Công ty cung ứng linh kiện Face ID cho Apple cũng theo chân Google nghỉ chơi với Huawei

    Tấn Minh,  

    Đối tác cung ứng linh kiện Face ID cho Apple là Lumentum Holdings Inc đã quyết định theo chân Google "nghỉ chơi" với Huawei Technologies.

    Hôm Chủ nhật vừa qua, Google đã ngừng mọi hoạt động kinh doanh với Huawei có liên quan đến chuyển giao phần cứng, phần mềm và các dịch vụ kỹ thuật, trừ các hoạt động công khai thông qua giấy phép mã nguồn mở.

    Đó chính là "cú đánh" thẳng mặt đầu tiên theo sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, gây nên một làn sóng lan rộng ra toàn ngành công nghiệp chip toàn cầu, khiến cổ phiếu của các đối tác của Huawei đồng loạt rớt giá.

    Trong khi hầu hết các nhà cung ứng Mỹ vẫn chưa đưa ra tuyên bố về quyết định của họ đối với lệnh cấm Huawei, trang tin Bloomberg đã đưa tin rằng Intel Corp, Qualcomm Inc, Xilinx Inc và Broadcom Inc đều đồng loạt thông báo với các nhân viên rằng sẽ không cung ứng linh kiện cho Huawei cho đến khi nhận được các thông báo tiếp theo.

    Xilinx cho biết công ty đã biết về lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ và sẽ hợp tác. Các công ty khác hiện chưa đưa ra phản hồi của mình.

    Cổ phiếu của các công ty đã ngay lập tức rớt giá, và các nhà phân tích nhận định tình hình này sẽ diễn biến phức tạp hơn nhiều so với lệnh cấm Mỹ đưa ra vào năm ngoái nhắm vào một nhà cung ứng lớn khác từ Trung Quốc là ZTE.

    "Các công ty Mỹ chịu nhiều nguy cơ. Chúng ta đã thấy điều đó với ZTE. Những công ty làm ăn nhiều với Huawei là các công ty như Skyworth, Qualcomm và Seagate. Sẽ có nguy cơ trước mắt, không chỉ với những công ty đó mà với cả phần còn lại của ngành công nghệ" - Chaim Siegel, nhà phân tích của Elazar Advisors nói.

    Huawei, nhà cung ứng trang thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, đang nằm giữa làn đạn của Bắc Kinh và Washington. Mỹ cho biết các trang thiết bị của Huawei có thể bị Trung Quốc lợi dụng để do thám người Mỹ, tất nhiên Huawei liên tục phủ nhận cáo buộc này.

    Huawei nói hôm thứ Hai rằng sẽ tiếp tục hỗ trợ smartphone và tablet của hãng bằng cách cung cấp các bản cập nhật và dịch vụ bảo mật, sau khi bị Google cạch mặt.

    Nhưng công ty không nói rõ điều gì sẽ xảy ra với những điện thoại họ bán ra trong tương lai - nhiều khả năng chúng sẽ không truy cập được các dịch vụ phổ biến của Google, bao gồm Gmail, YouTube, và Maps trừ khi công ty nhận được một giấy phép đặc biệt.

    Lumentum, nhà cung ứng chính của công nghệ Face ID cho Apple, cho biết sẽ ngừng bán sản phẩm cho Huawei và không thể dự báo được khi nào sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh trở lại.

    Hãng này nói rằng Huawei chiếm 18% tổng doanh thu trong quý gần đây nhất, đồng thời cắt giảm dự báo trong quý thứ 4 xuống còn 375 triệu đến 390 triệu USD so với dự báo trước đó là từ 405 triệu đến 425 triệu USD.

    Các công ty khác như Neophotonics, Macom Technology Solutions Holdings Inc và Inphi Corp cũng thu về hơn 10% doanh thu của họ nhờ cung ứng các linh kiện quang học cho điện thoại của Huawei.

    Công ty cung ứng linh kiện Face ID cho Apple cũng theo chân Google nghỉ chơi với Huawei - Ảnh 1.

    Nếu ZTE không bị Mỹ đưa vào danh sách đen, các công ty Mỹ có thể chuyển sang ZTE như một con đường để đưa trang thiết bị mạng vào thị trường Trung Quốc. Nhưng nếu ZTE bị đưa vào danh sách đen, chuỗi cung ứng sẽ bị tác động mạnh.

    Gần một nửa trong số 208 triệu điện thoại Huawei bán ra trong năm 2018 là ở thị trường nước ngoài, và châu Âu là thị trường nước ngoài quan trọng nhất của hãng, nơi các thiết bị của Huawei chiếm 29% thị phần trong quý 1/2019.

    Việc bị Google cạch mặt nhiều khả năng sẽ khiến Huawei mất toàn bộ doanh số smartphone bên ngoài Trung Quốc, bởi "các thiết bị bán ra hiện nay gần như phụ thuộc vào hệ sinh thái (Google)" - một nhà phân tích công nghiệp khác cho biết.

    "Huawei sẽ không bị cấm dùng Android, vốn là một hệ điều hành mã nguồn mở, nhưng các thiết bị Android ngoài Trung Quốc sẽ cần truy xuất được đến các dịch vụ của Google mới có thể bán được" - Windsor nói thêm.

    Google cho biết cửa hàng ứng dụng Google Play và dịch vụ bảo mật Google Play Protect sẽ tiếp tục hoạt động trên các thiết bị hiện tại của Huawei.

    Bên cạnh những giới hạn về phần mềm, Huawei sẽ phải đối mặt với việc không thể mua bán với một số nhà cung ứng phần cứng của Mỹ. Huawei cần nhiều linh kiện từ Mỹ để sản xuất các công nghệ của chính mình.

    Nhà sáng lập và CEO Huawei, Nhậm Chính Phi, nói hôm thứ 7 rằng đà tăng trưởng của Huawei có thể chậm lại, nhưng chỉ chậm lại một chút vì lệnh cấm của Mỹ, và Huawei vẫn sẽ sống tốt dù cho Qualcomm và các nhà cung ứng Mỹ khác không bán chip cho hãng.

    Công ty sản xuất chip của Huawei, HiSilicon, đã và đang âm thầm phát triển các sản phẩm dự phòng trong nhiều năm qua nhằm chuẩn bị cho những tình huống mà Huawei không thể mua được những con chip và công nghệ tiên tiến từ Mỹ.

    Tham khảo: CNA

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ