Có gì bên trong đại bản doanh Garmin?
Trong chuyến công tác ở Mỹ, chúng tôi đã có dịp thăm trụ sở Garmin tại Olathe, Kansas nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập, và được tận mắt nhìn thấy hoạt động thường ngày bên trong đại bản doanh của công ty.
Garmin là một công ty đa lĩnh vực, không chỉ xoay quanh đồng hồ hay thiết bị thể thao trên cạn mà còn cung cấp một loạt các hệ thống hàng không và hàng hải hiện đại, cũng như hợp tác với các cơ quan quân sự Mỹ.
Garmin được thành lập vào năm 1989 bởi hai nhà sáng lập Gary Burrell và Min H. Kao với tên ban đầu là "ProNav" và chuyên cung cấp các thiết bị GPS, khách hàng đầu tiên của họ là Hải quân Mỹ. Công ty sau đó được đổi thành "Garmin", lấy từ tên của hai nhà sáng lập. Garmin từ đó đã dần khẳng định vị trí trong ngành hàng hải, hàng không bằng hệ thống GPS tinh vi và công nghệ hỗ trợ tiên tiến, là một trong những công ty dẫn đầu về các nền tảng điều hướng.
Trụ sở của công ty tại Olathe, Kansas có diện tích khoảng 186.000 m2. Đây là một khuôn viên rộng lớn với nhiều tòa nhà, bao gồm không gian văn phòng, cơ sở nghiên cứu và phát triển, khu vực sản xuất và tiện nghi cho nhân viên.
Cơ sở ở Olathe là một trong 10 cơ sở sản xuất trải rộng trên nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài Olathe, Garmin còn có 4 cơ sở ở Đài Loan, 1 ở Trung Quốc, 2 ở Châu Âu và 2 cơ sở khác ở Mỹ.
“Hiện có gần 20.000 người làm việc tại Garmin trên khắp thế giới, trong đó có 4.000 người ở khu vực Kansas City”, Clifton Pemble, Chủ tịch kiêm CEO của Garmin, cho biết trong cuộc họp báo tại Sheraton Overland Park, Kansas vào tháng 5 vừa qua.
Khu vực đón khách có màu trắng xanh chủ đạo, nơi này cũng được dùng trong các dịp hoạt động tập thể của công ty.
Garmin có một hành lang trưng bày tất cả những dòng sản phẩm của công ty từ trước đến nay như một phản ánh về thành công kể từ khi công ty bắt đầu cho đến hiện tại.
Khách tham quan cũng được trải nghiệm khu vực sản phẩm đang bán và thử nghiệm của Garmin. Công ty đã mở rộng dải sản phẩm của mình rất nhiều kể từ khi thành lập và giờ đây kinh doanh nhiều sản phẩm từ thiết bị đeo thể thao cho đến hệ thống GPS hàng hải và hàng không.
Garmin có nhiều khu vực làm việc không gian mở, và chúng thường kèm theo những phòng nghỉ, nơi nhân viên có thể ngồi thư giãn, thưởng thức đồ uống miễn phí.
Nhà kho và trung tâm phân phối nằm ở Building 5. Đây là một trong những khu vực rộng nhất trong khu phức hợp, hầu hết các hoạt động đóng gói và dán nhãn đều được thực hiện tự động nên không có quá nhiều nhân viên tại đây.
Nhà kho Garmin
Clifton cho biết: “Chúng tôi vận hành các trung tâm phân phối của riêng mình trên khắp thế giới”.
Trong khi nhiều công ty chọn cách thuê ngoài, thì Garmin kiểm soát toàn bộ quá trình thiết kế, xây dựng và sản xuất một sản phẩm từ đầu đến cuối.
Khu vực nghiên cứu và sản xuất
Khu mô phỏng buồng lái của Garmin
Garmin có khu vực quầy ăn tự phục vụ, nơi nhân viên có thể thưởng thức bữa sáng và bữa trưa tại công ty. Họ có thể dùng bữa tại chỗ hoặc mang ra không gian bên ngoài.
Khu vực ăn uống tại Garmin
Bên trong trụ sở còn có cả phòng Gym với đầy đủ trang thiết bị, máy móc và nhà tắm. Garmin cũng tổ chức các khóa hoạt động thể dục dành cho nhân viên. Băng qua hội trường bạn sẽ thấy nhiều khu vực giải trí nhỏ như bóng bàn.
Không gian bên ngoài được bố trí nhiều cây xanh và có khu vườn suối chảy róc rách giúp nhân viên thư giãn. Khu vườn này có loại cỏ bản địa từ Kansas, quê hương của nhà sáng lập Gary Burrell.
Là công ty nổi tiếng với các smartwatch hỗ trợ chạy bộ, xung quanh trụ sở là con đường dài hơn 3km dành cho cho nhân viên đi bộ, chạy bộ. Đồng thời cũng có các sân bóng, khu vực ăn uống ngoài trời, hoạt động tập thể,...
Chuyến tham quan trụ sở chính của Garmin mang đến cơ hội độc đáo để chúng tôi tận mắt chứng kiến sự đa dạng trong sản phẩm, cách vận hành và phúc lợi nhân viên.
Đây là công ty mà chúng tôi thấy ai cũng đam mê thể thao, đến giờ nghỉ là gặp rất nhiều nhân viên chạy bộ, chơi ném đĩa, hoặc là vào gym để tập luyện. Có vẻ như ở đây họ rất yêu thích việc đó vì có thể vừa làm việc, vừa trải nghiệm sản phẩm của chính công ty mình, lại vừa được rèn luyện thể chất một cách thoải mái nhất. Tất cả nhằm mang đến một môi trường làm việc tốt nhất có thể.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?