồng thời giúp họ cảm nhận thời gian trôi chậm hơn.
Ngược lại, nếu bạn cứ đắm chìm trong một việc duy nhất, thời gian sẽ có cảm giác trôi qua rất nhanh. Đó có thể là một ngày cuối tuần bạn túi bụi sơn lại tường phòng cho con nhỏ rồi chợt nhận ra nó trôi qua nhanh thế nào. Khi bạn chỉ tập trung vào một việc duy nhất mà không để ý gì đến những thứ xung quanh thì thời gian luôn có vẻ “thấm thoắt thoi đưa”. Các nhà khoa học thần kinh đã chỉ ra rằng chúng ta càng chú ý vào đâu đó nhiều thì lại càng cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn.
Chính vì vậy mà để cảm nhận thời gian nhanh hay chậm lại, một trong những công cụ đơn giản nhất chúng ta có thể sử dụng là cái cách mà bạn tập trung chú ý vào trải nghiệm đó như thế nào.
Khơi dậy cảm xúc
Phương pháp tâm lý thứ hai là “khơi dậy cảm xúc”. Khi các cảm xúc của bạn được đẩy lên cao và các mạch máu bắt đầu được bơm mạnh mẽ hơn, chúng ta sẽ cảm nhận thời gian trôi đi chậm hơn.
Trong một thí nghiệm, những người tham gia được cho xem những bức chân dung người đang vui vẻ hạnh phúc hay tức giận đều cho biết họ cảm thấy mình nhìn vào chúng lâu hơn so với khi nhìn vào những bức chân dung không thể hiện chút cảm xúc nào. Thêm vào đó, bản scan não của những người này cũng cho thấy một mô thức hoạt động khác hẳn trong não họ ở những phần được cho là có ảnh hưởng đến cảm quan về thời gian. Điều này cũng giúp giải thích tại sao các vận động viên như McEnroe lại thường cảm thấy thời gian trôi chậm lại trong những ván đấu kịch tính nhiều cảm xúc.
Trong một thí nghiệm khác, những người tham gia được đưa vào trạng thái rơi tự do (skydriving) để thúc đẩy cảm giác sợ hãi tột độ. Mục tiêu của thí nghiệm này là để xem liệu cảm giác sợ hãi có làm chậm cảm quan của họ về thời gian hay không. Kết quả chính xác là như vậy. Các tình nguyện viên tham gia đều bị rơi từ thẳng từ một độ cao nhất định xuống và cũng không hề nhìn được mọi thứ dưới dạng slow motion nhưng cảm nhận thời gian của họ về cú rơi hóa ra lại dài hơn thời lượng thực sự mà nó diễn ra. Kết luận này cũng không có nghĩa là để cảm nhận thời gian chậm lại, bạn phải chơi những trò nhảy dù mạo hiểm như thế mà là để chỉ ra rằng những cảm xúc mãnh liệt được khơi gợi ra có thể dẫn đến cảm nhận chậm hơn về thời gian.
Chính vì vậy mà nếu muốn cảm nhận thời gian dài ra, bạn hãy tích cực đa dạng hóa trải nghiệm của mình với thật nhiều thứ mới lạ và lưu tâm nhiều hơn đến những gì đang diễn ra. Nếu bạn có thể luyện cho não của mình trở nên tinh tường hơn với mọi thứ xung quanh thì về mặt tâm tưởng chắc chắn bạn sẽ sống dài hơn người khác. Cho dù đó là những cảm xúc như phấn khích, giận dữ hay gì đi nữa thì việc khơi dậy thêm những tâm trạng đó vẫn sẽ giúp bạn thấy thời gian trôi chậm lại.
Cũng như việc bạn cảm giác thời gian trôi nhanh hơn khi đang đắm mình vào những cuộc chơi, những cảm xúc như vậy lại có liên quan đến cảm nhận thời gian nhiều hơn bạn tưởng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi mọi yếu tố khác đều ngang bằng, chúng ta thường có cảm giác “xõa” hết mình khi nghĩ rằng thời gian sẽ trôi qua nhanh. Chính vì vậy mà hãy thật sáng suốt điều chỉnh cảm nhận thời gian của mình, sẽ có những lúc bạn muốn “sống chậm lại”, muốn suy nghĩ nhiều hơn về những điều diễn ra quanh mình, nhưng cũng sẽ có lúc bạn chỉ muốn quên tất cả để vui chơi hết mình.
Tham khảo Fastcompany
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"