Có thể bạn chưa nhận ra Amazon đang trở thành đế chế phần cứng cực kỳ thành công như thế nào
Khi nhắc tới Amazon người ta thường nghĩ đến thương mại điện tử và dịch vụ đám mây đầu tiên, nhưng sự thật là công ty của tỷ phú Jeff Bezos cũng có khả năng sáng tạo phần cứng không thua kém Apple hay Samsung.
Nhắc đến Amazon là nhắc tới thương mại điện tử. Là một trong những doanh nghiệp e-commerce thành công đầu tiên của thế giới và rồi sống sót đầy khó khăn khi bong bóng dot-com vỡ tung, Amazon đến nay vẫn là trang thương mại điện tử số 1 cho người dùng tại các nước mà hãng này tham gia. Hiện tại, Amazon có khoảng 300 triệu khách hàng, trong đó có ít nhất 54 triệu người dùng tham gia vào dịch vụ cao cấp Prime theo số liệu dự tính của LLC.
Nhưng thương mại điện tử là một lĩnh vực rất khó nhằn. Trong khi không một công ty nào có thể lật đổ vị thế của Amazon trên mảng này, sự thật là công ty của nhà sáng lập Jeff Bezos thường phải chịu lỗ thay vì sinh lời trên mảng bán hàng trực tuyến.
Đứng trước tình cảnh khó khăn này, Jeff Bezos đưa ra một giải pháp "nói dễ, làm khó": trở thành một thế lực mới trên cả ngành phần cứng truyền thống lẫn ngành điện toán đám mây mới mẻ. Lần lượt, Amazon ra mắt các sản phẩm chẳng ai nghĩ đến. Đến quý tài chính đầu năm nay, thành công bất ngờ của các sản phẩm "phụ" đó lại đóng vai trò quyết định giúp cho Amazon đạt mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử: 513 triệu USD.
Chúng ta đã nói rất nhiều về đám mây của Amazon. Giờ là lúc cùng điểm lại những thành công bất ngờ của tập đoàn này trên mảng phần cứng.
Máy đọc sách Kindle
Chiếc Kindle đầu tiên ra mắt vào tháng 11/2007, tức là khi cuộc cách mạng smartphone do Steve Jobs khởi xướng đã đi được vài tháng. Một năm sau đó, máy đọc sách này bán ra được khoảng 250.000 máy và thu về 10% doanh số bán sách của Amazon. Đến năm 2011, khi chiếc iPad của Steve Jobs đã xâm chiếm thế giới, Kindle vẫn đạt tới mức doanh số 3 triệu máy.
Dĩ nhiên, những con số đó là quá nhỏ bé so với các mức kỷ lục của Harry Potter hay iPad, song điều cần nhận thấy ở đây là những chiếc Kindle đã luôn "kén" người dùng ngay từ thời điểm ban đầu: những năm Kindle thành công nhất cũng là những năm tablet bắt đầu phổ cập còn sách giấy thì vẫn cứ bất tử như trước. Không ai nghĩ rằng một thiết bị có màn hình đơn sắc, có tác vụ duy nhất là để đọc sách (lướt web trên Kindle mang lại chất lượng siêu dở tệ) sẽ sống sót qua năm đầu tiên chứ đừng nói là bán được vài triệu máy.
Tạm bỏ các con số sang một bên, ai cũng có thể nhận thấy thành công lớn nhất của Kindle là khả năng thay đổi thói quen sử dụng của người dùng. Những chiếc máy đọc sách điện tử (e-reader) giờ đã trở nên phổ biến, và nói tới e-reader là nhắc tới Kindle.
Điều gì khiến Kindle thành công tới vậy? Đầu tiên, Amazon đã lựa chọn một mục tiêu hết sức rõ ràng để đầu tư phát triển và nhờ đó giảm được tối đa giá bán tới người dùng. Tiếp đó, Kindle "đơn nhiệm" nhưng làm nhiệm vụ duy nhất của mình ở mức chất lượng rất tốt: màn hình e-link cho phép đọc sách một cách dễ chịu, pin tính bằng… tuần, khả năng đồng bộ qua đám mây giúp bạn tải sách và copy sách một cách dễ dàng mà không cần có USB. Những ai đã từng dùng Kindle Keyboard chắc hẳn sẽ còn nhớ tới tính năng gửi mail có file đính kèm dạng PDF hoặc epub đến địa chỉ dành cho Kindle: cuốn sách đính kèm sẽ tự động được convert (chuyển) sang định dạng tương thích.
Là sản phẩm khởi đầu cho một đế chế phần cứng, Kindle đã chứng minh một sự thật quan trọng: người dùng sẽ luôn ưa thích các sản phẩm chất lượng cao thực sự hữu ích, dù rằng chúng có vẻ khá… vô nghĩa trên giấy tờ. Đây sẽ là một tôn chỉ quan trọng cho Amazon sau này.
Máy tính bảng Kindle Fire
Trong bối cảnh tablet đã thoái trào như ngày nay, bạn có lẽ sẽ thấy những chiếc máy tính bảng như Fire HD là không mấy ý nghĩa. Tuy vậy, vào thời điểm 2011, những chiếc tablet, bất kể là iPad hay Galaxy, vẫn còn là một thứ gì đó đắt đỏ và nằm xa tầm với của phần lớn người dùng. Ra mắt với mức giá chỉ 200 USD, chiếc Kindle Fire của Amazon là một bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng không kém sự kiện vén màn chiếc iPad đầu tiên vào năm 2010.
Cũng giống như các sản phẩm khác, Amazon không công bố doanh số cụ thể của Kindle Fire. Theo ước tính của IDC, số máy Kindle Fire bán ra trong quý đầu tiên bán ra (Kindle Fire lên kệ ngày 15/11/2011) đạt tới 4,7 triệu máy, cao hơn hẳn 1 triệu máy so với doanh số iPad bán ra trong quý đầu tiên.
Dĩ nhiên, sự so sánh đó có phần khập khiễng, bởi iPad có giá khởi điểm ở mức 500 USD còn Kindle Fire bán với giá chịu lỗ là 200 USD. Song, đây lại là một chiếc lược vô cùng đúng đắn của Amazon, bởi Kindle Fire (và sau này là “Fire”, bỏ thương hiệu "Kindle") được bán ra để kích cầu tiêu thụ nội dung số cũng như trải nghiệm mua sắm trên Amazon. Ai cũng hiểu rằng tablet là loại thiết bị kích cầu thương mại điện tử tốt hơn hẳn smartphone nhờ có màn hình lớn hơn – không mấy ngạc nhiên, lợi nhuận của Amazon trong quý đầu tiên Kindle Fire được bán ra đã tăng vượt mức kỳ vọng của Phố Wall.
5 năm sau, Amazon Fire vẫn tiếp tục là một trong những dòng tablet tên tuổi dễ tiếp cận nhất với giá khởi điểm cho chiếc Fire 7 inch chỉ ở 50 USD và chiếc Fire HD10 chỉ ở 150 USD. Đến hết quý 1/2016, theo thống kê của IDC, Amazon vẫn đang đứng ở vị trí thứ 3 thế giới về doanh số tablet, chỉ sau Apple và Samsung. Đây có lẽ là kịch bản không một ai từng nghĩ đến vào thời điểm trước tháng 9/2011, khi Amazon lần đầu tiên đưa tablet chất lượng cao xuống mức giá dưới 200 USD.
Đầu thu Fire TV và Fire TV Stick
Thành công của Fire TV bị lu mờ ít nhiều vì thất bại thảm hại của Fire Phone – chiếc smartphone đầu tiên và có lẽ là duy nhất của Amazon. Tuy vậy, vào thời điểm 2015, số liệu thị trường cho thấy Amazon có thể đã bán được tổng cộng 4,5 triệu chiếc Fire TV và Fire TV Stick. Kể từ khi ra mắt cho tới nay, các thiết bị đầu phát TV này chưa bao giờ tụt khỏi bảng xếp hạng các sản phẩm bán chạy nhất trên các trang bán hàng của Amazon.
Xét về mặt tính năng, đầu phát Fire TV và Fire TV Stick có thể coi là chẳng có gì nổi bật so với các sản phẩm tương tự như Apple TV, NVIDIA Shield TV hay Google Chromecast, Roku TV. Song, hai thiết bị đầu phát này lại hội tụ đủ những yếu tố cần thiết để làm nên thành công: kết nối dễ dàng; tương thích với tất cả các loại TV mà không cần cài đặt phần mềm phụ trợ; hỗ trợ độ phân giải cao (giờ đã bao gồm cả 4K) qua các chuẩn Wi-Fi tốc độ cao và cuối cùng là nội dung phong phú.
Thành công khổng lồ của Amazon trên mảng đám mây có lẽ đã đóng vai trò quan trọng trong thành công của Fire TV và Fire TV Stick. Chất lượng của các đầu phát thông minh bao giờ cũng nằm ở số lượng và chất lượng nội dung mà các thiết bị này cung cấp. Vũ khí của Amazon để chinh phụcthử thách này là AWS, đám mây có khả năng đảm bảo cho nội dung trên Fire TV, Fire tablet và Echo lúc nào cũng nhanh, mượt và ổn định. Hiện tại, Amazon cũng đang sánh vai cùng Apple đi đầu trong lĩnh vực nhạc và video số. Trên lĩnh vực phim truyện/phim truyền hình trực tuyến, đối thủ lớn nhất của Amazon là Netflix cũng đang dùng AWS và hiển nhiên cũng có mặt trên Fire TV.
Đó là còn chưa kể Fire TV là một trong những sản phẩm đầu phát tên tuổi đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android đầy đủ, giúp mô hình giải trí tại gia trên các hệ điều hành di động trở nên phổ biến. Bắt đầu từ thế hệ thứ 2, Fire TV và Fire TV Stick cũng đã hỗ trợ thêm tính năng điều khiển bằng trợ lý ảo qua giọng nói – một tính năng đặc biệt hữu ích với người dùng tại gia. Có lẽ, quyết định làm mới chiếc Apple TV một cách nghiêm túc của Tim Cook trong năm qua cũng có một phần không nhỏ là nhờ thành công bất ngờ của Fire TV.
“Loa thông minh” Fire Echo
Nếu bạn nghĩ một chiếc loa di động có tích hợp trợ lý ảo không thể gây sốt như smartphone và tablet, bạn đã nhầm.
Bị “ngâm” trong phòng thử nghiệm của Amazon suốt 4 năm trời và ra mắt khi “nỗi đau” Fire Phone vẫn chưa lắng dịu, không khó để hiểu rằng Echo có thể là sản phẩm đánh dấu thời khắc sụp đổ của đế chế phần cứng Amazon. Nhưng trái với tất cả những gì người khác có thể tưởng tượng, ngay từ trước khi được phát hành Echo đã đạt tới 1 triệu đơn đặt hàng. Đến năm 2015, Echo đã chiếm tới 26% thị trường loa không dây (số liệu 1010data), đẩy bật các tên tuổi đình đám khác như Bose hay Sonos ra khỏi vị trí dẫn đầu. Thậm chí, vào mùa Giáng Sinh vừa qua, chiếc loa này còn cháy hàng ngay từ giữa tháng 12.
Không chỉ là loa di động, Echo còn có khả năng trò chuyện như người thật.
Về mặt tính năng, chiếc loa tích hợp trợ lý ảo của Amazon cũng chẳng có gì khác biệt so với những chiếc loa và các trợ lý ảo khác: chơi nhạc, tra cứu thông tin thời tiết, thể thao, đặt mua hàng qua mạng… Song, Amazon đã một lần nữa thể hiện tầm nhìn không-thỏa-hiệp khi chỉ cung cấp cho trợ lý ảo này một giao diện duy nhất là giọng nói. Việc loại bỏ các thiết bị phụ trợ như remote hay smartphone khỏi công thức trợ lý ảo khiến cho Echo hoạt động không khác gì một robot giúp việc thực thụ. Hãy tưởng tượng bạn có thể trò chuyện với một chú robot đang đứng ở góc phòng: Echo chính là hiện thân của chú robot đó trong năm 2016.
Dĩ nhiên, chỉ một thay đổi nhỏ về cách hoạt động là chưa đủ: Amazon đã dành hàng năm trời để giảm thiểu thời gian phản hồi và nâng cao “tính người” cho trợ lý ảo Alexa trên Echo. Mỗi câu nói được Echo thoát ra đều là kết quả của những nghiên cứu tâm lý phức tạp nhằm chọn ra câu nói mang đậm tính người nhất, dễ chịu nhất. Đây là chú robot có thể đáp lại câu hỏi “Hôm qua Chelsea đá thế nào vậy” với câu trả lời “Lại thua 3-1 rồi”. Đó là một thay đổi tưởng như rất nhỏ nhặt nhưng lại tạo ra trải nghiệm mang đậm màu sắc “ma thuật” cho người dùng Echo.
Cuối cùng, chiếc loa di động này có khả năng kết hợp hoàn hảo với IFTTT (công cụ tạo logic xử lý cho các thiết bị IoT) và cả các thiết bị nhà thông minh của Nest, Samsung hay xe hơi Ford. Trong thời đại các thiết bị hub (bộ xử lý trung tâm) của nhà thông minh thường là các màn hình khô khan ẩn trong thân hình tablet hoặc TV, Echo mở ra khả năng điều khiển căn nhà thông qua một trợ lý ảo thông minh và thân thiện – một thành viên bằng máy móc nhưng lại giao tiếp không thua kém gì con người.
Cũng giống như Kindle và Kindle Fire, Echo đã một lần nữa thay đổi khung cảnh của thị trường mà Amazon tham gia. Về bản chất, đây đều là những thành công mang đậm màu sắc cách mạng mà người ta đã từng tung hô ở Apple và Tesla: Amazon có thể không phải là tên tuổi tiên phong trong các lĩnh vực mà hãng này tham gia, nhưng bằng cách kết hợp hài hòa các yếu tố chất lượng, công ty của Jeff Bezos đã tạo ra những sản phẩm bước ngoặt.
Hành trình phía trước của Amazon có lẽ vẫn sẽ đầy giông bão như 10 năm vừa qua, nhưng những gì Jeff Bezos làm được ở thời điểm này đã là rất đáng để tôn thờ: 10 năm trước, ai có thể nghĩ được rằng một công ty chuyên về thương mại điện tử lại có thể trở thành tên tuổi đi đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây và phần cứng cơ chứ?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4