Có khi nào thiết bị công nghệ sẽ thông minh như con người?
Với tốc độ phát triển của công nghệ như hiện nay, liệu sẽ có một ngày những thiết bị công nghệ thông minh như con người?
Công nghệ đang phát triển một cách nhanh chóng hơn bao giờ hết, các thiết bị điện tử ngày càng thông minh, trí thông minh nhân tạo thì tiên tiến hơn từng ngày, vậy có bao giờ đến một lúc nào đó smartphone/tablet hay AI sẽ thông minh hơn trí tuệ con người? Nhà tương lai học Ray Kurzweil trước đây đã đưa ra một dự đoán vào năm 1999 rằng: Vào năm 2023, một chiếc laptop có giá 1000 USD sẽ có sức mạnh tính toán và bộ nhớ như não con người. Kurzweil cũng dự đoán rằng định luật Moore, một trong những định luật quan trọng nhất của ngành công nghiệp bán dẫn, sẽ được áp dụng cho đến năm 2025, sau đó sẽ có một định luật khác được ra đời do những thay đổi của thế giới công nghệ.
Kurzweil cho biết các thiết bị phần cứng mô phỏng trí tuệ con người có lẽ sẽ xuất hiện sớm hơn những gì mà ông đã dự đoán trước đó - có thể sẽ là vào năm 2020. Bằng việc tận dụng những công nghệ tiên tiến như bộ vi xử lý đồ hoạ cao cấp (GPU), các thiết bị trong tương lai sẽ có những phần mềm dùng thuật toán mô phỏng não người. Ông cũng dự đoán rằng phần mềm mô phỏng chính xác não người sẽ có mặt trên thế giới vào năm 2029.
Nếu như những dự đoán của Kurzweil trở thành hiện thực, điều đó có nghĩa là chỉ trong vòng 14 năm nữa, những chiếc smartphone trong túi quần chúng ta sẽ thông minh tương tự như chính bản thân chúng ta. Trên thực tế, trong trường hợp chúng ta chỉ tập trung vào trí tuệ máy tính (tức là bỏ qua một bên cảm xúc và những dạng trí tuệ khác), những chiếc điện thoại sẽ theo kịp chính chúng ta chỉ trong vòng 7 năm thôi - tức là khoảng tầm lúc Apple ra mắt chiếc iPhone 11.
Chưa dừng lại ở đó, những thiết bị điện tử này sẽ tiếp tục “tiến hoá” hơn theo cấp số nhân, cho đến khi chúng vượt trội trí thông minh của toàn bộ nhân loại. Rồi đến một lúc nào đó, những chiếc máy tính sẽ có lợi thế rất lớn so với người dùng: đây là điều hết sức dễ hiểu bởi chúng được kết nối với mạng Internet, và chia sẻ thông tin với nhau nhanh gấp tỉ lần so với con người. Thật khó để có thể tưởng tượng điều gì sẽ diễn ra với những sự “tiến hoá” đó.
Thực sự thì những nghi vấn về tính thực tế của những tiên tiến trên, cũng như “tuổi thọ” của định luật Moore là có thể hiểu được. Ví dụ như có những giới hạn nhất định: sự thu nhỏ của số bóng bán dẫn đến một lúc nào đó cũng phải dừng lại, bởi không có gì có thể nhỏ hơn nguyên tử. Với thiết bị điện tử, sẽ có những rào cản công nghệ khác. Thực tế thì Intel cũng đã nhận thức được những giới hạn này, và cho biết định luật Moore có thể sẽ kéo dài thêm 10 năm nữa.
Tuy nhiên, bất chấp các giới hạn đó, Kurzweil khẳng định rằng định luật Moore không phải là tất cả với điện toán, và những công nghệ tiên tiến sẽ vẫn tiếp tục phát triển. Kurzweil cho biết bản thân định luật Moore chỉ là một trong 5 định luật của ngành điện toán: cơ điện, rơle, ống chân không, bóng bán dẫn rời rạc và mạch tích hợp. Kurzweil từng giải thích rằng công nghệ đã phát triển theo cấp số nhân kể từ khi Trái Đất được hình thành, và sức mạnh điện toán cũng đã vươn lên theo cấp số nhân kể từ các thiết bị tính toán cơ học được sử dụng vào năm 1890 ở Mỹ.
Kurzweil đưa ra hàng loạt các ví dụ liên quan đến quá trình phát triển vượt bậc đó như: GPU hiện nay sử dụng cách tính toán song song để làm tăng hiệu năng một cách đáng kể, nhưng giờ nó không chỉ phục vụ đồ hoạ, nó còn mô phỏng mạng lưới thần kinh - qua đó mô phỏng kiến trúc não người. Ngoài ra, đã có những con chip 3D đang được phát triển để có thể tích hợp mạch trong nhiều lớp bên trong. Và kinh khủng nhất đó chính là máy tính lượng tử.
Thay vì mã hoá thông tin theo 0 và 1 như từ xưa đến nay, những máy tính lượng tử sẽ sử dụng các bit lượng tử hay qubit - nhờ đó chúng có thể mã hoá toàn bộ những khả năng có thể xảy ra trong trường hợp nhất định bằng cách tận dung sự chồng chất lượng tử. Cuối cùng, tốc độ xử lý và tính toán mà máy tính lượng tử mang lại nhanh hơn nhiều lần so với công nghệ tính toán hiện nay.
Tuy nhiên, Kurzweil cho biết ông không quá lo lắng. Ông ấy tin rằng chúng ta có thể tạo ra một trí thông minh nhân từ và sử dụng nó để cải thiện bản thân của chính chúng ta. Ông nhận thấy rằng công nghệ như một con dao hai lưỡi - tương tự như ngọn lửa, có thể giữ ấm nhưng cũng có thể tàn phá tất cả. Kurzweil tin tưởng công nghệ sẽ giúp chúng ta giải quyết hàng loạt vấn đề từ lâu đã ngăn cản sự phát triển của nền văn minh nhân loại - như thảm hoạ thiên nhiên, nạn đói, năng lượng, giáo dục và nước sạch.
Tham khảo: VentureBeat
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Đều thuê ngoài sản xuất chip, điều gì làm nên khác biệt hiệu năng trong bộ xử lý M4 so với các đối thủ khác: Giám đốc Apple tiết lộ "vũ khí bí mật" của công ty
Không phải tiến trình sản xuất chip hay công nghệ thiết kế chip, theo các giám đốc Apple, đây mới là vũ khí bí mật làm nên sức mạnh cho bộ xử lý của công ty.
Người Trung Quốc xếp hàng dài đặt cọc điện thoại chưa ra mắt của Huawei