Công nghệ 'kỳ diệu' biến cát sa mạc cằn cỗi thành đất màu mỡ có thể trồng trọt

    Anh Việt, Trí Thức Trẻ 

    (Tổ Quốc) - Nhóm nghiên cứu ở Đại học Giao thông Trùng Khánh (Trung Quốc) phát triển kỹ thuật đất hóa sa mạc, giúp chuyển đất cát khô cằn thành đất gieo trồng màu mỡ có thể trồng trọt.

    Nếu không có những hạt cát bị gió thổi làm bỏng rát cơ thể, Wang Zhixiang có thể dễ dàng quên rằng mình đang làm nông ở sa mạc Taklimakan. Đây là sa mạc lớn nhất ở Trung Quốc và là một trong những vùng khô hạn nhất trên thế giới.

    Điều kiện khắc nghiệt ở Taklimakan, nằm sâu trong Khu tự trị Tân Cương, khiến việc canh tác trên sa mạc trở nên không thực tế, vì vậy người dân địa phương có truyền thống dựa vào nguồn cung cấp thực phẩm từ các tỉnh khác.

    Tuy nhiên, Wang và các đồng nghiệp từ Đại học Giao thông Trùng Khánh muốn đảo ngược tình trạng này. Sử dụng một kỹ thuật sáng tạo gọi là "đất hóa sa mạc", họ đã biến cát sa mạc cằn cỗi thành đất sản xuất, có thể canh tác được với chi phí phải chăng. Họ đã được cấp bằng sáng chế cho một quy trình trộn một loại bột nhão làm từ cellulose thực vật với cát và đắp lên bề mặt sa mạc, mang lại cho nó các đặc tính giống như đất - với cùng khả năng duy trì nước, không khí và phân bón.

    Công nghệ 'kỳ diệu' biến cát sa mạc cằn cỗi thành đất màu mỡ có thể trồng trọt - Ảnh 1.

    Nhóm nghiên cứu ở Đại học Giao thông Trùng Khánh (Trung Quốc) phát triển kỹ thuật đất hóa sa mạc, giúp chuyển đất cát khô cằn thành đất gieo trồng màu mỡ.

    Được biết, loại bột nhão nói trên được phát triển vào năm 2013 bởi Giáo sư Yi Zhijian và nhóm của ông sau nhiều năm nghiên cứu.

    Yi là một nhà khoa học chuyên về cơ học của vật chất hạt tại trường đại học ở Trùng Khánh, một thành phố miền núi với độ che phủ rừng rộng lớn, rất khác với cảnh quan sa mạc.

    "Mỗi lần tôi nghĩ về khám phá có thể biến cát thành đất này, tôi lại phấn khích đến mức không thể ngủ được", người đàn ông 59 tuổi nói, nhớ lại khoảng thời gian khi phát minh này lần đầu tiên được công bố.

    Vào năm 2016 tại sa mạc Ulan Buh ở khu vực Nội Mông, một mảnh đất cát có diện tích gấp đôi sân bóng đá đã được xử lý bằng phương pháp mới và do đó đã biến thành vùng đất màu mỡ, cho năng suất lúa, ngô, cà chua, dưa hấu và hoa hướng dương.

    Nhà khoa học phát hiện ra rằng lô đất thử nghiệm vừa cần ít nước, vừa mang lại năng suất cao hơn so với những lô đất chưa được xử lý.

    Sau đó, công nghệ này đã được thử nghiệm ở nhiều địa điểm bằng cách sử dụng các thí nghiệm trồng trọt quy mô lớn hơn. Yi cho biết chi phí áp dụng biện pháp xử lý là từ 29.850 nhân dân tệ đến 44.776 nhân dân tệ (4.189 đến 6.283 USD) mỗi ha, nằm trong ngân sách của hầu hết người trồng trọt.

    Những thử nghiệm thành công này đã giúp nhóm nhận được nhiều giải thưởng quốc tế, bao gồm Giải thưởng Earthshot 2022, giải thưởng môi trường do Hoàng tử William của Vương quốc Anh thành lập, vì những nỗ lực bảo vệ và phục hồi thiên nhiên của họ. Với việc các quốc gia trên thế giới đánh dấu Ngày Thế giới Chống Sa mạc hóa và Hạn hán vào ngày 17 tháng 6, công nghệ làm đất sa mạc lại một lần nữa được chú ý.

    Tham khảo Xinhua

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ