Có thể bạn chưa nhận ra đằng sau sự hững hờ của Galaxy Note7 là sức sống trường tồn của Samsung
Hai năm vừa qua, smartphone Samsung mờ nhạt đến hết mức có thể. Không một chiếc Galaxy cấp thấp nào có thể đấu lại Xiaomi, còn trên phân khúc cao cấp thì Samsung "copy paste" cùng một thiết kế ra... 7 chiếc điện thoại. Thế nhưng, ở dưới sự hững hờ đó là một tầm nhìn hoàn toàn khác biệt so với Xiaomi hay Apple.
Không đầy một tháng trước ngày ra mắt của Galaxy Note7, Samsung và Apple lần lượt công bố báo cáo tài chính. Cho dù cuộc chiến giữa hai ông lớn smartphone này không còn “nóng” như thời kỳ 2012-2014, các con số thống kê cho thấy Apple và Samsung tiếp tục là kỳ phùng địch thủ: trong quý 2, Apple thu về 7,8 tỷ USD lợi nhuận trên 42,4 tỷ USD doanh thu còn Samsung thu về 7,17 tỷ USD lợi nhuận trên 45 tỷ USD doanh thu.
Cần phải lưu ý rằng niềm vui của Samsung khá trọn vẹn bởi lợi nhuận do smartphone Galaxy mang lại đã đạt mức 3,82 tỷ USD, cao nhất kể từ quý 2/2014. Ngược lại, doanh số iPhone tụt mạnh so với cùng kỳ 2015, khiến cho mức lãi tổng của Apple lao dốc tới 28%. Ai cũng hiểu rằng cơn sốt smartphone toàn cầu nói chung và cơn sốt iPhone đã trôi qua, và lý do duy nhất để Phố Wall vui mừng về tình trạng hiện tại của Apple là bởi tốc độ suy thoái của Apple/iPhone không cao như hình dung ban đầu của các nhà đầu tư.
Dù sao, các con số vượt kỳ vọng cũng đã giúp cổ phiếu Apple tăng 8% ngay sau khi kết quả kinh doanh được công bố. Nhà nghiên cứu thị trường Toni Sacconaghi tại Bernstein Research coi các con số suy giảm của Apple là “một tiếng thở phào” nhẹ nhõm.
Song, nói đến đầu tư là nói đến tương lai, và một con số ít được ai nghĩ tới sẽ nói lên rất nhiều về hiện tại và tương lai của Apple: ở mức 24 tỷ USD, iPhone hiện tại vẫn chiếm 57% tổng doanh thu của Apple. Trong cùng một quý, mảng di động của Samsung đóng góp khoảng 50% doanh thu cho toàn bộ tập đoàn Hàn Quốc.
Sự khác biệt ở mức 1 chữ số có thể là không đủ nhiều để nói về hiện tại và tương lai của Apple và Samsung, nhưng hãy cùng đi ngược lại lịch sử 2 năm: vào quý 1/2014, tức là ngay trước thời điểm lên kệ của Galaxy S5, mảng di động vẫn còn mang lại hơn 60% doanh thu cho Samsung. Đáng nói hơn hơn, lợi nhuận của mảng di động lúc đó chiếm tới 75% tổng lợi nhuận của Samsung.
Đến thời điểm quý 2/2016, mảng di động chỉ còn chiếm khoảng 53% tổng lợi nhuận mà Samsung thu được. Ngay cả con số này cũng có một chút bất thường, bởi năm nay là một năm đặc biệt thành công của smartphone Galaxy cao cấp khi các đối thủ lớn nhất như HTC 10, LG G5, Moto Z, Xiaomi Mi5 và Huawei P9 đều gây thất vọng tràn trề.
Nói tóm lại, Samsung đã không còn ở vị thế "sống chết với smartphone".
The iPhone company
Apple thì sao? Công ty của Tim Cook đến giờ vẫn được nhắc tới bằng cụm từ "the iPhone company" (công ty iPhone). Trong khi Tim Cook không công bố chính xác mức lợi nhuận thu được từ iPhone, nếu giả sử lợi nhuận biên của iPhone chỉ đạt mức 25% - một con số cực thấp với một dòng sản phẩm cao cấp bán chạy như iPhone – thì mức lợi nhuận của smartphone Apple trong quý vừa qua vẫn đạt khoảng 6 tỷ USD, tương đương với khoảng 75% tổng lợi nhuận mà công ty này thu được trong cả quý.
Và cần phải nhắc lại rằng gần như chắc chắn lợi nhuận biên của iPhone không thể thấp tới mức 25%, bởi phân khúc high end luôn mang lại lợi nhuận cực cao trên giá thành bán tới tay người dùng. Chiếc iPhone SE mới ra mắt chắc chắn đã kéo tụt con số này, song với bản chất là một bản copy hoàn hảo từ iPhone 5s và iPhone 6s, chưa chắc iPhone SE đã mang lại mức lời dưới 30%. Ngược lại, với doanh số thấp hơn hẳn và tỷ lệ giá linh kiện/giá bán cao hơn rất nhiều, không thể có chuyện iPad hay Mac lại có lợi nhuận biên cao hơn iPhone.
Nói cách khác, bằng cả suy đoán lẫn các số lượng thực tế, chắc chắn sẽ không có ai phủ nhận rằng Apple vẫn là "the iPhone company". Điều này vẫn đúng với hiện tại và cũng đúng với quá khứ, khi doanh thu từ iPhone vào quý 1/2014 cũng chiếm 57% tổng doanh thu của Apple.
Vì sao Samsung đánh bại Sony
Sở dĩ chúng tôi chọn thời điểm quý đầu tiên của năm 2014 để so sánh với hiện tại là vì quý 1/2014 cũng là quý cuối cùng trong giai đoạn "cực thịnh" của smartphone Galaxy. Trong 2 quý tiếp theo, lợi nhuận và doanh số của Samsung liên tiếp sụt giảm vì thất bại thảm hại của chiếc Galaxy S5 kém ấn tượng cũng như vì sự tấn công mạnh mẽ của các nhà sản xuấtTrung Quốc vốn lúc nào cũng hung hãn đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần.
Hãy nhìn lại phản ứng của Samsung: thay vì kiên quyết đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Xiaomi, OPPO/Vivo hay Huawei Honor, Samsung coi như bỏ ngỏ smartphone giá rẻ và chuyển sang đầu tư vào các mảng kinh doanh khác. Kết quả là trong 2 năm vừa qua, ai cũng có thể nhận thấy rằng mảng linh kiện (chip, RAM, tấm màn) và điện tử người tiêu dùng (đặc biệt là đồ gia dụng kết nối) của Samsung đã có những bước tiến mạnh mẽ. Bất chấp lợi nhuận từ smartphone đã suy giảm hàng tỷ đô so với thời kỳ 2012-2014, Samsung vẫn đạt được mức lãi tốt nhất kể từ thời điểm Galaxy S5 ngã ngựa cho tới nay.
Một câu chuyện khác: trong một bài viết vào giữa năm 2014, Cnet khẳng định rằng sau khi nhận thấy doanh số Galaxy S5 gây thất vọng, Samsung đã ngay lập tức chuyển dịch hàng trăm nhân sự trình độ cao từ mảng smartphone sang nghiên cứu nhà thông minh. Các cây viết công nghệ của tờ báo này khẳng định những bước đi nhanh nhạy như vậy là "lý do vì sao Samsung đã có thể đánh bại Sony".
Lúc đó chẳng mấy ai chú ý tới những vinh quang xưa cũ mà chỉ xoáy vào những con số ảm đạm của smartphone Galaxy. Đến quý 2 năm nay thì người ta buộc phải suy nghĩ lại: Samsung đột ngột thu lợi nhuận cao nhất trong vòng 2 năm kể từ khi smartphone thế giới có xu hướng thoái trào. Trái ngược lại hoàn toàn, không chỉ Apple mà cả Xiaomi và Lenovo đều đau đầu vì các thị trường smartphone đều đã bão hòa; HTC và BlackBerry ngày càng khốn đốn còn Microsoft vẫn đang lúng túng cắt bỏ "khối u" Windows Phone. Ngay cả những hãng đang làm ăn tốt như Huawei và OPPO/Vivo cũng phải dè chừng, bởi thị trường smartphone Trung Quốc năm nay gần như chắc chắn sẽ ngừng tăng trưởng (theo dự đoán của IDC, Gartner và nhiều công ty tài chính lớn) trong khi các thị trường Ấn Độ, Indonesia, Nam Mỹ v...v... vẫn chưa đủ tiềm lực thay thế.
Samsung thì khác: không thèm ra bất cứ một sản phẩm "siêu mạnh siêu rẻ" nào để đấu lại Xiaomi hay OPPO. Trên phân khúc Android cao cấp, Samsung nghiễm nhiên tận dụng vị thế dẫn đầu để tái sử dụng lại cùng một thiết kế cho... 7 mẫu smartphone mà mới đây nhất là Galaxy Note 7. Chẳng sao cả, vì Galaxy S/Note/edge chẳng có đối thủ nào ngoài iPhone, chưa kể thị trường smartphone cũng đang bão hòa rồi nên giờ các hãng chỉ nên đấu nhau trên phân khúc cao cấp thay vì đua thị phần.
Và dĩ nhiên là Smart Home và chip của Samsung cũng đang thuộc top đầu thế giới.
Không ngủ quên
Điều quan trọng nhất cần nhìn thấy từ công cuộc chuyển dịch của Samsung: từ khi Apple vẫn đang thắng đậm với iPhone 6, Samsung đã nhận ra sức hút suy giảm của smartphone và chuyển sang tập trung đầu tư vào các lĩnh vực không bao giờ sợ thiếu nhu cầu, đặc biệt là chip bán dẫn. 3 xu hướng nổi trội rõ rệt nhất từ khi smartphone bắt đầu "nguội" là nhà thông minh, điện toán đám mây và VR/AR – tất cả đều hứa hẹn một thị trường khổng lồ cho những con chip.
Ngược lại, công ty của Tim Cook vẫn đang chật vật đi tìm một mảng kinh doanh mới, một iPod/iPhone/iPad tiếp theo. Nhưng Apple Watch lẫn Apple TV vẫn chỉ là muối bỏ bể, iPad và Mac cộng lại chưa bằng một nửa doanh thu iPhone. Apple Car, Apple VR vẫn bặt vô âm tín. Apple vẫn chỉ là "the iPhone company".
Thế giới công nghệ luôn dịch chuyển vũ bão, nhưng những câu chuyện đau lòng thì luôn bắt nguồn từ thời điểm các hãng ngủ quên trên chiến thắng. Sony lụi bại vì TV CRT, Nokia đã quá "say" với điện thoại thanh kẹo và Symbian rồi lao xuống vực, Nintendo bệ rạc vì không thể nối tiếp thành công của DS và Wii... Một nhà kinh doanh mưu mô như Tim Cook chắc hẳn hiểu rất rõ điều đó và cũng đang có nỗ lực tìm cách bớt phụ thuộc vào iPhone. Nhưng bất kể là Apple có cố gắng đến mức nào, sự thật là năm 2016 của Táo sẽ kết thúc trong thất vọng.
Còn Samsung, dù đã kết thúc 2014 và 2015 trong thất vọng, sẽ lại đón năm 2016 trong niềm vui. Quan trọng hơn, năm nào cũng sẽ có kẻ khóc và người cười, nhưng nếu biết thích nghi một cách siêu đẳng như những năm vừa qua, Samsung vẫn có thể sống tốt nếu một mai đến cả Internet of Things lẫn đám mây cũng lụi tàn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"