Cổ phiếu bay gần 20% giá trị, thêm một gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc trở thành nạn nhân của ông Trump
Việc bị xem xét đưa vào danh sách đen khiến cổ phiếu của SMIC, gã khổng lồ trong ngành công nghiệp chip của Trung Quốc, bị thổi bay gần 20% giá trị vốn hóa.
Cổ phiếu của Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải (SMIC), gã khổng lồ trong ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, vừa có cú giảm mạnh nhất trong 7 tuần qua. Nguyên nhân của cú sập bắt nguồn từ báo cáo cho rằng Chính quyền Trump đang xem xét đưa SMIC vào danh sách đen trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng các áp lực nhằm vào các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc.
Cụ thể, cổ phiếu của SMIC đã giảm gần 20 trong đầu phiên giao dịch sáng 7/9 theo giờ Hồng Kông. Tính tới 10h sáng theo giờ Hà Nội, giá của cổ phiếu này là 19,24 đô la Hồng Kông, giảm 18,56% so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Trong phiên giao dịch buổi sáng, cổ phiếu này có lúc giảm xuống chỉ còn 18.98 đô la Hồng Kông.
Cú bán tháo diễn ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ đang làm việc với các bên liên quan để quyết định đưa ra phán quyết về số phận SMIC. Nếu công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen, các doanh nghiệp Mỹ phải có giấy phép đặc biệt để tiếp tục làm ăn với gã khổng lồ trong ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc.
Phía Mỹ cho rằng SMIC có quan hệ với quân đội Trung Quốc, điều khiến nó bị giám sát. Tuy nhiên, bản thân SMIC tuyên bố rằng họ không có mối quan hệ nào với quân đội Trung Quốc và các sản phẩm của họ chỉ nhằm mục đích phục vụ dân sự và thương mại.
Dẫu vậy, với cú sập thảm hại, SMIC đã trở thành nạn nhân mới nhất của Chính quyền Trump. Trước đó, các công ty công nghệ Trung Quốc, nổi bật nhất là Huawei, đã bị Mỹ cấm cửa trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng căng thẳng. Mỹ và Trung Quốc mâu thuẫn với nhau về hàng loạt vấn đề, từ thương mại đến đại dịch Covid-19 hay các vấn đề địa chính trị khu vực và toàn cầu.
Nếu Mỹ thực sự đưa SMIC vào danh sách đen, nó sẽ là đòn chí mạng tiếp theo nhằm vào Trung Quốc. SMIC có thể sẽ theo bước Huawei trong việc bị truất quyền truy cập vào các công nghệ và thiết bị của Mỹ.
"Nếu bị đưa vào danh sách đen, nó sẽ làm suy giảm nghiêm trọng khả năng cải tiến công nghệ của SMIC bởi các thiết bị của Mỹ là không thể thiếu cho quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất chất bán dẫn hiện đại. Một hạn chế như vậy, một khi trở thành sự thực, nhanh chóng cho phép Mỹ hạn chế khả năng tiến bộ công nghệ của SMIC một cách hiệu quả", Mark Li, chuyên gia phân tích của Bernstein, nhận định.
Ngược lại với cú giảm thảm hại của SMIC, cổ phiếu các doanh nghiệp đối thủ, trong đó có United Microelectronics Corp. và Vanguard International Semiconductor Corp., đã tăng mạnh tới 9% trong cùng thời điểm tại Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc.
Để đối phó với các hoạt động ngày càng mạnh tay của phía Mỹ, Trung Quốc đang có kế hoạch tăng cường hỗ trợ cái gọi là "chất bán dẫn thế hệ thứ 3" trong kế hoạch 5 năm tiếp theo của mình. Bắc Kinh muốn có khả năng tự sản xuất chip nội địa. Đây là thành phần không thể thiếu trong hàng loạt ngành công nghiệp hiện đại, chẳng hạn như 5G, radar quân sự hay xe điện….
Hiện nay, công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất vẫn nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Chính phủ Mỹ. Các nước không thể tìm ra bất cứ lựa chọn thay thế nào trong tương lai gần ngoài phụ thuộc vào Mỹ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI