Các kênh sản xuất nội dung video hàng đầu trên YouTube tỏ ra tức giận khi công ty không cho họ chạy quảng cáo kiếm tiền nếu một video nào đó bị tố vi phạm bản quyền - ngay cả khi tố cáo này chưa được xác nhận có đúng hay không.
Hồi đầu tháng 2/2016, 370.456 người dùng YouTube theo dõi kênh Channel Awesome (những người theo dõi một kênh YouTube nào đó còn được gọi là các subscriber) nhận được một đoạn video lạ lẫm.
Channel Awesome được biết đến là kênh chuyên về văn hóa dân gian, thế nhưng, đoạn video được xuất bản lên kênh hồi cuối tháng 1/2016 lại không liên quan đến nội dung này. Trong video, chủ kênh là Douglas Walker nói về một tác phẩm anh bị tố ăn cắp bản quyền từ 1 clip có tên My Neighbor Totoro. Theo Walker, Totoro là clip nằm trong danh mục được phép sử dụng mà không bị truy cứu về vấn đề bản quyền, tuy nhiên, việc "kháng án" của anh đã kéo dài gần 1 tháng mà chưa đem lại kết quả.
"Chúng tôi mất đã 3 tuần mà không có thu nhập, không có tiền cho bất kỳ video đã up lên từ trước tới nay", anh nói trước ống kính máy quay. "Không có ai cho chúng tôi một câu trả lời, không có gì được khẳng định chắc chắn, không ai biết chuyện gì đang xảy ra", Walker tiếp tục than phiền.
What the hell YouTube?
Walker không phải người duy nhất phải chịu cảnh ngộ trên. Những tháng đầu năm 2016, một loạt video từ các kênh như Eli the Computer Guy (634.706 người theo dõi), Alternate History Hub (509.114 người theo dõi) và I Hate Everything (379.838 người theo dõi) cũng bị YouTube "chèn ép". Mỗi kênh vi phạm một quy định khác nhau nhưng chung quy lại, nhà sản xuất nội dung bị phạt vì: Vi phạm ngẫu nhiên, bị hạn chế tính năng quảng cáo hay upload. Một số nhà sản xuất như Eli Etherton, thậm chí vì quá ức chế đã sẵn sàng từ bỏ YouTube.
Với Walker, chỉ 4 tiếng sau khi đăng video than phiền với YouTube ở trên, anh đã được YouTube giải quyết. Tuy nhiên, không phải kênh nào cũng may mắn như vậy. Những gì xảy ra với các kênh nội dung trên đặt ra một câu hỏi rằng liệu các nhà sản xuất nội dung cho YouTube có được tiếng nói gì khi họ bị báo cáo vi phạm bản quyền.
Trên thực tế, những gì xảy ra ở trên không phải do YouTube thay đổi chính sách. Nó cũng không phải dấu hiệu cho thấy lượng báo cáo vi phạm bản quyền, cũng như số vụ "kháng án" tăng lên. Thay vào đó, những lời than phiền từ các nhà sản xuất nội dung có vẻ như là hậu quả của một hệ thống kháng cáo không hiệu quả và video của Walker giống như chuyện một quả bóng phát nổ khi bị thổi căng, không còn sức chịu đựng.
Trên YouTube, khi người dùng nhận thấy video của một nhà sản xuất nội dung nào đó vi phạm bản quyền, họ có thể gửi báo cáo cho YouTube để xóa video hoặc tiến hành các biện pháp trừng phạt. Nhưng không phải báo cáo nào cũng chính xác, và nhiều khi nhà sản xuất nội dung là người chịu thiệt. Dù mọi chuyện chưa rõ ràng, video của họ dễ dàng bị "đình chỉ". Khi nhà sản xuất kháng án, họ phải chờ đợi rất lâu để được giải quyết. Thậm chí, nguy cơ kênh của họ bị xóa vì hệ thống báo cáo vi phạm tự động của YouTube cũng rất cao. "Đây là năm thứ 3 tôi kiếm được trên 100.000 USD từ YouTube và tôi đang mệt mỏi khi phải lo lắng rằng liệu tất cả công sức của mình có bị 'đổ sông đổ biến' hay không", Eli Etherton, một nhà sản xuất nội dung, chia sẻ trên trang Theverge.
YouTube phản hồi ra sao? "Chúng tôi mong muốn thu hút nhiều nhà sản xuất nội dung nhất có thể và YouTube vẫn muốn nhà sản xuất phải tuân thủ các quy định, chính sách bản quyền, nguyên tắc cộng đồng" - một người đại diện YouTube cho biết. "Chúng tôi xem xét nghiêm túc các phản hồi về việc tuân thủ chính sách và khuyến khích mọi người báo cáo các video vi phạm".
Nhưng các chính sách của YouTube có thể rất phức tạp, chồng chéo và điều này khiến nhiều người dùng sáng tạo nội dung cho mạng video này cảm thấy rối rắm cũng như thấy rằng họ không có tiếng nói. Bên cạnh nguyên tắc cộng đồng và chính sách bản quyền, các kênh YouTube có thể đụng chạm vào các chính sách quảng cáo AdSense - một danh sách quy định nhằm xác định xem video như thế nào thì được chèn quảng cáo, video nào thì không.
Một video sau khi bị báo cáo vi phạm bản quyền và nguyên tắc cộng đồng chưa phải chịu những mức phạt nghiêm khắc ngay lập tức. YouTube đưa ra quy tắc 3 lần vi phạm mới bị phạt nặng với chủ kênh. Tuy nhiên, quyết định thu hồi tính năng kiếm tiền quảng cáo từ video thường không liên quan tới quy tắc này này. Chính vì vậy, lý do các kênh như Eli the Computer Guy bỗng nhiên bị thu hồi quảng cáo thường không rõ ràng. "Mọi sự thay đổi cần được giải thích bằng luật viết bằng giấy trắng mực đen", nhà sản xuất nội dung Eli bức xúc.
YouTube phụ thuộc vào tính năng "gắn cờ vi phạm" mà cộng đồng người dùng video này có thể sử dụng để báo cáo video vi phạm, tuy nhiên đây là một phương pháp không hoàn hảo và nhiều khi khiến chủ sở hữu video bị thiệt thòi. Phương pháp này ban đầu được thiết lập bởi hệ thống khiếu nại bản quyền của Luật bản quyền tác giả (DMCA), thế nhưng hiện nay nó được sử dụng bởi cả YouTube, Twitter, Facebook. Nó áp dụng cho cả các báo cáo vi phạm về nguyên tắc quảng cáo lẫn nguyên tắc cộng đồng.
Lỗ hổng ở đây là khi một video bị hàng loạt người dùng tố cáo, chủ video thường khó xác định được họ vi phạm ở đâu. Đôi khi video có vi phạm thực sự nhưng chủ nhân của nó không hay biết. Và chỉ khi kênh của anh ta trở nên nổi tiếng, được nhiều người theo dõi, vi phạm mới được phát hiện. Bên cạnh đó, "bất kỳ ai cũng có thể báo cáo sai, và những người này không phải chịu bất kỳ hình phạt nào. Cuối cùng, nhà sáng tạo nội dung là những người duy nhất phải chịu thiệt. Đã đến lúc YouTube cần có một sự thay đổi toàn diện", Alex - chủ kênh YouTube có tên I Hate Everything cho biết.
Hầu hết các khiếu nại trong những tháng đầu năm 2016 bắt nguồn từ hệ thống kháng án của YouTube nhiều hơn là từ hệ thống báo cáo vi phạm của mạng video này. Nói cách khác, lượng người sáng tạo nội dung cho YouTube kháng án là rất nhiều. Với nhiều người, đây vẫn là một hệ thống tự động, và Google nói rằng, đó là một tính năng chứ không phải lỗi. Công ty tự hào rằng giải pháp của mình có thể áp dụng cho cả các kênh chỉ có 10 người theo dõi đến các kênh với hàng trăm ngàn subscriber như Eli. Tuy nhiên, khi mà nhiều kênh nội dung trên YouTube là những người nổi tiếng, có tiếng nói, rõ ràng họ muốn được đối xử theo một cách khác. Trong trường hợp của Eli, những gì anh nhận được từ YouTube đó là: một người đại diện dịch vụ khách hàng của YouTube liên lạc với anh sau 24 giờ có bài viết trên báo chí nêu ra vấn đề, và giờ đây anh nói rằng sẽ cân nhắc vẫn hợp tác với YouTube.
YouTube cho tới nay vẫn là mạng video lớn nhất trên Internet với hàng trăm triệu giờ xem mỗi ngày. Song những lời than phiền từ các đối tác của họ xuất hiện trong bối cảnh sự cạnh tranh trong thị trường video đang vô cùng khốc liệt. Facebook công bố đạt 8 tỷ lượt xem video mỗi ngày, đồng thời hiện đã tung tính năng truyền video trực tiếp cho mọi người dùng. Snapchat cũng có thể là một điểm đến đáng cân nhắc cho các nhà sản xuất video. Tất nhiên, với nhiều người, YouTube hiện vẫn là nền tảng giúp họ kiếm tiền tốt nhất hiện nay, thế nhưng, mọi chuyện có thể sẽ thay đổi trong tương lai.
Với Eli, từ bỏ YouTube đồng nghĩa với việc anh không còn tham gia sản xuất video nữa. Trước khi người đại diện YouTube liên hệ với anh, anh đang lên kế hoạch chuyển sang sản xuất nội dung podcast (một dạng phát thanh có thể chỉ có âm thanh hoặc có cả hình ảnh...) nhằm tránh bị phụ thuộc vào một nền tảng duy nhất. Với lượng fan đông đảo, anh có thể hợp tác với một kênh được tài trợ trên YouTube hoặc một nơi nào khác, thế nhưng, Eli cho biết sau khi được YouTube phản hồi, anh cảm thấy "hạnh phúc" và vẫn gắn bó với mạng video này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như anh. Kênh của Eli là kênh về các thủ thuật công nghệ và nó có thể tồn tại trên nhiều nền tảng khác nhau; nhưng các kênh về văn hóa như I Hate Everything, nền tảng để nó có đất sống là hạn hẹp hơn. "Tôi sẽ rất vui chuyển sang một nền tảng khác, nơi tôi được đối xử tốt hơn, nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu nền tảng thay thế YouTube là có tồn tại. YouTube giống như một tên độc quyền và có thể làm bất kỳ thứ gì họ muốn. YouTube biết chúng tôi vẫn phải phụ thuộc vào họ cho dù có bất kỳ vấn đề gì xảy ra".
YouTube đã mềm mỏng hơn
YouTube đã có vẻ mềm mỏng hơn sau những chỉ trích nặng nề từ các kênh đối tác sản xuất nội dung - về việc không cho phép kênh chạy quảng cáo kiếm tiền nếu một video nào đó của kênh bị báo cáo vi phạm bản quyền. Trong nhiều trường hợp, video bị tố cáo vi phạm không đúng bởi chủ kênh chỉ đơn thuần chèn các nội dung nằm trong danh mục được phép sử dụng. Thế nhưng, quyền lợi của nhà sản xuất video chỉ có thể được trả lại sau nhiều tuần YouTube xem xét kỹ các khiếu nại. Hậu quả là các kênh nổi tiếng như Channel Awesome , Eli the Computer Guy và Alternate History Hub không kiếm được tiền mặc dù các video của họ có thêm hàng nhiều ngàn lượt xem.
Sự mềm mỏng của YouTube thể hiện qua việc, mạng video mới đây công bố sẽ cho phép các video dù đang trong quá trình bị kiện tụng vẫn có thể chạy quảng cáo kiếm tiền cho tới khi mọi việc được làm sáng tỏ. Trong một bài đăng trên blog, YouTube cho biết, số tiền được tạo ra từ một video gây tranh cãi sẽ được giữ riêng và sau khi tranh chấp được giải quyết, hãng sẽ trả lại nó cho bên đáng được hưởng. "Chính sách này sẽ được tung ra trong những tháng tới" - mạng video thuộc sở hữu của Google công bố.
Theo ICTNews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI