Con đường xây dựng khối tài sản 117 tỷ USD của tỷ phú từng ‘tuyên chiến’ với Bill Gates
Con đường xây dựng khối tài sản 117 tỷ USD của tỷ phú từng ‘tuyên chiến’ với Bill Gates
Tỷ phú 2 lần bỏ dở đại học
Larry Ellison sinh năm 1944 tại Bronx (New York, Mỹ) và là con của một bà mẹ đơn thân. Khi vừa tròn 9 tháng tuổi, ông mắc bệnh viêm phổi và được gửi tới sống với chú dì tại Chicago. Khi đang học năm 2 tại Đại học Illinois, dì của Ellison qua đời, khiến ông phải thôi học. Sau đó, ông đăng ký vào Đại học Chicago nhưng lại bỏ dở chỉ sau một học kỳ để đi làm kiếm tiền.
Năm 1966, Ellison chuyển tới Berkeley (California) gần Thung lũng Silicon - nơi ngành công nghệ bắt đầu khởi sắc. Để tìm kiếm cơ hội, Ellison liên tục thay đổi công việc, trong đó có cả việc làm tại các công ty như Wells Fargo và Amdahl, nơi ông đã tích luỹ cho mình kỹ năng máy tính và lập trình.
"Tôi chưa từng tham dự một lớp học khoa học máy tính nào trong cuộc đời. Tôi đã làm việc như một lập trình viên. Phần lớn là do mình tự học. Tôi chỉ đọc sách và bắt đầu lập trình”, Ellison từng chia sẻ.
Bước ngoặt cuộc đời của Ellison xảy đến khi ông tới làm việc cho công ty điện tử Ampex, tham gia vào một hợp đồng thiết lập cơ sở dữ liệu cho CIA với tên “Oracle”.
Năm 1977, với niềm đam mê công nghệ máy tính, Ellison cùng với Ed Oates và Bob Miner thành lập công ty riêng với tên gọi Software Development Laboratories. Số vốn khởi nghiệp chỉ là 1.400 USD (gần như là tiền túi của Ellison).
Đồng sáng lập Oracle Larry Ellison. Ảnh: Forbes
Đến năm 1982, công ty chính thức đổi tên thành Oracle Systems Corp sau khi tung ra sản phẩm chủ lực về quản trị dữ liệu. Doanh số của Oracle nhanh chóng bùng nổ. Năm 1986, Oracle phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và huy động được 55 triệu USD.
Tuy nhiên, đến năm 1990, Oracle mắc phải “một sai lầm khủng khiếp” khi cho phép nhân viên kinh doanh đặt trước doanh số trong quý, khiến toàn bộ số liệu bị chênh lệch. Hệ quả là công ty vướng vào kiện tụng và rắc rối với giới chức, buộc phải cắt giảm khoảng 400 nhân viên. Sau đó Oracle lâm vào tình trạng gần như phá sản, thị phần bị các đối thủ chiếm gần hết.
Đến năm 1992, công ty này lấy lại vị thế với sự ra đời của cơ sở dữ liệu Oracle 7. Cuối thế kỷ 20, Oracle “ăn nên làm ra” nhờ bán cơ sở dữ liệu cho các công ty Internet khi ấy đang bùng nổ.
Dưới sự dẫn dắt của Ellison, Oracle ngày càng lớn mạnh và trở thành một trong những hãng phần mềm lớn nhất thế giới. Ông rời ghế CEO của Oracle vào năm 2014 và hiện vẫn giữ vị trí chủ tịch HĐQT và giám đốc công nghệ ở tuổi 77.
Theo bảng xếp hạng Real Time của Forbes, Ellison đang là người giàu thứ 7 thế giới với khối tài sản trị giá hơn 117 tỷ USD.
Tham vọng đánh bại Microsoft và Bill Gates
Dù vô cùng thành công và giàu có, nhưng trong suốt nhiều năm liền, Ellison luôn ám ánh về việc phải đánh bại Bill Gates và Microsoft. Cả Bill Gates và Larry Ellison đều được ca ngợi như những thiên tài và có khả năng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người khác, nhưng lại theo những cách rất khác nhau.
Oracle tiến hành IPO vào ngày 12/3/1986 với giá trị thị trường 270 triệu USD. Chỉ một ngày sau, Microsoft cũng tiến hành IPO với giá trị 700 triệu USD. Kể từ đó, thế giới vẫn thường xuyên hồi hợp theo dõi cuộc chạy đua, rượt đuổi hấp dẫn giữa hai đại gia phần mềm này.
Khá lâu trước khi Apple tung ra sản phẩm iPad, Larry Ellison quyết định trình làng Network Computer, một chiếc máy tính đơn giản, rẻ tiền, có thể gửi email, lướt web và thực hiện những tác vụ đơn giản.
Không đơn thuần chỉ là một chiếc máy tính, Network Computer còn giúp Oracle mở ra một ngành kinh doanh mới, cạnh tranh với "kẻ thù không đội trời chung" Microsoft, trong khi Larry Ellison có cơ hội vượt qua đối thủ Bill Gates.
Ellison là người tham vọng và hiếu thắng, vì vậy để thực hiện mục tiêu của mình, ông đã lập ra cả một công ty con để chuyên phát triển thị trường mới này đồng thời phát động những chiến dịch quảng cáo vào các khách hàng tư nhân.
Đáng tiếc, Network Computer về sau thất bại khi không chinh phục được thị trường như Ellison từng mong muốn. Tuy nhiên, người sáng lập Oracle đã nhân dịp đó để chứng minh với thế giới rằng Microsoft không thể dễ dàng chiếm vị trí độc quyền trên thị trường.
Cho đến nay, Microsoft vẫn bỏ xa Oracle về giá trị vốn hóa thị trường. Trong khi nếu xét về cá nhân, Ellison là tỷ phú giàu thứ 7 thế giới trên bảng xếp hạng của Forbes còn Bill Gate ở vị trí số 5. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng Larry Ellison là một trong những nhà lãnh đạo tài ba nhất thế giới với tài kinh doanh thiên bẩm.
Larry Ellison hiện là người giàu thứ 7 thế giới trên bảng xếp hạng của Forbes. Ảnh: AP |
Bài học thành công
Tài năng của Larry Ellison được rất nhiều người ngưỡng mộ, trong đó có các cựu nhân viên của Oracle. Dheeraj Pandey, đồng sáng lập Nutanix từng chia sẻ rằng thời gian làm việc tại Oracle đã cho ông cơ hội học hỏi được những bài học kinh doanh từ Larry Ellison và điều này giúp ích rất nhiều khi Pandey xây dựng công ty riêng.
"Cách mà Larry Ellison xây dựng công ty luôn mang tầm chiến lược và tôi đã học hỏi được rất nhiều không chỉ ở cách điều hành mà còn ở cách xây dựng văn hóa với một tính cách mạnh mẽ", đồng sáng lập Nutanix nói.
Theo Pandey, một trong những bí quyết thành công của Ellison là không nhân nhượng đối thủ. Tỷ phú sinh năm 1944 được xem là thủ lĩnh mạnh mẽ nhất của Oracle, bởi ông thường không ngần ngại đe dọa, chê bai đối thủ công khai trên các phương tiện truyền thông, thậm chí kiện đối thủ ra tòa. Ellison từng khởi xướng một vụ kiện lớn với Google, cáo buộc công ty này sử dụng trái phép Java, phần mềm do Oracle tạo nên khi phát triển và xây dựng Android.
Đồng sáng lập Oracle cũng không ngại bồi dưỡng những nhân tài “nổi loạn”. Theo Pandey, Larry không bao giờ muốn ở xung quanh những người chỉ biết nói "đồng ý". Những nhà điều hành nổi tiếng trong giới công nghệ bao gồm Marc Benioff của Salesforce, Tom Siebel của Siebel Systems, Craig Conway của PeopleSoft và cựu Chủ tịch HP Ray Lane đều từng là nhân viên ở Oracle và được Larry bồi dưỡng.
"Tất cả những nhân sự này cuối cùng đều trở thành đối thủ cạnh tranh với Oracle, nhưng nếu không có họ, Oracle sẽ không thể trở thành một Oracle mà chúng ta biết ngày hôm nay", Pandey nhấn mạnh.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập