Cổ phiếu vừa lên sàn chưa được nửa năm đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, điều gì đang xảy ra với "kỳ lân" VNG?

    Hà My, markettimes.vn 

    VNG bị hạn chế giao dịch do chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Hoạt động kinh doanh của công ty đang thua lỗ 6 quý liên tiếp nhưng vốn hóa công ty vẫn duy trì được ở mức gần 1 tỷ USD.

    Cổ phiếu vừa lên sàn chưa được nửa năm đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, điều gì đang xảy ra với "kỳ lân" VNG? - Ảnh 1.

    Ngày 22/5 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội có quyết định đưa cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG vào diện hạn chế giao dịch.

    Nguyên nhân là do VNG chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.

    Cổ phiếu VNZ sẽ bị hạn chế giao dịch bắt đầu từ ngày 25/5/2023, chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

    Như vậy, VNG sẽ trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong nhóm có cổ phiếu bị hạn chế giao dịch. Trên sàn chứng khoán hiện nay, một cổ phiếu VNZ có giá 759.000 đồng, cao nhất toàn thị trường. Vốn hóa VNG hiện ở mức gần 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD.

    Cổ phiếu VNZ bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 5/1/2023, với giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu. Trong 14 phiên đầu tiên lên sàn, VNZ không có người bán mà chỉ có lệnh mua, nên không có cổ phiếu nào được giao dịch và giá đứng yên ở 240.000 đồng/cổ phiếu.

    Tuy nhiên, trong 11 phiên tiếp theo, VNZ bắt đầu có giao dịch, và tăng trần 15%/phiên, trong đó phần lớn chỉ giao dịch ở mức tối thiểu 100 cổ phiếu mỗi phiên. Nhờ đó, giá VNZ lập đỉnh 1.358.700 đồng/cổ phiếu vào ngày 15/2 và trở thành cổ phiếu có giá đắt nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tại mức đỉnh này, vốn hóa công ty là 39.000 tỷ đồng, tương ứng 1,5 tỷ USD.

    Sau khi lập mức đỉnh nói trên, VNZ quay đầu giảm và đến nay giao dịch ổn định quanh mốc 800.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu.

    Cổ phiếu vừa lên sàn chưa được nửa năm đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, điều gì đang xảy ra với "kỳ lân" VNG? - Ảnh 2.

    Về kết quả kinh doanh, trong khoảng 8 quý gần đây doanh thu VNG dao động trong khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi quý, bằng khoảng 1/5 so với doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam là FPT.

    Cổ phiếu vừa lên sàn chưa được nửa năm đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, điều gì đang xảy ra với "kỳ lân" VNG? - Ảnh 3.

    Mặc dù doanh thu đi ngang trong biên độ hẹp, nhưng VNG càng ngày càng lỗ lớn. Công ty đã lỗ 6 quý liên tiếp và lỗ 8/10 quý gần đây.

    Trong quý 4/2022 vừa qua, VNG báo lỗ kỷ lục 547 tỷ đồng, qua đó nâng tổng số lỗ cả năm 2022 lên 1.315 tỷ đồng (số liệu chưa kiểm toán).

    Theo quan sát, nguyên nhân thua lỗ là do lợi nhuận gộp của VNG không đủ bù đắp cho các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý.

    VNG đang mạnh tay đầu tư cho lĩnh vực thương mại điện tử. Hiện nay VNG có 3 công ty liên kết trong lĩnh vực này, một trong số các khoản đầu tư đó đang gánh lỗ lũy kế gần 90 tỷ đồng.

    VNG hiện chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Công ty cho biết sẽ chốt danh sách vào ngày 6/6 và dự kiến họp vào ngày 30/6.

    Cổ phiếu vừa lên sàn chưa được nửa năm đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, điều gì đang xảy ra với "kỳ lân" VNG? - Ảnh 4.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ