'Con người thật' đằng sau những 'thần tượng ảo' ở Trung Quốc

    Bảo Nam,  

    Những "YouTuber ảo" như Vox Akuma và nhóm nhạc nữ A-SOUL đã thu hút được một lượng người theo dõi khổng lồ ở Trung Quốc dù họ không hề có thật.

    Vào ngày 1/5/2022, Nijisanji, một công ty quản lý tài năng của Nhật Bản, đã mở một tài khoản cho thần tượng ảo Vox Akuma của mình trên trang web chia sẻ video nổi tiếng của Trung Quốc Bilibili. Trước ngày ra mắt, Vox có 700.000 người đăng ký theo dõi, và một buổi phát trực tiếp dài 90 phút được tổ chức vào cuối tuần đó đã mang về hơn 1,1 triệu nhân dân tệ (khoảng 149.000 USD).

    Vox là ví dụ điển hình mới nhất trong nhóm danh mục YouTuber ảo, hoặc VTuber, đang ngày càng tăng. Tương tự như những người phát trực tiếp là con người, các VTuber mang lại các giờ phút giải trí cho người xem của họ thông qua các buổi biểu diễn, phát trực tuyến trò chơi và tương tác trong thời gian thực, sau đó kiếm thu nhập từ sự kết hợp giữa các khoản tiền thưởng của người xem và tiền hoa hồng từ quảng cáo. Sự khác biệt duy nhất là các VTuber sử dụng hình đại diện kỹ thuật số thay cho khuôn mặt thật của họ. Đối tượng chính của họ bao gồm những người trẻ tuổi, từ thanh thiếu niên đến những người ba mươi tuổi. Đây là nhóm người lớn lên trong nền văn hóa “ACG”, một thuật ngữ nói chung về mối liên hệ giữa kinh tế và văn hóa dưới tác động của hoạt hình, truyện tranh và trò chơi.

    Khi thế hệ đó lớn lên, họ đang biến VTuber thành một hiện tượng văn hóa và một ngành công nghiệp sinh lợi cao.

    'Con người thật' đằng sau những 'thần tượng ảo' ở Trung Quốc - Ảnh 1.

    Hình ảnh nhân vật đại diện của Vox Akuma.

    Tất cả các VTuber ngày nay đều có chung một "tổ nghề", đó là ngôi sao nhạc pop ảo 16 tuổi, với bộ tóc xanh kinh điển, mang tên Hatsune Miku. “Ra đời” vào năm 2007, Hatsune Miku được công ty Crypton Future Media tạo ra bằng cách sử dụng phần mềm tổng hợp giọng nói Vocaloid. Các buổi biểu diễn trực tiếp của cô luôn tràn ngập những người hâm mộ vẫy trong tay những chiếc gậy phát sáng để cổ vũ cho hình ảnh ba chiều của nữ ca sĩ, với khung cảnh giống như một màn trình diễn phép thuật thời hiện đại.

    Giống như các ngôi sao nhạc pop khác, Hatsune Miku kiếm tiền từ các chương trình ảo và hợp tác thương hiệu, cũng như một loạt các trò chơi được cấp phép trên nền tảng PlayStation. Tuy nhiên, không giống như những người nổi tiếng bằng xương bằng thịt, Hatsune Miku không già đi, cũng như chẳng bao giờ vướng vào những vụ bê bối. Cô ấy cũng không bao giờ cần nghỉ ngơi, và có lẽ điều quan trọng nhất là cô ấy không cần được trả tiền. Không có gì ngạc nhiên khi sự kết hợp này đã truyền cảm hứng cho một làn sóng bắt chước nhanh chóng sau đó. Tại thị trường Trung Quốc, những người bắt chước Hatsune Miku có thể kể tới những cái tên như Luo Tianyi, Oriental Gardenia và Violet. Những nhân vật ảo này thường xuất hiện tại các sự kiện của nhiều công ty và thậm chí trong cả các buổi trình diễn lễ hội cấp tỉnh hoặc thành phố.

    Nhược điểm duy nhất là công nghệ đằng sau các màn trình diễn của Hatsune Miku và các bản sao của cô tốn rất nhiều chi phí để vận hành. Một buổi hòa nhạc của Hatsune Miku tiêu tốn hàng triệu USD để thực hiện và công nghệ hiển thị ảnh ba chiều hiện tại thường gây ra các màn trình diễn bị giật cục.

    Phải đến năm 2017, một mô hình biểu diễn ảo mới, ít tốn kém hơn đã xuất hiện, mới cho phép ngành công nghiệp VTuber thực sự phát triển. Được mệnh danh là Kizuna AI, cô gái này được xem là VTuber thực sự đầu tiên. Giống như Hatsune Miku, Kizuna AI được hiển thị trong không gian ba chiều, nhưng cô ấy không hoàn toàn được tạo ra bởi những dòng code. Thay vào đó, công nghệ chụp chuyển động và ứng dụng theo dõi khuôn mặt sẽ biến mọi hành động của một người biểu diễn thật thành nhân vật ảo.

    Ở Trung Quốc, người hâm mộ gọi những VTuber theo phong cách của Kizuna AI là "pitao ren" có nghĩa là “người có vỏ”. Còn người biểu diễn đằng sau Vtuber được gọi là "zhongzhi ren", hay "người trong vỏ".

    'Con người thật' đằng sau những 'thần tượng ảo' ở Trung Quốc - Ảnh 2.

    Ảnh chụp màn hình từ video trình diễn của Kizuna AI.

    Một trong số các "pitao ren" VTuber nổi tiếng nhất ở Trung Quốc là các thành viên của A-SOUL, một nhóm nhạc nữ ảo được công ty Yuehua Entertainment (với sự hậu thuẫn của ByteDance) ra mắt vào cuối năm 2020. Nhóm bao gồm 5 cô gái theo phong cách anime ở độ tuổi 20: Diana dễ thương và nhỏ nhắn, Carol cá tính, Ava quỷ quyệt, Bella dịu dàng và ấm áp, và Eileen kín đáo và uy nghiêm. Họ ra mắt với khẩu hiệu "yongbu tafang", nghĩa là "ngôi nhà không bao giờ sụp đổ". Trong tiếng Trung, "nhà sập" dùng để ám chỉ những vụ bê bối hoặc thông tin tiêu cực, thứ làm tan nát những ngôi đền mà người hâm mộ xây dựng cho thần tượng của mình. Và trên lý thuyết, các VTuber sẽ không bao giờ vướng vào những vấn đề này.

    Trớ trêu thay, vào thời điểm A-SOUL ra mắt, ngôi nhà của họ hóa ra không bền chắc như mong đợi. Dưới áp lực từ các nhà đầu tư để nhanh chóng mở rộng nguồn thu nhập của nhóm thần tượng ảo, nhà điều hành của nhóm đã thuê bốn "zhongzhi ren" mới đồng thời loại bỏ các nghệ sĩ biểu diễn ban đầu. Khi biết sự thật, người hâm mộ đã vô cùng nổi giận.

    Sự tức giận của họ chỉ ra một mâu thuẫn cơ bản trong ngành công nghiệp VTuber. Đối với các công ty, ngôi sao là "pitao ren", còn những nghệ sĩ là con người chịu trách nhiệm mang thần tượng đến với cuộc sống chỉ là công cụ để sử dụng và dễ dàng thay thế. Tuy nhiên, đối với người hâm mộ, nghệ sĩ biểu diễn mới chính là linh hồn của thần tượng. Họ mới là đối tượng thực sự dành được tình cảm của người hâm mộ.

    Không lâu sau khi A-SOUL ra mắt, người hâm mộ đã phân tích các buổi phát trực tiếp của nhóm để xác định tính cách của từng nhân vật. Họ nhanh chóng nhận ra nghệ sĩ biểu diễn của nhân vật Diana thường không chú ý và đã từng ngủ gật trong khi phát trực tiếp, trong khi nghệ sĩ biểu diễn của Eileen thì vụng về hơn nhiều so với nhân vật mang "vẻ đẹp thanh lịch" được xây dựng ban đầu. Nhưng chính những khoảnh khắc ngoài kịch bản này trở thành một phần quan trọng trong sự hấp dẫn của mỗi nhân vật ảo.

    'Con người thật' đằng sau những 'thần tượng ảo' ở Trung Quốc - Ảnh 3.

    Hatsune Miku là "tổ nghề" của VTuber, nhưng công nghệ xây dựng nên cô vô cùng tốn kém.

    Quay trở lại với Vox Akuma thì công ty quản lý Nijisanji hiện là một trong những đơn vị vận hành VTuber thành công nhất trên thế giới. Họ đã tìm ra cách giải quyết vấn đề căng thẳng nói trên bằng cách áp dụng một cách tiếp cận thoải mái hơn trong việc quản lý nhân vật và nghệ sĩ biểu diễn. Sau khi ký hợp đồng "zhongzhi ren", công ty cung cấp cho họ quyền truy cập vào nền tảng IP, thiết kế hình đại diện và phần mềm của mình. Đổi lại, người phát trực tiếp chỉ cần hoàn thành một số sự kiện được chỉ định. Những nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng hơn sẽ nhận được các tài nguyên bổ sung từ công ty, bao gồm các lần xuất hiện cho nhân vật của họ trong trò chơi, phim và thậm chí cả hoạt ảnh toàn thân cho các hoạt động thương mại ngoại tuyến như các buổi hòa nhạc. Nhưng tần suất họ phát trực tuyến, nội dung và những gì họ làm khi ngoại tuyến là tùy thuộc vào họ.

    Phương pháp tiếp cận này ít tốn kém hơn, và đôi khi mang đến cho những người biểu diễn đứng sau Vox Akuma nhiều không gian hơn để thử nghiệm và kết nối với người hâm mộ theo cách riêng của họ. Rõ ràng, là một vị lãnh chúa 400 tuổi, người đã biến mình thành một con quỷ sau khi bị giết vào thời Chiến quốc của Nhật Bản (1467-1615), Vox hiện đã chứng minh sự thành công của mình với hơn 800.000 người đăng ký trên YouTube, cùng với hơn 1 triệu người trên nền tảng Bilibili, đồng thời tạo ra một cộng đồng fandom khổng lồ.

    Người biểu diễn của Vox thường phát trực tiếp bảy ngày một tuần, đôi khi có tới bốn buổi phát trực tiếp mỗi ngày và không ngại thể hiện cá tính bản thân trong các tương tác với người hâm mộ. Trong một buổi phát sóng trực tiếp vào đầu tháng 2, anh đã dành nửa tiếng để bày tỏ lòng biết ơn của mình sau khi nhận được tin nhắn chúc mừng Tết Nguyên đán của người hâm mộ Trung Quốc. Vào ngày 25/4, anh đã rơi nước mắt trong một buổi tiệc mừng sinh nhật do người hâm mộ chuẩn bị cho mình. Thậm chí, thừa nhận bản thân kém thành thạo trong việc phát trực tiếp hơn các VTuber khác, anh đã giải thích rằng mọi trục trặc kỹ thuật đều là chuyện tất yếu của một người đã 400 tuổi trong kỷ nguyên internet.

    'Con người thật' đằng sau những 'thần tượng ảo' ở Trung Quốc - Ảnh 4.

    Các thành viên của A-SOUL trong một buổi biểu diễn. Carol (thứ hai từ phải sang) sau đó đã rời nhóm, làm dấy lên sự phẫn nộ từ cộng đồng người hâm mộ.

    Tuy nhiên, tạm bỏ qua thành công của Vox và Nijisanji, các cuộc thảo luận về tương lai của ngành công nghiệp VTuber hiếm khi tập trung vào các "zhongzhi ren". Các nhà đầu tư và đơn vị quản lý luôn bị ám ảnh bởi công nghệ, như thể sự hấp dẫn của các ngôi sao ảo của họ chỉ là vấn đề về các công nghệ mô phỏng và thiết bị ghi hình chuyển động.

    Điều này có thể gây ra những hậu quả tai hại. Vào ngày 10/5 vừa qua, chỉ vài ngày sau khi ra mắt trên nền tảng Bilibili của Vox Akuma, Yuehua đã chấm dứt hợp đồng với "zhongzhi ren" đứng sau nhân vật Carol của A-SOUL. Ngay sau đó, những lời cáo buộc về việc bắt nạt và bóc lột của người biểu diễn xuất hiện trên các tài khoản mạng xã hội. Người biểu diễn này tiết lộ rằng cô ấy đã làm việc 7 ngày một tuần nhưng chỉ nhận mức lương 7.000 nhân dân tệ (khoảng 24 triệu đồng) một tháng với tư cách là thành viên của một nhóm nhạc mang lại hàng triệu USD mỗi năm. Để phản đối, hàng trăm nghìn người hâm mộ A-SOUL đã hủy đăng ký kênh của nhóm. Rõ ràng, không một "ngôi nhà" nào, dù được xây dựng cẩn thận đến đâu, cũng có thể đứng vững mãi mãi.

    Tham khảo Sixthtone

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ