Có thể bạn chưa biết ngôn ngữ và quan niệm dân gian là trở ngại cực lớn với thành công của iPhone 7
Dù chỉ là một tai nạn trong quá trình tiếp thị nhưng lỗi dịch thuật này có thể là "giọt nước tràn ly" cho doanh số của iPhone 7 tại thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc, một trong những thị trường smartphone quan trọng nhất đối với Apple, lại cho thấy mình vẫn là mảnh đất dữ đối với quả Táo cắn dở này. Không chỉ bởi những hạn chế ngặt nghèo của chính phủ Trung Quốc, cũng không chỉ bởi sự cạnh tranh dữ dội từ các hãng nội địa mà còn bởi chính ngôn ngữ của quốc gia này.
Số “7” trong tiếng Trung Quốc, được phát âm là tsat (thất), cũng đồng âm với chữ “thất” trong “thất bại” hoặc “thất bát”, đều là các từ mà người Trung Quốc từ lâu luôn muốn tránh né. Trái ngược với nó, các số “6” hay “8”, với cách phát âm trong tiếng Quảng Đông, nghe hơi giống như chữ “lộc” với “phát”, đều là các chữ mang hàm ý may mắn.
Vì vậy, người Trung Quốc luôn có xu hướng chuộng số “6” với số “8” và tránh số 7. Có lẽ đó là một trong những lý do giúp doanh thu của Apple quý một năm 2015 tăng tới 71%, khi họ mới ra mắt chiếc iPhone 6, với những cải tiến vượt bậc về thiết kế cũng như tính năng.
Không chỉ trùng âm với chữ “thất bại”, theo cách nói của tiếng Quảng Đông, số “bẩy” là tiếng lóng cho từ “dương vật.” Do vậy, nó sẽ trở nên hết sức khó coi khi đặt vào trong các câu slogan mà Apple tiếp thị cho iPhone 7 như: “This is 7” hay “Exactly is 7.” Theo cách nói trên của tiếng Quảng Đông, nghe chẳng khác nào “Đây là dương vật” hay “Chính xác là dương vật,” một khẩu hiệu không thể tồi hơn khi bạn muốn tiếp thị một sản phẩm nào đó.
Có thể cách đọc số 7 trong tiếng Trung Quốc không hẳn là một điểm trừ với iPhone 7 của Apple, nếu họ nỗ lực làm ra điều gì đó mới mẻ hơn. Nhưng với việc chú trọng vào nâng cấp cấu hình hơn thiết kế và tính năng, cách phát âm số 7 này có thể trở thành “giọt nước tràn ly” làm ảnh hưởng xấu đến doanh số của chiếc iPhone mới này tại thị trường Trung Quốc.
Từ trái qua phải: iPhone 7 Plus, iPhone 6S Plus, iPhone 6 Plus.
Vẫn lặp lại một thiết kế đã sử dụng trong hai năm qua, Apple tiếp tục trình diễn một bộ mặt nhàm chán cho chiếc iPhone 7 mới. (Ngoại trừ chiếc iPhone 7 Plus, phần diện tích lồi lên của camera còn lớn hơn so với hai năm trước). Một phím Home cảm ứng, cho dù có thể hạn chế khả năng hỏng hóc của nó, nhưng cũng khó có thể làm giảm bớt sự thất vọng của người dùng khi họ loại bỏ jack âm thanh phổ biến 3,5mm.
Thật đáng buồn là việc loại bỏ jack âm thanh 3,5mm lại trở thành điểm nhấn để mọi người nhận ra bạn đang dùng một chiếc iPhone 7 đời mới nhất. Bộ vỏ màu đen bóng, thu hút mọi ánh nhìn cũng có thể là điểm nhấn như vậy, nếu nó không quá dễ xước đến nỗi Apple cũng khuyến cáo bạn nên trang bị cho nó một cái vỏ bảo vệ. Nhưng nếu dùng case bảo vệ, liệu còn mấy người sẽ nhận ra bạn đang dùng iPhone 7 đời mới nữa.
Không những vậy, những cuộc thăm dò, thống kê trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cho thấy, việc ra mắt chiếc iPhone 7 này cũng không được cư dân mạng quan tâm nhiều lắm. Việc rò rỉ hầu hết các thông tin quan trọng đã làm người mua giảm sự hứng thú. Ngoài ra, các chi tiết rò rỉ cũng tiết lộ việc thiết kế hầu như không đổi của dòng smartphone lại càng làm giảm sự quan tâm.
Hầu hết mọi người khi được hỏi ý kiến đều cho biết họ muốn chờ đến chiếc iPhone 8 mới có ý định nâng cấp. Họ kỳ vọng với việc kỷ niệm 10 năm ra mắt, chiếc iPhone của năm sau sẽ có những nâng cấp đáng chú ý hơn.
Có thể những con số mang lại may mắn hay xui xẻo vẫn có ý nghĩa nhất định trong tâm lý mua hàng của người Trung Quốc, nhưng bản thân sản phẩm mới là yếu tố quyết định cho tâm lý này. Chiếc iPhone 6S, dù vẫn là con số may mắn, nhưng chỉ với một vài nâng cấp nhỏ so với iPhone 6, cũng đã làm sụt giảm mạnh doanh thu của Apple tại thị trường Trung Quốc. Và có lẽ chiếc iPhone 7 mới sẽ viết tiếp cho câu chuyện buồn đó.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời