Công kích Jack Ma, chê bai Apple, vị tỷ phú Trung Quốc này còn tuyên bố sẽ vượt mặt Elon Musk

    Nam Nguyễn,  

    Ô tô của tương lai sẽ chạy hoàn toàn bằng điện, tự lái, kết nối với Internet tốc độ cao và … miễn phí. Và có thể chỉ người Trung Quốc mới làm ra được chiếc xe “vi diệu” này.

    Đó là tham vọng của Jia Yueting, một tỷ phú Trung Quốc, người đang nắm giữ những công nghệ có thể làm đảo lộn toàn ngành công nghiệp ô tô và soán ngôi vương của Tesla trên thị trường ô tô điện cao cấp.

    “Tesla là một công ty vĩ đại và đã đưa ngành ô tô toàn cầu vào kỷ nguyên xe điện”, Jia nói trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở công ty LeEco của ông. “Nhưng chúng tôi không chỉ sản xuất ô tô. Chúng tôi xem ô tô là một thiết bị di động thông minh có bốn bánh, về cơ bản không khác điện thoại di động hay máy tính bảng là bao. Chúng tôi hy vọng vượt mặt Tesla và dẫn dắt ngành ô tô vào một kỷ nguyên mới”.

     Jia Yueting được mệnh danh là Steve Jobs của Trung Quốc.

    Jia Yueting được mệnh danh là "Steve Jobs của Trung Quốc".

    Một làn sóng start-up về ô tô điện đang nổi lên ở Trung Quốc sau khi chính phủ nước này kêu gọi các ông lớn công nghệ đầu tư vào ô tô điện.

    Để thể hiện tham vọng của mình, ông Jia đã công bố ý tưởng siêu xe chạy điện LeSEE, cạnh tranh trực tiếp với Model S của Tesla. Chiếc xe “thông minh, nối mạng và tự lái” này sẽ được trưng bày tại triển lãm ô tô Bắc Kinh trong tuần này.

    “Nhiều người nghi ngờ và cười nhạo quyết tâm của chúng tôi, một công ty IT nhỏ muốn cạnh tranh với BMW và Tesla. Đúng là không dễ nhưng chúng tôi sẽ không lùi bước”, Jia khảng khái nói.

    Ý tưởng của Trung Quốc, chế tạo ở Mỹ

    LeEco đang có kế hoạch sản xuất dòng ô tô điện LeSEE trong vài năm tới tại một nhà máy gần Las Vegas (Mỹ), được xây dựng bởi đối tác chiến lược Faraday Future của hãng. Những chiếc xe xuất xưởng sẽ được bán ở Mỹ và Trung Quốc. Xa hơn nữa, công ty cũng có kế hoạch chế tạo ô tô điện ở Trung Quốc, có thể là thông qua liên doanh với BAIC Motor.

    Chiếc ô tô điện nối mạng này sẽ có giá rẻ “bất ngờ”, giống như cách LeEco bán điện thoại và tivi ở Trung Quốc. Công ty của ông, thường được gọi là Netflix của Trung Quốc, sẽ bán phim, show truyền hình, âm nhạc và các nội dung và dịch vụ khác cho người mua xe của hãng. Đó là lý do tại sao Jia nói “một ngày kia, ô tô của chúng tôi sẽ miễn phí”. Trong tương lai gần, LeEco sẽ ra mắt dòng xe có “hiệu suất gấp đôi với giá chỉ bằng một nửa”.

    Bên cạnh LeEco, các ông lớn công nghệ Trung Quốc như Baidu, Alibaba, Tencent và Xiaomi đã đầu tư vào gần một chục start-up ô tô điện như NextEV và CH-Auto. Nhiều chuyên gia dự đoán các công ty xe buýt, taxi và chuyển phát của Trung Quốc sẽ chuyển sang dùng xe điện ngày càng nhiều.

    “Chúng tôi định nghĩa ô tô của mình theo một cách hoàn toàn mới, thay vì sao chép mô hình của Apple và Tesla”, đồng sáng lập và phó chủ tịch của LeEco, Hank Liu nói. “Sản phẩm của chúng tôi không được cải tiến từ các xe có sẵn trên thị trường. Chúng là những sản phẩm mang tính cách mạng và chưa từng tồn tại trước đó”.

    Khó khăn về vốn

    Mặc dù các rào cản ban đầu đã được gỡ bỏ khi về mặt kỹ thuật, việc sản xuất ô tô điện đang trở nên đơn giản hơn, nhiều người vẫn tự hỏi các start-up Trung Quốc sẽ lấy đâu ra tiền để chế tạo hàng chục nghìn xe điện như đã hứa.

    Công ty ô tô Daimler của Đức cho biết, Hubertus Troska, giám đốc phụ trách Trung Quốc của hãng đã được mời đến LeEco trong tháng trước để tìm hiểu về mô hình kinh doanh của công ty này.

    “Tôi đã nói với ông Troska rằng chúng tôi sẽ định nghĩa lại ô tô”, Liu nói. “Với chúng tôi, ô tô điện chỉ là một loại màn hình điện thoại. Chúng tôi xem ô tô điện trong tương lai là cánh tay nối dài của Internet, một nền tảng để chúng tôi bán các nội dung và dịch vụ trên web”.

    Jia cũng đã phải vượt qua những khó khăn về vốn. Trong ba năm qua, đã có những đồn đoán rằng ông đã mất tích và bị tịch thu hộ chiếu vì có quan hệ với anh trai của Ling Jihua, một quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc bị bắt vì tội tham nhũng.

    Jia nói ông không mất tích, mà ở một khách sạn của California để nghiên cứu về Tesla và chiêu mộ một nhóm phát triển công nghệ ô tô điện. “Đó là khoảng thời gian khó khăn vì tôi phải đối mặt với các tin đồn từ bên ngoài và rắc rối bên trong công ty”, ông nói, ý chỉ việc LeEco mở rộng lĩnh vực kinh doanh ra ngoài mảng di động và truyền hình. “Nếu các dự án mới thất bại, chúng tôi có thể phá sản”, ông nói.

    Để gây dựng vốn cho dự án ô tô điện của LeEco, chị gái của Jia đã bán cổ phần của mình trong công ty và cho Jia vay không lãi suất. Ông cũng bán cổ phần của mình ở LeEco.

    Jia nói Ling Wancheng, anh trai của vị quan chức bị bắt chỉ là một nhà đầu tư thuần túy ở LeEco. Ông chưa bao giờ gặp Ling Jihua và hộ chiếu của ông cũng chưa bao giờ bị tịch thu.

    Khởi đầu từ chốn quê mùa

    Lớn lên trong một thị trấn nhỏ ở tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc, Jia đã có thời gian ngắn làm kỹ thuật viên máy tính ở một phòng thuế địa phương trước khi tách ra làm riêng. Ông đã mở một công ty bán phụ kiện máy tính, rồi sau đó chuyển sang điều hành một số nhà hàng và trường tư.

    Vào năm 2003, ông đã đơn thương độc mã tới Bắc Kinh với vỏn vẹn 31.000 USD trong tay, tìm cách phát triển công ty Sinotel Technologies của mình bằng cách cung cấp dịch vụ video streaming trên di động. Sau đó, ông đã niêm yết công ty trên sàn chứng khoán Singapore vào năm 2007. Cùng với Liu, ông đặt trên cho công ty là LeEco, một tập đoàn hiện nay có 11.0000 nhân viên ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Doanh thu của tập đoàn trong năm 2014 là 1,05 tỷ USD.

    Đồng nghiệp và bạn bè nói Jia là một doanh nhân sắc sảo và hào phóng. Ông luôn giành quyền trả tiền trong các bữa ăn và không bao giờ ngừng làm việc. Theo tạp chí Forbes, tài sản của ông vào khoảng 4,8 tỷ USD.

    Để chuyển đổi LeEco từ lĩnh vực IT sang sản xuất ô tô, Jia đã xây dựng quan hệ với hai công ty của Mỹ có trụ sở ở California là Atieva và Faraday. LeEco cũng có quan hệ hợp tác với Aston Martin BAIC.

    Ding Lei, giám đốc phụ trách mảng ô tô của LeEco, cho biết lợi thế của LeEco trong ngành công nghiệp ô tô là công ty này tiến tới tương lai mà không bị ràng buộc bởi quá khứ. Các nhà sản xuất ô tô truyền thông thường bị ám ảnh bởi công nghệ động cơ đốt trong nên không thích ứng nhanh với công nghệ ô tô điện.

    “Sự đột phá không thể đến từ các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Những công ty như chúng tôi mới là người tiên phong trên thị trường ô tô điện”, ông nói.

    Tham khảo: reuters

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ