Computex 2016: Thỏa mãn ước mơ nhảy dù, đua xe ẢO mà "sướng" hơn cả THẬT

    PV,  

    Công nghệ thực tế ảo đang ngày càng trở nên "hot" hơn bao giờ hết khi đem lại vô số trải nghiệm hay ho.

    Cứ tới tháng 6 hàng năm, Computex - sự kiện công nghệ lớn nhất châu Á, quy mô thứ nhì thế giới lại được tổ chức. Nơi đây quy tụ hàng loạt sản phẩm, công nghệ mới mà chủ yếu đến từ các thương hiệu phần cứng Đài Loan.

     Computex 2016 không còn là màn độc diễn của linh kiện máy tính...

    Computex 2016 không còn là màn độc diễn của linh kiện máy tính...

    Sự kiện lần này vẫn có quy mô khá lớn với hai khu triển lãm chính, ngoài ra các thương hiệu còn tự thuê khách sạn để đặt gian trưng bày ở ngoài hay tổ chức họp báo, khu trải nghiệm bên lề sự kiện. Tuy vậy, Computex 2016 có vẻ… "nhạt" hơn khi số lượng người tham dự không đông như những năm trước. Điều này có lẽ do công nghệ smartphone hay phần cứng máy tính đang có phần chững lại, phần nào cũng bởi người ta đã ít quan tâm hơn tới những thứ quá "hardcore", trong trường hợp này là phần cứng, linh kiện máy tính.

    Nhưng đây lại là sàn diễn lớn dành cho công nghệ mới: VR.

    VR là viết tắt cho cụm từ Virtual Reality ( thực tế ảo ). Có thể nhiều người trong chúng ta đã biết, đã trải nghiệm công nghệ này khi nó đang len lỏi vào thị trường giải trí gia đình Việt Nam. Không chỉ là những chiếc kính sử dụng smartphone làm màn hình hiển thị với nhược điểm hình ảnh rỗ, mờ, không sắc nét, công nghệ VR tại Computex năm nay chứng kiến bước chuyển mình rất lớn với những trải nghiệm hết sức sáng tạo, có quy mô. Cho tới hiện tại, trải nghiệm VR chỉ đẹp và tuyệt vời nhất khi sử dụng trên máy tính, do đây là thiết bị có sức mạnh xử lý mạnh mẽ nhất, đem lại những hình ảnh, âm thanh chân thực hơn cả so với VR trên smartphone.

     ...mà năm nay, họ đến xem VR.

    ...mà năm nay, họ đến xem VR.

    Nếu chỉ ngồi một chỗ, đeo chiếc kính VR lên mắt và tay cầm gamepad cũng sẽ chẳng đem lại trải nghiệm khác biệt so với chơi game qua màn hình, khi nó không đem lại trải nghiệm như thật - điểm đột phá mà công nghệ thực tế ảo mang lại.

     Computex năm nay vẫn có những chiếc ghế chơi game như vậy, nhưng bên cạnh đó đã xuất hiện những kiểu trải nghiệm hoàn toàn mới lạ.

    Computex năm nay vẫn có những chiếc ghế chơi game như vậy, nhưng bên cạnh đó đã xuất hiện những kiểu trải nghiệm hoàn toàn mới lạ.

    Trải nghiệm VR khác biệt và có thể gây "rụng tim" nhất có lẽ là hệ thống nhảy dù "ảo" của Para Parachute. Với hệ thống khung đỡ và dây cáp được lập trình, người trải nghiệm sẽ được buộc vào một chiếc dù "ảo", kết hợp với những hình ảnh từ kính VR của Oculus và hệ thống bổ trợ như… quạt sẽ đem lại trải nghiệm nhảy dù như thật. Tuy nhiên, hệ thống này còn nhược điểm nằm ở khâu đồ họa chưa đẹp, theo lời kể của một số người đã thử qua (người viết không dám).

     Nhảy dù sợ như thật.

    Nhảy dù sợ như thật.

    MSI đã đem tới sự kiện lần này chiếc ba lô tích hợp cả cỗ máy vi tính bên trong (kèm cả pin). Với chiếc ba lô này, người dùng sẽ không cần phải di chuyển trong không gian hạn hẹp hay sợ vướng dây dẫn như khi dùng với máy tính nữa. Thay vào đó, trải nghiệm không gian ảo sẽ thật hơn, cũng như rộng rãi và thoải mái hơn. Nhược điểm duy nhất của chiếc ba lô này có lẽ là thời lượng pin, cũng như cân nặng.

     Bên trong chiếc ba lô là một cỗ máy mạnh mẽ.

    Bên trong chiếc ba lô là một cỗ máy mạnh mẽ.

     Sau khi đeo thêm kính, tha hồ múa may trong không gian ảo.

    Sau khi đeo thêm kính, tha hồ "múa may" trong không gian ảo.

    Không chỉ có vậy, Gigabyte còn mang cả một dàn "giả lập" xe đua tới sự kiện lần này. Cùng với kính thực tế ảo và hệ thống rung, lắc, người trải nghiệm sẽ được thử những cú cua gắt, hay những pha đụng xe "rung bần bật". Những cảm giác này thật và "sướng" hơn nhiều so với những hệ thống điện tử "xèng" từng xuất hiện tại Việt Nam từ vài thập kỷ trước.

     Đua xe rung lắc như thật.

    Đua xe rung lắc như thật.

    Với Computex lần này, NVIDIA nổi trội hơn cả với dòng card đồ họa GTX 1080 được phần lớn các hãng phần cứng khác sử dụng để xây dựng hệ thống máy tính dành cho nhu cầu giải trí thực tế ảo. Ngoài ra, sự trở lại của HTC với kính VIVE là đối thủ rất lớn của Oculus, thương hiệu thực tế ảo đã bị Facebook mua lại. Cả hai đều có khả năng hiển thị sắc nét hơn nhiều nếu so với VR trên điện thoại.

    Theo Kenh14/ Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày