Không thể phủ định việc Elon Musk là một thiên tài hiếm có trong thời đại chúng ta, nhưng thật sự tầm ảnh hưởng của ông trong ngành vũ trụ học đến đâu?
Ngày 28 tháng 9 năm 2008, tên lửa Falcon 1 của SpaceX Musk phóng lên từ Kwajelein Atoll ở phía nam Thái Bình Dương đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử thế giới một công ty tư nhân thành công xây dựng và phóng tên lửa của riêng mình vào quỹ đạo vệ tinh của Trái Đất. Đây thực sự là một thành tựu tầm cỡ khi mà chỉ có 6 đất nước hùng mạnh nhất trên thế giới từng đạt được.
Và ngày 8 tháng 4 vừa rồi, SpaceX của nhà sáng lập kiêm CEO Elon Musk đã thành công gửi 6 chiếc vệ tinh lên không bằng con tàu Dragon sử dụng tên lửa Falcon 9 của mình. Đây chưa phải là thành tựu gì nổi bật của SpaceX khi mà nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa lên ISS đã được SpaceX đảm nhận từ NASA trong nhiều năm nay. Điều đặc biệt ở đây là SpaceX đã có thí nghiệm của riêng mình trong lần phóng tàu này.
Thay vì để cho giai đoạn 1 của việc phóng tàu vũ trụ - phần dưới cùng của tên lửa, bao gồm 9 động cơ Merlin 1D - rơi xuống biển và chìm xuống đáy một cách phí phạm, họ đã lập trình cho phần đuôi tên lửa này đáp xuống nhẹ nhàng trên tấm xà lan giữa biển.
Tại sao đây là một thành tựu có ý nghĩa lớn cho nền khoa học thế giới?
Falcon đã làm nên lịch sử vào ngày 8 tháng 4 năm 2016.
Câu trả lời có thể gói gọn trong hai từ đơn giản là: Tiền Bạc và Sao Hỏa.
Ngay từ buổi đầu phát triển SpaceX, Elon Musk đã đặt ra đích đến cuối cùng là đưa con người đến Sao Hỏa, Để thực hiện việc này, một trong những thách thức lớn nhất cần tính đến là chi phí để thực hiện mỗi chuyến bay. Để thực sự sống được trên Sao Hỏa, chúng ta sẽ phải vận chuyển những máy móc cũng như tài nguyên vật liệu tới đó.
Một trong những cách giảm chi phí bay mà SpaceX quyết định tập trung vào trước tiên là khả năng tái sử dụng những tên lửa đã phóng. Việc này cũng sẽ giải quyết được một vấn đề hóc búa khác: giả sử bạn đã bay được đến Sao Hỏa rồi, làm thế nào bạn có thể quay lại trái đất nếu mỗi chiếc phi thuyền bạn dùng đến đều trở thành một đống sắt vụn sau khi hạ cánh?
Bạn hãy tưởng tượng, nếu các phi cơ Boeing 747 trị giá 150 triệu USD bay qua biển Đại Tây Dương đều quẳng động cơ và khoang chứa của mình xuống biển mỗi khi hạ cánh, thì giá của mỗi chiếc vé máy bay sẽ lên đến hàng trăm nghìn USD. Như vậy chẳng có ai dám sử dụng máy bay nữa, trừ những tỷ phú USD ra.
Việc hạ cánh thẳng đứng đảm bảo rằng chiếc tàu vũ trụ của SpaceX sẽ có khả năng đáp xuống bất cứ bề mặt cứng nào trên Sao Hỏa. Và dù đã là chiếc tàu vũ trụ có giá rẻ nhất tính theo trọng lượng, khả năng tái sử dụng động cơ giai đoạn 1 của Falcon 9 càng giảm chi phí hoạt động đi nhiều lần.
Tại sao NASA đã không thực hiện được việc một công ty tư (được lãnh đạo bởi một thiên tài) có thể làm được chỉ sau vài năm?
NASA vẫn sẽ luôn là nơi phát minh ra những công nghệ tiên tiến nhất trong ngành hàng không vũ trụ. Đồng thời cũng là tổ chức đảm nhiệm những nhiệm vụ khám phá vũ có rủi ro kinh tế lớn.
Nếu để ý thấy trong các quyển sách lịch sử được giảng dạy, hầu hết bước ngoặt khoa học thế giới đều đến từ nỗ lực của chính phủ các nước. Và vì vai trò của chính phủ là nhằm đảm bảo sự phát triển của đất nước, mục tiêu của họ cũng sẽ chỉ xoay quanh vấn đề kinh tế và chính trị. Sự phát triển của khoa học chỉ như một hệ quả từ sự theo đuổi những mục tiêu ấy mà thôi.
Columbus không bao giờ phát hiện ra nước Mỹ nếu châu Âu không không tìm cách vượt biển nhằm tìm ra đường buôn bán mới với châu Á trong hoàn cảnh khó khăn chính trị thời ấy.
Năng lượng nguyên tử không được nghiên cứu đến nếu các nước đã không chạy đua vũ trang với nhau nhằm chế tạo ra những quả bom lớn nhất và nổ to nhất.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2 xích mích giữa Mỹ và Liên Xô đã thúc ép hai bên cạnh tranh về khả năng vượt trội trong kỹ thuật bắn tên lửa tầm xa của mình. Với những thành công ban đầu của Liên Xô, Mỹ không thể đứng nhìn sợ hãi trước khả năng bị tấn công bất ngờ, đã đầu tư một khoản tiền lớn nhằm chứng tỏ nền khoa học vượt trội của mình đủ ức để nhắm bắn trúng cả mặt trăng. Và cũng nhờ vậy vào ngày 20 tháng 7 năm 1969, Neil Armstrong đã bước những bước đầu tiên của nhân loại trên đó.
Và dù chính phủ Mỹ đã sáng lập ra NASA và hỗ trợ tài chính cho thời kỳ huy hoàng nhất của tổ chức, đến ngày hôm nay, chính phủ Mỹ lại chính là nhân tố trói chân NASA trong nhiều nhiệm vụ khám phá tổ chức muốn thực hiện..
Đây đơn giản không phải cách hoạt động trong thế giới thật, bạn không thể kiếm được một nguồn vốn đầu tư khổng lồ trị giá hàng tỷ đô la Mỹ dù lý tưởng của bạn có đẹp đẽ hay thú vị đến mức nào đi nữa. Những nguồn tiền này từ trước đến giờ thường đến từ chính phủ các nước phát triển. Và vì tìm ra sinh vật ngoài hành tinh hay đo lượng nước trên Sao Hỏa không thực sự giải quyết được vấn đề trọng tâm gì trước mắt, việc đòi hỏi nhà nước chi ra một khoản tiền quá lớn như vậy cho một dự án quá xa vời là không hợp lý.
Hệ thống các dự án của NASA không tập trung đầu tư vào tính lặp lại của những chu kỳ phát triển công nghệ. Thực tế, đây là điểm mạnh và cũng là lợi thế của NASA trong việc phát triển công nghệ mới. Chính xác mà nói, SpaceX dựa hoàn toàn vào những phát mình của NASA để thực hiện những chuyến bay của mình.
Nhưng bù lại SpaceX đã trở thành vị cứu tinh của NASA khi:
1. Họ trở thành hy vọng duy nhất của NASA để tái hiện lại giấc mơ đưa con người ra ngoài vũ trụ trong thời gian ngắn nhất.
2. NASA tự biết mình đang bị mắc kẹt trong chính mạng nhện hành chính của chính mình và sự đạp đổ truyền thống của SpaceX có thể là cơ hội để họ tự giải phóng.
3. Với việc “cho thuê” dịch vụ phóng tàu vũ trụ của SpaceX, cơ quan Vũ trụ NASA sẽ có thể toàn tâm toàn ý dành nguồn nhân lực của mình vào việc tiếp tục mở những cánh cửa tri thức mới trong ngành du hành vũ trụ ở những mảng khác.
Đứng trên vai gã khổng lồ NASA, SpaceX đã cách mạng hóa ngành du hành vũ trụ thế nào?
SpaceX hiện là công ty có tiêu chuẩn tuyển vào thuộc hạng cao nhất thế giới.
Món quà kỳ diệu SpaceX đã đem đến cho nhân loại là việc cắt giảm chi phí của việc phóng tàu vũ trụ khỏi trái đất gấp bội lần so với trước đấy. Điều cần lưu ý ở đây là SpaceX không hề phát triển ra công nghệ đột phá nào cả. Trước khi được sử dụng trên con tàu Dragon và tên lửa Falcon, công nghệ hàn ma xát, chân đỡ hợp chất, công nghệ động cơ sử dụng máy phát chu kỳ điện khí và nhiều công nghệ và thiết bị khác nữa đều đã được SpaceX vay mượn chứ không phải tự phát minh ra.
Điều khác biệt giữa SpaceX và NASA chỉ có thể nhận thấy khi nhìn vào giai đoạn lắp ráp và phát triển một cách tổng quát hơn.
SpaceX đã giảm được số tiền bỏ ra cho mỗi lần phóng táu bằng cách tập trung dây chuyền sản xuất của mình. Các giai đoạn thiết kế kỹ thuật, phát triển và vận hành nằm dưới một mái nhà thay vì 10 trung tâm phát triển rải rác như ở NASA. Thứ hai, SpaceX không có trách nhiệm hy sinh nguồn vốn của mình vào việc tạo thêm cơ hội việc làm cho các doanh nghiệp khác, cụ thể SpaceX không cần nhập các vật liệu cũng như bộ phận phụ tùng từ công ty ngoài mà hoàn toàn tự cung tự cấp, tiếp tục giảm chi phí hoạt động của mình. Và cuối cùng, vì đảm nhiệm việc phát triển ra một sản phẩm dịch vụ rất cụ thể và tiềm năng, SpaceX không cần phải lo lắng đến việc dự án của mình bị bãi bỏ và không cần phải dành quá nhiều tiền vào việc thử nghiệm, “khám phá đất mới”.
NASA và SpaceX thực sự cần đến nhau, và sự hợp tác gắn bó và tôn trọng lẫn nhau của hai tổ chức này từ trước đến giờ sẽ còn đóng góp nhiều cho nền khoa học chung của thế giới.
NASA đã ký hợp đồng hợp tác với SpaceX trị giá 1,6 tỷ USD cho 12 nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa lên trạm ISS từ năm 2008 đến 2016. Với thành công của SpaceX, NASA đã không ngần ngại kéo dài hợp đồng giữa hai bên thêm 3 nhiệm vụ mới. Và đầu năm 2016, cùng với một số hãng khác ngoài SpaceX, NASA đã ký hợp đồng thuê dịch vụ phóng tàu trở hàng hóa bắt đầu từ năm 2019 đến 2024.
Elon Musk, CEO và sáng lập viên của SpaceX thực sự là một thiên tài “nhạc công” thật sự
Dù không hề theo tín ngưỡng gì, mỗi khi phóng tàu, Elon Musk vẫn chắp hai tay vái lậy thần thành giúp sức.
Như Steve Jobs đã từng được ví như là nhạc công của một dàn “nghệ sỹ” công nghệ tài năng, thành công của Elon Musk thật ra cũng đến từ tầm nhìn tham vọng khác thường của ông và khả năng thu thập cũng như sử dụng người tài.
Khi chiếc Falcon đầu tiên của Elon Musk nổ tung trên bầu trời sau hàng năm trời nghiên cứu phát triển, nhìn thấy sự buồn rầu và tuyệt vọng trong mắt đội phát triển, Elon Musk tự tin nói với họ rằng: “Dù gì đi chăng nữa, đối với tôi, việc bỏ cuộc sẽ không bao giờ xảy ra. Và tôi thực sự muốn nói là: Không Bao Giờ”.
Ông nhấn mạnh rằng, ông sẽ thành công và bất cứ ai tin vào điều đó, tiếp tục hành trình SpaceX với ông cũng sẽ được trải nghiệm chiến thắng với ông.
Điểm khác biệt giữa Steve Jobs và Elon Musk nằm ở chỗ, ngoài việc biết “điều nhạc”, Elon Musk cũng là một người am hiểu và nhiều khi trực tiếp tham gia quá trình phát triển các phụ tùng thiết bị tên lửa.
Dù có thể coi SpaceX và Elon Musk như một hiện tượng cực kỳ có lợi cho nền khám phá vũ trụ thế giới, ta cần phải hiểu rằng ông không phải là một phép lạ kỳ diệu hay một thiên tài khoa học thực sự. Sự so sánh giữa NASA và SpaceX thực sự rất khập khiễng. Không có công nghệ động cơ nào được phát minh bởi SpaceX, không có thuyết vật lý hay toán học nào mang tên Elon Musk. Và đấy cũng không phải là cách chúng ta cần đánh giá SpaceX.
Elon Musk có thể ví như một vị cứu tinh thật sự cho sự phát triển cho NASA và cho nền du hành vũ trụ không hơn không kém. Một người với tầm nhìn, phong cách làm việc xuất sắc và những tham vọng, nỗ lực học hỏi không ngừng đã một mình tạo nên thế lực đủ mạnh để đẩy phát triển của nhân loại theo một chiều hướng mới.
Đích đến cuối cùng của Elon Musk là việc đem nền văn minh của con người ra khắp vũ trụ
Không chấp nhận phó mặc số phận nhân loại cho tự nhiên, Elon Musk đặt ra mục tiêu của đời mình giúp con người nắm lấy chính vận mệnh của mình trong tay.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2011, ông cho biết hy vọng của ông rằng con người sẽ đặt được những bước chân đầu tiên lên Sao Hỏa trong 10 hoặc 20 năm tới. Trong cuốn tiểu sử của mình, ông chia sẻ rằng ông mong muốn có thể lập ra một căn cứ tại Sao Hỏa với dân số chừng 80.000 người. Vì sự khan hiếm khí Oxy ở Sao Hỏa, chúng ta sẽ phải dùng đến các thiết bị điện như dòng xe điện hãng Tesla của ông và những thiết bị vẩn chuyển khác như Hyperloop mà ông cũng đang phát triển.
Động lực lớn thúc đẩy ông thực hiện những bước tiến cách mạng khoa học là nhằm mở rộng cũng như bảo vệ loài người trước những tai họa diệt chủng đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử trái đất. Theo ông, chỉ cần một thiên thạch đủ lớn sượt qua quả địa cầu, hay một vụ nổ núi lửa khỏng lồ trên chính trái đất, một loài virus nhân tạo, hố đen vũ trụ mini được tạo ra một cách vô ý trong phòng thí nghiệm hay có lẽ là gần kề nhất hiện nay là sự nóng lên toàn cầu đều có thể dẫn đến sự tuyệt diệt của loài người trên trái đất. Và chỉ có duy nhất sự phát triển về khoa học kỹ thuật mới có thể giúp ta có khả năng làm chủ vận mệnh của mình: một nền văn minh đa hành tinh.
Bước đầu tiên để đến đó là giảm chi phí các chuyến bay không gian xuống chỉ bằng 1% so với trước đây. Và bước đầu tiên của việc này là tạo ra bộ phận phản lực đắt tiền của tàu vũ trụ có khả năng được tái sử dụng. Bước đầu cho tiến trình này lại la việc mang được nó trở về một cách an toàn. Vậy SpaceX đã hoàn thành được bước 1.1.1 trong kế hoạch thay đổi thế giới của mình. Khi nhìn lại sau này, thành công của Falcon sẽ là một trong những dấu mốc trong lịch sử khoa học thế giới.
Bất cứ ai thực sự quen biết Elon Musk đều đặt toàn bộ lòng tin của mình ở ông. Elon Musk không hứa xuông, việc cứu trái đất không phải là một dạng quảng cáo vu vơ nhằm đánh bóng tên tuổi. Một thiên tài như ông thực sự có thể làm bao nhiêu việc khác nếu mục tiêu của ông chỉ là tiền bạc. Ông thực sự muốn đóng góp hết khả năng của mình để đem lại tương lai tuyệt vời nhất cho các thế hệ con cháu sau này của con người.
Một câu đùa trong tổ chức NASA kể rằng: “Nếu bạn muốn trở thành một triệu phú ngành hàng không vũ trụ, hãy chắc rằng khi bắt đầu chí ít bạn đã phải là một tỷ phú”
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4