Công nghệ thực tế ảo sẽ đặt dấu chấm hết cho hình thức mua sắm truyền thống?

    NPQM,  

    Trong thời đại phát triển vượt bậc của khoa học và kỹ thuật, các tiêu chuẩn và khía cạnh vốn có của đời sống đều có khả năng bị thay đổi, không thể lường trước được.

    Càng ngày thị trường mua bán online dựa trên nền tảng kết nối Internet càng trở nên phổ biến, từ đó mở ra vô số cơ hội tương tác giữa các doanh nghiệp và cộng đồng khách hàng tiềm năng. Đặc biệt, với trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến như hiện nay, sự phát triển và phổ biến nhanh chóng của smartphone càng khiến cho quá trình trên được xúc tiến và thúc đẩy hơn bao giờ hết. Tựu chung lại, những khía cạnh trên ít nhiều đã tạo tiền đề cho một loại hình mới đầy tiềm năng: "mua sắm thực tế ảo".

    Trải nghiệm thực tế ảo (Virtual Reality - VR) được sử dụng qua một thiết bị đeo mắt chuyên dụng, có chức năng đưa người dùng "thoát khỏi" thế giới thực tại, đến với không gian ảo số hóa nhờ công nghệ hiệu ứng hình ảnh giả lập sinh động. "Người anh em họ hàng" của nó - thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR) - thì lại khác biệt một chút: cung cấp trải nghiệm số song song với cảnh thực, tương tác lẫn nhau giữa cả 2. Google Glass là một trong những sản phẩm tiên phong ở lĩnh vực này.

    Tuy nhiên, nếu AR có thể thuận lợi hơn trong việc tích hợp vào một số ứng dụng có sẵn hoặc hỗ trợ trên nhiều thiết bị phổ biến, VR thì lại khác. Bộ phận đeo phù hợp cần có thiết kế và thông số phần cứng, phần mềm đi kèm tương thích để đạt trải nghiệm chân thực nhất. Ngoài ra, những thiết bị mô phỏng giác quan khác như cử chỉ, chuyển động bằng tay cũng có thể giúp cho toàn bộ quá trình được trọn vẹn và sâu sắc hơn.

    ỨNG DỤNG VÀO THƯƠNG MẠI

    Dù vậy, tỉ lệ ứng dụng công nghệ cao trong cơ sở hạ tầng thương mại vẫn còn nhiều hạn chế. Tất nhiên, điểm tích cực dễ thấy là sự phổ biến của Wi-Fi mọi nơi, hoặc một số cửa hàng còn có những bảng điện tử, màn cảm ứng phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin mặt hàng. Một lựa chọn được tin tưởng nhiều hơn là các màn hình hiển thị cố định đơn giản về danh sách đồ có sẵn. Thế nhưng, nếu nói đến những công nghệ đột phá hơn như "Gương điện tử" tự động mô phỏng hình ảnh phản chiếu của người soi với những bộ quần áo mà họ chọn trước đó, giúp khách hàng đưa ra quyết định nhanh chóng, phù hợp thì lại không được trọng dụng.

    Hầu như trong mọi trường hợp, khách mua hàng sẽ đánh giá cao vai trò và chức năng của công nghệ tương tác hơn là vẻ ngoài hào nhoáng liên quan đến hình thức của nó, đặc biệt là khía cạnh tiết kiệm thời gian nhưng vẫn hiệu quả. Đó chính là nguyên nhân chính yếu xúc tác nên sự thành công và tăng trưởng vượt bậc của mua sắm qua mạng cũng như các nền tảng chia sẻ ảnh như Instagram.

    Về phần những xu hướng công nghệ cao khác, nổi bật nhất là hệ thống "cửa sổ tương tác" được tích hợp GPS, bộ nhận và phát tín hiệu như Apple iBeacon và cơ chế "giao tiếp" với smartphone qua Bluetooth. Nhờ đó những thông tin về các mặt hàng gần đó mỗi khi điện thoại của khách hàng đi ngang qua đều được truyền tải và thông báo đến thiết bị của họ. Tân tiến là như vậy, nhưng cách thức này vốn có nguồn gốc xuất phát từ AR hơn là VR.

    Tương lai cho thực tế ảo?

    Vậy đâu mới là mảnh đất màu mỡ cho công nghệ VR? Chắc chắn công dụng và trải nghiệm của nó trong lĩnh vực này ít nhiều sẽ thành công, vì ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm đến từ Oculus Rift và Sony cung cấp chất lượng vô cùng chân thực. Một vài công ty đã tiến hành thử nghiệm thí điểm các cửa hàng vận hành qua nền tảng thực tế ảo, khi mà các khách hàng với thiết bị hỗ trợ VR hoàn toàn có thể tự tay chọn lựa các món đồ ngay trên kệ. giá đỡ trong khi vẫn ung dung tự tại ở nhà, không cần đi đâu xa.

    Ngoài ra, VR còn có khả năng bao quát cả nhu cầu được chiêm ngưỡng, làm sống lại những sự kiện, triển lãm thời trang và khoảnh khắc đáng nhớ. Chẳng hạn, Top Shop mới đây đã áp dụng Oculus Rift cho cộng đồng khách hàng của mình ở Oxford Street được chứng kiến màn trình diễn tại tuần lễ thời trang London của mình. Đây cũng có thể trở thành một công cụ quảng bá bền vững trong tương lai dành cho các doanh nghiệp cũng như cửa hàng phân phối bán lẻ.

    Trải nghiệm thực tế ảo từ Tesco Tele

    Bên cạnh đó, cơ chế giả lập môi trường và không gian 3D cũng đóng vai trò tối quan trọng nếu xét trên thị trường nội thất, trang trí vì nó giúp cho khách hàng tiềm năng có thể dễ dàng hình dung ra căn nhà của mình sắp tới sẽ ra sao. Nền tảng thực tế ảo Virtuix mới được triển khai gần đây còn gắn liền với một thiết bị tái hiện cử chỉ để mô phỏng, tương tác với môi trường một cách chân thực nhất.

    Dù sao thì trước mỗi bước thành công luôn tồn tại nhiều sóng gió không thể lường trước được, vì vậy trước khi hoàn toàn được đón nhận là công nghệ đột phá dành cho lĩnh vực thương mại, nền tảng thực tế ảo vẫn cần được định hướng và phát triển vững chắc hơn nữa, đảm bảo tiềm năng hứa hẹn và to lớn như được đánh giá từ trước tới nay.

    Tham khảo: Iflscience

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ