Có thể bạn chưa nhận ra Google đang bị 3 lưỡi dao kề sát cổ

    Ngocmiz,  

    Vị thế số 1 trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin của Google có khi nào bị đe dọa hay không?

    Dù đang là công ty có giá trị nhất thế giới thì Google vẫn ngày ngày phải đối mặt với các đối thủ lớn trên nhiều lĩnh vực. Trong số đó có mảng tìm kiếm nội dung, lĩnh vực Google đã dẫn đầu nhiều năm nay. Thế nhưng ngôi vị đó lại đang dần bị đe dọa bởi một vài cái tên nổi bật trong giới công nghệ mà chúng ra sẽ điểm danh dưới đây.

    1. Bing

    Bạn có thể không để ý nhưng Bing, đối thủ tìm kiếm hàng đầu của Google đang trỗi dậy ở mức đáng kinh ngạc.

    Ngay từ khi mới ra mắt năm 2008, nhiều người đã đánh giá Bing là nỗ lực thất bại của Microsoft trong cuộc chạy đua với Google, thế nhưng những số liệu gần đây về Bing có thể sẽ khiến bạn giật mình.

    Báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường comScore cho thấy Bing đang nhanh chóng nuốt dần thị phần tìm kiếm từ Google với 21,6% tổng lượng tìm kiếm toàn cầu (so với mức 63,8% của Google), tính đến tháng 5/2016. Chính xác là trong quý đầu năm 2016, thị phần tìm kiếm của Bing tăng 0,2% còn Google lại giảm 0,2%. Nếu so với mức thị phần 9,8% hồi năm 2008, Bing thực sự đã có một cú lội ngược dòng ấn tượng.

     Phần search video của Bing cho ra hình thumbnail rõ ràng và dễ tương tác hơn Google

    Phần search video của Bing cho ra hình thumbnail rõ ràng và dễ tương tác hơn Google

    Một vài lý do đứng sau đà tăng trưởng nhanh chóng này có thể kể đến việc Microsoft cho ra mắt Windows 10 hồi năm 2015. Có mặt trên 270 triệu thiết bị trên toàn cầu (bao gồm cả PC, tablet, mobile, Xbox One console) và được đồng bộ sâu công cụ tìm kiếm vào trải nghiệm người dùng, Windows 10 đã giúp Microsoft mang về lưu lượng search đáng kể cho Bing.

    Động lực tăng trưởng thứ hai là xu hướng gia tăng tìm kiếm qua Voice search trên các trợ lý ảo chạy Bing, và ở đây không ai khác chính là những cái tên nổi bật nhất hiện nay: Cortana trên Windows 10, Siri trên iOS và Amazon Echo. Các nền tảng Voice search này cho phép người dùng nhanh chóng đặt câu hỏi và mang đến một trải nghiệm tuyệt vời về 'tự động hóa'.

    Nếu như bạn nghĩ Apple vẫn để công cụ tìm kiếm mặc định cho Siri là Google như trên trình duyệt Safari thì lần tới gọi Siri hãy xem lại một chút nhé, đây cũng chính là cách Apple “đáp trả” Google trên cuộc đua với Android ngay khi vẫn đang bị trói buộc vào thương vụ mặc định tìm kiếm Google trên Safari.

    2. Facebook

    Báo cáo tài chính quý vừa qua của Facebook đã đánh dấu một cột mốc vô cùng nổi bật: Mỗi ngày có tới 2 tỷ lượt tìm kiếm được thực hiện trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh, tăng tới 33% chỉ sau 9 tháng. Tuy không phải một công cụ tìm kiếm chính thống nhưng Facebook chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải ngạc nhiên khi so con số 2 tỷ này với mức 3,5 tỷ lượt tìm kiếm/ngày của Google.

    Theo số liệu từ trang đánh giá lưu lượng Parse.ly, Facebook đang vượt Google trong cuộc chiến tìm kiếm nội dung. Người dùng internet có xu hướng tìm kiếm và click xem nội dung từ Facebook nhiều hơn là từ Google.

     Tỷ lệ lượt xem các trang tin với nguồn từ Facebook bắt đầu vượt Google từ tháng 7/2015

    Tỷ lệ lượt xem các trang tin với nguồn từ Facebook bắt đầu vượt Google từ tháng 7/2015

    Lý do đằng sau thành công của Facebook là News Feed được cá nhân hóa theo sở thích của người dùng. Chẳng ai lên mạng có thể dành thời gian đọc hết mọi thông tin được tung ra mỗi ngày, thậm chí cả tít báo hay tiêu đề. Với thực tế đó, thứ Facebook làm tốt hơn Google là khả năng tìm kiếm những thông tin hấp dẫn nhất (từ bạn bè các page, group) với từng người dùng để hiển thị trên News Feed của họ.

    Hơn thế nữa, trong nhiều trường hợp, các kết quả tìm kiếm của Facebook cũng “đúng gu” người dùng hơn bởi các cập nhật từ bạn bè và các page, group bạn theo dõi luôn được đẩy lên top đầu. Chẳng hạn nếu bạn đang tìm một nhà hàng sushi ngon mà bạn bè mình từng check in ở Hà Nội hay search nhanh tin hot đang lan truyền (trending) thì Facebook lại là nơi tìm kiếm tuyệt vời ít có nền tảng nào sánh bằng. Bản thân người viết bài cũng từng tìm mua được rất nhiều sản phẩm qua Facebook bởi kết quả cho về toàn từ các cửa hàng tin tưởng đã like chứ không hiện quá nhiều quảng cáo Adword như khi tìm trên Google. Xu hưởng mobile-hóa hiện nay cũng khiến nhiều người lựa chọn search trên Facebook hơn bởi ứng dụng Facebook dễ dàng mang lại trải nghiệm mobile tốt hơn so với Google trên trình duyệt.

     Ngoài các bộ lọc về địa điểm, thời gian như trên Google, Graph Search của Facebook còn cho phép tìm cả group, app, sự kiện ở gần, cho cả người có và không có tài khoản Facebook.

    Ngoài các bộ lọc về địa điểm, thời gian như trên Google, Graph Search của Facebook còn cho phép tìm cả group, app, sự kiện ở gần, cho cả người có và không có tài khoản Facebook.

    Một lợi thế khác của Facebook là lượng dữ liệu mạng xã hội khổng lồ này nắm được về người dùng để điều tiết các kết quả tìm kiếm. Nếu như Google chỉ nắm dữ liệu người dùng qua các từ khóa trước đây họ tìm thì Facebook lại biết cả nơi sống, sở thích, người thân hay thậm chí là những gì bạn bè của bạn vừa làm. Những dữ liệu này cực kỳ đáng giá trong việc tìm kiếm ra các địa điểm, người quen, sự kiện, game, app,… mà bạn sẽ quan tâm.

    3. Amazon

    Nghe có vẻ là một cái tên chẳng liên quan gì đến địa hạt tìm kiếm nhưng Amazon cũng đang là một mối nguy tiềm tàng của Google. Năm 2014, chủ tịch điều hành Google Eric Schmidt từng chia sẻ: “Mọi người thường nghĩ Bing và Yahoo là đối thủ của chúng tôi nhưng thực ra đối thủ lớn nhất về search của Google lại là chính là Amazon.”

    Schmidt còn chỉ ra việc khách mua hàng online rất thường xuyên bỏ qua Google và truy cập thẳng vào Amazon để tìm kiếm sản phẩm, đề cập rằng “năm ngoái, 1/3 lượng người tìm kiếm sản phẩm trên mạng search bằng Amazon, gấp đôi lượng người search bằng Google.” Một nghiên cứu từ Forrester Research cũng cho thấy 30% số người shopping online tới thẳng trang chủ Amazon; chỉ 13% bắt đầu từ Google. Năm 2015, số lượt search sản phẩm trên Amazon cũng tăng tới 73%, trong khi con số này của Google lại dậm chân tại chỗ.

    Với việc tìm kiếm sản phẩm chính là mảng search giúp Google thu về lợi nhuận cực cao (qua Adwords), sự ưu ái dành cho Amazon rõ ràng đang báo trước một tương lai đáng lo ngại cho gã khổng lồ tìm kiếm.

    Google có đang đi chệch hướng?

    Nhiều ý kiến cho rằng Google đang tự bắn vào chân mình khi chuyển dịch dần từ mô hình truyền thống (tập trung vào trải nghiệm người dùng qua các kết quả search tự nhiên) sang hướng tận dụng tối đa các dịch vụ quảng cáo để kiếm doanh thu.

     Khi quảng cáo lấn lướt kết quả tìm kiếm trên Google

    Khi quảng cáo lấn lướt kết quả tìm kiếm trên Google

    Điều này có thể dễ dàng nhìn thấy qua phần diện tích lớn cho quảng cáo trên trang đầu kết quả tìm kiếm. Tuy Google không hẳn là không tạo cơ hội nào cho các website nhỏ ngoi lên top đầu nhưng với chiến lược “khai thác triệt để” mọi khía cạnh search, từ địa điểm, hình ảnh cho đến video,… thì có lẽ việc lọt top đầu tìm kiếm Google sẽ rất khó đối với các doanh nghiệp, website với ngân sách quảng cáo eo hẹp chứ không hề đơn giản như trên Facebook (thường hiện lên top đầu với người dùng like page; chi phí quảng cáo cũng thấp hơn Google). Chính vì vậy, nếu các công cụ tìm kiếm thay thế như Facebook, Bing, Amazon có thể khắc phục được yếu tố này, lẽ dĩ nhiên người dùng sẽ muốn quay sang với họ.

    Google hiện vẫn là công cụ tìm kiếm chủ đạo trên Internet, nhưng các xu hướng kể trên cũng có thể mở ra những hướng đi khác cho các hoạt động marketing online. Các hướng đi thay thế có thể kể đến chuyển dịch dần sang các nền tảng như Facebook, Instagram, các site bán hàng online phổ biến,... hay các hình thức branding khuyến khích giới thiệu, gợi ý cho bạn bè, người thân.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ