Có sai lầm khi quá lệ thuộc vào Google?

    Minh Lết,  

    Chúng ta đang dựa dẫm rất nhiều vào Google để làm cuộc sống của mình trở nên dễ dàng hơn. Nhưng thực sự lệ thuộc vào Google có tốt?

    Sáng hôm qua lúc 6h30 tôi thức dậy nhờ tiếng chuông báo thức của chiếc Google Galaxy Nexus. Việc đầu tiên tôi làm, trước cả khi đánh răng rửa mặt là check mail. Gmail báo tôi có 8 email mới, sau khi kiểm tra kỹ càng và chắc chắn rằng tất cả chỉ là 1 vài câu hỏi liên quan tới buổi giao lưu trực tuyến 7554 mà GenK sẽ tổ chức trong tuần, tôi mới yên tâm rời khỏi giường. Đánh răng rửa mặt xong, việc đầu tiên tôi làm là một bữa sáng với phở và trà nóng, trong lúc đợi đồ ăn, tôi tranh thủ dùng điện thoại mở Google Reader lên cập nhật tin tức quốc tế từ vài nguồn feed quen thuộc như Gizmodo, Techcrunch, Engadget... và note lại 1 vài link đáng lưu ý vào 1 file speadsheet trên Google Docs.

    Cả ngày hôm đó là một ngày làm việc tích cực với Gmail và Google Docs, tất cả đều được thực hiện qua điện thoại khi tôi đang ở trên đường. Trong cả ngày, không dưới 10 lần tôi phải sử dụng tới Google Search để tìm kiếm những thông tin như cấu hình của chiếc HTC Vivid hoặc cấp phối vữa trát, thậm chí còn kiểm tra xem "bổ sung" hay "bổ xung" mới là cách viết đúng... 6h30 phút chiều trên đường về nhà tôi nhận được cuộc hẹn từ 1 anh bạn hẹn tôi ở 1 quán đồ ăn Ý trên phố Hàng Gà, vốn có 1 trí nhớ đường xá rất tồi, tôi lại phải xin "cứu viện" của Google Maps.

    Cuối cùng vào 9h30 phút chiều tôi về nhà, bật máy tính lên để viết bài này trên CMS GenK bằng trình duyệt Google Chrome. Nếu bạn chịu khó đếm lại từ đầu bài viết, tôi đã sử dụng tới 7 sản phẩm của Google trong 1 ngày làm việc thông thường (và thậm chí là 8 nếu bạn tách riêng Google Web Search và Google Image Search).

    Và đây chỉ là 1 ngày như bao ngày bình thường khác của tôi trong vị trí 1 biên tập viên của GenK. Ngồi điểm lại tôi bỗng nhận ra từ lúc bước ra khỏi nhà cho tới khi kéo chăn đi ngủ, tôi phó mặc biết bao nhiêu công việc cho các sản phẩm của Google. Từ vị trí là 1 công cụ tìm kiếm, Google đã mở rộng vai trò của mình vào trong đời sống của chúng ta tới mức nếu như chỉ 1 ngày thiếu vắng nó mọi hoạt động của chúng ta sẽ đình trệ lại. Hãy thử tưởng tượng 1 ngày không có chiếc smartphone chạy Android của bạn hoặc Google Search, Gmail "tạm nghỉ" dù chỉ 1 ngày thôi thì cuộc sống hôm đó của chúng ta sẽ ra sao?

    Tất cả những viễn cảnh ấy đều làm tôi cảm thấy rùng mình, và từ đó một câu hỏi xuất hiện: Liệu có phải chúng ta đang "dựa dẫm" quá nhiều vào Google?

    Google Search, khởi nguồn của mọi rắc rối

    Cách đây 8 năm khi tôi nối Internet tại nhà lần đầu tiên, trang web mà tôi đặt làm homepage là ttvnol rồi sau đó thay đổi dần dần theo những diễn đàn, cổng thông tin mà tôi thường tham gia hoạt động. Đến khoảng giữa năm 2005 thì homepage của tôi chuyển thành Google.com và từ đó cho tới nay, bất chấp việc tôi đã đổi máy tính, trình duyệt bao nhiêu lần, thói quen này vẫn không thay đổi. Google Search đã trở thành kim chỉ nam giúp chúng ta tìm kiếm, chọn lọc, so sánh, phân tích giữa một đại dương thông tin tràn ngập trên Internet.

    Công cụ tìm kiếm của Google dĩ nhiên là vô cùng hiệu quả nhưng nó cũng đem đến vô số thay đổi rất có hại trong cách tìm kiếm, chọn lọc thông tin ngoài đời thực của tôi.


    Trước khi phụ thuộc vào Google, tôi có thói quen đọc rất nhiều sách, báo giấy và cố gắng ghi nhớ chi tiết cụ thể từ những gì tôi vừa đọc được. Từ sau khi có Google, tôi chỉ nhớ mỗi một thứ: kỹ năng tìm kiếm. Tại sao lại phải nhồi nhét hàng đống kiến thức vào trong đầu trong khi tất cả có thể được "lôi về" từ Google Search một cách hết sức nhẹ nhàng, chỉ cần 1 từ khóa tốt và máy tính có kết nối Internet. Từ sau sự ra đời của smartphone và phổ cập 3G ở Việt Nam tôi không còn cảm thấy nhu cầu mang theo bất kỳ 1 tài liệu tra cứu nào của khi đi học lẫn lúc đi làm. Và những lúc mất mạng hoặc điện thoại... hết pin tôi cảm thấy mình như "trơ trọi", bất an và việc đầu tiên muốn làm là về nhà cắm sạc ngay. Thiếu đi sự kết nối với thế giới thông tin do Google mang lại chúng ta lạc lối với 1 vốn kiến thức hổng lỗ chỗ do đã dựa dẫm quá lâu vào gã khổng lồ tìm kiếm. "1 năm ánh sáng tương đương bao nhiêu km"? Nếu khi nghe đến câu hỏi đó, việc đầu tiên bạn làm là bật trình duyệt lên và gõ câu hỏi vào ô tìm kiếm thì rất có thể bạn cũng đang mắc hội chứng "nghiện Google" giống như tôi.

    Không chỉ làm cho vốn kiến thức của chúng ta cùn nhụt, Google Search còn bào mòn cách tư duy, phân tích dữ liệu của người dùng. Trước khi có Google Search tôi có thói quen lùng sục vài cửa hàng quen để tìm được 1 quyển sách ưng ý vì biết đâu đấy nó đang nằm lọt thỏm dưới 1 chồng sách cao ngất ngưởng khác. Trong quá trình tìm kiếm cuốn sách mình cần tôi phải so sánh, phân tích, đắn đo giữa 1 vài phương án để tìm ra kết quả tối ưu. Sau khi Google ra đời, tất cả thói quen tìm kiếm của tôi gói gọn trong 5 kết quả hiển thị đầu tiên. Khả năng sắp xếp thứ tự kết quả tìm kiếm của Google tốt đến nỗi chúng ta thật khó lòng tìm được cơ hội để dùi mài năng lực phân tích dữ liệu của bản thân mình.


    Một nghiên cứu gần đây cho rằng Google đang làm suy giảm khả năng ghi nhớ của những người dùng chúng. Vì thế nếu 1 ngày nào đó bạn cảm thấy mình "chưa già đã lẫn" thì rất có thể thủ phạm khiến bạn trở nên như vậy chính là Google Search.

    Cánh tay đắc lực

    Cách đây vài ngày, tôi có review chiếc HP Veer, 1 smartphone của HP chạy WebOS. Như thói quen khi review bất kỳ chiếc smartphone nào khác, việc đầu tiên sau khi đập hộp là tôi tìm cách sync máy với Google Contacts và Gmail. Công việc của 1 biên tập viên chuyên mục Điện Thoại đòi hỏi tôi liên tục thay đổi điện thoại. Và để duy trì danh bạ trên tất cả các thiết bị được nhất quán, tôi nhờ tới Google Contacts. Thật may là hầu hết các HĐH smartphone gần đây đều đã hỗ trợ đồng hóa danh bạ với Google, từ BlackBerry tới iOS và tất nhiên là Android nữa. Chiếc HP Veer cũng vậy, WebOS hỗ trợ đồng hóa trực tiếp với Google Contacts, sau khi thiết lập tài khoản và chờ đồng bộ xong tôi yên chí rằng tất cả danh bạ của mình đã được chuyển sang máy mới.

    Trong ngày hôm đó tôi nhận được gần 20 cuộc điện thoại trong đó có cả chục số không hiện tên trong danh bạ. Hóa ra vì 1 lý do gì đó WebOS chỉ đồng bộ 1 phần danh bạ của tôi lên HP Veer. Ngoài việc phải liên tục xin lỗi và hỏi tên người gọi tôi còn cảm thấy như bị "trói tay" vì không thể liên lạc với những người cần thiết vì không nhớ số. Mấy ngày review HP Veer thực sự là những ngày vô cùng tồi tệ đối với tôi.


    Đó là 1 ví dụ về việc nếu thiếu vắng đi 1 dịch vụ, dù chỉ vô cùng đơn giản của Google như Google Contacts mọi chuyện có thể sẽ trở nên đen tối đến dường nào. Cách đây vài năm, hồi 2007, nếu bạn đọc nào còn nhớ, tuyến cáp quang TVH của Việt Nam bị... cắt nhầm vì tưởng là cáp phế thải. Chúng ta đã phải chịu đựng vài tháng trời mạng Internet ADSL đạt tốc độ dialup với vô số trang mạng nước ngoài không thể truy cập được vì Việt Nam bị mất tới 80% băng thông mạng ra quốc tế. Google là 1 trong những trang web hiếm hoi mà tôi còn truy cập được từ đường truyền FPT. Lúc đó cache từ các kết quả tìm kiếm của Google gần như trở thành nguồn thông tin quốc tế duy nhất mà tôi còn sử dụng được. Suốt mấy tháng trời tôi cứ phải thỏa mãn cơn khát thông tin của mình bằng cách đọc qua Google cache. Đây lại là 1 ví dụ nữa về việc Google có thể đại diện cho internet như thế nào trong 1 số trường hợp nhất định.

    Sự dựa dẫm quá nhiều và quá sâu vào 1 dịch vụ duy nhất của Google có thể khiến chúng ta gặp rất nhiều nguy cơ vì nói cho cùng, Google cũng đâu phải là thần thánh. Nếu bạn không tìm cho mình 1 phương án dự phòng hợp lý bên cạnh các công cụ của Google thì 1 ngày nào đó có thể bạn sẽ thấy mình bị bỏ rơi chỉ vì 1 sự cố nho nhỏ trong các dịch vụ do Google cung cấp.

    Những nguy cơ sâu xa hơn

    Google biết bạn là ai, ở đâu, độ tuổi bao nhiêu thông qua Google , Google biết bạn thích gì, đang quan tâm đến vấn đề gì qua Google Search, Google biết bạn có thu nhập đến mức nào qua loại điện thoại Android mà bạn sử dụng với tài khoản Google Market, Google biết bạn đang liên lạc với những ai nhiều nhất qua Gmail... Không ngoa nếu nói rằng Google hiểu bạn nhiều hơn cả những người bạn thân nhất. Và hiện tại Google mới chỉ sử dụng những hiểu biết ấy cho 1 mục đích khá thiện chí: Quảng cáo hướng vào cá nhân.

    Đừng ngạc nhiên khi bạn nhận được quảng cáo về 1 khóa học tiếng anh khuyến mại khi tìm kiếm trên Google Search bằng từ khóa là "học tiếng anh" hoặc bạn thấy ứng dụng trên chiếc smartphone Android của mình đang hiển thị 1 quảng cáo bằng tiếng Việt.

    Mặc dù Google luôn trưng ra khẩu hiệu "don't be evil" nhưng liệu ai dám chắc rằng gã khổng lồ tìm kiếm sẽ không tận dụng những hiểu biết về bạn vào các hoạt động ác ý hơn? Chúng ta đã giao quá nhiều thông tin về cá nhân mình cho Google và xu hướng ấy đang ngày một tăng lên. Và chúng ta chỉ thể cầu trời khấn phật để Google không (cám ơn bạn đọc binhuynh56 đã giúp chúng tôi nhặt sạn) "be evil" và sử dụng những thông tin ấy vào mục đích sai trái.


    Kết

    Google đang làm cuộc sống của chúng ta ngày một dễ dàng hơn và thực tế là dù muốn dù không tôi tin rằng các bạn cũng giống như tôi, đang phải hàng ngày dựa dẫm vào Google để khám phá thông tin giữa 1 mớ bòng bong được gọi tên là Internet. Google phát hành tất cả những công cụ của mình hoàn toàn miễn phí và chỉ đòi hỏi ở bạn 1 điều duy nhất: 1 cái liếc mắt lên những mẩu quảng cáo nho nhỏ xuất hiện trong mỗi lần bạn sử dụng dịch vụ của hãng.

    Nếu như không có Google có lẽ giờ này chúng ta vẫn phải mày mò trong những danh mục website dài dằng dặc hoặc chịu bằng lòng với những hòm Yahoo! Mail có dung lượng 4MB.
     
    Và bất kỳ vấn đề gì cũng có nhiều mặt, bên cạnh những lợi ích, Google cũng đem lại không ít nguy cơ và phiền toái. Nhưng trước khi tìm cách đổ lỗi cho Google, hãy tự nhìn lại bản thân mình và tự hỏi xem "Mình đã tự biến bản thân trở thành phụ thuộc vào Google đến mức nào?".


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ